Hugo Boss Asia Art 2019 và sự tham gia của nghệ sĩ người Việt Phan Thảo Nguyên
Đầu tháng 11, Giải thưởng Hugo Boss Asia Art 2019 đã chính thức khép lại với những người chiến thắng, và trong số 4 nghệ sĩ được đề cử có sự góp mặt của đại diện từ Việt Nam – Phan Thảo Nguyên.
Phan Thảo Nguyên là một trong 4 nghệ sĩ được đề cử cho giải thưởng Hugo Boss Asia Art 2019 với tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử và quê hương. “Mute Grain” là tác phẩm đầy ám ảnh thể hiệnn cách lý giải cá nhân đầy sống động về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam, được cho là đã gây ra 2 triệu cái chết ở Đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam. Sự kiện xảy ra trong thời kỳ Quân đội Nhật xâm chiếm Đông Dương, kéo dài từ năm 1940 đến năm 1945.
Tác phẩm của Nguyên ghi lại lịch sử truyền miệng mà nhà sử học Văn Tạo trao tặng Bảo tàng Quốc gia Việt Nam, với những tư liệu tuyệt vời từ truyện dân gian đến biên niên sử Việt Nam. Tác phẩm được trình bày bởi hai thanh thiếu niên trong giọng điệu trữ tình, lấy cảm hứng từ tác phẩm “Palm of the Hand Stories” của nhà văn Nhật Bản sau chiến tranh – Yasunari Kawabata.
Câu chuyện kể về cái chết của người phụ nữ trẻ mang tên August. August không thể đầu thai vào kiếp sau và trở thành nữ ma đói. Cô vẫn giữ hình dạng con người xuất hiện giữa những lớp không gian – thời gian mờ ảo qua lớp lụa, rèm đay và khung điện ảnh cùng với anh trai mình là March, người đàn ông lơ lửng lo lắng nỗ lực tìm kiếm cô. Dụng ý tên gọi nhân vật March (tháng Ba) và August (tháng Tám) ám chỉ những tháng nghèo nhất trong năm âm lịch, thời điểm mong manh khi người nông dân phải chạy vạy vay tiền và tìm công việc phụ mưu sinh.
Thảo Nguyên trả lời phỏng vấn: “Khi nghiên cứu thời kỳ Nhật chiếm đóng Đông Dương, tôi thấy rõ an ninh lương thực luôn là tấn bi kịch chưa bao giờ kết thúc, và là nguyên nhân cuối cùng cướp đi nhân tính và ăn mòn cả văn hóa lẫn tự nhiên. Trong tình hình chính trị toàn cầu hiện nay, nạn đói vẫn tiếp tục hoành hành ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Thế nên, giá trị tác phẩm Mute Grain vẫn còn rất lớn”.
Giành chiến thắng chung cuộc là Eisa Jocson – nghệ sĩ, vũ công và biên đạo múa người Phillippines. Eisa lừng danh ở những tác phẩm sử dụng chuyển động hình thể nhằm thể hiện sự hình thành bản sắc và dịch chuyển xã hội (social mobility). Một trong những tác phẩm nổi bật của cô trong triển lãm phải kể đến “Corponomy” – ghi lại những mảnh ghép biểu diễn quá khứ bao gồm múa cột, múa macho, khắc họa hình tượng nàng Bạch Tuyết và bắt chước nữ nhân viên hộp đêm trong một cuộc khám phá cơ thể người phụ nữ và vai trò, ý nghĩa tiềm năng của nó.
Một tác phẩm khác của Eisa bao gồm “Super Woman KTV”, 2019 – dựa trên những nghi lễ dân gian, truyền thống, truyền miệng và các bài hát pop đương dại. Những video âm nhạc karaoke nhằm kích thích tư duy của âm nhạc và màn trình diễn nhảy, khiêu vũ, đồng thời đặt câu hỏi về ý nghĩa tính nữ ở Philippines theo chiều dài thời gian.
HUGO BOSS ASIA ART là giải thưởng do Hugo Boss và Bảo tàng Nghệ thuật Rockbund khởi xướng từ năm 2013, nhằm mục đích hỗ trợ các nghệ sĩ đương đại đang trong giai đoạn đầu của sáng tạo nghệ thuật, giúp họ thực hành triển lãm và làm phong phú khả năng của nghệ thuật đương đại.
Giải thưởng tìm kiếm những nghệ sĩ mới nổi ở châu Á với những sáng tạo khác lạ, tươi mới, thể hiện bối cảnh nghệ thuật, xã hội và văn hóa của họ qua diễn giải về thị giác. Về mặt nghệ thuật, phạm vi của các tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Rockbund trải dài từ hội họa thông qua điêu khắc, sắp đặt, nghệ thuật video và nghệ thuật trình diễn. Trọng tâm là các nghệ sĩ trẻ có tác phẩm đã cho thấy dấu hiệu quan trọng trong tương lai của họ đối với nền nghệ thuật châu Á.
Billy Tang, Quản lý cấp cao tại Bảo tàng nghệ thuật Rockbund, là giám tuyển cho triển lãm Hugo Boss Asia Art 2019, khai mạc vào ngày 18/10 và trưng bày đến hết 05/01/2020. Một số tác phẩm trưng bày khác đến từ nghệ sĩ Hao Jingban ở Bắc Kinh và Hsu Che-Yu tại Đài Bắc.