Vũ Thảo: “Tôi đã xây dựng thương hiệu thời trang bền vững như thế nào?”
Thật khó có thể tưởng tượng một ngày nào đó thời trang lại phải đối mặt với những khủng hoảng trầm trọng như hiện nay. Là một ngành công nghiệp dựa vào sức mạnh của tiêu dùng, thời trang với thành trì kiên cố hơn hẳn so với những nền công nghiệp hiện đại khác tưởng sẽ chẳng bao giờ lung lay.
Tuy nhiên, thời trang đang nghiêm túc xem xét lại vai trò của mình trong xã hội sau khi đại dịch coronavirus bùng phát, gây ảnh hưởng đến an ninh ý tế và kinh tế thế giới. Trong bối cảnh phức tạp, bị chế ngự bởi những thứ không thể đoán định và những nỗi sợ hãi vô hình thì tính Bền Vững đang nổi lên như một yếu tố then chốt để khởi động lại ngành thời trang. Trở thành khái niệm phổ biến trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo, bền vững được chứng minh trong vài năm qua không chỉ là một công cụ tiếp thị mà còn là một nguyên tắc cốt lõi để đảm bảo một tương lai sáng sủa hơn cho nền công nghiệp may mặc.
Tuy nhiên, khi cả xã hội đã quá quen với tiêu dùng đại trà, với quần áo giá rẻ thì việc thiết lập hay duy trì một nhãn hiệu thời trang có dính dáng đến “đạo đức” như KILOMET109 vẫn bị liệt vào hàng ảo tưởng và nhiều huyễn hoặc. Thú thật là cũng đúng một phần! (Tôi vẫn luôn nghĩ như vậy! Vì thiết kế thời trang với tôi hoàn toàn xuất phát từ cảm xúc. Mà cảm xúc có phải lúc nào cũng sáng suốt đâu!).
Ở thời điểm khởi đầu – năm 2012, tôi không hề nghĩ đến những sứ mệnh to tát nào khác ngoài mong muốn tạo ra các sản phẩm thời trang đương đại thuần tuý của Việt Nam từ đầu đến cuối. Cụ thể là từ khâu gieo trồng đến gặt hái, sơ chế nguyên liệu thô, dệt thủ công, nhuộm tự nhiên… và cuối cùng là thiết kế. Nhưng để tạo ra một chuỗi cung ứng khép kín như thế với sức vóc non nớt của tôi lúc xuất phát chẳng khác nào như rời non, lấp bể. Vấp ngã, thất bại, nản lòng rồi lại vấp ngã. Vậy tôi đã làm những gì để đi tiếp? Những yếu tố nào quan trọng đã giúp tôi vững bước hơn trên con đường vẫn còn rất dài của thời trang bền vững?
Xin được chia sẻ với bạn đọc dưới đây!
1. Chế tác địa phương
Dấu ấn địa phương đối với tôi chính là linh hồn của thiết kế, nhất là khi dòng chảy toàn cầu hoá đang nhân bản mọi thứ, đe doạ sự đa dạng văn hoá. Dấu ấn địa phương ở đây bao gồm: cảm hứng sáng tác từ văn hoá địa phương, sử dụng chất liệu địa phương, kỹ thuật chế tác địa phương và được thực hiện bằng lực lượng lao động địa phương. Khả năng nhận dạng bản sắc từ việc chế tác địa phương là vô cùng lớn. Nó tạo nét khác biệt trong cạnh tranh. Mang lại sự duy nhất cho sáng tạo.
Chế tác địa phương giúp tạo ra thu nhập cho các cộng đồng thủ công, giảm chi phí vận chuyển vì chúng tôi không phải nhập khẩu từ xa. Ngoài ra chế tác địa phương với các kỹ thuật thủ công giúp giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu như xăng, dầu, điện, nước để vận hành máy móc vì chúng được làm bằng tay là chính.
Ví dụ như làm vải gai dầu. Từ việc gieo trồng đến chăm sóc cây trưởng thành chúng tôi chỉ phải bón phân xanh lúc đầu còn lại không phải tưới tắm hay phun thuốc kích thích gì vì những vùng trồng gai dầu có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cùng với lượng mưa lớn. Khi xử lý nguyên liệu thô các nghệ nhân H’mông Xanh (Hmoob Dua) và H’mông Đen (Hmoob Du) trên vùng Tây Bắc đều tận dụng sức người. Tước sợi, nối sợi, xe sợi, cuộn sợi …đều làm bằng tay. Dệt vải, mài bóng, vẽ sáp ong cũng thế!
2. Chất lượng vượt trội
Chất lượng của sản phẩm, trong quan điểm của cá nhân tôi là những giá trị trực quan mà người tiêu dùng có thể cảm nhận được ngay lập tức mà không cần phải tô vẽ gì thêm. Chất lượng từ sợi có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, nhuộm lành tính, phương pháp dệt chọn lọc hay độ chau chuốt của kỹ thuật trang trí. Chất lượng về mặt thẩm mỹ của thiết kế, của kết cấu chặt chẽ, tính ứng dụng và độ bền cao.
3. Sản xuất quy mô nhỏ
KILOMET109 tự vận hành khâu chế tác sợi, khâu thiết kế và sản xuất sản phẩm. Một chuỗi cung ứng lê thê và chính vì lẽ đó mà chúng tôi chỉ có thể vận hành trong một quy mô nhỏ. Chúng tôi chạy song song hai dòng sản phẩm: may sẵn với số lượng ít và may theo đơn đặt hàng (theo số đo hoặc theo ý tưởng thiết kế riêng). Việc làm này giúp chúng tôi không phải chịu áp lực hàng tồn kho hay chi phí sản xuất đầu vào lớn. Quy mô nhỏ cũng phần nào hỗ trợ chúng tôi kiểm soát được chất lượng và rác thải thời trang tốt hơn.
Ngoài ra, sản xuất quy mô nhỏ khiến sản phẩm trở nên đáng quý, đáng mong đợi, đáng khao khát hơn chăng?
4. Minh bạch sản xuất
Khi những khiếm khuyết của chuỗi cung ứng thời trang đang đồng loạt lộ diện, làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây tổn thương môi sinh, bất bình đẳng lao động…thì việc lấy được lòng tin của người tiêu dùng là một bước có lẽ thử thách nhất. Minh Bạch đối với tôi là cách thức duy nhất và hữu hiệu để thiết lập lòng tin với khách hàng.
Khi các thương hiệu sẵn lòng chia sẻ những câu chuyện đằng sau chế tác và thiết kế như là: loại thuốc nhuộm tự nhiên đó được canh tác như thế nào? Chiết xuất ra sao? Nhuộm bằng phương pháp gì? Hay những người nghệ nhân, người thợ họ chính xác là ai? Họ ở đâu?…các thương hiệu đang kéo khách hàng đến gần hơn. Giúp khách hàng hiểu được giá trị của sản phẩm từ chân tơ, kẽ tóc sẽ dễ thuyết phục họ hơn. Ngoài ra, có thêm cơ hội để tìm hiểu văn hoá địa phương, sự phong phú của chất liệu truyền thống sẽ giúp khách hàng nhìn nhận đúng đắn những giá trị bản địa mà cùng đồng lòng với các thương hiệu để bảo vệ, duy trì chúng.
Tôi nghĩ minh bạch trong sản xuất là thước đo “phẩm giá” của thương hiệu, nó quyết định số phận của các thương hiệu trong những năm tới.
5. Hợp tác liên ngành
Nếu bạn đọc có thời gian để tham khảo nội dung trên trang IG và FB cũng như website của KILOMET109, các bạn sẽ thấy chúng tôi rất hay và rất thích hợp tác, ở mọi lĩnh vực, thủ công, thiết kế, nghệ thuật và giáo dục nữa. Được khám phá công việc của chúng tôi qua các lăng kính ngành nghiệp khác giúp công việc của chúng tôi lan toả hơn và trưởng thành hơn.
Học hỏi qua hợp tác cũng kích hoạt và nuôi dưỡng sự sáng tạo của chúng tôi được tiếp tục. Khi môi trường vật lý của chúng ta đang có những dịch chuyển tất yếu sang nền tảng số thì hợp tác còn giúp duy trì được kết nối hữu hiệu. Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau!