ART & CULTURE

Nhà sưu tầm Lê Anh Tuấn: Cha, con và tình yêu xe cổ sơn mài

Sep 04, 2019 | By Trang Ps

Xuất phát từ niềm đam mê cái đẹp của từng đời xe Vespa và Lambretta, nhà sưu tầm xe cổ Lê Anh Tuấn đã thực hiện ý tưởng làm sơn mài lên xe Vespa cổ khi có nhân duyên gặp gỡ họa sĩ Trần Dân. Cũng chính cuộc gặp định mệnh ấy đã khởi đầu cho chiếc Vespa cổ sơn mài đầu tiên ở Việt Nam và cũng có thể là đầu tiên trên thế giới.

Nhà sưu tầm xe cổ Lê Anh Tuấn và con gái.

Khi nhắc đến sơn mài, thế giới liền nghĩ ngay đến mỹ thuật Việt Nam với hai họa sĩ nổi tiếng tiên phong là Nguyễn Gia Trí và Phạm Hậu – người đã tìm tòi nghiên cứu để phối hợp với những phương thức sơn mài mới. Và ngay cả khi hồ sơ đa quốc gia được đề xuất trình UNESCO nhằm ghi danh nghệ thuật sơn mài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chất liệu này tiếp tục phát huy tính ứng dụng của nó trên nhiều chất liệu hoàn toàn mới như sắt, thép mà ngỡ chừng khó có thể thực hiện.

Đặc biệt, với những người am tường về sơn mài ta, mọi ngờ vực ban đầu dần tan biến khi được tận mắt chứng kiến hai chiếc xe Vespa cổ sơn mài xuất hiện nổi bật quanh 36 phố phường thủ đô. Dưới ánh nắng vàng vọt của ngày hè Hà Nội, LUXUO đã có dịp ngồi lại với nhà sưu tầm xe cổ Lê Anh Tuấn, chủ nhân của hai chiếc xe Vespa cổ sơn mài để cùng khám phá về hành trình hữu duyên đến với tác phẩm độc đáo này của anh.

Chào anh Lê Anh Tuấn! Niềm đam mê xe cổ nói chung và xe cổ sơn mài nói riêng của anh đã hình thành trong bối cảnh đặc biệt nào?

Tôi biết đến xe cổ vào năm 2011 nhưng để nghiêm túc chơi thì phải chờ mãi đến năm 2016. Tức là bản thân mất 4, 5 năm không hứng thú gì trước khi trở thành một kẻ si tình vì xe cổ. Thời điểm ấy có thể do công việc bận rộn, nhưng chia sẻ một cách thật lòng, là vì cảm xúc chưa thực sự tới. Cũng giống như người đàn ông bỗng chốc say tình trước người phụ nữ xinh đẹp, nhưng đến khi quấn quýt bên nhau mới ngỡ ra là mình không yêu.

Nhưng, nhân duyên ấy thật sự đến vào năm 2016 và tôi chơi xe cổ bền bỉ đến tận bây giờ. Hiện tại, tôi sở hữu hai chiếc Vespa cổ sơn mài là Vespa Sprint 07 (1967) và Vespa Et3 primavera 125 (1978) cùng hơn chục chiếc xe cổ đa dạng khác. Một số người hỏi tôi lý do tại sao, nhưng đôi khi lời đáp của một câu hỏi lại là một câu hỏi khác, chẳng hạn như “tại sao bạn lấy vợ mình dù trước đó bạn đã yêu thích rất nhiều cô gái khác?”. Tất cả mọi thứ xảy ra đều là hữu duyên.

Để làm ra một tác phẩm độc đáo như xe cổ sơn mài, việc bạn sẵn sàng bỏ ra 5.000 USD hay 10.000 USD chưa chắc đã thực hiện được. Thứ nhất, họa sĩ và người chơi xe cần có thời gian trao đổi với nhau về ý tưởng cho tác phẩm của họ. Thứ hai, bạn phải tin tưởng giao phó hoàn toàn cho họa sĩ để họ tự do sáng tác sau khi mọi thảo luận giữa hai người đã xong xuôi. Sơn mài là một sản phẩm tự nhiên nên những hình ảnh và họa tiết của tác phẩm sẽ hiện lên bất cứ lúc nào trong quá trình sáng tác. Do vậy, họa sĩ sẽ biết cách giữ lại hay tiếp tục quá trình để tìm kiếm thêm các tác phẩm dưới những lớp sơn.

Trong cuộc đời xuất hiện nhiều mối nhân duyên đặc biệt mà chúng ta chỉ có thể gói gọn trong hai chữ “nhiệm màu”. Tôi cũng thật sự tò mò, hữu duyên giữa anh và nghệ sĩ sơn mài xảy ra trong hoàn cảnh như thế nào?

Trước đây, tôi có chơi thân với cậu bạn làm kiến trúc sư. Anh ấy lại chơi thân với Trần Dân, một họa sĩ sơn mài truyền thống. Vào một hôm đẹp trời, cả ba cùng rủ nhau đi nhậu. Đầu tiên, tôi cũng chỉ chia sẻ thoáng qua rằng tôi muốn vẽ lên chiếc xe này như gia tăng tính thẩm mỹ của nó. Nhưng nghe đến đoạn ấy, anh chàng họa sĩ liền đề nghị được vẽ sơn mài “miễn phí” lên chiếc xe cổ của tôi. Tôi vui vẻ gật đầu đồng ý.

Tôi chuyển chiếc xe cho Trần Dân để anh mang về làng Bắc Cầu nằm ven sông Hồng, nơi đây tập trung nhiều họa sĩ sơn mài cùng thuê nhà và sáng tác. Sau đó không lâu, họa sĩ chuyển xưởng về ngôi nhà không dùng nữa của tôi tại 1135 Minh Khai, rồi lập nên xưởng tranh của mình. Từ đây, chúng tôi bắt tay thực hiện ý tưởng xe cổ sơn mài cùng nhau.

Chính cuộc gặp ấy là khởi đầu cho chiếc Vespa cổ sơn mài đầu tiên ở Việt Nam và cũng có thể là đầu tiên trên thế giới.

Đó là một mối nhân duyên kỳ lạ và đặc biệt. Trần Dân cũng là nghệ sĩ sơn mài khá nổi tiếng từng có thời gian thực hành nghệ thuật ở Thượng Hải. Những bức tranh của cậu được một số nhà sưu tầm tên tuổi mua lại. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy bất cứ một chiếc Vespa cổ nào được sơn mài ngoài hai chiếc mà tôi đang sở hữu và một chiếc của chính Trần Dân. Có thể xuất hiện một vài ý tưởng, nhưng yếu tố tinh thần không nhiều vì nghệ thuật sơn mài trên xe cổ cần đến yếu tố xúc cảm như một điều kiện đặc trưng.

Chắc hẳn, những người chơi xe cổ sau khi quan sát tác phẩm xe cổ sơn mài của anh sẽ vô cùng hứng thú. Nếu tôi là một người chơi xe cổ, có lẽ, tôi cũng nhất định sẽ hỏi anh bí kíp để có một chiếc như thế này và lên kế hoạch làm ngay.

(Cười). Theo như tôi được biết, có rất nhiều người muốn thử sức dòng xe này nhưng thật sự, họ làm chưa tới hoặc chưa thành công. Những anh em trong hội chơi xe cũng thi thoảng hỏi tôi bí quyết hay nhờ tôi tìm kiếm một họa sĩ sơn mài phù hợp để hợp tác cùng. Người mà tôi luôn đề xuất chính là họa sĩ Trần Dân. Nhưng vốn dĩ câu chuyện không hề đơn giản như thế. Đã là nhân duyên thì khó lòng ép buộc và dàn xếp.

Hai chiếc Vespa cổ của tôi được thực hiện bằng sơn mài truyền thông. Sơn mài ta hay sơn mài truyền thống phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, trời khô ráo thì lâu khô, nhưng thời tiết có độ ẩm cao lại nhanh khô. Nhưng xét về yếu tố nghệ thuật, rõ ràng, sơn mài ta vẫn được ưa chuộng hơn sơn mài Nhật bởi sự công phu trong quá trình thực hiện và sau khi hoàn thành. Cũng vì ưu nhược điểm này mà việc thực hiện sơn mài trên xe Vespa cổ vô cùng hiếm hoi và khó thực hiện.

Để đạt được một tác phẩm xe cổ sơn mài, thời gian hoàn thiện kéo dài từ 5 đến 7 tháng. Với điều kiện thời tiết Hà Nội, sau khi sơn được một lớp, tôi sẽ phải cho xe vào phòng tắm để ủ (vì điều kiện xưởng chưa có nhà ủ theo đúng quy trình của sơn mài). Trong đó độ ẩm cao và thời gian để một lớp sơn khô cũng cần từ 15 đến 20 ngày. Những con số đã thể hiện được mức độ công phu và đòi hỏi tính kiên nhẫn của cả chủ sở hữu xe lẫn người họa sĩ.

Khi chiếc Vespa cổ sơn mài đầu tiên của tôi chính thức ra lò, nó tạo nên đột phá mới trong lĩnh vực nghệ thuật. Đột phá mới ấy càng đặc biệt hơn khi tác phẩm xe cổ dùng sơn mài ta chứ không phải sơn mài Nhật, từ đó nâng tầm giá trị văn hóa của chất liệu truyền thống Việt Nam.

Trước đó, chúng tôi cũng cùng nhau nghiên cứu việc thực hành mài sơn ta lên chất liệu sắt thép, đặc biệt là chất liệu sắt thép điển hình của Vespa. Và theo như chúng tôi tìm hiểu, chưa một họa sĩ Việt Nam nào thành công trong quá trình thử nghiệm này. Vì thế, khi chiếc Vespa cổ sơn mài đầu tiên của tôi chính thức ra lò, nó tạo nên đột phá mới trong lĩnh vực nghệ thuật. Đột phá mới ấy càng đặc biệt hơn khi tác phẩm xe cổ dùng sơn mài ta chứ không phải sơn mài Nhật, từ đó nâng tầm giá trị văn hóa của chất liệu truyền thống Việt Nam.

Anh và họa sĩ Trần Dân đều cùng tham gia vào quá trình sáng tạo nên một tác phẩm xe cổ sơn mài ưng ý. Những ý tưởng trên chiếc xe được thể hiện như thế nào, thưa anh?

Nhìn vào chiếc xe này, bạn có thể thấy mặt trái là Phật nhưng mặt phải lại là biểu tượng của cái ác. Đây được gọi là năng lượng thu phục nhân tâm, ý ám chỉ con người nên hướng về cái thiện. Có một số chi tiết ý nghĩa khác như hình ảnh bàn chân, bàn tay, đầu rùa Hồ Gươm, kỳ lân, hình cổ quái… Những ý tưởng này thoáng chợt hiện ra trong đầu và cả hai anh em chúng tôi cùng nhau thực hiện.

Tuy nhiên, sơn mài ta là một chất liệu đặc biệt và tự nhiên, người họa sĩ không phải cứ muốn mài ra cái gì thì hình thù sẽ xuất hiện như thế đấy. Họa sĩ mài tự nhiên trên các lớp sơn và các hình ảnh sẽ dần hiện lên mà không có sự sắp đặt trước, từ đây tạo nên những đường nét độc đáo cho tác phẩm. Chính vì vậy, nghệ thuật sơn mài trên xe Vespa cổ là một tác phẩm khác biệt mà bất cứ nhà sưu tầm nào cũng nên trải nghiệm một lần trong đời.

Nghệ thuật xe cổ sơn mài là điều ngẫu nhiên, không ràng buộc, không ép buộc.

Để tạo nên thành công trên tác phẩm Vespa cổ cần đến yếu tố thiên thời địa lợi và cái hữu duyên. Bạn có thể bỏ ra hàng ngàn USD để sở hữu một tác phẩm tương tự nhưng chưa chắc, người họa sĩ ấy đã nhận làm. Vì như tôi đã chia sẻ ở trên, sơn mài ta cực kỳ độc và mài sơn ta lên xe cổ là thực hành quá mới.

Họa sĩ thực hiện tác phẩm sơn mài ta đều vất vả và phải trả giá. Khi sáng tác sơn mài, nhiều người thường xuyên bị “tai nạn” hay “dị ứng”, nhẹ thì sưng mặt, nặng thì bị lở loét và phải tắm lá khế để giảm bớt. Chính vì thế, không nhiều người trong số họ chọn sáng tác bằng sơn mài truyền thống mà chuyển qua dùng sơn Nhật. Nghề chọn người, chứ người không chọn nghề.

Nếu xét về phương tiện đi lại hàng ngày, có lẽ người ta sẽ không chọn xe cổ mà thay vào đó, mua một chiếc SH đi làm, đi chơi. Nhưng Lê Anh Tuấn lại khác, anh đã “săn mây Tà Xùa” hay lái xe từ Bắc vô Nam bằng chính những chiếc xe cổ của mình.

Gần như những người chơi xe cổ đều có mong muốn du lịch, và tất cả các tỉnh thành đều có anh em chơi xe. Chỉ cần ghé đến thôi, chúng tôi giao tiếp với nhau không cần câu nệ, không cần khách sáo như thể đã quen nhau từ kiếp trước. Người này ngắm xe người nọ, và từ đó tạo nên văn hóa chơi xe cổ vô cùng thân thiện và vui vẻ.

Những người không hiểu xe cổ thường hỏi “con xe này mua bao nhiêu?”. SH là phương tiện đi lại nhưng với xe cổ, bạn phải cần tình cảm thì mới chơi được. Bạn có nhiều tiền, bạn có thể mua rất nhiều xe cổ, nhưng nếu không phải là người si tình vì xe cổ, có lẽ, những chiếc xe ấy chỉ khiến ngôi nhà của bạn thêm nặng nề mà thôi. Còn với người đam mê xe cổ như tôi, nó không còn là vật vô tri vô giác nữa rồi. Vật chọn người, chứ người không chọn vật.

Tôi nghĩ văn hóa chơi xe cổ là thứ văn hóa rất duyên, nó đã tạo ra một cộng đồng chơi xe giàu cảm xúc mà khó ai có thể lý giải được bằng lời.

Tôi đã từng gặp những người chơi xe sở hữu những chiếc xe đã kinh qua 60, 70 mùa Xuân. Năm tháng càng qua đi, xe cổ càng quý đối với họ. Thời gian càng trôi đi, mối tình với xe cổ càng đậm đà, sắt son.  Họ yêu quý và chăm sóc chúng như con cái của mình và chiếc xe cổ ấy trở thành người tình, người bạn trong cuộc sống của họ. Tôi nghĩ văn hóa chơi xe cổ là thứ văn hóa rất duyên, nó đã tạo ra một cộng đồng chơi xe giàu cảm xúc mà khó ai có thể lý giải được bằng lời.

Cám ơn anh vì những chia sẻ rất thú vị này!

Bài: TRANG PS | Ảnh: ALVIS NGUYEN


 
Back to top