ART & LIFE

Vietnam Luxury Wedding List #2 | Nhiếp ảnh gia Khôi Lê và hành trình không thỏa hiệp với số đông

Jun 25, 2024 | By Hong Dang

Cái tôi là sức mạnh lớn nhất, và cũng thường là điểm yếu nguy hiểm nhất. Nhưng một cá thể đặc biệt sẽ cần một cái tôi lớn để trở thành một nghệ sĩ. Và trường hợp này là yếu tố quyết định thành công của nhiếp ảnh gia Khoi Le.

Khôi Lê, cái tên nổi tiếng đã ghi dấu ấn trong làng nhiếp ảnh cưới Việt Nam với phong cách độc đáo và khả năng lưu giữ những khoảnh khắc chân thực, đầy cảm xúc. Hành trình của anh bắt đầu từ một câu chuyện đầy cảm hứng, khi bộ ảnh Pre-wedding của chính mình trở thành cầu nối cho đam mê nhiếp ảnh cưới nảy nở.

 

Nhờ vào lợi thế ngoại ngữ và sự nhạy bén, anh đã nghiên cứu những phong cách nhiếp ảnh cưới không chỉ tại Việt Nam mà còn ở các nước khác, từ đó tìm thấy nguồn cảm hứng đa dạng. Khách hàng đầu tiên của Khôi Lê là bạn bè và người thân, tại thời điểm đó, anh đã đồng thời đảm nhiệm ba vai trò cùng lúc: kiến trúc sư, vận động viên bóng rổ và nhiếp ảnh gia cưới. Sau khi hoàn thành 5 bộ ảnh đầu tiên, anh bắt đầu xây dựng portfolio, website và fanpage để chia sẻ tác phẩm của mình. Phong cách chụp ảnh cưới mới mẻ của anh nhanh chóng được đón nhận, tựa luồng gió mới giúp anh có thêm nhiều khách hàng mới. Khôi Lê dần khẳng định tên tuổi trong ngành nhiếp ảnh cưới và quyết định tập trung hoàn toàn vào đam mê này. Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Khôi Lê khi anh tham gia khóa học chuyên nghiệp về ảnh cưới tại Canada do hai Wedding Photographer hàng đầu thế giới tổ chức. Khóa học này đã thay đổi hoàn toàn tư duy và phong cách của anh, giúp anh tạo dựng một hướng đi riêng, rất khác biệt so với các wedding photographer tại Việt Nam. Từ năm 2017 đến năm 2022, Khôi Lê không ngừng học hỏi và trau dồi kỹ năng thông qua hơn 20 workshop lớn nhỏ trên khắp thế giới. Nỗ lực của anh được đền đáp bằng những giải thưởng quốc tế đầu tiên về ảnh cưới, khẳng định tài năng và vị thế của anh trong ngành nhiếp ảnh cưới quốc tế.

Tính đến thời điểm hiện tại, Khôi Lê đã sở hữu cho mình gần 100 giải thưởng lớn nhỏ về ảnh cưới ở nhiều hiệp hội ảnh cưới khác nhau trên thế giới. Anh chia sẻ: “Có lẽ tôi là wedding photographer người Việt Nam may mắn nhất vì được đi chụp cho rất nhiều cặp đôi với nhiều nền văn hoá cưới khác nhau trên khắp thế giới”. Các chuyến đi đến Singapore, Thái Lan, Campuchia, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Croatia,… để chụp ảnh phóng sự cưới cho các cặp đôi từ các nền văn hóa khác nhau không chỉ mở rộng, trải nghiệm, tầm nhìn của Khôi Lê mà còn giúp anh tạo ra những bức ảnh đầy màu sắc độc đáo và giàu cảm xúc.

Niềm đam mê nhiếp ảnh cưới trong Khôi Lê không chỉ đơn thuần là ghi lại những khoảnh khắc đẹp mà còn là hành trình miệt mài học hỏi, bứt phá giới hạn bản thân để trở thành một Wedding Photographer độc nhất. Mỗi chuyến đi chụp ảnh cưới ở một quốc gia mới, Khôi Lê không chỉ mang đến những góc nhìn mới mẻ cho từng cặp đôi mà còn là cơ hội để anh khám phá, học hỏi và trau dồi kiến thức nhiếp ảnh cưới thông qua các workshop, khóa học chuyên nghiệp. Vòng lặp “chụp ảnh – học hỏi – hoàn thiện” diễn ra liên tục đã giúp Khôi Lê không ngừng phát triển, tạo nên phong cách riêng biệt và khẳng định vị thế của mình trong ngành nhiếp ảnh cưới nội địa và quốc tế.

Khôi Lê tin rằng cái tôi là sức mạnh lớn nhất, giúp anh thành công trong nghệ thuật nhiếp ảnh cưới. Anh cũng đam mê chia sẻ kiến thức, mở các workshop tại Việt Nam để truyền cảm hứng và kinh nghiệm cho cộng đồng nhiếp ảnh trẻ. Đối với Khôi Lê, chia sẻ không chỉ là hành động mà còn là cách anh thể hiện bản thân và cái tôi độc đáo của mình. Người dám nói thật, làm thật và dùng những điều chân thật để chia sẻ luôn là những người hiếm hoi. Họ cần có can đảm để chấp nhận bản thân một cách trọn vẹn, với mọi tính cách, sở trường và kinh nghiệm, thậm chí có thể cả tính lập dị. Nhưng việc sở hữu cái tôi lớn không hoàn toàn có nghĩa là kiêu ngạo, mà còn để thể hiện niềm tự hào về quá khứ cũng như sự tự tin vào khả năng và giá trị độc bản của mỗi người. Với nhiếp ảnh gia Khôi Lê, ở đâu có tình yêu và cảm hứng, ở đó sẽ không có sai lầm.

 

“Hình ảnh là thứ duy nhất sẽ tồn tại mãi mãi sau đám cưới”

Xin chào anh Khoi Le! Từ Khoi Le Studios đến Khoi Le Workshop, từ nhiếp ảnh gia đến diễn giả, hành trình này đã diễn ra như thế nào? 

Tôi rất thích chia sẻ. Từ những ngày đầu vào nghề, mỗi khi chụp được điều gì đó hay ho, tôi luôn giữ thói quen đăng tải và chia sẻ lên trang cá nhân và các hội nhóm nhiếp ảnh có cùng phong cách. Nhờ những bài chia sẻ này, tôi đã thu hút được một lượng người theo dõi khá lớn. Ở buổi workshop đầu tiên, tôi còn nhớ mình đã dạy cho các bạn một bài học đặc biệt: kỹ năng giao tiếp và tương tác với khách hàng. Tôi nhận thấy nhiều bạn trẻ, thậm chí cả một số nhiếp ảnh gia trong nước, chỉ quan tâm đến việc chụp một bức ảnh đẹp mà không nhận ra tầm quan trọng của kỹ năng mềm trong giao tiếp với khách hàng. “Làm sao để khách hàng thoải mái nhất?”, “Làm sao để khơi gợi cảm xúc của họ?” – đó là những câu hỏi tôi đã đặt ra cho các bạn.

Các workshop của tôi không chỉ chú trọng vào kỹ thuật nhiếp ảnh, mà thậm chí phần nhiều luôn mang đến những kiến thức hiếm có khó tìm ở những workshop khác. Là một nhiếp ảnh gia, bạn không chỉ cần trau dồi kỹ năng chụp ảnh mà còn phải hoàn thiện bản thân. Đó luôn là quan điểm của tôi.

Là một cá nhân không bao giờ chạy theo xu hướng thị trường, đã hơn 1 thập kỷ từ khi kiến trúc sư Khoi Le trở thành nhiếp ảnh gia Khoi Le, điều gì khiến anh kiên định và giữ vững quan điểm làm nghề đến vậy?

Nhiếp ảnh cũng như thời trang, phong cách này trở thành xu hướng thì một ngày nào đó cũng phải “nhường chỗ” cho phong cách khác. Tôi thì lại rất kiên định với phong cách chụp của mình. Tôi muốn nắm bắt những khoảnh khắc chân thật và cảm xúc nhất của chủ thể, vì đó là những giá trị sẽ tồn tại vĩnh viễn. Tôi không ưa chuộng những bộ ảnh quá chỉn chu do photographer chỉ đạo. Khi đồng hành cùng tôi, cô dâu chú rể có thể làm những gì họ muốn; nhiệm vụ của tôi là tìm kiếm cơ hội và nắm bắt những khoảnh khắc tự nhiên và chân thật nhất của họ.

Đó là lý do tôi có thể chụp được những bức ảnh giàu cảm xúc, nắm bắt những khoảnh khắc cặp đôi khóc và cười trước ống kính của tôi. Giữa việc sắp xếp để chụp và để mọi thứ diễn ra tự nhiên, tôi luôn chọn cách thứ hai vì nó thể hiện dấu ấn riêng biệt của tôi và bộ ảnh. Khi khách hàng xem lại ảnh, họ sẽ nhớ về những kỷ niệm đẹp và những câu chuyện đáng nhớ trong ngày cưới, chứ không phải chỉ là xem lại một bộ ảnh thời trang cưới.

Quan điểm làm nghề của tôi là nhiếp ảnh gia phải “làm bạn” với khách hàng. Từ trước đến nay, tôi vẫn giữ liên lạc và trò chuyện với những khách hàng mà tôi đã chụp cho họ cách đây 9-10 năm. Tôi thường nhận được những lời cảm ơn từ khách hàng cũ. Họ chia sẻ rằng có những lúc cãi vã và muốn kết thúc mối quan hệ, nhưng khi xem lại ảnh cưới và nhớ về những kỷ niệm, cảm xúc ngày hôm ấy, họ cảm thấy trân trọng và cố gắng hàn gắn tình cảm vợ chồng. Những điều đó đã tiếp lửa đam mê và khiến tôi có động lực để tiếp tục gắn bó với nghề.

Đó cũng là lý do tôi không muốn chạy theo xu hướng của thị trường. Thay vì chú trọng quá nhiều vào hình thức, tôi muốn lưu giữ những khoảnh khắc ý nghĩa mang giá trị bền vững, vì những hình ảnh ấy sẽ là thứ duy nhất tồn tại mãi mãi sau đám cưới.

Tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế của nhiếp ảnh gia Khôi Lê

Vẻ đẹp và chi tiết trong sự kiện từ tác phẩm đoạt giải của Fearless Award

Góc nhìn độc đáo của Khôi Lê

Làm bạn cùng khách hàng, vậy anh làm bạn cùng đối tác như thế nào? 

Thú thật, có lẽ vì cái tôi cao và sự kiên định trong phong cách chụp ảnh mà tôi không mấy được lòng các đối tác, đặc biệt là các “Wedding Planner”. Tôi thích chụp những khoảnh khắc nắm bắt cảm xúc chân thật giữa cô dâu, chú rể và bạn bè, người thân. Tuy nhiên, tính chất công việc của các “Wedding Planner” đòi hỏi sự chỉn chu và đảm bảo mọi thứ được diễn ra đúng kế hoạch, nên họ thường ưu tiên các đối tác thân quen, có thể chụp không gian và chi tiết trang trí trong lễ cưới hơn là ưu tiên những khoảnh khắc bất ngờ, không có sự chuẩn bị. Có thể nói, tôi thường không nằm trong danh sách đề xuất của các “Wedding Planner” do họ thường tìm đến những người quen hoặc những nhiếp ảnh gia trẻ với mức giá tốt nhất (cười).

Tuy nhiên, chính sự kiên định trong phong cách và niềm đam mê nắm bắt cảm xúc chân thật đã giúp tôi xây dựng được một lượng khách hàng riêng biệt. Họ không chỉ là khách hàng mà dần trở thành những người bạn, những người đồng hành cùng tôi trên con đường theo đuổi đam mê nhiếp ảnh. Tôi vẫn tin rằng sự đam mê và chân thành trong từng bức ảnh sẽ tiếp tục mang đến cho tôi những cơ hội và thành công mới trong nghề nghiệp mà tôi đã chọn.

Nếu chỉ dùng 3 từ để nhận xét về phong cách cá nhân của Khoi Le, đó sẽ là? 

Đầu tiên, điều mà tôi luôn luôn chú trọng là “chân thật”.

Tiếp theo, là “khó tính”. Tôi luôn dạy cho học viên rằng phải chụp được một tấm hình khiến mình phải cảm thán, chứ đừng chụp một cách hời hợt. Khi đã cầm máy lên, thì phải canh bố cục, ánh sáng “7749” lần rồi mới được bấm máy. Những bức ảnh tôi chụp luôn phải đạt đến độ chỉn chu, không có chi tiết thừa và luôn đảm bảo kết hợp nhuần nhuyễn với một chút yếu tố nghệ thuật.

Cuối cùng, là “sáng tạo”. Giữa muôn vàn khung cảnh quen thuộc có tính chất lặp đi lặp lại của ảnh cưới, tôi luôn khao khát tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ, thổi hồn sáng tạo vào từng khoảnh khắc. Thay vì bó buộc trong lối mòn, tôi chọn cách cảm nhận tinh tế từng cung bậc cảm xúc, nắm bắt những điều thú vị ẩn hiện trong từng khoảnh khắc, và biến chúng thành những bức ảnh cưới độc đáo nhất. Đó cũng chính là bí quyết giúp tôi giữ lửa đam mê và luôn tìm thấy niềm vui khi cầm máy ảnh trên tay.

 

Hãy sở hữu và giữ được “chất riêng” của chính mình

Câu chuyện thực tế là một số nhiếp ảnh gia trẻ rất hâm mộ và yêu thích phong cách của anh, nhưng họ vẫn trăn trở về vấn đề “cơm áo gạo tiền”, anh nghĩ gì về điều này? 

Tôi có rất nhiều bạn học viên, trong đó, một số bạn hoàn toàn là “tờ giấy trắng” và đang chuẩn bị vào nghề. Tôi muốn chia sẻ một điều với các bạn rằng, hãy xem xét lại những mối quan hệ xung quanh mình. Tôi đã thấy nhiều bạn học viên chụp rất tốt và cũng giành nhiều giải thưởng quốc tế, nhưng lại không có mối quan hệ đủ rộng để nhận được những dự án cao cấp. Như đã nói trước đó, một trong những yếu tố quan trọng giúp tôi thành công như hôm nay là nhờ có những mối quan hệ bạn bè và người thân xung quanh. Các khách hàng đầu tiên đến với tôi đều là nhờ có người quen giới thiệu. Tôi nhận ra điểm chung trong tệp khách hàng của mình là họ có khả năng tài chính, tự do và có gu thẩm mỹ. Độ tuổi trung bình của họ là từ 27 tuổi trở lên, họ thường là những người quyết định cưới muộn. Ở độ tuổi sở hữu tài chính vững chắc, họ sẵn sàng chi trả cho một nhiếp ảnh gia đủ tầm. 

Một điều quan trọng nữa là, khi các bạn theo đuổi phong cách chụp của tôi, các bạn cần chấp nhận không đi theo dòng chảy. Tôi nghĩ nền tảng cơ bản của các bạn photographer tại Việt Nam vẫn chưa được vững chắc. Các bạn rất giỏi trong việc tiếp thu những mẹo hay và cách chụp lạ để có một tấm hình giống mẫu tham khảo. Nhưng khi được hỏi về những kiến thức nền rất cơ bản của nhiếp ảnh, các bạn lại không biết. Thường thì các bạn hay chạy theo xu hướng và sẵn sàng bỏ tiền vào những workshop giúp kiếm tiền nhanh nhất và bắt kịp “trend” nhanh nhất. Tuy nhiên, các bạn không biết rằng chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, các bạn hoàn toàn có thể thiết lập ánh sáng và bố cục để tự tạo ra một bức ảnh như ý. Hầu hết các bạn đều quan tâm đến lợi nhuận và chạy theo xu hướng, đồng thời bỏ quên dấu ấn cá nhân của bản thân. Điều này có thể dẫn đến việc các bạn dễ sa đà vào việc “kinh doanh ảnh cưới” thay vì trở thành một nhiếp ảnh gia thực thụ.

Tôi cũng đã từng loay hoay liệu nên chạy theo trào lưu và xu hướng không, đặc biệt là sau đại dịch. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng cái tôi của mình khá lớn và không thể làm những điều mà tôi không thích. Đó cũng là lời khuyên thứ hai mà tôi muốn chia sẻ với các bạn, đó là hãy sở hữu và giữ được “chất riêng” của mình.

Nói thì dễ làm lại khó. Vậy làm thế nào để anh có thể cân bằng giữa việc đảm bảo lợi nhuận và theo đuổi dấu ấn cá nhân suốt thời gian qua?

Tôi tin rằng mọi người đều trải qua những thời kỳ khó khăn trong cuộc sống của họ, và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Hiện tại, tôi đang trong quá trình tái định vị lại thương hiệu của mình. Trước khi đại dịch bùng phát, tôi có thể mở 2-3 workshop mỗi tháng và thường nhận chụp 2-3 show đều đặn. Với tôi, doanh thu từ số lượng công việc đó đủ để nuôi gia đình. Tuy nhiên, trong và sau đại dịch, tôi nhận ít hơn các show chụp và cũng giảm số lượng workshop mở ra, do đó doanh thu của tôi cũng giảm đi theo. Sau dịch, số tiền tôi kiếm được chỉ bằng ⅕ trước đó. Với những thách thức đó, tôi cảm thấy buộc phải tìm hướng đi mới. Bên cạnh việc chụp ảnh cưới, tôi cũng đã bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực ảnh thương mại, đặc biệt là chụp nội thất, vì đó là lĩnh vực phù hợp với chuyên môn kiến trúc sư trước đó của tôi. 

Tôi nghĩ, trong bối cảnh biến động của thị trường, việc có thêm những nghề tay trái không chỉ giúp chúng ta linh hoạt hơn trong việc kiếm thu nhập mà còn là cơ hội để phát triển kỹ năng đa dạng. Bằng cách này, tôi đã có thể tận dụng những cơ hội mới và thích ứng linh hoạt với môi trường công việc đang thay đổi. Đồng thời, việc có nhiều lựa chọn nghề nghiệp cũng giúp chúng ta khám phá và phát triển mặt kỹ năng và sở thích khác nhau, từ đó nâng cao khả năng tự bảo vệ trong thị trường đa dạng ngày nay.

 

Đặt quyền lợi khách hàng lên trước “cái tôi” 

Đến hôm nay, bài học quan trọng mà anh đúc kết được từ hành trình làm nghề này là gì?

Tôi luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên trước cái tôi. Mặc dù có sự tự tin trong phong cách của riêng mình, nhưng khi tôi được chọn để chụp ảnh, tôi xác định sẽ cam kết phục vụ theo nhu cầu và mong muốn của họ. Tôi luôn cố gắng mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất. Tôi tham gia đám cưới với tư cách là một khách mời, thay vì là một nhiếp ảnh gia. Điều này giúp tôi tận hưởng mỗi khoảnh khắc trong đám cưới của họ một cách chân thành và sâu sắc. Đó là yếu tố khiến cô dâu chú rể rất ấn tượng với cách làm việc của tôi vì tôi luôn tận hưởng và “cháy hết mình” từng khoảnh khắc trong đám cưới của họ. Cũng vì vậy mà khoảng cách giữa tôi và khách hàng được kéo gần, sự chào đón nồng nhiệt của họ khiến tôi được trân trọng.

Tôi cũng luôn tuân thủ “dress code” (quy định trang phục) của đám cưới mà tôi tham gia để chọn lựa trang phục phù hợp với chủ đề và không khí của sự kiện. Tôi đặc biệt chú trọng vào việc chăm sóc hình ảnh của bản thân khi tham gia công việc, và tôi tin rằng việc này cũng góp phần vào sự chuyên nghiệp và sự tôn trọng đối với khách hàng của tôi. Điều này cũng là điều tôi đã luôn khuyến khích các đồng nghiệp đầu tư vào hình ảnh cá nhân và tôn trọng bản thân khi đi làm nghề.

Công việc nhiếp ảnh có ảnh hưởng thế nào đến triết lý sống của anh?

Tất cả những gì tôi đã đạt được đến nay đều nhờ nhiếp ảnh. Ngày xưa, khi làm kiến trúc sư, tôi thường mắc kẹt trong văn phòng suốt 8 tiếng mỗi ngày. Đối với một người yêu thích khám phá như tôi, nhiếp ảnh đã giúp tôi sống đúng với bản tính của mình. Nhờ nhiếp ảnh, tôi đã được “đi”, và tính đến hiện tại, tôi đã đặt chân trên 20 quốc gia, không chỉ để học hỏi mà còn để chụp ảnh, và khám phá nhiều nền văn hóa khác nhau. Điều này đã mở ra một cánh cửa rộng lớn, mở mang tầm nhìn và làm cho tôi tự tin hơn. Tôi tự tin mình là một trong những nhiếp ảnh gia Việt Nam có cơ hội chụp ảnh tại nhiều lễ cưới từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

“Tôi tham gia đám cưới với tư cách là một khách mời, thay vì là một nhiếp ảnh gia.”

– Khôi Lê 

Anh nghĩ, nhiếp ảnh có “tuổi thọ” hay không?

Nhiếp ảnh không chỉ là một nghề, mà còn là một cuộc hành trình liên tục học hỏi và trau dồi kiến thức. Tôi đã có cơ hội học hỏi từ những người thầy nhiếp ảnh ở nước ngoài, và điều đáng ngạc nhiên là dù tuổi đã cao, họ vẫn luôn theo đuổi đam mê của mình. So với Việt Nam, ở đây sau một thời gian chụp ảnh, nhiều người chuyển sang làm kinh doanh. Tôi nghĩ sự khác biệt nằm ở nhận thức về nghề nghiệp và cách tiếp cận của hai thế hệ. Để nhiếp ảnh tồn tại và phát triển, tôi luôn cố gắng làm việc với các tệp khách hàng phù hợp, và đó là lý do tại sao tôi thường chụp cho các cặp đôi nước ngoài. Độ tuổi kết hôn của họ thường lớn hơn so với ở Việt Nam, và điều này giúp tôi dễ dàng giao tiếp và kết nối với họ hơn là với những người thuộc thế hệ trẻ Gen Z (cười).

Trong 5-10 năm tới, tôi rất muốn nghe về mong đợi của anh cho Khoi Le Studios ở lĩnh vực cưới.

Tôi có một mong ước đơn thuần là giới nhiếp ảnh sẽ thay đổi nhận thức về cách tiếp cận và tạo ra những bức ảnh cưới, điều này nếu xảy ra sẽ khiến thị trường thay đổi và khách hàng thay đổi. Tôi nhận ra, một mình tôi không bao giờ có thể chiến thắng được thị trường, vì luôn luôn có những bài toán cơm áo gạo tiền và chúng ta phải chạy theo thị trường – nơi luôn phản ánh sự biến động và mong muốn của người tiêu dùng. Thị trường sẽ luôn chạy theo những gì đang tạo ra sức ảnh hưởng, còn tôi lại chấp nhận sống với quan điểm cá nhân của mình là “chân thật”, điều mà đa số sẽ không theo đuổi. Điều này đồng nghĩa là tôi phải quyết định đánh đổi. 10 năm qua, tôi chưa bao giờ nghĩ mình làm việc, tôi nghĩ mình đang tận hưởng và tạo ra những ngày vui của bản thân. Nếu có một mong muốn trong 5-10 năm tới, tôi ước mình vẫn còn đủ đam mê và khả năng kinh tế để theo đuổi nhiếp ảnh. 

Cảm ơn anh và tôi hy vọng rằng mong ước này sẽ còn tiếp tục kéo dài thật lâu!

Ảnh: NVCC


 
Back to top