DINING LIBRARY / Chef's Story

Tôi học được gì? Jeong Kwan – triết lý Phật Giáo hình thành nên biểu tượng ẩm thực châu Á

Aug 02, 2022 | By Ton Binh

Vốn là một nhà sư người Hàn, Jeong Kwan đã vận dụng nguyên tắc trong đạo Phật của quá trình tu tập vào việc thực hành ăn uống lành mạnh, không lãng phí và sáng tạo ra nhiều công thức nấu ăn cho Mật viện Chunji Nam tại chùa Baegyangsa, Hàn Quốc. Bà cũng là một trong ba đầu bếp châu Á được vinh danh tại Giải thưởng Biểu tượng danh giá dành cho 50 nhà hàng tốt nhất châu Á, cùng với Seiji Yamamoto và Yoshihiro Murata. 

Lắng nghe và cảm nhận câu chuyện của từng nguyên liệu vốn là quan niệm khi nấu ăn của Jeong Kwan. 

Từ khi gia nhập tu viện, bà đã bắt đầu công việc nấu ăn cho các nhà sư và những phản hồi tích cực là động lực thúc đẩy bà tiếp tục với niềm đam mê. Với bà, nấu ăn cũng là quá trình tu tập và là sợi dây kết nối năng lượng thể chất và tinh thần cho các nhà sư. Bởi vậy, bà tập trung vào chế biến thức ăn để có thể giúp các nhà sư trong quá trình tu tập của họ. 

Jeong Kwan đã nhận được Giải thưởng Biểu tượng danh giá của 50 nhà hàng tốt nhất Châu Á 2022

Cơ duyên đưa những món ăn của bà vươn tầm thế giới khi đầu bếp nổi tiếng và đồng đạo là Phật tử Eric Ripert đến thăm ngôi chùa và mời bà nấu ăn tại New York cho một vài vị khách vào năm 2015. Kể từ đó, cách tiếp cận trong nấu ăn của bà đã thu hút sự công nhận của chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Jeong Kwan cũng là nhân vật từng được xuất hiện trên loạt phim Chef’s Table – đoạt giải thưởng của Netflix vào năm 2017. 

Sự cân bằng trong ẩm thực là phương thức chữa lành 

Ẩm thực nơi cửa Phật vốn là một phần trong quá trình tu tập và cũng là hành trình tìm lại chính mình. Với Jeong Kwan, bà đã khéo léo tối đa hương vị và chất dinh dưỡng từ các thành phần có nguồn gốc thực vật gia giảm hạn chế để giữ được sự tươi ngon và vị ngọt tự nhiên. 

Đồng thời, bà cũng tận dụng nguyên liệu theo mùa vốn rất rõ rệt tại Hàn Quốc: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi mùa mang đến thức quà riêng với giá trị dinh dưỡng khác nhau. Jeong Kwan khuyến khích mọi người nên tìm hiểu các thành phần khi nấu ăn, cụ thể là về vòng đời của từng loại thực phẩm. Bằng việc trồng và quan sát vòng đời của một loại thực vật, đầu bếp sẽ hiểu hơn về chúng từ đó sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn. 

Sự cân bằng chính là chìa khoá trong phương thức tiếp cận của bà khi nấu ăn. Bởi vậy, bà rất coi trọng việc sử dụng gia vị để cân bằng độ chua, cay, mặn, ngọt, đắng của từng món ăn. Nhất là tại Hàn Quốc – nền ẩm thực truyền thống gắn liền với cách thức lên men tự nhiên, lâu năm như doenjang (tương đậu) và ganjang (nước tương). Để dung nạp chất đạm cho cơ thể, người Hàn thường sử dụng nấm đông cô, củ cải và củ sen. 

Có thể thấy, bằng cách hiểu những gì bạn đang nấu sẽ giúp bạn hiểu năng lượng của mỗi sản phẩm từ đó tạo ra chu kỳ tích cực thúc đẩy cuộc sống bền vững. 

Mối liên hệ giữa giáo lý trong Phật giáo và ẩm thực 

Ảnh: Prestige

Jeong Kwan chia sẻ: “Trước khi trở thành nhà sư, tôi đã được dạy về tính tiết kiệm, không tạo thức ăn thừa. Sau này, tôi cảm thấy điều này thực sự hữu ích khi tôi nhận được ân huệ của sự đóng góp và đức tính quý trọng mọi thứ bao gồm cả thực phẩm”. 

Đây cũng là một phần trong giáo lý của Đức Phật từ 2.600 năm trước. Nếu chúng ta quý trọng cuộc sống, chúng ta không nên để lãng phí dù chỉ một hạt gạo. Đó là lý do vì sao bà chỉ sử dụng một lượng thức ăn nhất định trong tu viện và tận dụng tối đa công năng của thực phẩm từ rễ, lá, ngọn, quả,…

Khi nấu ăn, bạn nên bày tỏ lòng biết ơn đối với công sức của những người nông dân, bà cho biết. 

Cũng bởi nấu ăn gắn liền với quá trình tu tập khổ hạnh, bà muốn truyền tải thông điệp và cách tiếp cận của mình trong ẩm thực với nhiều người hơn trên khắp thế giới bằng cách trân quý và thúc đẩy lối sống bền vững, tôn trọng thiên nhiên và môi trường. 

Thu Thảo – tham khảo từ Prestige 


 
Back to top