Sống

Danh Lê với triết lý “cõi tạm” và câu chuyện về concept tea house

Apr 05, 2019 | By Trang Ps

Sài Gòn hoa lệ và ồn ã vẫn tồn tại những điểm dừng chân yên tĩnh và tràn đầy cảm hứng như tiệm trà Dear TeaHouse. Ngồi lại với Danh Lê – đồng sáng lập thương hiệu, chúng tôi hiểu nhiều hơn về cốt lõi của một concept tea house cũng như giá trị mà anh cùng hai sáng lập viên còn lại mong muốn gửi gắm trong tiệm trà thân thương của mình.

Đồng sáng lập Danh Lê.

Chào Danh Lê! Chúng tôi thật sự khá tò mò muốn biết Dear TeaHouse đã ra đời trong hoàn cảnh như thế nào?

Hơn 10 năm hoạt động trong ngành sáng tạo, cùng với thời gian hoạt động trong những công ty nhỏ, lớn và thậm chí nước ngoài, tôi luôn ý thức rằng đây là một ngành công nghiệp khắc nghiệt đòi hỏi mình phải luôn nỗ lực hàng ngày, hàng giờ. Đồng thời với guồng quay của cuộc sống, lúc nào mình cũng cảm thấy căng thẳng, luôn cần những không gian thật sự an lành để chiêm nghiệm và tái tạo năng lượng.

Tháng 9.2018, Dear Teahouse chính thức chào đón khách hàng đầu tiên.

Hơn 1 năm trước, trong chuyến du lịch đến Đài Bắc, tôi cùng các cộng sự đã tình cờ ghé qua một tiệm trà nhỏ. Bạn có thể tưởng tượng rằng mùi hương và vị trà đó đã giữ chân chúng tôi khá lâu, và khi rời khỏi nơi ấy, chúng tôi luôn cảm thấy thôi thúc muốn tạo ra một không gian thật sự đơn giản nhưng phải đủ tinh tế dành cho chính mình, và những khách hàng là cư dân thành thị hiện đại và chín chắn.

Tháng 9.2018, Dear Teahouse chính thức chào đón khách hàng đầu tiên tại số 58/4 Trương Định, Quận 1.

Những nhà đồng sáng lập Dear Teahouse, từ phải sang: Danh Lê, Marc Trần, Aimee Thái, và Noto

Theo anh, như thế nào là một concept tea house?

Chúng tôi quan niệm một concept tea house tổng hòa trải nghiệm những lát cắt cảm thụ từ tất cả 5 giác quan. Nơi mà bạn gần như dành hết thời gian ngồi ở đó để chiêm nghiệm, học hỏi những điều mới mẻ từ các ẩn phẩm hay tác phẩm nghệ thuật được trưng bày. Mọi lo âu phiền muộn đều được bỏ lại bên ngoài cánh cửa, và hy vọng khi bước chân ra về, bạn đã được tái tạo năng lượng và có thể ứng dụng được những kiến thức mới cho cuộc sống, hay cả trong công việc cho dù bạn làm nghề gì.

Pha trà ngon là cả một nghệ thuật.

Vậy điều gì làm cho Dear TeaHouse khác biệt?

Chúng tôi không cố gắng để trở nên khác biệt, chúng tôi chỉ cố gắng làm những gì phải sáng tạo nhất, chỉn chu nhất trong khả năng của mình. Dear TeaHouse ra đời cùng khao khát tạo ra một nơi trú ẩn sau những bộn bề, nơi bạn cảm thấy thư thái để chiêm nghiệm, nơi cách pha chế trà và các loại trà truyền thống được sống lại trong một không gian đương đại.

Chúng tôi quan niệm một concept tea house tổng hòa trải nghiệm những lát cắt cảm thụ từ tất cả 5 giác quan.

Sự sáng tạo thể hiện qua hình ảnh giao tiếp giữa các loại trà với người thưởng trà, qua ý tưởng trình bày, qua cách kể chuyện của không gian xuyên suốt mỗi mùa trong năm. Sự chỉn chu được đề cao trong từng vật dụng bên trong gian bếp nhỏ, bàn và ghế cũng đều mang những hơi thở riêng.

Vì sao anh lại từ bỏ công việc Art Director tại công ty nước ngoài danh tiếng để bắt đầu Dear TeaHouse?

Có một câu nói quen thuộc của Tony Gakins là “Nếu bạn không tự xây dựng ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây dựng ước mơ của họ”. Tôi nghĩ điều đó hiển nhiên là đúng, nhưng đâu mới là thời điểm để bạn bắt đầu xây dựng ước mơ của mình?

“Nếu bạn không tự xây dựng ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây dựng ước mơ của họ.”

Những năm tháng chật vật tìm kiếm đam mê của mình, thử sức ở các môi trường sáng tạo trong nước, cũng như trong khu vực, là khoảng thời gian giúp tôi tích lũy kiến thức và tài chính để cùng các cộng sự biến ước mơ thành hiện thực.

Nhân đây tôi xin gửi lời tri ân và trân trọng sự giúp đỡ vô điều kiện của các cộng sự bên cạnh mình, KTS. Aimee Thái & Nhiếp ảnh gia Marc Trần, và cũng là hai đồng sáng lập của Dear TeaHouse.

Anh suy nghĩ thế nào về sức khỏe tinh thần của cư dân thành thị ngày nay?

Chúng tôi thấy mình cũng là một trong số những nạn nhân của sự phát triển quá nhanh ở thành thị. Đô thị ngày càng bê tông hóa, quá ít không gian xanh, không gian đi bộ, quang cảnh và những không gian khác giúp nâng cao sức khỏe con người, dẫn đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của các cư dân đô thị ngày càng suy giảm.

Đó là chưa kể đến áp lực vô hình của công việc và guồng quay phát triển hối hả làm cho các vấn đề xoay quanh công việc, gia đình, bạn bè,… không phải lúc nào cũng thuận lợi. Để phát triển bền vững, chúng ta rất cần sự quan tâm kịp thời và đúng đắn đến nhiều khía cạnh như nêu trên, bắt đầu từ việc chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Hanami lấy cảm hứng từ triết lý “MA” hay “cõi tạm” trong văn hóa Nhật Bản.

Vậy cảm hứng cho sự ra đời của Hanami đến từ đâu?

Triết lý “MA” hay “cõi tạm” trong văn hóa Nhật Bản cuốn hút tôi. Tính chất “tạm thời” trong vẻ đẹp của hoa anh đào, rực rỡ nhưng chóng tàn, rất phổ biến trong văn hoá Nhật Bản và thường được coi là sự tôn vinh và ngưỡng mộ sự hiện hữu, đồng thời tận hưởng những giây phút quý giá trong cuộc sống.

Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp đó, chúng tôi mong muốn “dịch chuyển” toàn bộ không khí mùa xuân Kyoto ấy về ngay giữa lòng Sài Gòn, với mong muốn truyền tải thông điệp hãy luôn lạc quan, vui tươi, và làm việc hết mình để tạo ra những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Anh có thể chia sẻ thêm về những đơn vị cộng tác để cho ra đời Hanami lần này?

Dear TeaHouse luôn mong muốn kết nối những đơn vị sáng tạo với nhau, tạo ra quần thể sáng tạo mới, những tài năng mới, nơi họ thử nghiệm và cụ thể hơn là cho đời những nguyên bản sáng tạo và giới thiệu tác phẩm đó đến gần hơn với khách hàng tiềm năng của Dear TeaHouse.

Để cho ra đời Hanami, Dear TeaHouse may mắn được một lần nữa cộng tác cùng Seven Studio và nghệ nhân Thiện Nguyễn. Đặc biệt, không những với Hanami, trong các dự án tương lai, chắc chắn rằng khách hàng của Dear sẽ luôn có cơ hội thưởng trà trong một không gian được sáng tạo bởi các tài năng từ khắp mọi miền đất nước.

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!


 
Back to top