Buông xả những kìm nén trong tâm trí và cơ thể với yoga
Để có thể nhận biết và xử lý những sự kìm nén này thông qua buông xả, cách hay và hiệu quả nhất là luyện tập yoga.
Kìm nén và buông xả là hai mặt trái ngược của cùng một loại hành động. Nó giống như nút vặn tùy chỉnh với một hướng là kìm nén và một hướng là buông xả vậy. Mỗi ngày, bạn đều phải dùng nút vặn này để tham gia vào hoạt động sống của mình. Thật tốt nếu sự kìm nén trong ngày của bạn được buông xả vào cuối ngày để bạn có được một đêm thật ngon giấc. Tuy nhiên, khả năng cao là sự kìm nén của bạn sẽ vượt mức mà bạn có thể buông xả. Bạn đang giữ lại bụi đất trong nhà nhiều hơn thay vì quét sạch chúng.
Điều quan trọng ở đây là bạn nhận ra được sự kìm nén của bản thân và mức độ của chúng để bắt đầu luyện tập buông xả. Sự kìm nén giống như một lớp bụi bẩn mà nếu bạn không phát hiện sớm, sẽ dần tích tụ và trở nên khó xử lý hơn.
Hãy thử một ví dụ cụ thể bằng cách quan sát bản thân lúc này, cả về mặt vật lý lẫn về mặt tâm trí. Bạn sẽ sử dụng cơ thể để thực hiện những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày và công việc. Điều này sẽ vô tình tạo ra những thói quen chuyển động và những tư thế khác so với hình dáng ban đầu của khung cơ thể. Ví dụ, người thường xuyên sử dụng máy tính, điện thoại hay đọc sách sẽ có xu hướng nghiêng đầu và đổ về phía trước, độ cong sinh lý của vùng cổ và lưng bị thay đổi, dẫn đến tình trạng khó chịu, nhức mỏi vùng vai và cổ. Đây là màn bụi đã tích nhiều, việc nhức mỏi báo hiệu rằng bạn đã có thói quen này hơi lâu rồi đấy.
Ngoài ra, việc hoạt động với những tư thế cố định trong ngày cũng dẫn đến nhiều hạn chế trong cử động khớp. Ví dụ, làm việc ở văn phòng và ngồi máy tính nhiều sẽ khiến cột sống của bạn có khả năng nghiêng về trước nhiều hơn ngả ra sau. Chưa kể, cột sống còn có nhiều hướng hoạt động khác như vặn xoắn trái, phải và nghiêng sang hai bên. Sự kìm nén cơ thể ở đây chính là việc bạn sử dụng quá nhiều một kiểu tư thế gây nên sự tắc nghẽn cho các hệ thống trên cơ thể, cũng như chưa vận dụng được hết các chức năng về hoạt động cơ, khớp.
Làm việc ở văn phòng và ngồi máy tính nhiều sẽ khiến cột sống của bạn có khả năng nghiêng về trước nhiều hơn ngả ra sau
Kìm nén tâm trí bao gồm kìm nén về mặt suy nghĩ và cảm xúc. Đây cũng là một điều quan trọng cần được lưu tâm. Sự kìm nén này rất tinh tế và nếu không được nhận ra sớm, chúng sẽ gây ra rất nhiều biến chứng dẫn đến nhiều căn bệnh của thời hiện đại như trầm cảm, tự kỷ, tăng huyết áp hay bệnh Alzheimer.
Việc nhận ra sự kìm nén này rất khó, bởi tâm trí của bạn luôn bận rộn với rất nhiều thông tin xung quanh. Đầu bạn chưa xử lý xong những cảm xúc từ những ý nghĩ hay hành động này thì đã có một luồng thông tin khác đến, khiến tâm trí bạn luôn phải cất giữ những cảm xúc qua một bên để xử lý tiếp những vấn đề khác. Cứ như vậy, sự cất giữ và kìm nén cảm xúc sẽ ngày một lớn dần lên theo từng ngày.
Cơ thể bạn có một chức năng rất hay là ngủ. Trong khi ngủ, cơ thể và tâm trí sẽ được sắp xếp lại một phần nào thông tin mà chúng đã thu nạp lại trong cả ngày. Tuy nhiên, như đã đề cập, con người hiện đại phải tiếp nhận một lượng thông tin quá lớn (trung bình 60.000 – 80.000 suy nghĩ một ngày, theo các nghiên cứu khoa học), lớn gấp nhiều lần những người thời xưa. Để bù đắp cho điều đó, con người ngày nay cần phải được nghỉ ngơi nhiều hơn, chú trọng vào việc ngủ đủ giấc và chất lượng. Tuy nhiên, chứng mất mất ngủ và việc lạm dụng thuốc ngủ đang ngày càng trở thành vấn đề lớn trong thời đại ngày nay.
Để có thể nhận biết và xử lý những sự kìm nén này thông qua buông xả, cách hay và hiệu quả nhất là luyện tập yoga.
Các bậc yogi – những người luyện tập yoga lâu năm có sự hiểu biết về cơ thể và tâm trí vô cùng lớn, bởi họ đã có thời gian tĩnh lặng để quan sát và cảm nhận sâu vào bên trong. Họ xây dựng nên các kỹ thuật thở, nghỉ ngơi, các bài tập chuyển động cơ thể để hỗ trợ cho việc đi vào trạng thái tĩnh lặng này. Các bài tập sau này được những nhà nghiên cứu vận động học phân tích, đánh giá và bổ sung thêm dưới góc độ giải phẫu học để thấy được tác động đến các hệ khác nhau trong cơ thể, từ đó đưa ra thêm một vài vận động và điều chỉnh.
Các chuyển động yoga ngày nay chính là sự kết hợp giữa yoga cổ xưa và hiện đại, giữa Đông và Tây. Một số động tác yoga bây giờ được xem như một phần của vật lý trị liệu. Các bác sĩ cũng công nhận yoga là một hoạt động thể chất giúp phục hồi tổn thương của hệ xương khớp hay tim mạch.
Do vậy, chuỗi các bài tập trong yoga sẽ giúp bạn phục hồi những tắc nghẽn trên cơ thể phát sinh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, sự vận động đa diện và đầy đủ các hướng của khớp sẽ giúp bạn tăng khả năng vận động, cũng như hiểu hơn về cơ thể của mình.
Trong quá trình tập luyện với cơ thể thông qua các bài luyện thở hay chuyển động, tâm trí cũng được lắng lại và chỉ còn một việc duy nhất để làm là quan sát cơ thể. Điều này tạo ra hai khả năng cho tâm trí: phục hồi năng lượng thông qua việc thư giãn và tạo ra một vùng không gian để sắp xếp lại những thông tin, cảm xúc còn tồn đọng. Thời gian điều này diễn ra là lúc bạn thư giãn ở tư thế savasana – tư thế cuối cùng trong yoga và nếu duy trì được trạng thái thư giãn đó sau buổi tập, bạn cũng có thể trải nghiệm điều này thêm một lúc, hạn chế lượng thông tin bên ngoài tác động vào.
Ngoài ra, bạn còn có thể trải nghiệm quá trình “quét rác” cho tâm trí thông qua các bài thiền trong yoga mà không nhất thiết phải luôn là các bài luyện tập thể chất. Nên nhớ rằng, thân và tâm có mối quan hệ cực kỳ chặt chẽ – chúng bổ trợ cho nhau. Vậy nên, nếu thân bạn khỏe thì tâm bạn sẽ được “hưởng lợi” và ngược lại.
Điều quan trọng là yoga giúp bạn nhận ra bản thân đang có sự kìm nén, từ dễ nhận biết đến khó nhận biết, trong cả thân và tâm. Bạn sẽ đồng thời nhận biết được một chiều hướng ngược lại là buông xả. Từ đó, bạn có thể sử dụng yoga như một phương tiện để điều chỉnh nút vặn kìm nén và buông xả này sao cho phù hợp với bản thân.