Komorebi 148, siêu du thuyền có khả năng đi khắp trái đất
Lấy cảm hứng từ America Cup, siêu du thuyền bốn tầng Komorebi 148 có công nghệ lai và cánh buồm phá cách Oceanwings tự động của VPLP.
Komorebi 148 dài 45m, ngang 12.3m và có bốn tầng, được công ty thiết kế VPLP Design – đứng đầu là Marc Van Peteghem và Vincent Lauriot-Prevost, đảm nhiệm khâu thiết kế và kiến trúc hàng hải, trong khi Pajot Yacht Selection chịu trách nhiệm quản lý dự án và môi giới.
Theo tiết lộ của giám đốc điều hành Marc Pajot, các thiết kế dành cho chiếc siêu du thuyền này sẽ giúp việc trải nghiệm lái du thuyền đơn giản hơn rất nhiều với thân tàu khung đơn ổn định và cánh lái tự động.
Giám đốc điều hành Marc Pajot tin rằng Komorebi 148 sẽ là câu trả lời cho các khách hàng lo lắng về sự phức tạp của việc lái những chiếc du thuyền cỡ lớn.
Tầng chính của du thuyền bao gồm khu vực phòng k hách và nhà ăn, có năm cabin khách, sảnh phía sau và phía trước. Ở tầng trên có các khu giải trí ngoài trời với mái che, buồng lái và cabin của thuyền trưởng. Tầng dưới có một nhà để xe phía sau và câu lạc bộ dành riêng cho thủy thủ đoàn, trong khi tầng dưới cùng là các khu vực kỹ thuật.
Pajot vốn là cựu đội trưởng đội America’s Cup và là người giành huy chương bạc Olympic năm 1972 (Flying Dutchman) với anh trai Yves, một trong những người đồng sáng lập Fountaine Pajot. Ông nhận định: “Chiếc du thuyền có một không hai này là sự kết hợp hoàn hảo giữa du lịch biển dài ngày và hải trình nhẹ nhàng”
“Tôi nhận ra rằng phần lớn các chủ sở hữu du thuyền chọn du thuyền chạy động cơ hơn là những chiếc thuyền buồm, mặc dù họ vẫn có một niềm đam mê to lớn đối với chúng”. – Pajot nói: “Những trở ngại phổ biến là đòi hỏi kinh nghiệm lái thuyền dày dạn, kỹ năng phức tạp, sự khó chịu khi đi trên biển, khả năng cơ động và tốc độ thấp”.
Thủy thủ huyền thoại người Pháp có hai thập kỷ kinh nghiệm làm môi giới này cho rằng, VPLP đã thiết kế một du thuyền giải quyết tất cả các mối quan tâm trên. Thiết kế thân đơn hoặc trimaran ổn định làm giảm đáng kể sự rung lắc, trong khi du thuyền dễ dàng được điều khiển vì nó hoàn toàn tự động.
Lấy cảm hứng từ VPLP ở giải America’s Cup, cụm buồm Oceanwings được cấp bằng sáng chế có hai cột, không chỉ tự động mà còn có thể tháo lắp và cuộn lại được. Tự hỗ trợ và xoay 360 độ, Oceanwings điều chỉnh góc quay đón gió của nó với điểm du thuyền dự định tới để có lực đẩy lớn nhất.
“Chúng tôi cung cấp một hệ thống đẩy gió đáng tin cậy, đơn giản và tự động”. – Van Peteghem giải thích: “Cỗ máy không chỉ cung cấp khả năng kiểm soát đặc biệt mà còn có hiệu quả đến mức giảm một nửa diện tích bề mặt cần thiết so với loại buồm thông thường”.
Komorebi 148 cũng cung cấp một giải pháp động cơ lai có thể chạy thêm bằng điện, vì vậy tiết kiệm năng lượng và mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải thấp.
Trên thực tế, giải pháp lai kết hợp lực của gió với lực đẩy truyền thống và điện, do đó còn được gọi là hệ thống hybrid kép và có ba chế độ hoạt động. Khi sức gió nhỏ hơn 10 knots hải lý, lực đẩy được cung cấp bởi các động cơ đốt, nó sẽ bổ sung năng lượng cho tàu lên tới 15 hải lý. Từ 10-17 hải lý gió, thuyền có thể di chuyển ở chế độ lai và yên tĩnh hơn ở tốc độ tối thiểu 12 hải lý bằng sức mạnh của gió và động cơ điện. Trên 17 hải lý gió, Komorebi lướt đi với tốc độ 12 hải lý và chỉ sử dụng đôi cánh buồm của mình.
“Komorebi 148 có khả năng di chuyển khắp trái đất”. Ông Pajot chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi đang trong quá trình bắt đầu sản xuất nguyên mẫu và đang tìm kiếm những đối tác tiềm năng và có tầm nhìn để xây dựng du thuyền công nghệ xanh cho các thế hệ tương lai”.