STYLE

4 mẫu đồng hồ danh tiếng đã nối dài lịch sử của thương hiệu Tudor

Sep 12, 2020 | By Nguyen Huu Hon

Trong các bộ sưu tập mang tính biểu tượng của Tudor, không khó để giới mộ điệu tìm được một số cỗ máy đặc biệt được sinh ra để tôn vinh thời hoàng kim của thương hiệu, khi Tudor trong vai trò là nhà chế tác tin cậy của các lực lượng hải quân lớn nhất thế giới trong sáu thập kỷ qua.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1954, khi Tudor ra mắt Ref. 7922 – chiếc đồng hồ lặn đầu tiên của thương hiệu. Lúc bấy giờ, sản phẩm này là một trong số những công cụ đo lường chuyên nghiệp duy nhất được chế tạo để phục vụ cho công tác khám phá đại dương.

Chính sự kết hợp kinh điển giữa một sản phẩm kỹ thuật mạnh mẽ, tối đa hóa độ chính xác và được định vị ở mức giá phù hợp đã khiến Ref. 7922 trở thành sự lựa chọn lý tưởng cho các tổ chức chuyên thực hiện nhiệm vụ dưới nước với quy mô lớn, và hải quân Pháp là một trong số đó.

Vào năm 1956, nguyên mẫu đồng hồ lặn Ref. 7922 đã được GERS (Groupement d’Étude et de Recherche Sous-sea – Nhóm nghiên cứu và học tập dưới biển) đưa vào đánh giá mức độ phù hợp và thực hiện một số cải tiến để biến chiếc đồng hồ này trở thành một trang thiết bị tiêu chuẩn cho lực lượng hải quân và lính thủy đánh bộ Pháp. Trong hơn nửa thế kỷ sau, những mẫu đồng hồ lặn của Tudor vinh dự trở thành vật phẩm không thể thiếu trên cổ tay các thợ lặn thuộc lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.

Ngày nay, những dòng đồng hồ lặn tiêu biểu nhất của Tudor đều phản ánh rõ nét di sản năm xưa qua thiết kế được lấy cảm hứng từ các phiên bản đồng hồ quân sự nổi tiếng, hoặc từ những mẫu đồng hồ từng xuất hiện trong hồi ký của các thủy thủ kỳ cựu.

Tudor Black Bay Fifty-Eight “Navy Blue”

Ra đời dựa trên những nguyên tắc khắt khe nhất về chất lượng, Black Bay Fifty-Eight “Navy Blue” là sự kết hợp tài tình cảm quan thẩm mỹ của hơn 60 năm trong lĩnh vực đồng hồ lặn Tudor, với kỹ thuật chế tác hiện đại trong thế kỷ 21. Phiên bản mới này vẫn giữ nguyên các đường nét và tỷ lệ của thế hệ trước, nhưng các nghệ nhân đã khéo léo khoác lên “lớp áo” đậm chất biển cả cùng phong cách hiện đại xen lẫn sự năng động.

Black Bay Fifty-Eight “Navy Blue” được đặt tên theo năm mà Tudor ra mắt chiếc đồng hồ “Big Crown” dành cho thợ lặn đầu tiên, với khả năng chống nước đến 200m. Những chi tiết gợi nhắc đến chiếc đồng hồ lịch sử nổi tiếng này tiếp tục được tái hiện trên phiên bản 2020 như đường kính vỏ 39mm, mặt số màu xanh dương và kính sapphire dạng vòm, các kim đồng hồ góc cạnh mang lại sự rõ ràng cho người đeo, vòng bezel xoay một chiều màu xanh, núm vặn khía rãnh cỡ lớn phù hợp với phong cách bộ vỏ, cùng khả năng chống nước ở độ sâu 200m.

Tudor Black Bay P01

Trong những năm 1960, ngành sản xuất đồng hồ nói chung và Tudor nói riêng chính thức bước vào thời điểm của sự đột phá sáng tạo, và tiêu biểu nhất là “dự án Commando”.

Vào năm 1967, Tudor bắt đầu phát triển những phiên bản đồng hồ lặn mới nhằm thay thế mẫu Oyster Prince Submariner 7928 vẫn đang được lực lượng hải quân Mỹ sử dụng. Theo đó, thiết kế mới cần đảm bảo một loạt các yêu cầu do chính phủ Mỹ đặt ra và kết hợp những thành quả đạt được từ nghiên cứu mới nhất về chức năng cũng như công thái học do các kỹ sư Tudor thực hiện.

Lúc này, một cuộc nghiên cứu & phát triển chuyên sâu đã được phát động, và kết quả là sự xuất hiện của các nguyên mẫu hoàn toàn mới, cũng như một bằng sáng chế cho chức năng chưa từng được ra mắt – “Commando”. Nhưng cuối cùng, hải quân Hoa Kỳ đã chọn trang bị cho thợ lặn của mình mẫu Tudor Oyster Prince Submariner 7016, và dự án “Commando” chấp nhận tạm dừng ở giai đoạn thử nghiệm.

Được phát triển từ dự án “Commando” huyền thoại, phiên bản Tudor Black Bay P01 xứng đáng là một chiếc đồng hồ công cụ thuần túy trong kích cỡ 42mm khỏe khoắn cùng vành bezel xoay 2 chiều, bên cạnh chức năng khóa có tên “end-link” ở hướng 12h – cơ chế đặc biệt được cấp bằng sáng chế và giữ bí mật cho tới ngày hôm nay.

Tudor Black Bay Fifty-Eight

Vào năm 1958, Tudor đã gửi đến hai lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới một chiếc đồng hồ lặn sừng sỏ mang tên Big Crown Ref. 7924, đáp ứng hầu hết yêu cầu về một thiết bị quân sự lúc bấy giờ cùng khả năng chống nước đến 200m.

Mặc dù không phải một bản sao siêu thực của Ref. 7924, nhưng phiên bản Black Bay Fifty-Eight đã khéo léo gợi nhớ và tái hiện hầu hết tinh hoa của chiếc đồng hồ xưa cũ ấy qua những chi tiết như đường kính vỏ 39mm cổ điển, mặt kính sapphire dạng vòm, các kim đồng hồ góc cạnh góp phần tối đa hóa sự rõ ràng, vòng bezel xoay và khả năng chống nước ở độ sâu 200m.

Với tỷ lệ, hình dạng tổng thể, các điểm nhấn bằng vàng hiện diện trên mặt số và hình tam giác màu đỏ trên vòng bezel xoay, Black Bay Fifty-Eight có lẽ là mẫu Tudor mang đậm di sản kế thừa từ những phiên bản đồng hồ lặn đầu tiên của thương hiệu và cả những nguyên mẫu đồng hồ quân sự từng được Hải quân Pháp và hải quân Hoa Kỳ sử dụng vào nửa sau của những năm 1950.

Tudor Black Bay Bronze

Khác biệt với ba tuyệt tác được đề cập trước đó, Black Bay Bronze không mang ý nghĩa gợi nhắc đến bất kỳ sáng tạo nào trong lịch sử đồng hồ quân sự của Tudor. Thay vào đó, phiên bản này thể hiện phong cách sống đơn thuần và mộc mạc của các thủy thủ với chiếc đồng hồ Tudor luôn trên cổ tay.

Điểm sáng của Black Bay Bronze nằm ở chiếc vỏ 43mm được làm từ đồng, với nguồn cảm hứng lấy từ lớp đồng thau quen thuộc trên những chiếc tàu cũ hay các thiết bị lặn trên đại dương. Từ lâu, đồng được xem là chất liệu rất “có hồn”. Hợp kim nhôm – đồng có tính ứng dụng cao, thường xuyên được sử dụng trong kỹ thuật hàng hải, nhất là trên những bộ phận cần sự kháng ăn mòn đặc biệt. Đặc biệt hơn cả, đồng không hề bị ăn mòn như sắt và thép, vì bản chất tự sản sinh lớp hóa học bảo vệ khỏi mọi hư hại tự nhiên và được giới chuyên môn ưu ái gọi với cái tên “patina“, tùy thuộc vào môi trường và thói quen của người đeo mà lớp patina trên mỗi chiếc đồng hồ lại có sức ảnh hưởng khác nhau.


 
Back to top