Sống / Du lịch

Lý Thành Cơ: “Phong cách du lịch của tôi là từ tốn”

Sep 06, 2022 | By Stephanie Nguyen

Lý Thành Cơ là một Business Traveler đích thực, vì anh có một công việc chính song song với “nghề tay trái” là Travel Vlogger. Vậy nên, việc vừa đi vừa làm đối với anh từ lâu đã là một khái niệm quen thuộc. Tuy vậy, Lý Thành Cơ cho rằng đó sẽ là xu hướng của không chỉ riêng anh mà sẽ là của rất nhiều người trong tương lai.

Ảnh: Trần Quang Duy

Nhân một chuyến đi đặc biệt ở Crowne Plaza Phu Quoc Starbay, anh đã chia sẻ với L’OFFICIEL những “bí kíp” bỏ túi cho những người vừa đi du lịch, vừa làm sáng tạo như mình.

Khi đi du lịch kết hợp công tác ở một nơi nào đó, Lý Thành Cơ sẽ ưu tiên điều gì nhất?

Trong hai năm trở lại đây, tôi đã bắt đầu không cần xin nghỉ phép để đi du lịch nữa. Điều đó cũng đồng nghĩa tôi làm việc trong lúc du lịch khá nhiều. Ngoài nhu cầu bắt buộc về các không gian cơ bản như phòng ngủ và phòng tắm, tôi cũng muốn có khu vực để làm việc hiệu quả lúc đi du lịch. Gần như trong tất cả các chuyến đi, tôi đều chọn phòng ngủ đủ rộng để vừa có một góc làm việc nhỏ, hoặc một phòng khách tách biệt để tôi có thể làm việc hoặc dạy học mà không làm ảnh hưởng đến bạn đồng hành.

Đâu là điều quan trọng nhất với anh trong một chuyến du lịch kết hợp với công tác?

Tôi nghĩ đó là một khoảng không gian yên tĩnh cần thiết trong ngày. Vì đó sẽ là lúc tôi cần phải tập trung để giải quyết công việc. Chẳng hạn, tối hôm qua tôi đã có vài tiếng tự do để làm việc đến đêm. Tôi không bận tâm lắm về việc phải làm khuya, vì thật ra tôi đã dùng cả ngày để tận hưởng rồi.

Hình: Một không gian làm việc riêng là điều Travel Blogger Lý Thành Cơ đặc biệt quan tâm trong các chuyến đi. Ảnh: Trần Quang Duy

Khi đến một điểm đến mới, ngoài làm việc, anh sẽ ưu tiên cho những hoạt động nào?

Tôi sẽ ưu tiên những hoạt động dành cho thiên nhiên, văn hóa và ẩm thực. Đó là những yếu tố mà tôi nghĩ trong mọi chuyến đi, tôi đều muốn tìm hiểu. Tôi thích thiên nhiên bởi vì đây là yếu tố khác biệt và khó tìm nhất so với cuộc sống tấp nập và bận rộn hàng ngày ở thành phố. Khi đi đâu đó, tôi luôn muốn tìm về với thiên nhiên; nó mang lại cho tôi cảm giác tươi mới.

Anh có thể chia sẻ thêm cách mình tận hưởng thiên nhiên, văn hóa và ẩm thực bản địa, đặc biệt là ở Phú Quốc không?

Trong chuyến đi Bali vào đầu tháng Năm vừa qua, tôi dành rất nhiều thời gian khám phá. Tôi đi biển, ra các đảo tham quan và trekking đồi núi để nhìn xuống bao quát toàn bộ không gian. Rất đẹp! Đến tận ngày cuối cùng, tôi vẫn còn dậy từ một giờ sáng để leo đỉnh núi lửa ngắm bình minh. Với đồ ăn bản xứ, tôi thường chọn cách tìm bạn địa phương để có thể dẫn mình đi ăn những món ăn thật ngon. Tôi nghĩ đó cũng là điều thú vị nhất trong mỗi chuyến đi: kết nối với những người địa phương để biết thêm đây đó, bởi đôi khi đọc review hay blog du lịch thì chúng ta chỉ biết được những ý kiến cá nhân thôi, chưa chắc là góc nhìn đúng.

Bữa sáng bên hồ bơi đầy thảnh thơi của Lý Thành Cơ. Ảnh: Trần Quang Duy

Riêng ở Phú Quốc, tôi cảm thấy văn hoá của hòn đảo này nằm ở những bến tàu, chợ cá. Chỉ cần đến đó, bạn sẽ quan sát được rất nhiều về cuộc sống hàng ngày của người dân. Đó chính linh hồn của Phú Quốc. Tôi cũng thường cố gắng tìm những địa điểm có thể đi bộ hoặc xe máy để tự do khám phá những nơi hoang sơ nhất. Tôi yêu thích cả ẩm thực địa phương trong thị trấn lẫn ẩm thực fusion ở những nhà hàng cao cấp ở Phú Quốc.

Nếu được dùng một từ để miêu tả phong cách du lịch của mình, anh sẽ chọn từ nào?

Từ tốn (cười). Vì tôi đi chuyến nào cũng vừa phải, không bị dồn dập quá; tôi muốn khi đến một nơi nào đó, mình sẽ dùng thật nhiều thời gian để trải nghiệm nơi đó.

Anh nghĩ sao về lối sống của người trẻ hiện đại – không thích cố định ở văn phòng mà sẽ đi đây đi đó, kết hợp du lịch và làm việc với nhau?

Tôi nghĩ hai năm dịch vừa qua đã cho mọi người thấy không nhất thiết cần một văn phòng để có thể làm việc tốt, mà chỉ cần nơi nào có wi-fi, laptop và đủ công cụ là bạn có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào bạn muốn, chẳng hạn như nhiếp ảnh gia sẽ cần máy ảnh, biên tập viên sẽ cần laptop,…

Trong team tôi có rất nhiều bạn gen Z và một vài Millennial siêu trẻ. Các bạn rất muốn work from home và tôi vô cùng thoải mái, vì tôi quan trọng hiệu suất chứ không quan tâm trong quá trình đó bạn làm gì, ở đâu,… Tôi nghĩ đó là một điều hay mà các công ty có thể dần thích nghi, bởi những bạn trẻ này đang là lực lượng lao động chính của tương lai.

Là một người rất giàu kinh nghiệm về vừa đi chơi vừa làm việc, anh có bí quyết nào để mọi thứ hiệu quả không?

Một là phải có góc làm việc phù hợp trong chuyến đi – có bàn trong phòng, hoặc một quán cà phê, miễn sao đó là góc phù hợp để mình tập trung.

Hai là luôn chọn một giờ cố định trong ngày để làm việc. Chẳng hạn, buổi sáng đi chơi thì mình chỉ chơi thôi, còn buổi chiều mình sẽ cố định khung giờ để làm việc. Khoảng thời gian du học ở Pháp, tôi luôn cố định khung từ chín đến mười một giờ sáng tại Pháp, trong suốt hai tuần, để gọi video về Việt Nam và họp team, giải quyết mọi công việc.

Ba là tăng chất lượng công việc lên để giải quyết mọi thứ nhanh gọn và hiệu quả, để mình còn được đi chơi nữa! (Cười)

Có vẻ như “được đi chơi” đem lại một động lực mạnh mẽ để làm việc?

Tôi nghĩ việc đi đó đây, đổi cảnh sẽ truyền cảm hứng cho mình làm việc tốt hơn rất nhiều. Chẳng hạn có lần, tôi cùng team “brainstorm” ý tưởng cho một dự án sắp tới và tôi đã tìm kiếm gợi ý từ một lần tham quan bảo tàng ở châu Âu. Tôi cảm thấy hay vì chính những chuyến đi xa lại cho mình rất nhiều ý tưởng để thực hiện công việc hiện tại, một “win-win situation”!

Ảnh: Lý Thành Cơ

Ngoài ra, làm thế nào để anh kiểm soát được những trục trặc trên đường đi, chẳng hạn như không tìm được wi-fi hay mất nhiều thời gian di chuyển?

Tôi sẽ phải dự đoán trước tất cả những điều đó, bởi có những chuyến đi mà điểm đến gần như không có wi-fi hoặc rất khó để mình tập trung làm việc. Khi đó, tôi sẽ xin nghỉ phép hẳn. Ví dụ chuyến đi Himalaya vừa rồi, lên núi thì đâu có sóng điện thoại để gọi về cho người thân đâu, nói chi là ngồi họp online! Vậy nên tôi phải dự trù hết. Còn những workation (tức vừa đi vừa làm) chỉ phù hợp khi nơi đó có wi-fi/4G và tương đối tiện nghi, ví dụ như đi Phú Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan, nói chung vẫn phải liên hệ với thành phố một tí xíu!

Cảm ơn Lý Thành Cơ về những chia sẻ thú vị của anh!

Nội dung bài viết thuộc chiến dịch “Modern Business Travel” giữa L’OFFICIEL Vietnam và Crowne Plaza Phu Quoc Starbay.


 
Back to top