8 concept nhà ở thành thị mang năng lượng an lành và yên tĩnh
Từ Nhà Lồng Hẻm, Nhà Quiin đến Nhà Phi, những không gian sống dưới đây dù tọa lạc ở chốn thành thị đông đúc và ồn ào như Sài Gòn nhưng vẫn đảm bảo mang đến nguồn năng lượng thanh tĩnh và an lành suốt cả ngày cho các thành viên trong gia đình.
1/ Phi House: Ngôi nhà dành cho người hướng nội
Phi House là mô hình kiến trúc linh hoạt và thông minh cho những người làm việc tại nhà, với khái niệm thiết kế P.H.I = Tốc độ (pace) + Hybrid + Hướng nội (Introvert personality).
Giải pháp thiết kế này tạo ra sự lắng đọng của thời gian. Bên cạnh đó, do ngân sách hạn chế của gia đình, UX Space đã đề xuất một thiết kế tối giản nhằm giảm chi phí xây dựng và thời gian lắp đặt, nhưng vẫn đảm bảo sự tiện nghi.
Tại Phi House, không có ranh giới cụ thể giữa các không gian (bếp, khu vực ăn uống, phòng ngủ, phòng làm việc, phòng lưu trữ). Việc kết hợp không gian dọc theo hành lang chính, được xác định bởi một kệ gắn sẵn dài 14 mét.
Không giống như những nhà phố điển hình tại Sài Gòn, Nhà Phi mở ra bên ngoài và hướng vào bên trong. Hai mặt tiền đơn giản ở trước và sau, chỉ có một khoang hở vừa đủ đón ánh nắng ban ngày và thông gió, tránh ồn và ô nhiễm không khí, đồng thời duy trì sự riêng tư và thân mật cho chủ sở hữu.
2/ Nhà Lồng Hẻm: Lối sống thảnh thơi trong không gian tối giản
Thiết kế hiện đại và tươi sáng, bố cục sắp xếp thông minh và linh hoạt, Nhà Lồng Hẻm là mái ấm an lành mang đến những phút giây thư thái và ấm áp cho bố mẹ và con gái.
Thiết kế khai thác chi tiết lòng hẻm đạt bề rộng tối đa tại vị trí xây dựng cùng bối cảnh cơi nới balcony hiện trạng xung quanh; hình thành phương án có cấu trúc console, ôm lồng con hẻm. Chức năng sử dụng tầng trệt được bố trí tối thiểu, lùi về sau, nhường diện tích cho khoảng sân nhỏ trước, đáp ứng nhu cầu mở một hàng ăn nhỏ tại nhà trong tương lai gần.
Sản phẩm là kết quả đối thoại giữa giải pháp kiến trúc sư cùng sở thích chủ nhà, phần nào thể hiện qua chi tiết và màu sắc của công trình.
3/ Nhà Quiin: Những khoảng thở yên tĩnh và trong lành
Nhà Quiin được thiết kế cho chủ nhân yêu thích vẻ đẹp đơn giản, mộc mạc nhưng đôi phần nổi loạn. Mái ấm toát lên nguồn năng lượng yên tĩnh, trong lành và dồi dào cảm hứng.
Ngôi nhà nổi bật với những “khoang” hay “khối” chức năng khác nhau neo trong “không gian trống”. Mỗi khoang đều nổi bật với lượng ánh sáng thiên nhiên đã được điều hòa thông qua các hệ thống điều chỉnh. Nhờ vậy mà đối lưu không khí trở nên hiệu quả hơn.
Nhờ sàn gỗ thở phía trên, hành lang bên dưới vẫn đủ ánh sáng tự nhiên, đối lưu không khí tốt. Cách tiếp cận này giúp tiết giảm lượng đèn điện, kết nối các khối không gian từ các tầng khác nhau một cách liền mạch.
4/ Nhà 9A: Hình mẫu cho lối sống đương đại của một gia đình Việt Nam
Dự án trải rộng trên diên tích 54 mét vuông, mặt tiền hướng Đông Nam, nằm trong khu dân cư đông đúc, xung quanh là các dãy nhà 3 – 4 tầng với mật độ dày đặc. Việc bố trí không gian dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng các điều kiện vi khí hậu, đảm bảo thông gió và chiếu sáng thích hợp cho các hoạt động diễn ra bên trong.
Với chiều ngang chỉ 3 mét, các công năng được bố trí trên một tầng riêng biệt, tạo không gian kết nối thông qua giếng trời.
Phòng bếp và phòng ăn được nâng lên cao, giúp giải phóng tầng trệt thành một không gian liên hoàn và không giới hạn. Phòng ngủ chính được bố trí theo khối liên thông hai tầng phía trước. Không gian học được bố trí trên cùng để tạo sự riêng tư.
Ánh sáng được bố trí từ từ theo các vùng tác động trực tiếp và riêng rẽ, góp phần tạo ra một trường năng lượng yên bình và quen thuộc, theo kiểu nhà ở Á Đông truyền thống.
5/ Nhà Triền Dốc: Độc đáo mà thân thuộc
Khu đất nằm trên một con đường nghiêng, rẽ nhánh từ một ngã ba thấp hơn, bao quanh bởi những cây xanh và đối diện một công viên nhỏ. Lô đất dốc nhẹ ở phía sau, gây nên sự chênh lệch mức độ khoảng 1.5 mét.
Độ dốc là khái niệm mà studio cố gắng phát triển trong dự án này. Kế hoạch của nhóm là chia tòa nhà theo chiều dọc thành hai phần, có thể tiếp cận bằng hai cầu thang khác nhau.
Cầu thang phía trước được sử dụng cho mục đích dẫn từ gara lên phòng khách, cầu thang phía sau được các thành viên trong gia đình sử dụng để tiếp cận nhiều không gian khác nhau.
Để tận dụng độ chênh lệch của địa hình dốc, các tấm sàn được sắp xếp so le, tạo ra một sân bán ngoài trời với trần cao và thoáng mát, được dùng làm sân chơi hoặc không gian tụ họp. Thay vì xếp các hộp chồng lên nhau, phần trên được đẩy lùi về phía sau, đồng thời tích hợp với mái bằng đất nung.
Phương pháp này giúp tòa nhà tránh sự nặng nề. Sau khi đi qua cổng chính, khối lượng phía trên dần bị biến mất, mọi người sẽ cảm nhận được quy mô từ sàn đến trần có sự nhẹ nhàng và thân thuộc.
6/ Nhà của chàng độc thân Sài Gòn
Ánh sáng xuyên qua những ô giếng trời đóng vai trò như bản nhạc ánh sáng mang đến niềm vui sinh động cho cuộc sống của một anh chàng độc thân ở Sài thành.
Story Architecture đã tiếp cận công trình này theo lối thiết kế hiện đại với nguồn ánh sáng tự nhiên chan hòa trong từng ngõ ngách các căn phòng.
Những ô cửa kính mở với rèm cửa vải nhạt màu mềm mại làm trung hòa lượng ánh sáng này, giúp đối lưu không khí và điều hòa nhiệt độ phòng.
Chủ nhân dù sống một mình nhưng có thể thấy, không gian ngôi nhà khá rộng, và mỗi tầng lại được chia thành những không gian khác nhau. Lối vào nổi bật với hàng cây xanh và ghế mây tre đan dễ thương. Ô cửa kính rộng khiến căn phòng ở lối vào đón đầy đủ ánh sáng và giúp tránh bụi bẩn từ bên ngoài vào.
7/ Nhà Sài Gòn: Những lát cắt tạo nên nét đẹp cân bằng cho kiến trúc
Trước cải tạo, công trình đối diện với hai vấn đề thường thấy ở mô hình nhà phố: thiếu ánh sáng và đối lưu không khí. Đặc biệt, tầng một và tầng hai khá thấp dẫn đến điều kiện sinh hoạt thiếu thuận tiện. Vì thế, gia chủ đã tìm đến đội ngũ thiết kế 6717 studio để giải quyết những vấn đề ấy. Sau khi xem xét công trình, KTS đã đưa ra giải pháp điều chỉnh thiết kế phần khung để phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng.
Nguyễn Dũng House bao gồm hai phần: phần phục vụ mục đích kinh doanh và phần không gian nhà ở. Theo đó, đội ngũ KTS đã thiết kế tầng một và tầng hai làm khu vực văn phòng, trong khi đó, tầng ba, bốn, năm lần lượt là không gian sống.
Mặt tiền nổi bật với những đường cong mềm mại mở ra không gian phóng khoáng bên ngoài, góp phần giải quyết tình trạng thiếu sáng và thiếu đối lưu không khí, đồng thời nâng tầm thẩm mỹ.
Những đường cong này ẩn hiện cây xanh khiến nó trở nên hài hòa và tràn đầy sức sống. Những lát cắt như mở ra một cuộc đối thoại cởi mở giữa con người với con người và con người với thiên nhiên.
8/ Nhà Thảo Điền: “Biến mất” giữa màu xanh
Tòa nhà trắng toát lên vẻ đẹp trang nhã với lối trang trí nội thất tối thiểu, gây ấn tượng thị giác với hai bức tường cây xanh thẳng đứng và độc đáo được bố trí ở mặt sau và mặt trước của công trình nhằm mang đến sự riêng tư cho phòng ngủ, thông gió tự nhiên mà không chị cắt ngang tầm nhìn.
Bức tường cây xanh này nối liền với khu vườn xung quanh khiến chúng ta có cảm giác như ngôi nhà bị “biến mất” trong cảnh quan, từ đó tạo nên một bản sắc riêng cho khối kiến trúc đô thị này.
Ở tầng trệt là phòng khách, phòng ăn và nhà bếp, được hợp nhất trong một không gian độc đáo mở hoàn toàn ra ngoài trời ở ba mặt, mang cả khu vườn vào bên trong.
Hồ bơi và sàn được tái định hình như một phần mở rộng của không gian bên trong. Cầu thang được bố trí lại để phân bổ tầng một tốt hơn và tạo nên nét chính của phòng khách với thiết kế bậc nổi. Ở tầng đầu tiên, KTS biến 4 phòng ngủ thành 3 phòng ngủ để tạo sự cân bằng cho tổng thể không gian.