LIFE

Thế giới đã thay đổi ra sao sau ngày 11/9

Sep 10, 2021 | By Nguyen Huu Hon

Sự kiện khủng khiếp đã khiến thế giới phải dừng lại: 02 chiếc máy bay bị khủng bố đâm thẳng vào tòa Tháp Đôi New York. Ngày 11/9 là tiếng chuông kết thúc của cuộc sống bình yên cho nhân loại không lo sợ khủng bố. Hai thập kỷ đã trôi qua và thế giới đã không còn như trước đây nữa, 

Cho dù là ai, đã làm gì vào ngày 11 tháng 9, sự kiện đã trở thành một giai đoạn bi thảm trong lịch sử nước Mỹ và nhân loại, là ký ức mà mọi người đều không thể quên.

Đúng 20 năm kể từ vụ tai nạn kinh hoàng khiến gần 3.000 người thiệt mạng và ít nhất 6.000 người bị thương, thế giới của chúng ta đã hoàn toàn thay đổi so với năm 2001. Khi ấy, internet vẫn còn mới mẻ, ti vi chưa phổ biến màn hìn LED và sẽ quần áo bạn tĩnh điện nếu đến gần, mọi người ăn mặc thật đẹp khi đi máy bay và Nokia vẫn là ông hoàng của điện thoại di động.

Hai thập kỷ đã trôi qua và thế giới đã thay đổi mãi mãi

Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công 11/9, một chiếc máy bay khác bị cướp cũng cố gắng lao vào Lầu Năm Góc và một chiếc khác rơi xuống một cánh đồng ở Pennsylvania, có thể bạn không biết điều đó.

Và sự kiện ấy đã thay đổi cục diện thế giới như thế nào?

An ninh được tăng cường

Al Qaeda với Osama bin Laden là tổ chức khủng bố đứng sau các cuộc tấn công vào nước Mỹ, những kẻ khủng bố Hồi giáo này dễ dàng mang dao hay thậm chí máy cắt hộp qua an ninh sân bay. Từ đó các sân bay lớn trên toàn cầu thắt chặt an ninh để ngăn chặn mọi âm mưu khủng bố tương tự.

Trước ngày 11/9, các quốc gia bao gồm Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan không kiểm tra an ninh cho các chuyến bay nội địa. Hoặc chỉ có một số sân bay đã tiến hành kiểm tra an ninh ngẫu nhiên.

Trước ngày 11/9, hành khách có thể vào buồng lái của các phi công. Sau các cuộc tấn công khủng bố, nhiều máy bay – có thể không phải là tất cả – đã gia cố cửa buồng lái chống đạn.

Mỹ cũng đã thiết lập Danh sách Cấm Bay, bao gồm khoảng 47.000 cá nhân được coi là mối đe dọa rủi ro đối với hàng không vào năm 2013.

Công nghệ bùng nổ

Vào thời điểm xảy ra vụ khủng bố, TV là nguồn thông tin chính. Thực tế, 90% người dân đã nghe tin tức về ngày 11/9 từ TV, so với 5% số người được biết qua Internet, theo một báo cáo của Pew Research Center.

Tin tức giờ đây lan truyền nhanh và xa hơn bao giờ hết. Hơn 86% người trưởng thành ở Mỹ xem tin tức từ điện thoại thông minh, máy tính hoặc máy tính bảng của mình, theo Pew Research Center.

Khả năng tiếp cận các tin tức rộng rãi hơn có nghĩa là mọi người có thể chuẩn bị tốt hơn để hành động trong những trường hợp tương tự. Tuy nhiên, điều này cũng có thể thúc đẩy việc lan truyền thông tin sai lệch, các ý kiến ​có chủ đích và điều hướng những gì bạn có thể xem (được xác định bởi các thuật toán).

Cuộc chiến ở Afghanistan

Một trong những tác động liên tục của vụ tấn công 11/9 là cuộc chiến ở Afghanistan. Một tháng sau ngày 11 tháng 9, Mỹ ném bom đất nước này vì chính phủ do Taliban điều hành từ chối giao nộp Bin Laden.

Kéo dài 2 thập kỷ, nó đã trở thành một trong những cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sau cái chết của Bin Laden vào ngày 2 tháng 5 năm 2011 được thực hiện bởi lực lượng đặc biệt ở Pakistan, Mỹ bắt đầu từ từ rút quân. Vào ngày 30 tháng 8 năm 2021, tất cả quân đội Mỹ đã rời khỏi Afghanistan và Taliban đã giành lại quyền kiểm soát đất nước.

Những con số từ cuộc chiến này có thể kể đến khoảng 980.000 cựu chiến binh Mỹ tại Afghanistan, trong đó 507.000 người đã phục vụ ở Afghanistan và Iraq. Trong cuộc chiến kéo dài 20 năm, 2.455 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng và gây thiệt hại cho Chính phủ Mỹ khoảng 2,3 nghìn tỷ USD .

Niềm tin sụt giảm

Cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất của nước Mỹ đã chứng kiến ​​sự sụt giảm nghiêm trọng của hoạt động đi lại bằng đường hàng không. Nguyên nhân từ cảm giác sợ hãi và dễ bị tổn thương, mọi người mất tự tin khi sử dụng các máy bay thương mại.

An ninh được tăng cường đồng nghĩa với việc di chuyển bằng máy bay không còn dễ dàng nữa, và những khách du lịch thông thường đã phải quen với các biện pháp kiểm tra mới.

Các chuyến bay nội địa của Hoa Kỳ đã giảm 10%, khiến doanh thu giảm 10 tỷ đô la Mỹ mỗi năm từ năm 2001 đến năm 2006, điều này cũng làm tăng số tai nạn đường bộ. Người ta tin rằng có thêm 1.200 người tử vong khi lái xe được cho là do hậu quả của vụ 11/9.

Liên lạc rộng rãi

Nếu COVID-19 đã dạy chúng ta một bài học nào đó, thì nó là sức mạnh của các phương tiện liên lạc trực tuyến.

Nhưng điều đó không xảy ra vào năm 2001, những người thân yêu đã phải tạm biệt nhau bằng cách sử dụng điện thoại cố định hoặc điện thoại di động đời cũ. Thật không may, dịch vụ điện thoại di động đã ngừng hoạt động sau khi Tòa tháp đôi bị tấn công, khiến việc nói những lời cuối cùng với những người thân yêu trở nên vô cùng khó khăn.

Thật khó tin khi thấy liên lạc viễn thông đã phát triển mạnh như thế nào sau 20 năm – một dịch vụ giờ đây đã được coi là hiển nhiên.

Những từ vựng mới

Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng sẽ đi kèm với các thuật ngữ mới, và 11/9 cũng không là ngoại lệ. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, các thuật ngữ như tiếng Anh như ‘terrorism’, ‘ground zero’, ‘let’s roll’, ‘war on terror’ và ‘enduring freedom’ đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Và đúng như Ralph Waldo Emerson đã từng viết: “Ngôn ngữ chính là kho lưu trữ của lịch sử”.

Nguồn: CEO, WSJ.


 
Back to top