LIFE / Du lịch

Clos Lucé – Lâu đài của thiên tài

Aug 12, 2022 | By Bảo Châu

Được “lệnh” sáng tạo thỏa sức, tự do suy tư và mơ mộng, được nhận trợ cấp 1000 écu vàng/năm, được tài trợ hoàn toàn để sáng chế các tác phẩm nghệ thuật và kỹ nghệ, bù lại, hàng ngày phải đem lại niềm hứng khởi cho vua khi được trò chuyện với mình. Người đó được vị vua trẻ 20 tuổi, François Đệ Nhất, triệu mời tới Pháp với chức danh “Họa sỹ, Kiến trúc sư và Kỹ sư Đệ Nhất cho Vua”. Người đó tên là Leonardo da Vinci. Mùa thu năm 1516, 64 tuổi, thiên tài đặt chân tới lâu đài Clos Lucé và tạ thế tại đây sau 3 năm. Ngày nay, người ta thường gọi đây là lâu đài Leonardo da Vinci.

Đại lễ hội hoàng gia

Nói đến lâu đài, đến hoàng cung, người hiện đại nghĩ ngay đến hưởng thụ và yến tiệc. Quả cũng không sai với “sứ mạng” mà François Đệ Nhất giao phó cho Leonardo da Vinci. Tuy chỉ ở xứ vua Amboise có 3 năm nhưng Leonardo, với tư cách tổng đạo diễn – nhà thiết kế, đã tổ chức 4 đại lễ hội trong đó có một cuộc tại lâu đài Clos Lucé này.

Có lẽ trong thế kỉ 16 nói riêng và thời Phục hưng nói chung ở phương Tây, không có ai là địch thủ của người nghệ sĩ đại tài đa lĩnh vực như thế này: triết học và sân khấu, thiết kế và kiến trúc, kỹ nghệ và nghệ thuật… Ông cho dựng những đại cảnh với phối cảnh và phân cảnh phức tạp, với các kỹ xảo âm thanh – ánh sáng, bài trí hoành tráng, phục trang lộng lẫy, có hàng ngàn khán giả (kể cả dân thường) và hàng trăm diễn viên tham dự.

Những lễ hội này bao gồm biểu diễn sân khấu, thi đấu, yến tiệc, vũ hội, lễ hội hóa trang, diễn trận giả, trình diễn động vật hoang dại, trưng bày người và vật máy (automaton) như con sư tử phun ra hoa huệ tây, biểu tượng của vương triều…

Tháng 5/1518, ở Amboise, hoàng gia được chứng kiến buổi biểu diễn trận giả tấn công và chiếm pháo đài. Một lâu đài giả được dựng nên từ vải toile đóng vào khung gỗ, phía trên là những lỗ châu mai có đặt súng thần công hạng nhẹ phun ra giấy và giẻ, súng hoả mai, súng cối bắn ra bóng chứa khí. Những quả bóng này rơi tại chỗ, bật nảy khắp nơi khiến cho mọi người vừa bất ngờ vừa thích thú mà không nguy hiểm. Quả là một trò vui giải trí khéo léo, tài tình giải khuây giới quý tộc.

Tiếp tục cuộc vui, tháng 6/1518 đã diễn ra ở Clos Lucé một dạ tiệc thần tiên. Leonardo cho dựng cảnh vòm trời đêm các vì tinh tú đang chuyển động. Nhờ vào một lá thư viết ngày 19/6/1518 của Galeazzo Visconti, đại sứ xứ Mantoue, hiện được lưu giữ tại Lưu trữ Sérénissime de Venise mà độc giả ngày nay, sau 5 thế kỉ vẫn có thể tưởng tượng ra sự huyền ảo của dạ tiệc đó:

Hôm kia, vua nước Pháp đã làm một yến tiệc tuyệt diệu (…) Sảnh lâu đài được trải thảm màu xanh da trời. Tiếp đến là các hành tinh chính, mặt trời một bên, mặt trăng một bên, thật là mãn nhãn. Sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ được đặt đúng vị trí cùng với 12 cung Hoàng Đạo. Xung quanh sảnh, trên cao và dưới thấp, có một hàng cột tròn được bọc thảm màu lam và đính sao. Các dầm đầu cột (acsitrap) được trang trí bằng những vòng hoa tầm xuân quấn xung quanh…”

Qua những lễ hội độc nhất vô nhị này, Leonardo da Vinci được coi như “bậc thầy của thiên văn”. Nhờ thế, tiếng vang về tài nghệ phi thường của Leonardo da Vinci cùng uy thế của vua François I được lan truyền khắp hoàng cung châu Âu thông qua giới quý tộc và đại sứ các hoàng triều.

Château du Clos Lucé

Ảnh: Château du Clos Lucé

Xưởng kỹ nghệ

Tại lâu đài này, không chỉ hưởng thụ, giải trí, đàm đạo, Leonardo da Vinci vẫn miệt mài sáng tạo và thử nghiệm. Trong hành trình vượt dãy Alps rời Ý, ông mang theo mình ba tác phẩm để đời cho nhân loại: La Joconde, Saint Jean Baptiste  Sainte Anne; hai trong số đó hiện được trưng bày ở bảo tàng Louvre. Không những thế, ông còn mang theo rất nhiều sổ tay, bản thảo mà sau đó ông viết thành những chuyên luận về hội họa, giải phẫu học, thực vật học… Các kí họa, codex, kí đồ được ông tiếp tục hoàn thiện và dựng mẫu tại lâu đài này.

Từ xưởng làm việc nằm trong lâu đài, cùng với các môn đồ, ông đã tư duy, phát minh và thiết kế những “đơn đặt hàng vĩ đại” của hoàng gia về quy hoạch, thủy lợi, kiến trúc, ví như thiết kế Hoàng thành Romorantin để trở thành kinh đô mới của vương quốc Pháp, hệ thống kênh cống nối liền hai con sông Loire và Saône để thuận tiện việc di chuyển giữa Pháp và Ý, công nghệ tát cạn những đầm lầy xứ Sologne, dựng mô hình nhà tháo gỡ được vì thời đó Hoàng gia vẫn sống theo kiểu lưu động từ xứ này sang xứ khác, hay cầu thang xoắn ốc của lâu đài Chambord được cho là Leonardo da Vinci thiết kế… Các quý tộc, đại sứ ngoại quốc, nghệ sỹ, hay Hồng y giáo chủ Aragon là những khách mời danh giá được ngắm các tuyệt tác của thiên tài.

Ảnh: Eric Sander

Chủ nhân hiện tại của lâu đài đã mất 3 năm nghiên cứu và phục dựng lại các xưởng làm việc sao cho vòng tham quan của du khách như được cảm nhận một ngày làm việc thông thường của Leonardo từ sáng đến tối thông qua sự dịch chuyển của ánh sáng tự nhiên. Xưởng vẽ nay được khôi phục lại giống như thời Leonardo sống, được tái dựng theo đúng tinh thần của một bottega thời Phục hưng. Chính trong xưởng vẽ này, họa sĩ đã hoàn thiện những nét vẽ cuối cùng cho nụ cười bí ẩn của nàng Joconde. Các vật dụng và vài tác phẩm cũng được phục chế. Du khách có thể nhìn thấy maquette con ngựa khổng lồ được François I đặt làm, bản sao các kí họa, hay bản sao họa phẩm Sainte-Anne, các dụng cụ đo thiên thể, động vật nhồi da, tập bách thảo…

Lâu đài này chỉ nằm cách Lâu đài Hoàng gia Amboise đúng 500m. Một đường hầm dài nối hai lâu đài để thời đó François I có thể tiện ghé thăm Leonardo bất cứ lúc nào mà không cần nghi lễ triều đình. Hiện nay, khách tham quan vẫn có thể nhìn thấy vài mét đầu tiên của đoạn hầm này.

Ảnh: Château du Clos Lucé

Từ bottega đến coworking 

Ngày nay, chúng ta đều biết đến những không gian làm việc rất “thời thượng” của giới sáng tạo như fab lab, coworking, open space, hub, workshop… Sự ra đời của coworking không phải bắt đầu từ năm 1995 mà từ thế kỉ 15 tại Florence hay Toscane của Ý với tên gọi bottega. Đó là xưởng làm việc của các nghệ sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia, nhà toán học, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà giải phẫu, nhà thiên văn, thợ thủ công… Và là nơi giao lưu giữa họ với giới kinh doanh, thương mại và các nhà bảo trợ nghệ thuật. Nơi đây, tay chân và đầu óc cùng vận động tích cực như nhau, nơi đây, sáng tạo và khám phá bùng nổ và sản sinh ra những tài năng kiệt xuất cho nhân loại như Leonardo da Vinci, Botticelli, Ghirlandaio…

Bottega được điều khiển bởi một người vừa đóng vai trò như người thầy vừa như nhà cố vấn (mentor) đào tạo và chỉ đạo các thợ học nghề thể nghiệm, sáng chế nên các sản phẩm và thương mại hóa chúng ra toàn châu Âu. Có một bottega nổi tiếng nhất thời đó là của Andrea di Cione, hay được gọi là Verrocchio (1435-1488), ông là điêu khắc gia, họa sĩ và thợ kim hoàn. Một trong những học trò lỗi lạc nhất của ông là Leonardo da Vinci, nhập xưởng học vào tuổi 15.

Ảnh: Château du Clos Lucé

Điều thú vị là không gian, không khí và tinh thần của một bottega Ý đã được Leonardo duy trì ở ngay lâu đài Clos Lucé. Tại đây, ông tiếp tục tư duy, thể nghiệm và sáng chế với các môn đệ người Ý và Pháp các dự án kiến trúc, nghệ thuật, quy hoạch, quân sự… khiến cho lãnh địa hoàng cung Amboise nói chung và Clos Lucé nói riêng giống như một nước Ý thời Phục hưng thu nhỏ. 500 năm sau, bottega Ý được tái dựng tại đây và chủ nhân lâu đài hiện nay cũng cho thuê vài không gian trong lâu đài để tổ chức những workshop, team building, seminar hay hội nghị…

Bước xuống tầng trệt của lâu đài, du khách được ngắm ba không gian sáng tạo của nghệ sĩ: vẽ, điêu khắc và ký họa. Bước vào phòng làm việc của thiên tài, chúng ta cảm nhận như được gặp gỡ, đối diện với chính Leonardo thông qua sản phẩm nghe nhìn ghost technology. Điểm gây ấn tượng nhất có lẽ là dựng cảnh cuộc gặp gỡ giữa thiên tài với Hồng y Aragon thông qua các kỹ xảo lazer và nhiếp ảnh.

Quá khứ song hành với hiện đại

Ngày nay, Clos Lucé trở thành địa điểm du lịch văn hóa – lịch sử hàng đầu thuộc vùng Val de Loire được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại. Để hiện thực hóa điều này, gia đình Saint Bris, chủ nhân lâu đài từ 1854, đã dành công sức và tài chính trong vài thập kỷ để tân trang, tái dựng lại lâu đài với “từng phiến đá một”. Họ lựa chọn tiêu chí giới thiệu lâu đài với đại chúng và quốc tế một cách hiện đại, nghĩa là cập nhật công nghệ để tái dựng các maquette, không gian, là tiến hành một chiến dịch truyền thông, quảng bá đầy tính sáng tạo với mong ước đây sẽ là “lâu đài của tương lai” (theo lời của Jean Saint Bris).

Ảnh: Château du Clos Lucé

Ảnh: Château du Clos Lucé

Ảnh: Château du Clos Lucé

Du khách có thể tự điều khiển và tương tác với 18 maquette khổng lồ, như vũ khí quân sự hay công trình thủy lợi đặt trong khuôn viên vườn. Du khách cũng có thể đi dạo ngắm 40 bức họa được thiết kế trong suốt giới thiệu các kiệt tác của bậc thầy Leonardo ở từng tiểu tiết. Các bạn cũng có thể nghe thấy Leonardo đang chia sẻ với chúng ta những bí mật và trực cảm phi thường phát ra đâu đó từ những lùm cây trong khuôn viên vườn phủ đầy bóng xanh. Và việc các bạn tham quan Clos Lucé cũng là cách bạn đang góp phần trực tiếp trùng tu lâu đài này.

Là gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, Clos Lucé mong muốn trở thành “một địa điểm hàng đầu của chủ nghĩa nhân văn và tư tưởng quốc tế trong một thế giới đầy biến động và vẫn đang tìm kiếm con đường hướng đến nền Phục hưng mới” (Hubert Saint Bris).

Ngoài ngôi nhà thời thơ ấu của thiên tài ở Toscane thì không còn nơi nào khác ngoài Clos Lucé được tái dựng và lưu giữ một cách xác thực và độc đáo. Và các bạn đừng quên nàng Joconde đã mỉm cười ở chính nơi đây!

Bài viết: Thụy Phương


 
Back to top