LIFESTYLE

Hoà nhạc Mademoiselle: Những tác phẩm gợi niềm thương nhớ và tôn vinh phái đẹp

Nov 05, 2024 | By Art Republik

Mỗi buổi hòa nhạc được Wiener Klassik tổ chức định kì tại Grand Marina, Saigon – không chỉ là sân khấu của âm nhạc cổ điển mà còn là một điểm giao thoa độc đáo giữa nhiều loại hình nghệ thuật khác. Nơi đây, âm nhạc không chỉ dừng lại ở những âm thanh du dương, mà còn kết hợp hài hòa với hội họa tinh tế, thời trang lịch lãm, đá quý lấp lánh, và ẩm thực tuyệt hảo. Chính sự hòa quyện này mang đến một trải nghiệm nghệ thuật mới, toàn diện và đa chiều cho khán giả.

Tài buổi hòa nhạc, khán giả dường như bị cuốn hút vào một thế giới khác, nơi mà âm nhạc, thời trang, kim cương và ẩm thực đều kể chuyện và khắc họa nên những bức tranh về tình yêu, sự mạnh mẽ, đôi khi là nỗi buồn man mác của nữ giới, được thể hiện bởi bộ đôi nghệ sĩ gạo cội Phạm Quỳnh Trang và Trần Thị Tâm Ngọc.

Hình thức hòa tấu hai đàn piano và chơi bốn tay (hai người trên một đàn) đã phổ biến từ nửa cuối của thế kỉ 18 ở Châu Âu. Đây cũng là thể loại yêu thích và đam mê sáng tác của rất nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng như Mozart, Beethoven, Schubert, Schumann, Rachmaninoff, Ravel, Debussy….

Ở Việt Nam, hình thức này cũng đã được biết đến từ khi có khoa piano của Học Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nhưng chưa có một bộ đôi nào luôn chơi với nhau đaược thành lập chính thức. Vì vậy sự xuất hiện của “Duo Piano May ” với bộ đôi nghệ sĩ Phạm Quỳnh Trang và Trần Thị Tâm Ngọc đã nhanh chóng được những người yêu thích nhạc cổ điển yêu thích bởi tính chuyên nghiệp, sự say mê âm nhạc và chương trình biểu diễn phong phú.

Là những nghệ sĩ, giảng viên Piano của Học viện Âm nhạc, cặp song tấu này đã có danh mục tác phẩm với nhiều trường phái âm nhạc khác nhau cho 2 đàn Piano cũng như các bản Piano dành cho 4 tay từ cổ điển, đương đại đến các tác phẩm Việt Nam mới được sáng tác. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã từng chia sẻ “May Duo đã mang những cơn mưa âm nhạc làm mát mẻ cho nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam vẫn còn đang khát những giá trị đích thực.

Ngay từ lúc khởi đầu, không gian trở nên ấn tượng với sự xuất hiện của những nàng thơ diện trang phục ánh kim lấp lánh, như thể hiện sự quyến rũ và kiêu sa của “Mademoiselle”. Tiếng đàn piano vang lên, mở màn cho một chuỗi các bản nhạc cổ điển pha chút hiện đại, khiến khán giả mê mẩn từ những giai điệu đầu tiên.

Mở màn chương trình, “Sheep may safely graze” thực sự gợi lên một cảnh đồng quê yên bình ở Châu Âu, để rồi sau đó, quý khán giả đã được bước vào thế giới tưởng tượng của Schubert, nơi âm nhạc và cảm xúc hòa quyện một cách liền mạch. Fantasia in F minor (khúc kỳ ảo giọng Fa thứ) là một trong những kiệt tác của Schubert, viết cho piano bốn tay. Nhà âm nhạc học Christopher Gibbs đã nhận định rằng: nhạc phẩm này là “một trong những tác phẩm không chỉ vĩ đại nhất mà còn tinh khiết nhất của Schubert. Ông đã sáng tác nó vào năm 1828, năm cuối cùng của cuộc đời, dành tặng cho học trò của mình là Caroline Esterházy.

Tác phẩm Pavane Pour Infante Defunte, Vũ khúc pavane cho một nàng công chúa đã qua đời là tiểu phẩm dành cho piano của nhà soạn nhạc người Pháp Maurice Ravel. Ravel mô tả vũ khúc này như là “một khởi sự liên tưởng đến điệu pavane mà một nàng công chúa có thể đã khiêu vũ trong cung điện hoàng gia Tây Ban Nha”. Ravel dành tặng vũ khúc này cho người bảo trợ âm nhạc của mình là Princesse de Polignac.

Chị Tường Vy, một khách mời của hòa nhạc, chia sẻ: “Mỗi khi nhắm mắt lại, những giai điệu ấy như đưa tôi du hành thời gian, trở về với những năm tháng vàng son của nhạc cổ điển. Âm nhạc ấy không chỉ nghe bằng tai, mà còn cảm nhận bằng cả trái tim.” Sự kiện hòa nhạc này không chỉ đơn thuần là một buổi biểu diễn âm nhạc, mà còn là một buổi triển lãm của nghệ thuật đa dạng và sáng tạo. Âm nhạc, hội họa, thời trang, đá quý, và ẩm thực không chỉ tồn tại song song mà còn hoà quyện, tạo nên một bức tranh nghệ thuật tổng thể, sống động và đáng nhớ. Trong thời đại mà công nghệ kỹ thuật số đang chiếm ưu thế, thì chính những trải nghiệm nghệ thuật như Wiener Klassik đã làm sống lại cái hồn của văn hóa, truyền thống và mỹ học, không chỉ mở ra một thế giới mới cho những người đã yêu mến âm nhạc cổ điển mà còn thu hút cả những tâm hồn đam mê cái đẹp tinh tế của nghệ thuật đa chiều.

Chương trình do Impressivo Klaviere & Flugel – công ty chủ quản chuỗi hòa nhạc Wiener Klassik Societ kết hợp cùng các nhà tài trợ kim cương Noble-co, hãng thời trang VYC Athemina, Ararat và Ka Koncept tổ chức.


 
Back to top