ART & CULTURE

Người vẽ lại châu Á: Wang Shu – “kẻ lưu manh” định hình Trung Hoa mới

Apr 06, 2025 | By LUXUO

Trước khi trở thành người Trung Quốc đầu tiên được trao giải thưởng kiến trúc Pritzker năm 2012, Wang Shu đã là một nhân vật thường xuyên chống phá “bức tranh kiến trúc ảo” của Trung Quốc.

Chân dung Wang Shu

Trong bối cảnh đô thị hóa vũ bão và sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc, bức tranh kiến trúc tại quốc gia tỷ dân này trong những thập kỷ qua thường bị phủ bóng bởi những tòa nhà chọc trời mang dấu ấn quốc tế, những bản sao kiến trúc Tây phương lạc lõng, hay thậm chí là các khu đô thị mô phỏng Disneyland. Giữa hoàn cảnh đó, sự chú ý của giới kiến trúc thế giới dành cho Wang Shu (王澍 – Vương Thụ) như một cơn địa chấn ngầm, âm thầm nhưng bộc phát mạnh mẽ, định hình lại cách nhìn nhận về kiến trúc Trung Hoa đương đại. Ông không chỉ là người Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Pritzker danh giá (*), mà quan trọng hơn, ông được xem là người tiên phong kiến tạo một ngôn ngữ kiến trúc mới, một ngôn ngữ vừa bám rễ sâu vào triết lý và truyền thống bản địa, vừa đối thoại sòng phẳng với tinh thần đương đại.

Gạch, ngói từ các ngôi nhà cổ bị giải tỏa trong quá trình hiện đại hóa đã được Wang Shu tái sử dụng thường xuyên trong các công trình của mình

Một văn nhân, một học giả, một người thợ, một kiến trúc sư

Sinh năm 1963, Wang Shu thuộc thế hệ kiến trúc sư trưởng thành trong giai đoạn Trung Quốc trải qua nhiều biến động lịch sử và văn hóa. Con đường học vấn và sự nghiệp của ông không hề bằng phẳng. Ông tự nhận mình thuộc về “văn hóa lưu manh” (liumang culture), một thế hệ nổi loạn chống lại các hệ thống cứng nhắc nhưng chưa tìm thấy lối đi riêng. Thái độ phản biện này được thể hiện rõ khi ông thẳng thắn tuyên bố tại một hội nghị năm 1986 rằng Trung Quốc khi ấy “không có kiến trúc sư, cũng chẳng có kiến trúc”, bởi lẽ thiếu vắng tư duy phê bình và lý luận sâu sắc.

“khái niệm “văn minh” trong văn hóa Trung Hoa lại gắn liền với “văn tự” nhiều hơn là các công trình vật chất”

Sự phản kháng này tiếp tục được khẳng định khi ông cùng vợ là Lu Wenyu (陆文宇 – Lục Văn Vũ) thành lập văn phòng kiến trúc với cái tên đầy khiêu khích là “Amateur Architecture Studio” (Xưởng Kiến trúc Nghiệp dư) vào năm 1998. Hai chữ “nghiệp dư” không có nghĩa là thiếu chuyên nghiệp, mà là một tuyên ngôn chống lại sự chuyên nghiệp hóa, kỹ thuật hóa và thương mại hóa thái quá đang làm xói mòn tâm hồn của kiến trúc Trung Hoa.

Kiến trúc sư Wang Shu và kiến trúc sư Lu Wenyu, đồng sáng lập Amateur Architecture Studio. Ảnh: Hailun Ma for PIN–UP

Với Wang Shu, kiến trúc “nghiệp dư” đồng nghĩa với sự tự phát và thử nghiệm thay vì chính thống, sự tạm thời thay vì hoành tráng, thái độ phê phán và suy tư thay vì chỉ đơn thuần xây dựng, thậm chí là “bất hợp pháp” thay vì “được cấp phép”. Ông tự nhận mình trước hết là một văn nhân, một học giả, sau đó mới đến một người thợ thủ công, và cuối cùng là một kiến trúc sư.

Bảo tàng Lịch sử Ninh Ba, một công trình dấu ấn trong sự nghiệp của Wang Shu và Lu Wenyu

Tìm hướng đi mới giữa bối cảnh xã hội cũ

Kiến trúc phương Tây, với nền tảng phê bình phát triển từ thế kỷ 19, đã cho ra đời các tư tưởng mang tính phản biện cao, mở ra nhiều hướng đi mới cho kiến trúc, chẳng hạn như Critical Regionalism (Chủ nghĩa khu vực Phê bình) – do Alexander Tzonis, Liane Lefaivre và Kenneth Frampton khởi xướng cuối thế kỷ 20, phê phán việc đánh mất tính địa phương của kiến trúc. Trong khi đó kiến trúc Trung Hoa lại thiếu vắng một nền tảng phê bình tương tự để có thể thoát khỏi các khung tư tưởng bảo thủ, không còn phù hợp với hoàn cảnh mới. Thêm vào đó, khái niệm “văn minh” trong văn hóa Trung Hoa lại gắn liền với “văn tự” nhiều hơn là các công trình vật chất. Học giả và nhà tư tưởng coi trọng thi ca, chữ nghĩa hơn là kiến trúc. Truyền thống này đã khiến kiến trúc Trung Hoa trở nên bị động khi toàn cầu hóa lan rộng. Công cuộc hiện đại, tại một môi trường thiếu vắng tiếng nói phản biện và một nền kiến trúc thiếu phê bình, đã xóa sổ vô số kiến trúc bản địa, thay thế bằng các công trình thiếu tính địa phương.

“một loại hình kiến trúc, nơi quá khứ và hiện tại, Đông và Tây cùng tồn tại”

Tìm được hướng đi mới giữa bối cảnh xã hội cũ, Wang Shu nhận thấy nguồn cảm hứng dồi dào từ chính di sản văn hóa Trung Hoa, trong đó có nghệ thuật vườn cổ điển và tranh sơn thủy (shan shui). Ông phát triển nguyên tắc “thiết kế tự do”, lấy cảm hứng từ quá trình kiến tạo một khu vườn Trung Hoa, một quá trình không thể hoàn toàn được định trước trên bản vẽ mà hình thành và điều chỉnh liên tục trong quá trình thi công, ứng biến với những điều kiện thực tế và những yếu tố bất ngờ nảy sinh. Đối với ông, “yuan” (viên – vườn) trở thành kim chỉ nam ý niệm quan trọng hơn cả “jian” (gian – nơi chốn).

Đồng thời, Wang Shu không quay lưng với phương Tây. Ông ngưỡng mộ Carlo Scarpa, Aldo Rossi, Alvaro Siza, Louis Kahn và đặc biệt bị cuốn hút bởi Le Corbusier. Ông nhận thấy sự tương đồng thú vị giữa khái niệm “promenade” (tản bộ) của Le Corbusier, lấy cảm hứng từ thành Acropolis ở Athens, với trải nghiệm dạo bước trong các khu vườn Trung Hoa. Cả hai đều chú trọng đến việc dàn dựng chuỗi không gian, điều hướng tầm nhìn và tạo ra những trải nghiệm thị giác thay đổi, bất ngờ. Nhưng nếu Le Corbusier dùng promenade để kiến tạo một nền kiến trúc “mới”, thì Wang Shu, chịu ảnh hưởng từ cách tư duy đó, lại hướng đến việc tái thiết một loại hình kiến trúc bản địa trong bối cảnh đương đại. Ông không tìm cách tạo ra cái “mới” hoàn toàn, mà là một loại hình kiến trúc, nơi quá khứ và hiện tại, Đông và Tây cùng tồn tại.

Wang Shu đã sử dụng lại gạch và ngói từ các kiến trúc cổ bị giải tỏa để phủ lên toàn bộ các khối nhà của Bảo tàng Lịch sử Ninh Ba. Ảnh: Arch Asia

Các đường nét đương đại và vật liệu truyền thống trong công trình Five Scattered Houses của Amateur Architecture Studio

Ningbo Tengtou Pavilion và cuộc dạo chơi sơn thủy

Trong số nhiều công trình ghi dấu ấn của Wang Shu, gian triển lãm Ningbo Tengtou, quảng bá làng Tengtou tại Expo 2010, dù có quy mô không lớn, lại là một ví dụ cô đọng phản ánh trọn vẹn triết lý “dạo chơi trong sơn thủy” của ông. Công trình này kết hợp hài hòa hai yếu tố then chốt, “hình thái tự nhiên” và “lộ trình khúc khuỷu”.

“Hình thái tự nhiên” được thể hiện rõ nét qua các bức tường ngăn chia không gian bên trong, với những ô cửa có hình dáng tự do, gợi nhớ đến những lỗ hổng, đường nét ngẫu nhiên của Thái Hồ thạch, một loại đá cảnh trứ danh trong nghệ thuật vườn Trung Hoa. Mỗi ô cửa lại có kích thước và vị trí khác nhau, tạo nên sự đa dạng và bất ngờ khi di chuyển trong không gian. Chúng vừa là lối đi, vừa là các lớp cảnh được cắt đặt có chủ ý, đóng khung những góc nhìn độc đáo, tạo hiệu ứng lớp lang, chiều sâu như trong tranh thủy mặc.

Các vòm cửa của gian triển lãm Ningbo Tengtou gợi liên tưởng đến hình dạng của Thái Hồ thạch. Ảnh: Tina Saaby

Các lớp vật liệu từ truyền thống đến đương đại tại gian triển lãm Ningbo Tengtou, Wang Shu thường sử dụng cốp pha tre khi đổ bê tông, tạo ra một bề mặt vân tre đặc trưng. Ảnh: Tina Saaby

Yếu tố thứ hai, “lộ trình khúc khuỷu”, chính là hiện thân của khái niệm promenade theo cách của Wang Shu. Thay vì một đường đi thẳng tắp, rõ ràng, lối đi trong gian triển lãm Ningbo Tengtou là một chuỗi những đoạn dốc và bậc thang uốn lượn, zíc zắc, dẫn dắt người xem đi từ ngoài vào trong, lên cao rồi xuống thấp, xuyên qua các ô cửa, lên khu vườn trên mái rồi lại vòng xuống, tạo ra một hành trình không gian đa dạng. Lộ trình này không đơn thuần là giao thông, mà là một trải nghiệm được dàn dựng cẩn thận. Sự thay đổi về cao độ, những góc ngoặt đột ngột và việc liên tục đi qua các “khung cảnh” được tạo bởi ô cửa khiến người trải nghiệm có cảm giác như đang leo núi, khám phá hang động hay lang thang trong một khu vườn đá thu nhỏ. Từ bên ngoài nhìn vào, con đường quanh co lộ ra ẩn hiện qua các ô cửa, tạo thêm một tầng sâu và gợi cảm giác về một thế giới thu nhỏ phong phú bên trong, đúng như tinh thần “ngoài núi thấy núi, trong núi cũng thấy núi” của thưởng ngoạn sơn thủy.

“nơi kiến trúc không còn là sản phẩm du nhập từ phương Tây và châu Á không hề là một cực tiếp thu bị động”

Sự kết hợp giữa những yếu tố thiết kế mang “hình thái tự nhiên” và “lộ trình khúc khuỷu” đã tạo nên một trải nghiệm “dạo chơi sơn thủy” thu nhỏ. Chúng minh chứng cho khả năng của Wang Shu trong việc chuyển hóa những triết lý trừu tượng của hội họa và nghệ thuật vườn thành ngôn ngữ kiến trúc cụ thể, giàu sức gợi và mang đậm bản sắc Trung Hoa.

Ba năm sau dự án Ningbo Tengtou, Wang Shu đã hoàn thiện thủ pháp của mình với dự án Wa Shan Guesthouse, thuộc Học viện Mỹ thuật Trung Quốc, Hàng Châu, Chiết Giang. Ảnh: Iwan Baan

Tạo dựng cuộc đối thoại Đông – Tây

Các công trình như Thư viện Học viện Wenzheng thuộc Đại học Tô Châu, Bảo tàng Lịch sử Ninh Ba, và đặc biệt, Wa Shan Guesthouse thuộc cơ sở Xiangshan Campus của Học viện Mỹ thuật Trung Quốc (Hàng Châu, Chiết Giang), đều là những minh chứng sống động cho phong cách của Wang Shu. Chúng cho thấy sự nhất quán trong tư duy, khả năng làm chủ vật liệu, không gian, và nỗ lực của ông trong việc định hình một con đường riêng cho kiến trúc châu Á.

Mô típ Thái Hồ thạch và các lối dạo quanh co tại Wa Shan Guesthouse thuộc Học viện Mỹ thuật Trung Quốc, Hàng Châu, Chiết Giang

Một con đường mới đã được Wang Shu mở ra, nơi kiến trúc không còn là sản phẩm du nhập từ phương Tây và châu Á không hề là một cực tiếp thu bị động. Ông truyền cảm hứng cho thế hệ kiến trúc sư trẻ tìm về bản sắc, khám phá giá trị của vật liệu địa phương, kỹ thuật thủ công và bền vững trong kiến trúc. Bằng sự kết hợp giữa sự uyên bác của một văn nhân, kỹ năng của một nghệ nhân và tinh thần phản biện của một trí thức, Wang Shu không vẽ ra các công trình, ông đang dựng một thế giới quan đậm chất Á.

Thúc Đạt

(*) Giải thưởng Pritzker (Pritzker Architecture Prize) là giải thưởng kiến trúc quốc tế thường niên và được xem là danh giá nhất trong lĩnh vực này, thường được ví như “giải Nobel của ngành kiến trúc”.

——————————

“Người vẽ lại châu Á” là chuỗi bài nhằm tái khám phá di sản của các kiến trúc sư gốc Á có tầm ảnh hưởng, những người đã góp phần định nghĩa lại kiến trúc châu Á trong bối cảnh toàn cầu. Thông qua các tác phẩm gây tiếng vang, những kiến trúc sư này đã đưa mỹ cảm và tinh thần bản địa trở lại đời sống đương thời. Châu Á hay phương Đông, qua kiến trúc của họ, không còn là một khái niệm huyền bí và lạc điệu mà trở thành bài học giá trị cho các vấn đề đương đại.

——————————


 
Back to top preload imagepreload image