STYLE

BaselWorld2019: Khởi đầu một kỷ nguyên mới

Jan 27, 2019 | By admin

Việc Swatch Group – đơn vị nắm giữ trong tay nhiều thương hiệu đồng hồ – rời khỏi BaselWorld dự báo một sự khởi đầu mới với nhiều thách thức hơn cho chính cuộc triển lãm.

Swatch Group chính thức nói lời từ giã BaselWorld.

Lùi về quá khứ từ năm 1917, Schweizer Mustermesse Basel ra mắt cuộc triển lãm đồng hồ và trang sức đầu tiên với sự góp mặt của cả Tissot, Longines, Thommen và các nhà sản xuất đồng hồ tại thời điểm đó. Cuộc triển lãm nhanh chóng gây tiếng vang và trở thành Basel, hay thường được gọi là BaselWorld như hiện nay.

Cuộc triển lãm thu hút sự tham gia của Patek Philippe vào năm 1932, và dẫu vẫn giữ được sức hút trong nhiều năm liên tiếp, nhưng BaselWorld phải đối mặt với những thách thức trước cuộc khủng hoảng đồng hồ Thụy Sĩ và việc Hayek Sr hợp nhất các thương hiệu đồng hồ để tạo thành Swatch Group. Sau Tissot và Longines là Omega, Rado, Breguet, Blancpain, và vài năm sau là Mido, Hamilton, lần lượt hợp nhất dưới tên gọi Swatch Group.

Khu trưng bày đồng hồ Patek Philippe tại triển lãm BaselWorld.

“Chúng tôi sẽ không tham gia chỉ để gánh chịu chi phí đắt đỏ của cuộc triển lãm do Herzog & Meuron thiết kế”, Giám đốc điều hành Swatch Group Nick Hayek phát biểu trên tạp chí NZZ am Sonntag. Vào ngày 29/7/2018, tờ NZZ am Sonntag cũng đưa tin Swatch Group sẽ rút khỏi triển lãm đồng hồ và trang sức thường niên BaselWorld, vì chi phí quá cao nhưng lợi nhuận lại không đáng kể.

Cũng vì lý do đó, trong hai năm gần đây, BaselWorld đang mất dần khách hàng. Ngay cả những thương hiệu mạnh như Hermès cũng đã nói lời chia tay với BaselWorld để tham gia cuộc triển lãm tương tự ở Geneva, Salon International de la Haute Horlogerie (SIHH). Gần đây nhất, nhiều
thương hiệu độc lập cao cấp như MB&F, Greubel Forsey, và HYT cũng rời khỏi Basel để đầu quân cho đối thủ này.

Hèrmes mới đây cũng tuyên bố không tham gia triển lãm BaselWorld.

Chi phí trung bình của Swatch Group cho mỗi triển lãm BaselWorld là khoảng 50 triệu CHF, bao gồm cả chi phí đi lại cho khách và nhân viên. Việc Swatch Group rời khỏi BaselWorld còn có ảnh hưởng rộng lớn đến thành phố nơi triển lãm diễn ra và chi phí truyền thông khi không còn nhiều nhà báo tìm đến Basel.

Ngày nay, mọi thứ đã trở nên rõ ràng, nhanh chóng và đầy ngẫu hứng”, vì vậy “những triển lãm đồng hồ theo kiểu truyền thống không còn hữu dụng với Swatch. – Nick Hayek khẳng định.

Tháng 1 năm nay, Swatch Group công bố lợi nhuận đã tăng trưởng lần đầu tiên sau bốn năm nhờ sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc cấp thấp mà tiên phong là thương hiệu Tissot và “bom tấn truyền thông” Sistem 51. Swatch Group cũng phân bổ lại lợi nhuận nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho phân khúc tầm trung và những thương hiệu mới.

Vào tháng 3 năm 2018, cuộc triển lãm Basel lần thứ 101 diễn ra với 650 thương hiệu, phân nửa trong số đó đã từng tham gia vào năm 2017. Sự ra đi của Swatch Group, với 70% doanh thu của cả nền công nghiệp đồng hồ, có thể tạo nên một kỷ nguyên mới đầy thách thức cho triển lãm
BaselWorld.

BÀI: VINCENT PHẠM


 
Back to top