Ông Ben Gray, Giám đốc Thị trường vốn tại Knight Frank Việt Nam cho biết trước đại dịch Covid, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 18 triệu lượt du khách quốc tế. Năm 2023, cả nước đón được 12,6 triệu lượt, chủ yếu là vào quý IV.
Giả dụ 30% số khách này lưu trú tại các khách sạn, resort hạng sang, và đi theo cặp, thuê phòng đôi trong 7 đêm – theo số liệu của Tổng cục Du lịch về độ dài thời gian chuyến đi bình quân của du khách trước đại dịch – thì cũng chỉ có thể lấp đầy khoảng một phần ba số lượng phòng khách sạn 4-5 sao hiện có
Nguy cơ thừa cung đang xuất hiện, với tỷ lệ lấp đầy phòng nghỉ thấp như ở Phú Quốc, hay xây mới rầm rộ ở Vịnh Hạ Long. “Những địa điểm này đã xuất hiện tình trạng phát triển dự án khách sạn vô tội vạ, tuy nhiên cơ sở hạ tầng ngành du lịch cũng như bản thân dự án lại cung vượt quá cầu”, ông Gray bổ sung.
Phòng khách sạn 4-5 sao ven biển Việt Nam vẫn chưa thể lấp đầy nhanh chóng một sớm một chiều. Bốn tháng qua, cả nước đón gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 68,3% so với cùng kỳ, theo Tổng cục Du lịch. Năm 2024, ngành đặt mục tiêu đón 17 – 18 triệu lượt khách quốc tế, tức chỉ xấp xỉ trước dịch.
Nhà đầu tư ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam vẫn sẽ chịu áp lực cạnh tranh từ các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia, nơi đang cho thấy lợi thế lớn hơn về giá trị đầu tư lữ hành và du lịch so với Việt Nam, theo ông Gray.
Khách nội địa cũng là một nguồn đáng kể để tiêu thụ lượng phòng cho khách sạn 4-5 sao ở ven biển. Đầu năm đến nay có 40,5 triệu lượt khách trong nước với riêng 8 triệu lượt người đi nghỉ mát dịp 30/4-1/5 vừa qua.
Dù vậy, Knight Frank cho rằng du lịch trong nước vẫn chịu nhiều sức ép khi các hãng hàng không tung ra vé giá rẻ và du lịch trọn gói giá hấp dẫn đến các quốc gia khác trong khu vực, trong khi giá vé máy bay nội địa cao.
Trong lúc khách sạn ven biển còn thừa công suất, các khách sạn cao cấp ở trung tâm đô thị lớn có tình hình hoạt động khả quan, thu hút chú ý của nhà đầu tư từ khắp thế giới. Đầu tháng này, Sheraton Hanoi West, khách sạn thứ 8 mang thương hiệu Sheraton tại Việt Nam vừa đi vào vận hành ở Hà Nội. Trong khi, tại TP HCM, Hilton Sài Gòn đón khách chưa lâu. Thương hiệu Nobu Hospitality cũng sắp tham gia thị trường tại khu vực trung tâm.
Theo ông Gray, những khách sạn, khu nghỉ dưỡng boutique ở vị trí đắc địa có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư quốc tế bởi giá cả hợp lý. Những cơ sở này có thể giữ giá thuê phòng cao suốt năm nhờ lượng khách dồi dào, và vận hành với chi phí thấp hơn các dự án quy mô lớn, đem lại cơ hội kinh doanh tiềm năng”, ông nói.