Guédelon – Pháo đài của thế kỉ XXI
Đã bao giờ bạn bước vào một công trường chỉ nhìn thấy đá, gỗ, ngói, ngựa, nhìn thấy các thợ nghề mặc trang phục thời Trung cổ đang làm bánh mì, cưa xẻ gỗ, đục mài đá, đệm dây thừng, kéo ròng rọc, thồ vật liệu lên lưng ngựa chưa?
Đã bao giờ bạn bước vào một đại công trường mà không có điện, máy móc, cần cẩu, âm thanh cơ giới, xăng dầu… chưa? Nếu chưa thì hãy đến Guédelon được xây dựng từ hơn 20 năm nay: Một pháo đài theo đúng mô hình vừa dinh thự vừa phòng thủ của một lãnh chúa hạng trung. Hãy đến với công trường độc đáo này, chỉ cách Paris gần 200 km để quay ngược về thế kỉ XIII!
Từ ý tưởng “điên rồ”
Ý tưởng xây dựng y như thật một pháo đài thời Trung cổ ra đời vào năm 1995 khi Michel Guyot, chủ lâu đài Saint-Fargeau, đặt hàng nghiên cứu cho 3 chuyên gia về công trình công sự, lâu đài và lịch sử kiến trúc. Kết quả nghiên cứu cho biết dưới nền móng của lâu đài Saint-Fargeau (cách Guédelon chừng 12 km) là một pháo đài cổ bị chôn vùi. Câu kết của báo cáo “Sẽ lý thú biết chừng nào nếu Saint-Fargeau được xây dựng lại” khiến cho nhóm chuyên gia và những người bạn của chủ lâu đài bắt đầu “cựa quậy” ý tưởng: Sao không xây mới một pháo đài Trung cổ ở địa điểm khác?
Những người bạn đó, thời trẻ đã từng mộng mơ về những hiệp sỹ, công nương đã quyết định hiện thực hóa giấc mộng có phần “phi thực tế” này sau khi nhờ Jacques Moulin, kiến trúc sư trưởng của Ủy ban Công trình Lịch sử (thuộc Bộ Văn hóa Pháp) vẽ mô hình. Đó sẽ là một pháo đài theo kiểu kiến trúc bốn cạnh với sáu tháp gồm một tháp chính, một tháp nhà nguyện, hai tháp nhỏ ở hai góc và hai tháp nằm ở cửa chính. Như thế vẫn chưa đủ! Cần phải chuẩn bị hồ sơ, xin giấy phép xây dựng, mở rộng các mối quan hệ, tìm kiếm các đối tác tài chính, thương lượng với họ, tìm nguồn tài chính để trả lương cho nhân viên…
Tìm và mua đất cũng là việc tối quan trọng vì khu đất đó phải đảm bảo sử dụng được nguồn tài nguyên tại chỗ, đủ cung cấp và sản xuất được những vật liệu thiết yếu như thời Trung cổ: một khu rừng, một công trường đá, đất, cát và nước.
Mọi việc xem ra hòm hòm và công trường chính thức khai trương vào năm 1997. Nhưng các bạn chớ quên, đây là công trình diễn ra y như thời Trung cổ, tức là kĩ thuật và vật liệu phải được sử dụng như thời đó, nên năm 1997 phải được hiểu là năm 1229 và pháo đài này phải có chủ, đó là lãnh chúa xứ Guédelon!
Sự độc đáo đầu tiên của công trường này là nó hoàn toàn mở cho du khách đi tham quan trong thời gian thợ nghề làm việc. Chỉ sau 2-3 năm, tiền thu từ du khách đã đủ để trang trải kinh phí xây dựng và trả lương cho thợ, tức là kể từ 2001, Guédelon đã tự chủ tài chính.
Maryline Martin, đồng sáng lập & giám đốc điều hành Guédelon kể lại “Điểm quyến rũ tôi ngay lập tức trong dự án này, đó là tiến hành một hành trình lâu dài với mọi người. Điều này có nghĩa là đào tạo họ, đem lại cho họ một công việc thực thụ và một tầm nhìn dài hạn” (Guédelon, Des hommes fous, un château fort ; Ed. Aubanel ; 2004)
Xây để hiểu
Như vậy, phương thức vận hành của công trình này vừa mang tính đại chúng vừa mang tính khoa học. Song song với việc xây dựng, có hẳn một hội đồng khoa học, gồm các nhà khảo cổ học, sử học, lâu đài học, cố vấn trên nhiều phương diện như kiến trúc, kỹ thuật, điều khiển dụng cụ… Guédelon thực sự là một công trường khảo cổ học thực nghiệm lộ thiên. Bởi vì từ cách thức xây dựng, tổ chức công trường, sản xuất dụng cụ, đến tiến độ làm việc phải y hệt và thủ công như thế kỉ XIII mà không có một sự can thiệp của công nghệ, cơ khí nào.
Ví dụ, để xây tường và thành, thợ đá đục, đẽo, mài, khuân đá; các dụng cụ kim loại cũng được sản xuất thủ công ngay tại công trường. Thúng, mẹt, rổ cũng được đan tại chỗ, các loại dây thừng cũng được bện, tết tại đây. Để sơn, vẽ các gian phòng, thợ phải đi tìm các loại đất xung quanh công trường, sau đó, chưng cất tạo thành một loại sáp, hòa với nước để tạo thành sơn quét.
Công trường chỉ làm việc và mở cửa tham quan từ mùa xuân đến mùa thu. Mỗi ngày, tâm thế đến công trường của những người thợ không chỉ là đi làm ăn lương mà là học hỏi, nghi vấn, quên đi những gì đã biết, phá dỡ, làm lại từ đầu, thể nghiệm… để hiểu xem những đồng nghiệp cách họ bảy thế kỉ từng làm việc như thế nào! Những thành công ở thực địa giúp cho các nhà sử học và khảo cổ kiểm chứng những gì lưu trữ, thư tịch cổ lưu lại. Mục đích của công trường này còn là tạo nên một ngân hàng dữ liệu phong phú và cập nhật thường xuyên từ nhiều nguồn sử liệu, thực hành, nghiên cứu, khảo sát.
Còn một nguồn thông tin khác xuất hiện mà những người khởi xướng không hề nghĩ đến, đó là khách tham quan. Những câu hỏi, thắc mắc, kiến thức, bình luận, gợi ý của họ đã cho các nghệ nhân và thợ thủ công tiếp tục hành trình khám phá. Ví như, sau nhiều tháng vật lộn, năm 2012, chiếc cối xay đầu tiên được dựng nên tại công trường có thể xay thành bột mì và làm bánh, du khách có thể mua các loại bánh mình “Made in Guédelon”. Rồi vài năm sau, các nghệ nhân đã chế tác thành công ra loại cửa sổ trong mờ từ da dê quết dầu mà không dùng đến kính.
Điều độc đáo thứ hai của Guédelon là công trường này đi ngược chiều: từ thực tiễn đến lý thuyết. Từ những thể nghiệm không tạo kết quả, những cú test thất bại, từ những điều chỉnh dụng cụ đến sáng chế lại vật liệu (ví dụ một loại vữa đặc biệt thời Trung cổ), thợ và nghệ nhân đã lý thuyết hóa những thực hành thời Trung cổ và cho chính những nhà sử học hay khảo cổ học được tận mắt chứng kiến những gì họ chỉ được đọc thấy trong thư tịch cổ.
“Công trường Guédelon đã tặng cho tôi một trải nghiệm độc nhất vô nhị trong vai trò kiến trúc sư trưởng. Nếu muốn phục chế một cách chính xác, tôi cần phải tìm cho ra những kinh nghiệm lành nghề mà ngay cả những xưởng chuyên môn ngày nay không còn giữ được. Chúng tôi phải đối diện với một nghịch lý: làm ra cái cũ bằng những phương pháp rất hiện đại”, Jacques Moulin, trong La Demeure Historique.
Một chuyển giao di sản
Xây để hiểu, làm để cho xem. Nghệ nhân và công chúng cùng được trải nghiệm trong công trường này. Guédelon hoạt động như một doanh nghiệp với khoảng 70 nhân công, trong đó 40 người là thợ chính tham gia trực tiếp vào việc xây dựng, được trả lương tháng với đầy đủ chế độ ngày nghỉ, hưu trí… Họ là thợ và nghệ nhân thuộc 13 ngành nghề khác nhau: thợ khai đá, đẽo đá, thợ nề, thợ trộn vữa, thợ mộc, thợ mái khung, thợ đánh xe ngựa, thợ rèn, thợ làm ngói, thợ gốm, thợ đan lát, thợ tô màu, thợ làm vườn. Một vài thợ cả đứng vững trong công trình này từ hơn 20 năm nay.
Ngoài kiến thức và tay nghề có hạng, điều lý thú là tất cả thợ và nghệ nhân đều là những “nhà sư phạm trên công trường”, nghĩa là khi được nhận vào làm việc ở đây, họ phải có khả năng và trách nhiệm làm thêm một việc nữa, chiếm một nửa thời gian so với việc chính, đó là giải thích cho du khách công việc họ đang đảm nhiệm. Thế nên, họ say mê với công việc và trở thành những người truyền tải kinh nghiệm cổ xưa vào hiện tại và cho tương lai. Nhờ vào đôi tay họ, đất, đá, gỗ biến thành những hình hài thiết dụng, thẩm mỹ và có giá trị lịch sử cho con người của thế kỷ XXI. Trong một nghĩa nào đó, họ chính là nền móng đích thực của Guédelon.
Là du khách, bạn có thể dừng lại trước một góc công trường hay trong một xưởng sản xuất hỏi han, bàn chuyện với nghệ nhân. Họ vừa tết thừng, đẽo đá, làm bánh mì vừa đáp chuyện với bạn. Bạn đã từng có trải nghiệm thế này ở một công trường nào chưa? Bạn và nghệ nhân học hỏi lẫn nhau. Thế nên, cũng không quá lời khi nói rằng Guédelon là một công trình sư phạm. Mỗi năm, Guédelon đón tiếp 300.000 khách tham quan.
“Người xây dựng”
Nếu không thỏa mãn với việc tham quan, bạn có thể tham gia trực tiếp vào công trường này với vai trò là “người xây dựng” từ 4 đến 6 ngày. Mỗi năm, Guédelon đón tiếp khoảng 700 “người xây dựng” đến từ khắp nơi trên thế giới. Bạn không cần có kỹ năng nào khác ngoài sự ham học hỏi, thiện chí và hứng thú tham gia vào cuộc thám hiểm Guédelon. Tất nhiên, sức khỏe thể chất là điều kiện không thể thiếu cho những ngày lao động chân tay 8 tiếng. Tuần trước, bạn có thể là luật sư, nhân viên IT, marketing, mặc complet, ngồi máy tính, gọi điện thoại, thì tuần này Guédelon lôi tuột bạn vào thế kỷ XIII để trở thành thợ đẽo đá, thợ rèn hay thồ đồ trên xe ngựa, mặc quần áo và đội mũ như thời Trung cổ.
Khóa thâm nhập này giúp bạn khám phá những nghề chính liên quan đến đá, gỗ và đất. Bạn sẽ được cắt cử ngày làm việc theo hai tiêu chí: hoặc dựa vào nhu cầu hiện thời của công trường hoặc phụ thuộc vào khả năng, sở trường của chính bạn. Bạn sẽ được dẫn dắt vào những kỹ thuật nghề như nghề nề truyền thống, khai thác đục đá, nghề gỗ, nghề ngói và nghề rường cột mái. Từng đấy ngày từng đấy việc nhưng bạn chỉ cần trả 10 euros/ngày bao gồm các loại phí đào tạo, hồ sơ và bảo hiểm.
Sống vài ngày ở Guédelon là làm ba việc cùng lúc : “xắn tay nhào vữa”, xây dựng một pháo đài bằng đá trong chiếc áo của người thợ-nghệ nhân, học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm xây dựng của thế kỷ XIII trong chiếc áo người đi học việc, sống đời công trường Trung cổ, và chia sẻ trải nghiệm phi thời gian với những người đương thời. Có nơi nào đem lại cùng lúc nhiều thứ cho bạn bằng Guédelon chưa?
Và điều độc đáo thứ ba là đến Guédelon, bạn sẽ quên hẳn chiếc đồng hồ của thế kỉ XXI, bạn sẽ bước vào nhịp điệu hay tốc độ sinh hoạt, làm việc của thời Trung cổ. Có lẽ, chính vì lẽ này, Guédelon không nhất thiết phải hoàn thành cho nhanh theo một kỳ hạn đã định sẵn. Mà nếu hoàn thành cho sớm thì còn đâu thú tham quan tận hưởng của du khách?
Guédelon là một pháo đài độc nhất vô nhị trên thế giới, bởi công trình nối liền thế kỷ XX và XXI, bởi đây là công trường khoa học, lịch sử, khảo cổ, giáo dục, du lịch. Nó sống động và tịnh tiến, nơi gặp gỡ của thợ nghề, khách du lịch, học sinh, thực tập sinh, phóng viên, nhà nghiên cứu, doanh nhân… Từ mùa này sang mùa khác, năm này qua năm kia, mọi người đã chung tay biến giấc mộng “điên rồ” thành hiện thực, một pháo đài thực sự đang hiện dần ra, cao dần lên dưới hàng triệu con mắt của du khách và theo dự kiến, sẽ được khánh thành vào năm 2025. Vẫn còn kịp để bạn vào vai “người xây dựng” nhé!
“Guédelon là một phép màu, vì nó hiện thực hóa giấc mơ xưa cũ nhất ở trong mỗi chúng ta, đó là du ngoạn vào quá khứ. Một phép màu, vì nó dám thách thức một điều không tưởng và thực tế đã chứng minh điều ngược lại.” Philippe Durand, PGS Đại học Bordeaux 3; trích từ cuốn “Guédelon” – Bộ sưu tập “Patrimoine culturel”, NXB Gisserot, 2005
Bài viết: Thụy Phương