Nghệ thuật / Nghệ sĩ

4 cú sốc nghệ thuật từ Damien Hirst

Jan 22, 2022 | By Xu

Damien Hirst lần đầu tiên được công chúng biết tới vào năm 1988 ở London. Trong khoảng 20 năm sau triển lãm quan trọng đầu đời, Damien Hirst trở thành một trong những nghệ sỹ có ảnh hưởng nhất trong thế hệ của ông.

Damien Hirst, đứng trước tác phẩm năm 2006 của ông, “I Am Become Death, Shatterer of Worlds” được làm từ bướm và sơn bóng gia dụng trên vải. Nguồn ảnh: luzyartes.com

Damien Steven Hirst (sinh năm 1965) là một nghệ sỹ, doanh nhân và nhà sưu tầm nghệ thuật người Anh. Ông là một trong những nghệ sỹ trẻ người Anh thống trị làng nghệ thuật ở Anh trong suốt những năm 1990. Ông cũng được cho là nghệ sỹ giàu có nhất Vương Quốc Anh, theo ước tính tài sản khoảng 384 triệu USD nêu trong danh sách người giàu có của Sunday Times năm 2020.

Damien Hirst lần đầu tiên được công chúng biết tới là vào năm 1988 khi ông phụ trách và giám tuyển triển lãm “Freeze” – một cuộc trưng bày trong một nhà kho cũ ở London, giới thiệu các tác phẩm của ông và bạn bè, cùng các sinh viên của ông ở trường Cao Đẳng Goldsmiths. Trong khoảng 20 năm sau buổi trình diễn quan trọng đầu đời đó, Hirst trở thành một trong những nghệ sỹ có ảnh hưởng nhất trong thế hệ của ông.

Theo đánh giá của Saatchiart, dưới đây là 4 cột mốc gây sốc nhất của ông.

1. Cá mập ngâm formaldehyde, một con cá “đủ lớn để ăn thịt bạn”

Năm 1992, cái tên Damien Hirst được nhắc đến như một sự bùng nổ, khi tác phẩm của ông được đưa vào chương trình Young British Artists tại phòng trưng bày Saatchi ở London.

11 Art Controversies of the Last Four Centuries | Britannica

“The Physical Impossibility of Death in the Mind of the Living” (tạm dịch: Sự bất khả thi về thể chất của cái chết trong tâm trí cùa người sống), tác phẩm của Damien Hirst, trưng bày lần đầu vào năm 1992 tại phòng trưng bày Saatchi.

Damien Hirst đã thu hút sự chú ý của công chúng ngay lập tức với tác phẩm “The Physical Impossibility of Death in the Mind of the Living” (tạm dịch: Sự bất khả thi về thể chất của cái chết trong tâm trí cùa người sống). Đó là một bể kính dài 14 foot (4,3 m) chứa một con cá mập hổ được bảo quản trong formaldehyde. Tác phẩm này được Charles Saatchi uỷ nhiệm tạo ra vào năm 1991 và bán cho Steven A.Cohen vào năm 2004 với số tiền không tiết lộ (được đồn đại là 8 triệu USD).

Con cá mập bị bắt ngoài khơi Vịnh Hervey ở Queensland (Úc) bởi ngư dân địa phương. Damien Hirst đã yêu cầu ngư dân đánh bắt một thứ gì đó “đủ lớn để ăn thịt bạn”.

“The Physical Impossibility of Death in the Mind of the Living” của Damien Hirst. ​​AFP PHOTO / BEN STANSALL (Photo credit should read BEN STANSALL/AFP/Getty Images)

Bể cá mập của Hirst đã trở thành đại diện cho hình ảnh thu nhỏ của nghệ thuật Anh trong những năm 1990. Mặc dù đựơc New York Times ca ngợi vì đã tạo ra “trải nghiệm nội tạng” về sự sống và cái chết, tác phẩm cũng bị các tờ báo Anh chế giễu và chỉ trích, như The Guardian gọi là nó “50.000 bảng Anh cho món cá không có khoai tây chiên” (trong một bài báo năm 2012).

2. “In and Out Of Love” với hàng ngàn con bướm sống, và rồi chết.

Năm 2012, tác phẩm mang tên “In and Out of Love (White Paintings and Live Butterflies)” được sắp đặt trong hai căn phòng không cửa sổ, là một phần trong triển lãm lớn đầu tiên của Damien Hirst tại Vương Quốc Anh, diễn ra từ ngày 4 tháng 4 đến ngày 9 tháng 9 năm 2012, tại Tate Modern (London). Trong hai căn phòng đánh số 5 và 6, du khách có thể quan sát hàng nghìn con bướm sống bay trên đầu, đậu trên tường và ăn trái cây trong tô.

“In and out of love (white paintings and live butterflies)”, 1991 © LondonArtReviews.com

Tác phẩm sắp đặt “In and Out of Love (White Paintings and Live Butterflies)”, được Damien Hirst sáng tác từ năm 1991 và chưa từng được giới thiệu đầy đủ cho tới triển lãm năm 2012 tại Tate Modern. Nguồn ảnh: soylentidergi.com

Mặc dù ban đầu được các nhà phê bình nghệ thuật ca ngợi, nhưng khi triển lãm kết thúc, tổng số bướm chết trong số 9000 con bướm được đưa vào đã gây chấn động trong dư luận. Nhiều con bướm bị dẫm đạp hoặc bị thương do va quệt với khách tham quan. Các nhóm bảo vệ quyền động vật đã lên án dữ dội. Theo The Telegraph (2012), người phát ngôn của Hiệp hội Hoàng gia về Ngăn chặn Sự tàn ác với Động vật (RSPCA) ở Anh cho biết, “Sẽ có sự phản đối kịch liệt trên toàn quốc nếu triển lãm có sự tham gia của bất kỳ loài động vật nào khác, chẳng hạn như chó. Chỉ vì nó là những con bướm, không có nghĩa là chúng không xứng đáng được đối xử tử tế“.

“Đó là về tình yêu và chủ nghĩa hiện thực, ước mơ, lý tưởng, biểu tượng, cuộc sống và cái chết. Tôi đã tìm ra nhiều quỹ đạo khả thi cho những điều này, như cách con bướm thật có thể phá huỷ loại tình yêu lý tưởng (thiệp sinh nhật); biểu tượng tồn tại ngoài vật thực. Hoặc những con bướm vẫn đẹp ngay cả khi đã chết” – Damien Hirst

3. Hộp sọ “For the Love of God”

Năm 2007, Damien Hirst thu hút sự chú ý của người hâm mộ cũng như các nhà phê bình khi tạo ra “For the Love of God” (Vì tình yêu của Chúa) – một hộp sọ nạm kim cương làm bằng bạch kim. Giá chào bán cho tác phẩm là 50 triệu bảng Anh.

“For the Love of God” và Damien Hirst. Nguồn ảnh: kleinsma.cargo.site

Tác phẩm điêu khắc được thực hiện bởi Damien Hirst với số tiền khổng lồ lên đến 14 triệu bảng Anh, bao gồm một khối bạch kim đúc hộp sọ người, răng người thật và 8.601 viên kim cương. Vào thời điểm năm 2010, theo The Guardian: mặc dù vẫn còn tranh cãi về việc liệu Hirst có thể bán tác phẩm với giá 50 triệu bảng Anh hay không, nhưng nếu thực sự có, đây sẽ là tác phẩm nghệ thuật đơn lẻ đắt giá nhất từng được bán bởi một nghệ sỹ còn sống.

“Đôi khi tôi cảm thấy rằng tôi không có gì để nói và tôi muốn trao đổi về điều này” – Damien Hirst

4. Kỷ lục đấu giá khi còn sống

Tháng 9 năm 2008, Damien Hirst đã thực hiện một cuộc đấu giá trực tiếp, được xem là một động thái chưa từng có từ một nghệ sỹ còn sống. Bỏ qua các phòng trưng bày thân quen của mình, Damien Hirst tổ chức một “triển lãm cá nhân” bất thường với loạt tác phẩm “Beautiful Inside My Head Forever” được bán đấu giá thông qua Sotheby’s. Thương vụ này đã mang về 200,7 triệu USD, phá kỷ lục trong mảng đấu giá của riêng một nghệ sỹ.

“The Golden Calf” của Damien Hirst được trưng bày trước phiên đấu giá. Nguồn ảnh: independent.ie

Kỷ lục trước đó về một cuộc đấu giá của riêng một nghệ sỹ đã được thiết lập vào năm 1993 khi 88 tác phẩm của Picasso (1881 – 1973) được bán với tổng giá trị 20 triệu USD. Tác phẩm bán chạy nhất của Damien Hirst trong thương vụ năm 2008 là “The Golden Calf”, được bán với giá 18,6 triệu USD (khoảng 10,3 triệu bảng Anh), là một con bò đực trắng đặt trong bể formaldehyde, với móng guốc và sừng bằng vàng 18 cara. Theo New York Times, tổng 223 tác phẩm của Hirst đã được mua bởi các nhà sưu tầm trên khắp thế giới.

Damien Hirst trước tác phẩm “The Incredible Journey” tại phòng trưng bày của nhà đấu giá Sotheby’s, London, 2008. Ảnh: Shuan Curry/AFP/Getty Images.


 
Back to top