Hướng đến Vietnam Yacht Industry Conference 2021: Tương lai nào dành cho ngành du thuyền Việt Nam?
Theo ước tính, tại Việt Nam có khoảng 2.000 người sở hữu tài sản 5 triệu USD trở lên. Số lượng người giàu tăng nhanh nhờ hội nhập kinh tế dẫn đến một xu thế tất yếu là nhu cầu chơi du thuyền tăng mạnh. Thị trường kinh doanh du thuyền từ đó cũng trở thành mảnh đất màu mỡ hơn so với trước.
Theo TS. Hoàng Xuân Hòa – Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung Ương, hàng hải là một trong bốn lĩnh vực dịch vụ nên được xem xét việc ban hành một số giải pháp mở cửa sớm hơn mức độ cam kết của Việt Nam với WTO, trong nỗ lực đổi mới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trước bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong số đó, việc kinh doanh du thuyền (nhập khẩu, phân phối, tư vấn và cho thuê du thuyền) chính là một trong những yếu tố tiềm năng đang được đẩy mạnh. Và chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam, từ quốc gia mà phần lớn dân số chỉ nghĩ về du thuyền như những tàu du lịch cỡ lớn được tích hợp nhà hàng, nay đã trở thành thị trường du thuyền cá nhân đầy tiềm năng với 15 công ty du thuyền đang hoạt động.
Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu tràn lan trên thế giới, ngành du thuyền thuộc một trong những lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ý và Pháp, hai quốc gia được xem như “kinh đô du thuyền” trên thế giới, bị đại dịch tàn phá nặng nề khiến nhiều xưởng đóng du thuyền ngừng hoạt động và chỉ có thể trở lại vào khoảng cuối năm ngoái. Đại dịch với thời gian kéo dài không thể xác định được cũng tạo nên nhiều thách thức đối với các hoạt động xuất – nhập khẩu du thuyền, cho thuê du thuyền, những sự kiện du thuyền và kể cả bảo hiểm du thuyền do những tổn thất lớn trên thị trường.
Điểm sáng tích cực
Tuy nhiên, song song với những khó khăn khi nhiều giao dịch mua du thuyền bị ngưng lại do Covid-19, cũng có một xu hướng khác đang nở rộ là nhiều người bắt đầu tìm đến các hình thức du lịch hay giải trí trên du thuyền hơn, một tâm lý đã được Lawrence Chow lý giải về hiện tượng tương tự tại Hongkong là “du thuyền chứng tỏ một lối thoát, một sự thoát ly khỏi căng thẳng và sợ hãi, một hoạt động tránh khỏi đám đông và môi trường đô thị.”
Tại Hongkong, vào thời gian cao điểm của đại dịch, doanh số bán những chiếc du thuyền có sẵn tăng lên nhiều – điều vượt ngoài mong đợi của nhiều người. Vì mọi người không thể đi du lịch, họ cần phải tìm các giải pháp thay thế cho những ngày cuối tuần và ngày lễ. Hơn nữa, một số chủ sở hữu bắt đầu sử dụng thuyền của họ như một văn phòng nổi. Du thuyền là một lối thoát lý tưởng vì đây là môi trường riêng tư không bị ràng buộc bởi các quy định chống vi rút do Chính phủ áp đặt.
Khi trò chuyện với một vài người thuộc giới kinh doanh du thuyền trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy nhu cầu mua du thuyền cỡ trung và catamaran tại Việt Nam đang tăng lên đáng kể. Đây đều là những mẫu du thuyền phù hợp với nhu cầu du lịch ngắn ngày và giải trí cuối tuần. Các chủ sở hữu du thuyền cũng có nhu cầu sử dụng thường xuyên hơn trong thời gian dài hơn. Một số người còn tỏ ra bất ngờ khi phát hiện ra Việt Nam vẫn còn rất nhiều vùng biển đẹp lý tưởng để neo đậu du thuyền, không thua kém bất cứ địa danh nổi tiếng trên thế giới nào khác như Quy Nhơn, Vũng Tàu hay Phan Thiết.
Và nếu có dịp đón Giao thừa trên sông Sài Gòn, nhiều người sẽ bất ngờ khi thấy một khoảng sông đầy ắp những chiếc du thuyền nhỏ hạng sang, với những cặp đôi, bạn bè hay gia đình đang khui chai champaign uống mừng những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Văn hóa và lối sống du thuyền, từ đó, cũng sẽ trở thành chuẩn sống mới đối với giới thượng lưu thành thị.
Điều đó tạo nên những dấu hiệu rất tích cực cho thị trường du thuyền Việt Nam. Khi các chủ du thuyền hiện tại nhận ra tiềm năng cho chiếc du thuyền mà họ đang sở hữu, hoặc thậm chí là kiếm lời từ nó, họ sẽ có nhu cầu nâng cấp đầu tư nhiều hơn vào thú chơi du thuyền. Những người chưa hoặc đang có ý định mua du thuyền sẽ được thúc đẩy tâm lý sở hữu nhiều hơn để đưa ra quyết định.
Đẩy mạnh truyền thông
Bên cạnh đó, các ấn phẩm và sự kiện về du thuyền cũng xuất hiện nhiều hơn với mức độ đầu tư cao hơn. Đầu tháng 9 năm 2020, ấn phẩm Yacht Style Vietnam đầu tiên được ra mắt và nhận được sự hưởng ứng tích cực của giới chơi lẫn kinh doanh du thuyền. Chỉ một thời gian ngắn sau, giới thị trường tiếp tục đón nhận sự xuất hiện của một ấn phẩm du thuyền khác là Navigator.
Đối với một thị trường du thuyền gần như chưa có ấn phẩm chuyên sâu nào trong nhiều năm trở lại đây, sự xuất hiện của hai ấn phẩm du thuyền vào gần như cùng thời điểm chính là một tín hiệu đáng mừng. Đó là chưa kể đến những đơn vị phân phối du thuyền tại Việt Nam như Saigon Yacht, Vietyacht, Tam Son Yachting,… đều phát triển các kênh thông tin riêng dành cho du thuyền và lối sống du thuyền, góp phần thay đổi và củng cố nhận thức của nhiều người Việt Nam về một lối sống phong cách mới.
Nếu nhìn nhận về mặt tích cực của đại dịch, thì nó đã khuyến khích mọi người ra ngoài trời nhiều hơn, và đây cũng là yếu tố rất khả quan cho toàn bộ ngành công nghiệp hàng hải giải trí. Chỉ trong một thời gian ngắn, xu hướng tổ chức sự kiện trên du thuyền đã nở rộ và trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu gắn với các chuỗi sự kiện thượng lưu. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên sự kiện Summer Wanderlust do WOW & Luxuo Vietnam tổ chức hay tiệc VIP đón trăng rằm Trung Thu của Mortlach trên Lagoon 630MY cách đây hai năm, hay mới đây nhất là Summer Journey hay L’OFFICIEL High Society Chapter 2 trên du thuyền Prestige 520.
Các đơn vị phân phối sản phẩm hạng sang tại Việt Nam như Maserati, Diageo, hay các nhà phát triển bất động sản nội địa cao cấp như Novaland, Vinhomes đều tổ chức những sự kiện tri ân khách hàng đáng nhớ trên du thuyền. Đây đều là những trải nghiệm để lại nhiều ấn tượng đẹp cho khách mời và mang đến nhiều thành công cho các đơn vị đồng hành cùng sự kiện.
Nếu để so sánh, một chiếc xe hơi đời mới có thể có giá dao động từ 3 tỷ VND trở lên, cùng tầm giá với một con tàu cao tốc. Nhưng nếu chiếc xe chỉ có thể được dùng để di chuyển từ nơi này sang nơi khác cho tối đa 4 người, thì một chiếc du thuyền có thể được dùng làm nơi cho gia đình hoặc nhóm bạn bè cùng tận hưởng và du lịch với nhau.
Một chiếc siêu xe có thể rớt giá ngay từ giây đầu tiên lăn bánh khỏi showroom, nhưng du thuyền, nếu biết cách sử dụng, vẫn duy trì mức giá tương đối hoặc thậm chí là tăng giá hay sinh lời cho chủ nhân sau một vài năm sử dụng. Tuy nhiên, đối với nhiều chủ sở hữu và cả những người đang có ý định mua du thuyền tại Việt Nam, vấn đề lớn nhất nằm ở chỗ du thuyền khó có thể bảo trì và neo đậu hơn so với xe hơi bình thường.
Khó khăn và thách thức
Không chỉ riêng Việt Nam, các thị trường du thuyền đang phát triển ở châu Á đều phải đối mặt với những thách thức xuất phát từ các quy định đăng ký tàu thuyền, thủ tục CIQ phức tạp và thiếu sự hỗ trợ của chính phủ đối với ngành. Trong khu vực nói chung, các quy định về đăng ký tàu giải trí thường giống với quy định đối với tàu thương mại, khiến quá trình này bị kéo dài và trở nên khó khăn.
Để giải quyết tình trạng đó, nhiều hiệp hội công nghiệp bến du thuyền (MIA) ở châu Á đã vận động chính phủ để có các quy định tiêu chuẩn hóa về du thuyền bằng cách chấp nhận chứng nhận từ các hiệp hội phân loại du thuyền, tiêu chuẩn ISO (Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế) và CE (Conformité Européenne). Nhằm hỗ trợ nỗ lực này, ICOMIA (Hội đồng Quốc tế của các Hiệp hội Công nghiệp Hàng hải) đã đưa ra Hướng dẫn Tham khảo Quy định (RRG) cung cấp một kho lưu trữ tập trung các quy định để MIA sử dụng khi vận động hành lang với chính phủ tương ứng về các quy định được tiêu chuẩn hóa.
Nỗ lực trên đã đạt được vài thành tựu nhất định, điển hình là vừa qua, Bộ Hàng hải Hồng Kông đã công nhận rộng rãi các quy định phân loại từ RINA, DNV và Lloyd’s đối với du thuyền trên 24m cũng như chấp nhận Chỉ thị về tái tạo thủ công của EU (EU Recreational Craft Directive) – và từ đó là tiêu chuẩn ISO – đối với du thuyền dưới 24m.
Các cuộc thảo luận giữa Hiệp hội Công nghiệp Tàu Hồng Kông và Cục Hàng hải Hồng Kông kể từ năm 2018 đã đưa điều này vào Bộ Quy tắc Thực hành của tàu thuyền địa phương vào tháng 8 năm 2020, giúp việc đăng ký tàu thuyền trở thành một quy trình đơn giản và nâng cao tiêu chuẩn an toàn tàu thuyền lên các cấp độ được quốc tế công nhận.
Ngoài những thách thức với các quy định về đăng ký, một trở ngại khác đối với ngành công nghiệp ở châu Á là khó khăn trong việc đi lại xuyên biên giới vì các thủ tục CIQ dành cho tàu quá cảnh khác nhau đáng kể giữa các quốc gia và cảng khác nhau. Do đó, hầu hết các MIA đang tìm cách chuẩn hóa thủ tục CIQ và giúp các dữ liệu trở nên minh bạch và dễ tiếp cận hơn đối với các chủ du thuyền và thuyền trưởng. Một lần nữa, ICOMIA’s RRG đóng một vai trò quan trọng trong việc trở thành cơ sở dữ liệu có giá trị cung cấp các quy định và thủ tục mới nhất.
Một động thái tích cực khác gần đây là sự ra đời của Aseanarean Bluewater Alliance, với mục đích thúc đẩy lối sống hàng hải và du lịch biển ở Đông Nam Á, đồng thời hỗ trợ hoạt động du ngoạn của du thuyền bằng cách mang đến mạng lưới bến du thuyền kết nối 10 quốc gia ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hiện tại, mạng lưới đang có 13 bến du thuyền ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, và sẽ còn mở rộng hơn nữa trong tương lai.
Tiềm năng sẽ được khai phá
Nếu những hoạt động trên đều được hiện thực hóa trong thời gian ngắn, tức khu vực có thêm hệ thống neo đậu và cơ sở vật chất, tiềm năng tăng trưởng cho ngành công nghiệp du thuyền châu Á là rất lớn. Châu Á có hơn 100.000 cá nhân có giá trị ròng cực cao (lên tới 30 triệu USD) và số lượng các cá nhân giàu có ở châu Á sẽ tăng nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới. Cùng với mạng lưới cơ sở hạ tầng đang phát triển, ngành công nghiệp du thuyền ở châu Á có tiềm năng tăng trưởng khổng lồ.
Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng này, các thị trường du thuyền đang phát triển nên hình thành các MIA để tham gia các hiệp hội quốc tế như ICOMIA và nền tảng như Đối thoại Tàu thuyền Châu Á, để giúp thiết lập khung pháp lý phù hợp cho hoạt động du thuyền giải trí.
Thông qua đối thoại liên tục và học hỏi lẫn nhau, có thể viễn cảnh một mạng lưới hợp nhất đầy đủ các bến du thuyền và hiệp hội du thuyền ở châu Á không còn là điều quá xa vời, để góp phần tạo nên khuôn khổ cho việc du thuyền ở khu vực biển tuyệt vời này phát huy hết tiềm năng mà nó vốn dĩ sở hữu.
Covid-19 có thể tạo nên một năm kinh tế buồn và những sự chững lại đáng kể cho nhiều doanh nghiệp du thuyền, nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội. Nhiều chủ doanh nghiệp đã chia sẻ với chúng tôi rằng trong thời gian tạm ngưng các hoạt động, họ đã đầu tư vào nghiên cứu thị trường và sản phẩm, củng cố định vị thương hiệu, phát triển kênh truyền thông, thực hiện khóa đào tạo, liên hệ với khách hàng để lắng nghe ý kiến của họ hơn, đồng thời tiến hành nhiều hoạt động khác mà họ chưa thể thực hiện được trong thời gian bận rộn với các dự án kinh doanh và thủ tục xuất nhập khẩu.
Đương nhiên, đã có những người từ bỏ ý định kinh doanh du thuyền vì quãng thời gian khó khăn qua, nhưng với những người vẫn quyết định đi tiếp, thị trường vẫn còn đó, lối sống và kinh doanh du thuyền vẫn sẽ tiếp tục, theo một cách khác và một nhịp điệu khác. Điều quan trọng về du thuyền chính là nó không chỉ gói gọn trong một vật thể hữu hình, mà còn là thứ làm thay đổi cảm xúc của chúng ta, về những nơi nó có thể đưa ta đến, và cách nó gắn kết bản thân, bạn bè và gia đình của chúng ta với nhau.
Covid-19 có thể là một điểm đen, nhưng nó đã chứng tỏ được sự hữu hạn của cuộc sống cũng như giới hạn mà khoảng cách địa lý có thể tạo ra. Nó một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của quãng thời gian chúng ta dành cho nhau, của chất lượng cuộc sống và ý nghĩa của những chuyến đi. Và một tương lai khác sẽ mở ra sau khi đại dịch kết thúc.
Bài: Hải Yến I Yacht Style Việt Nam