Dior Men Pre-Fall 2020: Mật mã thời trang nam giới mới của Dior
Với slogan “I want to shock the world with DIOR” (tạm dịch: Tôi muốn đánh gục cả thế giới với DIOR”, Kim Jones đang thực sự làm gì với dòng thời trang nam giới đầy nhục cảm và từng là cái bóng của dòng thời trang nữ tại nhà mốt xa xỉ Pháp Christian Dior?
Ngay cả khi người mẫu đầu tiên chưa bước ra sàn diễn thì cả giới truyền thông đã phát rồ vì lần hợp tác của hai cái tên lớn làng thời trang thế giới trong BST Dior Men’s Fall 2020: một biểu tượng môn lướt ván, được xem như huyền thoại thiết kế – Shaw Stussy với tư cách cá nhân đồng ý bắt tay cùng Dior tạo ra mẫu họa tiết mới cho BST Chớm thu; hay đứa con chung của nhà mốt Pháp và nhãn hiệu bóng rổ Jordan (thuộc Nike), một phiên bản mới của đôi sneaker Air Jordan 1 – #AirDior.
Hiện nay, giám đốc nghệ thuật Kim Jones được xem là bậc thầy trong việc thổi bùng và tạo ra các xu hướng. Màn kết hợp giữa Louis Vuitton x Supreme chấn động vào mùa Chớm Thu 2017 cho Louis Vuitton đã đưa anh đến vị trí cầm lái con thuyền sáng tạo cho dòng thời trang nam của Dior vào tháng 3/2018. Vào buổi ra mắt BST đầu tiên tại ngôi nhà mới diễn ra ở Tokyo năm trước, Jones hợp tác cùng nghệ sĩ Nhật Bản Hajime Sorayama cho ra đời các thiết kế và phụ kiện đậm chất vị lai, mà không thể không nhắc đến chiếc Saddle bag bằng kim loại sáng bóng mê hoặc giới mộ điệu. BST không chỉ là lần trao duyên giữ Đông và Tây, mà còn là cách nghệ thuật thủ công nhà nghề hòa quyện hoàn hảo với công nghệ tương lai. Show diễn đã đánh dấu thành tựu to lớn mà Kim Jones đạt được tại nhà mốt xa xỉ Pháp.
BST không chỉ là lần trao duyên giữ Đông và Tây, mà còn là cách nghệ thuật thủ công nhà nghề hòa quyện hoàn hảo với công nghệ tương lai.
Có thể gọi #DiorMiami Fall 2020 là gì? Bữa đại tiệc của bóng tối và ánh sáng? Niềm vui và sự nghiêm túc? Hay cuộc chơi ngẫu hứng cùng bảng màu đơn sắc? Diễn ra tại nhà kho cạnh bên bảo tàng Rubell, Miami với sự xuất hiện của những thiết kế mới nhất đến từ Kim Jones, show diễn được ví như “Cái chạm tuyệt vời của kỹ thuật may đo nhà nghề Pháp và hơi thở văn hóa lướt sóng Mỹ”.
Hơn 1500 vị khách tham dự buổi diễn trong một căn phòng với trần được tạo nên như một tấm ván lướt sóng, phủ khắp các mặt tường là họa tiết graffiti được sáng tạo bởi Shawn Stussy với cái tên Dior quen thuộc. Từng người mẫu bước ra với những bộ cánh rực rỡ, phối kết hoàn hảo cùng tinh thần “joie de vivre” (vui vẻ) của văn hóa lướt sóng.
Chiếc áo khoác một nút nổi tiếng của Jones được thêm thắt với hình ảnh các bông hoa màu đỏ hibiscus, xanh dương, vàng nghệ trên ve áo – gợi nhắc phong cánh trang trí đặc trưng trong kiến trúc vùng biển nhiệt đới Miami. Trong khi đó họa tiết Dior oblique lại xuất hiện trên các mẫu áo len sweaters và áo sơmi quá khổ, đối lập với những chiếc quần họa tiết da trăn bóng loáng. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của kiểu mũ nồi Pháp và mũ bob được thêu nổi các họa tiết hình học mà Shawn sáng tạo.
Kim Jones, những sự hợp tác, “I want to shock the world with DIOR” trở thành mật mã mới cho thành công của dòng thừoi trang nam tại Dior
Giữa rất nhiều các thiết kế rực rỡ, có thể kể đến chiếc áo thun với khẩu hiệu “I want to shock the world with DIOR” (Tôi muốn đánh gục cả thế giới) phối cùng chiếc quần dài trắng cùng màu. Còn có chiếc áo sơ mi phủ đầy họa tiết new ‘DIOR’ của Shawn Stussy phối cùng chiếc cà vạt hờ hững, ẩn trong lớp áo được làm từ loại len mỏng của những vùng nhiệt đới, nhất là nguyên look chiếc áo len màu xanh da trời với họa tiết hoa lá nhiều màu khoe sắc đi cùng quần ngắn dạo biển màu trắng ngà.
Không chỉ có quần áo, phụ kiện cũng là các sáng tạo được đặc biệt chú ý. Cùng dạo quanh DiorMiami và ngắm nhìn những chiếc mũ bob (được tạo ra bởi bậc thầy nhiều năm kinh nghiệm Stephen Jones nhà Dior) lấy cảm hứng từ mũ đội đầu của thủy thủ nhưng rực rỡ, hấp hẫn hơn rất nhiều, đặc biệt khi đi cùng họa tiết mới mà Shawn Stussy dành cho Dior. Nếu không, hãy cảm nhận những chai nước bằng thép không gỉ cách nhiệt xuất hiện trên sàn runway với kiểu chữ phong cách graffi vừa tiện dụng nhưng cũng vô cùng thời trang.
Dĩ nhiên, nếu là một tín đồ streetwear cuồng nhiệt, không thể bỏ qua mẫu sneaker làm từ 100% da Ý được vẽ tay, có chiếc swoosh trứ danh của Nike trên nền họa tiết Dior Oblique, đặc biệt là phần logo DIOR và dòng chữ Air Dior cùng huy hiệu hình đôi cánh. Hiện tại các cộng đồng thời trang đang điên đảo vì mẫu phụ kiện này, rất nhiều người mong muốn biết được giá của đôi sneaker này. Đến nay giá của nó vẫn không được tiết lộ, nhưng có thể dự đoán vào khoảng 3000 đô la Mỹ, hoặc cao hơn khi nó được bán lại. Đó thật sự rất đáng đầu tư.
Nếu đêm tiệc tại #DiorTokyo đưa khán giả đến với những giây phút sôi động theo giai điệu của DJ hàng đầu, Diplo, bên dưới bức điêu khắc nữ robot quyến rũ của Sorayama cao 12 mét được thắp sáng một cách huyền ảo bới TeamLab, thì #DiorMiami lại bùng nổ cảm xúc với âm nhạc của DJ A-Trak trong bầu trời đêm được thắp sáng bởi pháo hoa mà Dior đã cất công chuẩn bị vô cùng công phu, thể hiện khả năng tổ chức những sự kiện hoành tráng của nhà mốt này.
Thời trang là hiện thân của nghệ thuật hay nó chỉ là một phương tiện người ta lợi dụng để có thể bán được nhiều sản phẩm hơn?
Nhưng các khách mời cũng không quên chú ý đến bảo tàng Rubell gần kề (sở hữu BST đồ sộ các tác phẩm nghệ thuật đương đại), nó khơi gợi lại một câu hỏi vô cùng quen thuộc luôn ám ảnh các NTK: Liệu thời trang có tính nghệ thuật hay không?
Thời trang vẫn luôn song hành cùng nghệ thuật, đó có thể là tài nghệ may đo bậc thầy từ các nghệ nhân nhà Dior, hoặc những mẫu họa tiết ngẫu hứng bởi nghệ sĩ Shaw Stussy. Thế nhưng nó có thật sự chạm đến trái tim khán giả hay không? Thời trang là hiện thân của nghệ thuật hay nó chỉ là một phương tiện người ta lợi dụng để có thể bán được nhiều sản phẩm hơn?
Bất kể thiên hướng của bạn là gì, nhưng có một điều chắc chắn: DiorMiami cũng giống như những thành quả lao động nghệ thuật khác, nó không dành cho số đông. Một người cần có con mắt tinh tế để nhận ra ý nghĩa đằng sau những dãy màu vui tươi pha chút ngẫu hứng của Shawn Stussy, những bản in di sản nhà Dior hay các dấu ấn riêng của NTK Kim Jones.
Để hiểu được nghệ thuật, đó không chỉ là một quá tình quan sát và suy nghĩ, đó còn là sự cảm thụ một cách chính xác thông điệp mà nghệ sĩ gửi đến khán giả.
Hiếu Lê