STYLE / Beauty

Năm 2019: Các thương hiệu thời trang toàn cầu sẽ chững lại!

Jan 02, 2019 | By Trang Ps

Dự báo mới nhất của BoF và McKinsey & Company tiết lộ: năm 2019, ngành công nghiệp thời trang sẽ tăng trưởng chững lại cùng với sự thay đổi mô hình giữa người tiêu dùng và hệ thống thời trang!

Theo các báo cáo nghiên cứu được tìm thấy tại The State of Fashion 2019 và bản báo cáo mới được BoF và McKinsey Fashionscope đăng tải, năm 2019 được dự báo sẽ trở thành một năm thức tỉnh cho ngành công nghiệp thời trang, khi thị trường đang ngày càng đi xuống. Trung Quốc lần đầu tiên sau nhiều thập kỉ vượt Hoa Kỳ để trở thành thị trường tiêu thụ thời trang lớn nhất thế giới. Tăng trưởng công nghiệp dự kiến sẽ chậm lại từ 3.5% đến 4.5%, ở mức khá thấp so với năm 2018.

Người tiêu dùng tại Trung Quốc đang ngày càng sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm thời trang.

Hầu hết giám đốc điều hành các phân khúc từ nhiều khu vực khác nhau đang tỏ vẻ bi quan về việc đối phó với tình hình biến động và thiếu ổn định của nền kinh tế toàn cầu trong năm mới. Rủi ro thương mại cũng như sự tăng trưởng kinh tế chậm ở những thị trường phát triển tại châu Á, sẽ ảnh hưởng tiêu cực và làm suy yếu triển vọng tăng trưởng thị trường toàn cầu nói chung, như sự kiện Brexit đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và tác động sâu sắc cục diện thế giới hiện nay.

Imran Amed, nhà sáng lập và tổng biên tập của BoF cho hay: “Yếu tố lạc quan vẫn có thể tiếp tục duy trì tại Bắc Mỹ trong phân khúc thời trang cao cấp. Nhưng thị trường này quá nhỏ để có thể thay đổi cục diện kinh tế toàn cầu, về hành vi người tiêu dùng cũng như hệ thống thời trang”.

Dự đoán doanh số của ngành công nghiệp thời trang 2018 – 2019 (Nguồn ảnh: McKinsey Global Fashion Index).

Achim Berg, đối tác và chuyên gia cao cấp về thương hiệu thời trang cao cấp tại McKinsey & Company cho biết: “Dựa vào các phân khúc, thương hiệu thời trang cao cấp vẫn giữ vững phong độ trong năm 2019, mức độ tăng trưởng từ 5% đến 5.5% hoặc 6%. Giá trị chủ yếu được thúc đẩy bởi các đối thủ cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ trên thị trường phân khúc trung bình. Mặt khác, thương hiệu cao cấp sẽ được thúc đẩy ở thị trường châu Á – Thái Bình Dương và tiếp tục bùng nổ trong du lịch toàn cầu”.

Báo cáo cũng ghi nhận sự gia tăng của những “super winners” đang thống trị ngành công nghiệp và liên tục tạo ra nhiều giá trị bền vững. Nhóm này bao gồm Nike, LVMH và Inditex hiện đang nắm giữ 25 tỷ đô la lợi nhuận kinh tế, chiếm 97% tổng giá trị của ngành công nghiệp so với 70% vào năm 2010. Theo dòng chảy thời gian, các siêu thị hàng hiệu (department store) đã dần đánh mất chỗ đứng, không còn một tên gọi nào nằm trong top 20 so với 3 siêu thị cách đây khoảng 10 năm. Một lưu ý thêm, các nhà bán lẻ trực tuyến vẫn chưa lọt vào nhóm cao cấp này và không có bất kì thương hiệu nào lọt vào top 20.

Top 20 công ty – “super winners”.

Cơ sở dữ liệu của McKinsey Global Fashion Index (MGFI – Chỉ số thời trang toàn cầu McKinsey) gồm 500 công ty tư nhân và công ty đại chúng cho phép họ phân tích và so sánh tình hình và hiệu suất của các công ty theo danh mục, phân khúc và khu vực. Liên tục 3 năm như vậy, đây là nguồn tài nguyên để họ tiếp tục xây dựng.

Những thương hiệu thời trang không thể ngủ quên trên vòng nguyệt quế khi mà thị trường tiếp tục bị chi phối đảo điên bởi những cú xoay chuyển đột ngột trong nền kinh tế toàn cầu, hành vi người tiêu dùng lẫn hệ thống thời trang.

2019 sẽ được đánh dấu là một năm lịch sử của ngành công nghiệp thời trang. Và bên cạnh những thách thức, cũng có những cơ hội. Đối với châu Âu, các phân khúc gặp khó khăn sẽ nằm ở thị trường trung cấp. Những công ty có tầm nhìn xa sẽ hiện thức hóa mảng tự động hóa và AI. Người tiêu dùng ủng hộ hoặc phá vỡ thương hiệu dựa trên yếu tố niềm tin.

Đối với các sản phẩm đồ thể thao và vali túi có xu hướng bán chạy hơn.

10 xu hướng dưới đây đóng vai trò như lịch trình cần phải theo sát cho ngành công nghiệp thời trang 2019.

  1. Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Chỉ số kinh tế xuống dốc trong ngành công nghiệp thời trang khiến các doanh nghiệp giữ trạng thái thận trọng hơn. Theo dự báo về khả năng suy thoái toàn cầu diễn ra trong năm 2020, các công ty đang ngày càng nhìn vào các cơ hội để tăng nhanh hiệu suất so với những năm trước.

  1. Làn gió mới của Ấn Độ

Ấn Độ đang trở thành tâm điểm của ngành công nghiệp thời trang khi khách hàng tầng lớp trung lưu đang mở rộng tích cực, dẫn đến việc sản xuất sản phẩm cho phân khúc này cũng trở nên phát triển. Các thương hiệu thời trang cần phải nỗ lực gấp đôi ở các thị trường thử thách và giữ phân khúc cao này, nơi mà giáo dục và hiểu biết công nghệ đang ngày càng đi lên.

Xu hướng thời trang Ấn Độ năm 2019.

  1. Thương mại 2.0

Toàn bộ các công ty cần chuẩn bị kế hoạch dự phòng để đối mặt với sự rung chuyển trong chuỗi giá trị toàn cầu. Một mặt, thương mại hàng may mặc có thể phải định nghĩa lại bởi những rào cản, căng thẳng thương mại cũng như sự bất ổn định. Mặt khác, những cơ hội mới từ thương mại châu Phi-Nam Mỹ và các cuộc đàm phán hiệp định thương mại có thể thay đổi cục diện.

  1. Hồi kết của quyền sở hữu

Tuổi thọ của các sản phẩm thời trang đang ngày càng mang tính đàn hồi trong khi các mô hình kinh doanh pre-owned (đã được sử dụng bởi người khác), sửa chữa và cho thuê tiếp tục phát triển. Các thương hiệu thời trang sẽ phải thâm nhập vào thị trường này để có thể tiếp cận người tiêu dùng mới, kể cả những người có khả năng chi trả và tránh quyền sở hữu quần áo vĩnh viễn.

  1. Đạo đức kinh doanh

Thế hệ trẻ ngày càng thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề môi trường và xã hội. Đây cũng là động lực để các thương hiệu bẻ tay lái và chú trọng hơn đến phân khúc khách hàng này. Họ chính là người sẽ ủng hộ thương hiệu nào đề cao trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh.

Làn sóng chống thời trang lông thú nổi lên mạnh mẽ.

  1. Bây giờ hoặc không bao giờ

Trong kỉ nguyên công nghệ phát triển, khoảng cách giữa việc khám phá và mua hàng trở thành một nỗi đau cho những người tiêu thụ thời trang kiên nhẫn và tỉ mỉ. Họ là những người mong muốn tìm kiếm sản phẩm một cách chính xác và nhanh chóng. Vì vậy, các thương hiệu cần phải tập trung thu hẹp khoảng cách này thông qua việc rút ngắn thời trang, cải thiện tính sẵn có của các sản phẩm được quảng cáo và công nghệ mới như visual search (tìm kiếm trực quan).

  1. Sự minh bạch triệt để

Sau nhiều năm các dữ liệu cá nhân được doanh nghiệp sở hữu và xử lý,  người tiêu dùng khó tính mong đợi các công ty sẽ hồi đáp một cách minh bạch và chia sẻ thông tin rõ ràng. Các công ty muốn lấy lòng tin khách hàng cần đáp ứng sự minh bạch cao hơn, cả về giá trị đồng tiền, tính sáng tạo cũng như bảo mật dữ liệu.

  1. Đổi mới

Các thương hiệu truyền thống đang dần khoác lên một lớp áo mới cho riêng mình bao gồm mô hình kinh doanh, hình ảnh để kéo thêm nhiều khách hàng đang thèm khát sự đổi mới. Hy vọng sẽ có nhiều thương hiệu tiếp tục đi theo đường lối đổi mới này, điều đó sẽ có tác động to lớn đến mô hình hoạt động của họ.

Công nghệ sẽ thay đổi cách vận hành của ngành công nghiệp thời trang trong tương lai.

  1. Lấn sân digital

Cuộc đua ngày càng trở nên gay cấn buộc các thương hiệu cần chú trọng vào mảng thương mại điện tử để giá trị gia tăng đạt lợi nhuận. Thông qua các hình thức acquisition (mua lại), đầu tư hay nghiên cứu và phát triển nội bộ (internal R&D), các thương hiệu này cần đa dạng hệ sinh thái của mình, củng cố vị trí dẫn đầu để vượt mặt những hãng chỉ dựa vào lợi nhuận bán lẻ.

  1. On-demand (Theo yêu cầu)

Tự động hóa và phân tích dữ liệu cho phép một nhóm khởi nghiệp đạt được sản xuất theo đơn đặt hàng một cách nhanh nhất. Những thương hiệu lớn cũng cần bắt tay thử nghiệm để đáp ứng xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng, nhằm giảm tình trạng dư thừa và sản xuất hàng loạt theo chu kỳ ngắn.

(Theo BoF)


 
Back to top