LUX STYLE

Franck Muller: Bậc kỳ tài trong thế giới đồng hồ hiện đại

Dec 22, 2021 | By Ton Binh

Khác hẳn với các chuyên gia đồng hồ thường có vẻ ngoài ngại ngùng, ít nói, Franck Muller là một nghệ nhân kiệt xuất cả về tài năng lẫn phong cách như một “rock-star” không lẫn vào đâu được.

“Đồng hồ đeo tay chính là vật dụng thể hiện cái tôi rõ nhất của nam giới; chúng chính là trang sức của đàn ông, và đối với nhiều người nếu thiếu chiếc đồng hồ trên tay cũng như là chưa mặc quần áo vậy” – Franck Muller

Nghệ nhân đồng hồ Franck Muller sinh năm 1958 tại La Chaux-de-Fonds – nơi được xem là thủ phủ của đồng hồ Thuỵ Sĩ. Ông mang trong mình hai dòng máu Thuỵ Sĩ và Ý. Có lẽ đó là lý do tại sao tuy ông theo đuổi ngành chế tác đồng hồ nổi tiếng, nhưng lại có phong thái như một tay chơi người Y thứ thiệt. Thuở nhỏ Franck Muller học văn hoá không giỏi nhưng lại có sự yêu thích đặc biệt với nghệ thuật cơ khí và kỹ thuật, vì vậy bắt đầu từ 15 tuổi gia đình đã gửi ông vào học trường dạy nghề làm đồng hồ. Với khiếu thiên bẩm, Franck Muller tốt nghiệp với chương trình học được rút ngắn và tấm bằng xuất sắc khi mới 19 tuổi.

Món quà ngày tốt nghiệp dành cho Franck Muller là một chiếc Rolex mà sau đó đã được ông độ chế thành đồng hồ lịch vạn niên với vạch chỉ retrograde, thêm cả cơ cấu chỉ báo ngày -đêm, bộ biểu thị mức năng lượng dự trữ rồi ký lên đó “Rolex và Franck Muller”. Chiếc đồng hồ này sau đó đạt kỷ lục đồng hồ bằng thép đắt nhất lúc bấy giờ khi một nhà phân phối người Ý tại Monaco đã mua lại với giá 400.000 CHF.

Franck Muller cũng sớm được biết đến với tài nghệ sửa và phục chế những chiếc đồng hồ bỏ túi trị giá lớn. Ông làm việc hăng say cùng nghệ nhân đồng hồ độc lập Svend Andersen để phục chế nhiều chiếc đồng hồ siêu phức tạp cho các nhà sưu tầm và bảo tàng danh tiếng cho tới khi thành lập một xưởng riêng.

Franck Muller Jumping Hours Tourbillon – cơ chế đã được Franck khởi xướng từ năm 1986

Năm 1986, Franck Muller lúc đó mới 28 tuổi đã gây chấn động thế giới đồng hồ tại Baselworld khi ra mắt chiếc đồng hồ tourbillon không cần bộ phận Oscillation (bộ điều hòa dao động) với mặt số regulator (giờ, phút và giây nằm trên những mặt số phụ khác nhau), trong đó giờ được hiển thị bằng cơ chế jumping hour do Franck thiết kế và phát triển.

Phải nói rằng vào những năm 80, những thương hiệu có khả năng chế tạo những chiếc đồng hồ siêu phức tạp như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả ngày nay với sự hỗ trợ của máy móc và các phần mềm, đây vẫn là một công trình siêu phức tạp còn Franck Muller làm được điều này một mình, bằng những tính toán thủ công khi ngành đồng hồ bắt đầu hồi phục sau cơn khủng hoảng Quartz và chẳng còn nhiều chuyên gia chế tạo tourbillon trong nhiều thập kỷ. Các nhà sưu tầm rủ nhau tìm đến Franck Muller để đặt hàng và xưởng của ông ngày một lớn mạnh.

Thương hiệu Franck Muller chính thức ra đời năm 1991 với những chiếc đồng hồ siêu phức tạp nổi danh tại Châu Âu và Mỹ. Đến nay, thương hiệu đã có 5 xưởng chế tác lớn tại Thuỵ Sĩ và 570 nhà bán lẻ trên toàn thế giới.

Bộ sưu tập Franck Muller độc bản do chính Elton John lựa chọn được đem ra đấu giá để kỉ niệm cho tour diễn cuối cùng của ngài

Trong một cuộc phỏng vấn Elton John về bộ sưu tập đồng hồ cá nhân của ông cách đây vài năm, vị danh ca nổi tiếng đã từng chia sẻ rằng: “Thiết kế đồng hồ nam của thập niên 90 tuy có đẹp nhưng rất nhàm chán. Rồi đột nhiên Franck xuất hiện và mọi thứ trở nên thật thú vị. Tất cả mọi người đều biết Franck là một thiên tài về kỹ thuật nhưng không chỉ có vậy, phong cách mà anh ấy đem lại, từ dáng vỏ cho tới màu sắc trên đồng hồ, chúng thực sự khác biệt”.

“Tôi từng tham dự một cuộc phỏng vấn với Franck vài năm trước cho tạp chí Interview, và tôi đã gọi anh ấy là Picasso của làng đồng hồ, người đầu tiên mang tới những gì thật khác biệt cho đồng hồ nam. Franck đã châm ngòi một cuộc cách mạng, mở đường cho rất nhiều người khác tạo ra một thế giới đồng hồ thú vị hơn. Tôi nhớ là bỗng dưng rất nhiều thương hiệu bắt đầu chế tạo những chiếc đồng hồ hay ho, và tôi tin rằng Franck chính là người đi đầu cho trào lưu đó”.

Đúng là phong cách của Franck Muller không rụt rè nhút nhát, ít nói như những nhà làm đồng hồ thuần tuý. Những nghệ nhân thường dậy rất sớm và đến xưởng làm việc từ khi mặt trời ló dạng. Xưởng của họ rất yên tĩnh và cách biệt. Mỗi người tập trung vào chiếc đồng hồ mình đang chế tác và thường bàn làm việc của họ khá gọn gàng, trước mặt là cửa sổ lớn để dễ dàng phóng tầm mắt ra núi non xung quanh để thư giãn. Họ rời xưởng vào xế chiều và dành buổi tối bên gia đình.

Những ngôi làng có 70% dân số là nghệ nhân làm đồng hồ sinh sống như La Chaux-de-fond thường tĩnh lặng như phong cách của chính họ. Có như vậy mới thấy Franck Muller khác biệt tới mức nào, và năng lượng của ông ảnh hưởng từ lối sống cá nhân vào những chiếc đồng hồ đã khiến chúng có sức sống hơn rất nhiều. Franck Muller có lẽ là nghệ nhân đồng hồ kì lạ nhất khi được chào đón như những minh tinh hay người nổi tiếng trong giới giải trí, bởi vẻ ngoài của ông tựa như một tay chơi thực thụ, có lẽ đó là chất ngông của nghệ nhân biết rõ tài năng của mình.

Thập niên 90, ông thường lui tới những sự kiện đình đám như chuỗi đấu giá từ thiện Famous Faces ở New York, và tên tuổi ông sánh đôi với tên tuổi danh hài Bob Hope hay tài tử Harrison Ford. Bên cạnh chiếc Seiko gắn liền với chiến tranh vùng vịnh của Đại tướng Norman Schwarzkopf, đạo diễn James Cameron và chiếc Rolex Submariner ông đeo trong quá trình làm phim Titanic là những chiếc Franck Muller của nghệ nhân đồng hồ xuất sắc nhất vào thời bấy giờ. Vợ chồng Bruce Willis và Demi Moore cũng thường mời ông tham dự những bữa tiệc private tại biệt thự ở Aspen với toàn các sao Hollywood.

Franck Muller cũng chế tạo những chiếc đồng hồ theo đơn đặt riêng cho nhà mốt lừng danh Gianni Versace sau khi Versace mua một lúc 20 sáng tạo của Franck Muller tại một cửa hàng. Đại tỷ phú Steve Wynn lừng danh trong giới Casino Las Vegas cũng đặt Franck chế tác những mẫu đồng hồ lấy cảm hứng từ vòng quay roulette cho riêng lĩnh vực của mình.

Những vị khách thân quen của Franck Muller phải kể tới: Elton John, Gianni Versace, Jackie Chan hay Cristiano Ronaldo

Tài năng đưa ông đến với những người bạn nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trong các lĩnh vực càng khiến Franck Muller tách mình ra khỏi thế giới của những nghệ nhân truyền thống. Thay vì áo trắng và kính lúp, Franck Muller thường xuất hiện với áo khoác da, sơ mi rực rỡ và niềm đam mê tốc độ với những chiếc Jaguar, Aston Martin và Harley Davidson. Đã từng có một đội đua của riêng Franck Muller tham gia tranh tài ở giải Le Mans vào năm 1996 với chiếc Mclaren F1.

Với lối sống phong lưu và ưa thích tiệc tùng, đã có lúc Watchland của Franck được ví như “biệt thự Playboy”. Cùng với cộng sự Vartan Sirmakes, Franck Muller và thương hiệu cùng tên đã trở thành một thế lực mới của thế giới đồng hồ kể từ năm 1991, cùng những tên tuổi khác thách thức lại cơn khủng hoảng Quartz, rồi mang giá trị trở về lại với đồng hồ cơ học Thụy Sỹ.

Franck Muller Long Island và nguồn cảm hứng rõ rệt từ trường phái nghệ thuật Art Deco

Điều mà Franck Muller đã mang tới thế giới đồng hồ chính là sự khác biệt mà những nghệ nhân đơn thuần không có được, ông tin rằng sau khi chinh phục những yếu tố kỹ thuật, những chiếc đồng hồ cần có sức sống và thẩm mỹ, lấy cảm hứng từ cuộc sống đương đại và hoà nhập được vào dòng chảy đó. Mặt số đồng hồ cổ điển được Franck Muller trẻ hoá bằng nghệ thuật enamel với các tông sáng đầy táo bạo tạo thành nét riêng mà bất kỳ ai từ phía xa cũng có thể nhận ra.

Thiết kế vỏ dạng thùng rượu chính là một đặc trưng được Franck Muller khai thác, làm sống lại và đẩy lên thành biểu tượng đương đại thông qua bộ Cintree Curvex. Rất nhiều những yếu tố thẩm mỹ mang hơi hướng Art Deco, là ranh giới hài hoà giữa nét thanh lịch, tinh thần thời thượng và sự hoa lệ quyến rũ. Tất cả những thiết kế của nghệ nhân Franck Muller từ khi ông bắt đầu gây dựng đế chế của mình đều có một chút chất “Charlie và nhà máy Chocolate” hay “Alice và xứ sở thần tiên” trong đó – kì lạ, có một chút “ngông” và đặc biệt khó có thể rời mắt.

Bộ Cintrée Curvex với lớp vỏ 3 chiều tinh xảo có cấu tạo hoàn toàn khác biệt so với dáng tonneau thông thường và là một trong những biểu tượng của thế giới đồng hồ đương đại

Cuộc sống thú vị của Franck Muller đem ông tới với những cảm hứng mới trong thiết kế đồng hồ. Ví dụ như năm 2003, trong một kỳ nghỉ tại quốc đảo xinh đẹp Mauritius, khách sạn nơi Franck nghỉ dưỡng yêu cầu mặc suits và cà vạt đen trong toàn bộ những bữa tối, nhưng ông lại không mang bất kỳ trang phục dạ tiệc nào phù hợp. Vì thế, Franck đã ứng biến bằng một chiếc áo khoác đen, lấy đai của chiếc áo choàng phòng tắm buộc lên cổ như bow-tie và đã làm náo loạn nhà hàng ngày hôm đó.

Sau khi bị ban quản lý mời ra ngoài, Franck tiến về phía bể bơi giữa hàng loạt những cô nàng xinh đẹp và thả vào cơn say của mình. Lúc đó Franck nhận ra mình ghét cay ghét đắng những luật lệ, rồi ngẫm lại và thấy rằng thời gian qua, những quy tắc thường có trên chiếc đồng hồ cũng như vậy. Đối với ông, chúng quá nhàm chán. Đó là lúc concept “Crazy Hours” ra đời và trở thành 1 cách xem giờ độc đáo, chưa từng có tiền lệ.

Franck Muller Crazy Hours với bộ số không theo thứ tự chiều kim đồng hồ

Yếu tố “Crazy” nhất nằm ở một mô-đun cơ học được cấp bằng sáng chế của Franck Muller, dựa trên nền tảng cơ chế Jumping Hour – một trong những kĩ thuật mà Franck vô cùng am hiểu và thích thú. Cứ mỗi 60 phút, mô-đun này sẽ đưa kim giờ nhảy cách 5 vị trí trên mặt số, và nếu để ý, người đeo có thể nhận ra thứ tự tiếp theo của một số trên Crazy Hours đều được đặt cách 4 số.

Tương tự như vậy, làng đồng hồ đã sáng tác trên dáng tròn kinh điển trong nhiều thế kỷ, khi tiếp cận và làm mới biểu tượng này, Franck Muller đã đưa nghệ thuật kim hoàn đẳng cấp vào Double Mystery, dù ngắm từ xa hay gần, hơn 500 viên kim cương baguette xa xỉ, hay những viên ruby lung linh nạm tràn bề mặt một cách tài tình đều không để lộ kẽ hở hay gọng đỡ, góp phần thành dải màu sắc đầy cuốn hút. Đó là cách Franck Muller làm mới biểu tượng này theo lăng kính cuộc sống của ông.

Franck Muller Double Mystery phiên bản kim cương baguette

Giờ đây, tuy đã nghỉ hưu và chỉ xuất hiện trong những dịp kỷ niệm lớn của thương hiệu, nhưng ảnh hưởng của Franck Muller vẫn hiện hữu rõ rệt trong thế giới đồng hồ đương đại. “Nếu như không có Franck Muller, thế giới đồng hồ có lẽ đã không gắn kết chặt chẽ với đời sống văn hóa như ngày hôm nay” – lời khẳng định đến từ nghệ nhân huyền thoại Philippe Dufour.

Quả đúng như vậy, chính sự cải tiến và sức ảnh hưởng từ phong cách của người nghệ nhân khác biệt Franck Muller mà những chiếc đồng hồ đeo tay mang tên ông đi thực sự có thể theo chủ nhân hoà vào những dịp đặc biệt, thú vị và cuốn hút như chính cách ông sống cuộc sống của mình, một “rocker trong làng đồng hồ” thế giới.

Theo S&S Knightsbridge


 
Back to top