BYD lập kỷ lục doanh số năm 2024, vượt mặt Tesla và Toyota
Năm 2024, BYD đạt doanh số ấn tượng với 4,27 triệu xe bán ra toàn cầu, tăng 41,3% so với năm trước, vượt mặt Toyota ngay tại Nhật Bản ở sân chơi xe thuần điện và Tesla trong doanh thu lẫn doanh số.
Đây là cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên một hãng xe Trung Quốc vượt mốc 4 triệu xe trong một năm, củng cố vị thế đáng gờm trong ngành công nghiệp ô tô năng lượng mới. Trong số này, có hơn 1,7 triệu xe thuần điện (BEV), tăng 12% so với 1,6 triệu xe năm 2023. Dòng BEV chiếm 41,5% tổng doanh số của BYD trong 2024. Số xe hybrid sạc điện (PHEV) và BYD bán được là hơn 2.4 triệu xe, tăng 72,8% so với 1,4 triệu xe năm 2023 và chiếm 58,5% tổng doanh số của hãng.
Báo cáo doanh số của BYD bao gồm cả xe con và xe thương mại. Trong tháng 12, hãng bán được 509.440 xe con, tăng 49,8% so với cùng kỳ 2023. Đây là tháng thứ ba liên tiếp BYD vượt qua cột mốc 500.000 xe. Tổng doanh số xe con trong năm 2024 đạt 4.250.370 chiếc. Trong năm 2024, hãng bán được tổng cộng 417.204 xe bên ngoài Trung Quốc, tăng 71,9%.
Ngoài xe hơi, BYD còn là nhà cung cấp pin lớn thứ hai tại Trung Quốc với các khách hàng gồm Tesla, Nio và Toyota. Trong 2024, tổng dung lượng pin hãng thiết lập đạt đến mức kỷ lục là 194,7 GWh, tăng 29%, gồm cả pin lắp cho ôtô điện và hệ thống lưu trữ năng lượng cố định.
Xem thêm: Nhìn lại thị trường xe ô tô Việt Nam 2024: Điện hóa, làn sóng Trung Quốc, và hồi phục sau giông bão
Mở rộng thị trường quốc tế
BYD mang tham vọng rằng một nửa doanh số bán hàng phải đến từ nước ngoài, đặc biệt chú trọng đến thị trường Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu và châu Mỹ.
Thương hiệu xe Trung Quốc chính thức đặt chân vào Nhật Bản từ năm 2023 với 2 mẫu xe đầu tiên Atto 3 và Dolphin. BYD Seal ra mắt muộn hơn và trong năm 2025 sẽ trình làng thêm mẫu xe Sealion 07. Tất cả mẫu xe đang bán tại Nhật Bản đều là sản phẩm thuần điện. Trong năm 2024 vừa qua, BYD vượt qua Toyota về doanh số xe thuần điện, bán được 2.223 xe (tăng 54%), trong khi Toyota chỉ đạt 2.038 xe (giảm 30%). Bên cạnh đó, thương hiệu Trung Quốc dự kiến mở thêm 100 đại lý tại đây vào năm 2025, thể hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường.
Đối mặt với cơ hội bị thu hẹp ở các thị trường phương Tây, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang hướng tới triển vọng tăng trưởng dài hạn đầy hứa hẹn ở Đông Nam Á, nơi tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng và có xu hướng chuyển sang xe điện. Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Đầu tư và Doanh nghiệp Natixis ở Hong Kong, Trung Quốc, nhận định: “Lập trường địa chính trị tương đối trung lập của Đông Nam Á mang lại cơ hội cho các công ty từ Trung Quốc mở rộng. Trung Quốc sẽ tăng cường sự hiện diện của xe điện từ góc độ cung và cầu, nghĩa là doanh số bán ô tô và sản xuất trong nước sẽ tăng lên. Indonesia và Thái Lan, hai nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, sẽ là mục tiêu đầu tiên của các hãng xe Trung Quốc”. Do đó, Đông Nam Á tiếp tục là “mỏ vàng” của BYD, với thị phần xe điện trong khu vực tăng gấp đôi trong quý I/2024, với 70% thuộc về các thương hiệu Trung Quốc, dẫn đầu là BYD. Tháng 7/2024, BYD đã khánh thành nhà máy lắp ráp đầu tiên ngoài Trung Quốc tại Thái Lan, cũng như chuẩn bị xây dựng một nhà máy trị giá 1,3 tỷ USD ở Tây Java, Indonesia với dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2026.
Tại châu Âu và Hòa Kỳ, hãng đối mặt với thách thức từ các mức thuế bổ sung của EU đối với xe điện Trung Quốc. Tuy nhiên, với mức tăng tối thiểu 17,4%, BYD vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh nhờ giá cả hợp lý và kế hoạch xây dựng nhà máy tại châu Âu để giảm thiểu tác động thuế.
Soán ngôi Tesla từ doanh số đến doanh thu
Sau khi Tesla bị BYD vượt mặt về doanh số vào cuối năm 2023 và lập kỷ lục với hơn 4,3 triệu xe bán ra trong năm 2024, thì vào ngày đầu năm 2025, thương hiệu xe Trung Quốc tiếp tục vượt mặt Tesla về khía cạnh doanh thu. Cụ thể, thương hiệu xe từ Đại lục công bố doanh thu trong quý III năm 2024 đạt 28,24 tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua Tesla (25,2 tỷ USD).
Những lý do chính giúp BYD vượt mặt Tesla và chiếm lĩnh thị trường xe hơi toàn cầu có thể liệt kê ra như sau:
Hỗ trợ của chính phủ: Theo báo cáo của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức), BYD nhận khoảng 2,1 tỷ euro (tương đương 2,26 tỷ USD) tiền trợ cấp trực tiếp từ chính phủ Trung Quốc trong năm 2022, tăng mạnh so với khoảng 220 triệu euro vào năm 2020.
Những khoản hỗ trợ này chiếm khoảng 3,5% doanh thu của BYD vào năm 2022 và giúp hãng xe điện này nhanh chóng mở rộng thị phần trong nước cũng như quốc tế, cạnh tranh với các thương hiệu như Tesla. Ngoài trợ cấp trực tiếp, BYD còn hưởng lợi từ những hỗ trợ gián tiếp, chẳng hạn như ưu đãi từ chính phủ Trung Quốc cho khách hàng khi mua pin và xe điện do BYD sản xuất, qua đó tăng cường nhu cầu thị trường.
Sự đa dạng trong danh mục xe giá rẻ: BYD có những mẫu EV giá rẻ, thậm chí giá siêu rẻ được bán tại thị trường Trung Quốc cũng như toàn cầu. Đầu năm 2024, BYD đã tung ra làn sóng giảm giá, bao gồm việc hạ giá mẫu xe Seagull xuống dưới 10.000 USD. Việc giảm giá này đã mang lại lợi thế cho BYD so với Tesla khi mẫu xe rẻ nhất tại Trung Quốc của thương hiệu Mỹ là Model 3 với giá khoảng 32.600 USD. Các mẫu xe giá rẻ của BYD đã thúc đẩy doanh số bán hàng của hãng. Chỉ riêng tháng 10/2024, BYD đã bán ra nửa triệu chiếc EV.
Xe hạng sang: BYD cũng sản xuất những mẫu xe hạng sang, như mẫu SUV Yangwang U8 và mẫu siêu xe đầu tiên của mình, chiếc Yangwang U9 có giá 1,68 triệu nhân dân tệ (235.000 USD) vào tháng 2/2024. Những mẫu xe cao cấp của BYD đánh vào phân khúc những người giàu có ở Trung Quốc vốn không quan tâm đến giá cả. Những mẫu xe này đã gây áp lực lớn đến các “ông lớn” châu Âu như Mercedes hay BMW tại thị trường Đại lục.
Xe Hybrid: Theo công bố cua hãng, khoảng 311.000 trong số 500.000 xe bán ra trong tháng 10/2024 là xe hybrid, với doanh số xe hybrid tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng cộng số xe hybrid bán được trong năm 2024 là gần 2 triệu xe, với khoảng cách di chuyển lên tới 2.000 km sau mỗi lần đổ xăn và sạc đầy.
Tự sản xuất hầu hết mọi linh kiện: Cốt lõi thành công của BYD đến từ khả năng tự sản xuất hầu hết mọi linh kiện, từ đó có thể giảm tối đa giá thành. BYD đã tự sản xuất pin và chip máy tính – hai linh kiện quan trọng nhất đối với một chiếc xe điện. Phó chủ tịch điều hành của BYD Stella Li đã từng chia sẻ trên tờ MotorTrend rằng BYD sản xuất mọi thành phần của mẫu xe điện Dolphin, ngoại trừ lốp và cửa kính.
Thách thức lớn của BYD tại thị trường phương Tây
Phía châu Âu lo lắng bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của riêng mình. Kết quả là họ đã áp dụng mức thuế mới cứng rắn đối với ô tô điện do Trung Quốc sản xuất. BYD vẫn đang hy vọng thâm nhập vào thị trường châu Âu với một nhà máy mới ở Hungary. Bên cạnh đó, ở khu vực Hoa Kỳ, nước này đã đóng cửa thị trường đối với xe điện Trung Quốc, với mức thuế 100%, với cùng mục đích tương tự.
Chuyên gia tư vấn ô tô Michael Dunne của Dunne Insights cảnh báo: “Tốc độ chuyển đổi giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới quá khác nhau”. Đó cũng là lý do các nhà hoạch định chính sách ở phương Tây chia sẻ rằng, những biện pháp này sẽ giúp cho cho các nhà sản xuất ô tô của họ thời gian để bắt kịp các đối thủ Trung Quốc.
Mặc dù thuế quan của Hoa Kỳ và châu Âu đối với xe điện Trung Quốc khiến việc thâm nhập thị trường khu vực này trở nên khó khăn, BYD đang nhanh chóng xây dựng các nhà máy trên toàn thế giới để cắt giảm chi phí và tránh các rào cản thương mại. Công ty cũng tập trung vào các thị trường mới nổi như Mexico và Brazil.
Ngay tại quê nhà, BYD dự kiến gặp khó khăn vào năm 2025 khi chính phủ Trung Quốc ngừng chương trình trợ giá xe điện vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, với vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực xe năng lượng mới và năng lực sản xuất pin ấn tượng (194,7 GWh trong năm 2024), hãng tự tin tiếp tục đà tăng trưởng.
—