Làm sao để đánh giá “cái đẹp”?
Có lẽ đây là câu hỏi đánh đố cho bất kì ai nếu đặt mình vào vị trí của người trả lời, vì vốn dĩ thẩm mỹ là chuyện rất khó có thể đo lường theo một tiêu chuẩn cụ thể nào được. Vậy nên để đo lượng được mức độ “đẹp” của một dự án đòi hỏi cần phải có một hệ quy chiếu nhất định để đảm bảo rằng kết luận cuối cùng về “đẹp” “xấu” sẽ là có căn cứ và thỏa đáng. Vậy tiêu chí nào sẽ dùng để đánh giá một dự án hay một thiết kế là đẹp?
Theo lý thuyết Vòng tròn vàng (Golden Circle) của Simon Sinek có lý giải một cách tương đói đơn giản về các thành tố cấu thành nên một sản phẩm dựa trên 3 yếu tố: WHY (lý do tồn tại của sản phẩm đó, thông thường đồng nghĩa với giá trị cốt lõi của sản phẩm), HOW (cách thức phát triển sản phẩm, quá trình hoàn thiện và tạo ra sản phẩm đó), WHAT (sản phẩm hữu hình, hoặc dịch vụ, điều được mua bán, giao dịch) và hãy tạm coi đây là một hệ quy chiếu cơ sở để cùng nhau đánh giá một dự án bất động sản như thế nào thì được gọi là “đẹp”.
1. WHAT – Ngôi nhà hữu hình
Có lẽ đây là phần dễ dàng đánh giá nhất ở một dự án khi toàn bộ hình dáng của sản phẩm từ kết cấu kiến trúc, facade, layout, tiện ích, nội thất, … đều là những phần mà khách hàng đều có thể dễ dàng cảm nhận trực quan, nhưng đồng thời đây cũng là phần dễ gây ra rất nhiều tranh luận về việc như thế nào mới là thật sự “đẹp” vì phụ thuộc rất nhiều vào cảm quan của mỗi người. Mà cảm quan này là là cả một quá trình tích lũy trong đời sống và phát triển của mỗi người, điều kiện sinh trưởng, cơ hội tiếp xúc trải nghiệm khác nhau hình thành nên những thế giới quan khác nhau, vậy nên không điều gì là chắn chắn khi đánh giá rằng phong cách Hiện đại sẽ đẹp hơn Bán cổ điển, hay Scandanavian sẽ hấp dẫn hơn Indochina. Vậy thế nên nếu chỉ để dựa vào cảm quan để đánh giá đẹp xấu của một công trình kiến trúc thì thật sự rất khó để không bị phiến diện.
Việc đánh giá toàn bộ phần hữu hình của một dự án trước hết cần dựa vào tính hợp logic của cách bố trí, sắp đặt của các khối kiến trúc, sự hài hòa hợp lý có thể là những tiêu chí cơ bản đầu tiên để đánh giá khi đứng trước một dự án cụ thể. Tiếp đến có thể cân nhắc đó chính là sự nhất quán về ngôn ngữ thiết kế, có thật sự mạch lạc và hài hòa giữa các bộ môn từ kiến trúc tới cảnh quan và cuối cùng là nội thất hay không ? Phong cách thiết kế có được thể hiện nổi bật, và phù hợp với bối cảnh chung của không gian xung quanh hay không ? Là những điều có thể để cân nhắc, và hiển nhiên một tổng thể hài hòa khi sự kết hợp giữa các yếu tố trên có sự liền lạc với nhau mang tới cảm giác dễ chịu cho mắt nhìn là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho biết rằng sản phẩm trước mắt thật sự đẹp. Cuối cùng đó là việc đi vào chi tiết để đánh giá mức độ hoàn thiện của từng chi tiết như nội thất sẽ là cách giúp ta đến gần hơn với một kết luận về độ “đẹp” của sản phẩm đó. Sự thiếu nhất quán giữa đồ nội thất với ngôn ngữ thiết kế chung của toàn bộ ngôi nhà là lỗi thường mắc phải trong các thiết kế dẫn tới tình trạng “lệch tone” vậy thế nên một lần nữa, yếu tố hài hòa, bổ trợ cho nhau để làm nổi bật được phong cách chung của tổng thể mới là điều đáng lưu tâm nhất.
Đó là về phần cứng, những điều mà khách hàng có thể dễ dàng chạm tới, cộng với một chút trải nghiệm cá nhân, hiểu biết về kiến trúc hoặc có một gu thẩm mỹ riêng nhất định, sẽ giúp cho khách hàng có được một đánh giá cơ bản và tương đối khách quan về thẩm mỹ của một ngôi nhà, thay vì những kết luận có phần cảm tính và vội vàng.
2. HOW – Câu chuyện hoàn thiện
Khách hàng thường trầm trồ ngưỡng mộ những bộ máy cơ học được chế tác tinh xảo của những chiếc đồng hồ đắt giá, hoặc những công nghệ tiên tiến được áp dụng vào những chiếc siêu xe, điều này góp phần to lớn trong việc tạo nên sự ấn tượng của sản phẩm xa xỉ với khách hàng. Câu chuyện về quá tình hoàn thành sản phẩm luôn được coi như một “keys selling point” quan trọng trong việc nâng cao giá trị của dòng sản phẩm xa xỉ, đồng thời tạo nên được sự trân trọng của khách hàng qua đó ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự nhìn nhận thẩm mỹ của họ. Đối với bất động sản thì có đôi chút thiệt thòi khi tại thị trường Việt Nam đây vẫn còn được xem xét dưới khía cạnh tài sản, kênh đầu tư nhiều hơn là một mặt hàng xa xỉ. Dù rằng để có thể xây dựng một dự án, một công trình kiến trúc đôi khi chứa đựng cơ man là công nghệ, kỹ thuật xây dựng cũng vô cùng phức tạp để có thể tạo nên một thành phẩm hoàn thiện.
Có lẽ vì yếu tố “xây dựng” có phần khô khan nên đôi lúc khiến cho sự nhìn nhận về thẩm mỹ của quá trình hình thành một bất động sản chưa được coi trọng. Đơn cử như trong các dự án bất động sản hàng hiệu để có được thành phẩm ưng ý nhất và sát với nguyên tác thiết kế ban đầu thì mỗi món nội thất trong dự án đều trải qua quá trình sản xuất mẫu, kiểm định mẫu, nghiệm thu, tinh chỉnh (nếu có) theo yêu cầu từ phía nhà vận hành. Riêng đối với công đoạn sản xuất mẫu đã đủ để chứng minh sự kì công của quá trình này. Mỗi bản màu thiết kế sẽ được in thử trên giấy và so sánh với thiết kế gốc, trước khi được in lên vật liệu mẫu. Quá trình này thường diễn ra 3 – 4 lần thậm chí nhiều hơn nếu như màu của thiết kế có độ khó cao và vật liệu in đòi hỏi chế tác phức tạp. Và còn rất nhiều những tiểu tiết khác mà nếu chỉ lướt qua một cách hời hợt sẽ khó lòng có thể nhận ra giá trị và sự đầu tư tâm huyết đến nhường nào của đơn vị phát triển dự án.
Nếu nói vẻ đẹp hình thức của một bất động sản là những gì có thể dễ dàng nhìn được bằng mắt thường, thì câu chuyện đằng sau quá trình kiến tạo nên dự án đó chính là vẻ đẹp nội dung mà đòi hỏi sự kiên nhẫn của khách hàng, để lắng nghe, để hiểu và để trân trọng.
3. WHY – Giá trị cốt lõi
“Kể cả khi đeo trên tay chiếc đồng hồ đắt tiền nhất thế giới, thì không ai có nhiều hơn người khác 1 phút giây nào trong cuộc đời”. Vốn dĩ giá trị của một chiếc đồng hồ không chỉ dừng lại ở chức năng xem giờ, hay sự kì công của việc chế tác, hoặc vật liệu hoàn thiện. Giá trị lớn nhất của một chiếc đồng hồ, hay một món hàng xa xỉ đến từ giá trị tinh thần vô giá, giá trị cốt lõi mà người sở hữu có được sự đồng cảm và trân trọng, điều mà không tiền bạc nào có thể đo lường được. Giá trị bất động sản phần nào chưa làm tốt được câu chuyện xây dựng được giá trị cốt lõi, điều đó khiến cho thứ tài sản này vẫn còn mãi loay hoay trong việc khẳng định giá trị vô hình của mình. Tuy nhiên, tương lai đó sẽ dần được thay đổi khi ngày nay với sự ra đời của dòng sản phẩm bất động sản hàng hiệu, cộng hưởng với tầng lớp “tiền mới” với những đòi hỏi cao hơn về giá trị của một ngôi nhà. Một ngôi nhà mang đến sự tự hào, khẳng định đẳng cấp và đặc biệt thể hiện được cá tính của chủ sở hữu, là những tinh hoa nhất mà một sản phẩm bất động sản có thể đạt được để vươn tới vẻ đẹp trọn vẹn.
Hình thức – Nội Dung – Giá trị cốt lõi, sẽ thật khó để có thể tìm ra một sản phẩm có thể đạt được đầy đủ những tiêu chí đánh giá trên để có thể kết luận là Đẹp. Và cũng thật là khắt khe khi đòi hỏi nhiều như vậy về cái Đẹp, nhưng chẳng phải rằng những con người duy mỹ, luôn khát khao cái đẹp thật sự vốn vẫn là những con người khắt khe hay sao ? Và nếu để một người sẵn sàng trả mọi giá để sở hữu cái Đẹp thì thiết nghĩ đánh giá gắt gao như trên cũng thật là xứng đáng.