Tô điểm không gian với 10 xu hướng nội thất của năm 2021
Từ nhà bếp màu xanh, ghế Cocoon đến thẩm mỹ thập niên 70,… LUXUO giới thiệu 10 xu hướng thiết kế nội thất sẽ thịnh hành trong năm 2021.
1/ Chọn màu sơn theo cách của bạn
Bạn có thể chọn hai thương hiệu sơn nổi tiếng là Pantone và Dulux cho ngôi nhà của mình trong năm 2021. Cả hai đơn vị này đã nghiên cứu, sắp xếp và chọn lọc công thức riêng, theo đó, dự đoán của Pantone cho thấy hai màu xám lạnh (17-5104) và vàng zingy (13-0647) là bộ đôi hoàn hảo.
Theo Leatrice Eiseman, giám đốc điều hành Pantone: “Kết hợp các màu sơn với nhau vừa thể hiện thông điệp sức mạnh vừa nâng cao sức khỏe tinh thần. Kết hợp màu xám lạnh với màu vàng rực rỡ sẽ thúc đẩy nguồn năng lượng tích cực cho tổ ấm của bạn.”
Mặt khác, Brave Ground của Dulux là màu be đất phản ánh sức mạnh của Mẹ thiên nhiên. Trong thời gian cả thế giới đang phải đấu tranh với đại dịch thì gam màu ấm áp và trung tính này có thể tạo ra bức tranh êm dịu cho ngôi nhà.
2/ Bếp màu xanh
Bỏ qua góc nhìn truyền thống về một căn bếp buồn tẻ, hãy chọn sắc thái xanh để truyền sức sống và nguồn năng lượng thanh khiết vào không gian quan trọng này. Bên cạnh đặc tính ấy, màu xanh còn khiến nhà bếp trở nên trang nhã, có thể kết hợp với những màu trung tính như trắng hoặc xám để tạo cảm giác phóng khoáng và rộng mở.
3/ Nội thất “texture”
Xu hướng nội thất texture tạo nên sự thú vị và tinh tế cho không gian nhà ở. Các họa tiết có thể đa dạng, từ đường gờ, rãnh mãng, chữ V, hoặc thậm chí là đường vân gỗ tự nhiên. Đặc trưng này sẽ tạo ra “chuyển động” nhất định khi quan sát, trở thành điểm nhấn quan trọng trong lòng gia chủ hay khách khứa ghé thăm.
4/ Nội thất lấy cảm hứng từ thiên nhiên
Các nhà thiết kế và kiến trúc sư đang lấy cảm hứng từ hình dạng hữu cơ của Mẹ thiên nhiên để áp dụng vào các công trình nhà ở. Đó có thể là hình in hoa hay tán lá, tất cả tạo nên nguồn năng lượng thanh tao, yên bình, phảng phất bầu không khí thư giãn khi sinh hoạt.
5/ Cây xanh
Đây là một trong những lựa chọn bền vững hàng đầu của thiết kế kiến trúc được áp dụng mạnh mẽ trong nhiều năm nay.
Sự nở rộ của những tán lá trong nhà cho thấy nhu cầu trở về thiên nhiên của con người, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch và đô thị hóa nhanh chóng hiện tại. Thiết kế cây xanh nói riêng hay mang tính sinh học nói chung góp phần giảm thiểu CO2, tạo ra môi trường sống lành mạnh, cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể xác cho cư dân.
6/ Ghế Cocoon
Với thiết kế mũm mĩm và nâng niu, mẫu ghế Cocoon giúp chúng ta thư giãn hoàn toàn khi trải nghiệm. Nhiều ghế Cocoon còn có tựa đầu và phần nâng đỡ mông để xoa dịu cơ bắp mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả. Thiết kế kén gợi nhớ đến tư thế bào thai.
7/ Phòng gym/wellness tại nhà
Bối cảnh đại dịch khiến cư dân toàn cầu hạn chế đi lại và dành thời gian ở nhà nhiều hơn. Nhằm hướng đến lối sống cân bằng, xu hướng thiết kế phòng gym/wellness tại nhà đang trở nên phổ biến hơn. Các hoạt động có thể bao gồm thiền, yoga, gym, spa,… được bố trí chuyên nghiệp và riêng tư.
8/ Ô cửa hình vòm
Kinh nghiệm của người xưa đã chỉ ra rằng cấu trúc vòm chưa bao giờ lỗi thời, thậm chí còn được nâng tầm thẩm mỹ qua từng giai đoạn. Trong thời hiện đại như thế kỷ 21, kết cấu vòm được ứng dụng phổ biến trong thiết kế nhà ở nói riêng và ở các công trình dân dụng nói chung. Nhờ đặc trưng đường cong, thiết kế này góp phần tăng thêm nét quyến rũ và uyển chuyển nhịp nhàng cho không gian đơn giản.
9/ Thẩm mỹ thẩm niên 70
Nội thất quyến rũ của những năm 70 đang bắt đầu trở lại và trở thành xu hướng nội thất của năm 2021. Làn sóng mới là sự pha trộn giữa phong cách boho sang trọng với sự rung cảm disco, dược thể hiện qua bề mặt kim loại bóng bẩy, quả cầu thủy tinh, chất liệu da sang trọng,…
10/ Phong cách Japandi
Là sự hòa quyện giữa thẩm mỹ Nhật Bản và Scandinavian, Japandi là xu hướng nội thất hiện nay, lấy cảm hứng từ những ý tưởng tối giản của hai phong cách đặc trưng.
Phong cách Nhật tập trung vào tính Zen, đồ nội thất làm từ gỗ trong màu săc trung tính, như bài ca ngợi thiên nhiên, hoặc khái niệm wabi-sabi, tôn vinh không gian không hoàn hảo. Trong khi đó, Scandinavian gây ấn tượng với tính thẩm mỹ tinh tế, gỗ sáng màu, đồ gốm thủ công, tông màu nhje nhàng/trung tính,…. Thiết kế Japandi toát lên nguồn năng lượng tĩnh tại với bộ sưu tập nội thất được sắp xếp hợp lý và tối giản.