LUX STYLE

Cơ cấu Retrograde: Tinh hoa đúc kết hàng thế kỷ của Vacheron Constantin

Jan 22, 2022 | By Ton Binh

Retrograde và striking là những kỹ thuật đỉnh cao, thể hiện một khía cạnh khác đầy quyến rũ trên các tạo phẩm của Vacheron Constantin.

Khác với Chronograph và Tourbillon hướng đến sự chính xác hoàn hảo, cơ cấu Retrograde và Striking thể hiện mỹ cảm cơ học tối đa trên đồng hồ xa xỉ. Những cơ chế này chỉ có thể được thực hiện thủ công bởi các nghệ nhân điêu luyện nhất. Tất cả điều này làm nên thế mạnh, biểu tượng cho Vacheron Constantin – thương hiệu đồng hồ Thuỵ Sỹ lâu đời.

Cơ chế Retrograde cho phép bộ chỉ báo quay về điểm xuất phát và bắt đầu lại sau khi hoàn thành một vòng trên bộ đếm. Bên cạnh cơ chế Retrograde cho các chỉ báo theo chu kỳ như giờ, phút, giây hay ngày, còn có các kiểu chỉ báo ngược dòng “kiểu quét” như cơ cấu chỉ báo năng lượng dự trữ.

Cơ chế này đòi hỏi độ chính xác rất cao. Khác với đồng hồ truyền thống, kim hồi không kết hợp trực tiếp với bánh xe, thay vào đó được định vị trên một quả cầu lệch tâm, trang bị một lò xo và bánh răng riêng. Retrograde đòi hỏi trật tự nghiêm ngặt, hạn chế va đập và chống mài mòn. Tuỳ vào các thành phần của đồng hồ, chỉ báo có thể quay ngược lại vị trí ban đầu với vận tốc hơn 60 km/h.

Phương thức hiển thị độc đáo này đậm chất “Vacheron Constantin”, tỏa sáng lần đầu vào những năm 1920, thời kỳ xuất hiện sự khác biệt với phong cách phản ánh nguyên tắc thẩm mỹ của Art Deco. Chiếc đồng hồ điển hình nhất của giai đoạn đầu là Ref. 36260, đến năm 1940 được đổi tên thành Don Pancho, được đặt theo tên chủ đơn hàng đặc biệt. Người thợ phải mất 4 năm để hoàn thành đơn đặt hàng này. Don Pancho có vỏ tonneau bằng vàng, núm vặn ở vị trí 12 giờ, bộ điểm chuông theo phút vang lên các âm trầm đặc trưng. Các chức năng lịch cung cấp chỉ báo ngày trong tuần trên mặt số phụ, đi cùng lịch ngày với kim hồi trung tâm.

Những phương thức hiển thị dạng hồi của Vacheron Constantin dần trở nên phổ biến hơn trong các bộ sưu tập đương đại. Có thể kể đến sự xuất hiện của Ref. 47245 và Ref. 47247, hai mẫu đồng hồ đeo tay hiển thị thứ ở vị trí 6 giờ và lịch dạng hồi ở mặt số nửa lộ trong bộ vỏ của mẫu thứ hai. Chiếc Ref. 57260 ra mắt nhân kỷ niệm 260 năm thành lập Vacheron Constantin vào năm 2015 cũng sở hữu ngày dạng hồi và đồng hồ bấm giờ tách giây với kim hồi kép, một cơ chế độc đáo và sáng tạo.

Trong nghệ thuật chế tác đồng hồ, những chiếc đồng hồ có cơ chế điểm chuông thường được nhìn nhận như kiệt tác kết hợp giữa khoa học cơ khí với chất lượng âm học để cô đọng thời gian thành âm thanh. Ra đời vào thời điểm chưa có điện, cơ chế này ban đầu được chế tạo với nhu cầu thực tế về nắm bắt thời gian trong bóng tối. Cùng với sự đắt đỏ và chế tác khó, những chiếc đồng hồ điểm chuông trở thành biểu tượng cho sự giàu có và sang trọng. Sau khi diêm ra đời, việc sở hữu những chiếc đồng hồ này càng trở nên xa xỉ hơn, khi chúng dần thoát khỏi mục đích ban đầu.

Có nhiều phương thức báo chuông, như điểm chuông theo giờ và khắc tự động. Phức tạp và cầu kỳ hơn là minute repeater – điểm chuông theo phút cho phép báo giờ chính xác đến từng phút; Grande và Petite Sonnerie – điểm báo giờ và từng khắc. Mỗi cơ chế đều là một thách thức về kỹ thuật, khống chế năng lượng và yêu cầu sự tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Những chiếc đồng hồ điểm chuông là một phần di sản của Vacheron Constantin ngay từ những ngày đầu thành lập. Trong suốt 266 năm qua, Vacheron Constantin đã phát triển niềm đam mê và tiếp nhận chuyên môn trong việc tạo ra những cơ chế phức tạp này, vốn được xem là thành tựu đỉnh cao của nghệ thuật chế tác đồng hồ. Những bức thư trong kho lưu trữ tiết lộ maison này thường xuyên được liên hệ chế tác đồng hồ cho Nữ hoàng Romania và Trưởng Công chúa Isabel Clara Eugenia vào nửa sau thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Sự đam mê của nhà chế tác hàng trăm năm tuổi đối với những chiếc đồng hồ cực kỳ phức tạp được nuôi dưỡng trong bộ phận Les Cabinotiers, nơi phụ trách các sản phẩm độc đáo và những chiếc đồng hồ được đặt làm riêng.

Năm 2020, các nghệ nhân bậc thầy của bộ phận Les Cabinotiers đã phát triển một số mẫu đồng hồ điểm chuông có 1-0-2 với chủ đề “The Music of Time”. Trong đó, chiếc Symphonia Grande Sonnerie – The Sixth Symphony, với phần giữa vỏ được chạm khắc bức phù điêu Bản giao hưởng số 6 của Beethoven. Trong thiết kế này, kỳ công nằm ở việc tập hợp 727 bộ phận của cơ chế Grande Sonnerie và bộ chuyển động có cơ chế lặp phút trong bộ máy đường kính có 37mm và dày chỉ 9,1mm.

Theo Tam Sơn


 
Back to top