Masterclass: Tìm hiểu các hương hoa cúc trong nước hoa
Thế giới mùi hương có vô vàn nguyên liệu và khiến ta không khỏi bối rối. Ngay cả một loài hoa tưởng chừng đơn giản như cúc – Chamomilla – cũng có thể gây ra nhiều sự nhầm lẫn. Tinh dầu hoa cúc nói chung thực chất là tổ hợp của nhiều loài cúc khác nhau. Mặc dù vẻ bề ngoài không có nhiều khác biệt, nhưng thực chất bên trong chúng là những đặc tính riêng, ảnh hưởng đến sự khác nhau về mùi hương khi chiết xuất nước hoa.
Cúc dại – Matricaria Chamomilla
Cúc dại có tên Latin là Matricaria recutita, hay còn được biết đến là cúc Đức, cúc Hungary hoặc cúc xanh. Đây là loài cây hàng năm thuộc họ Asteraceae, một trong những họ thực vật đa dạng nhất với 1.911 chi và 32.913 loài. Cúc dại được phân phối rộng rãi trên toàn thế giới và là một trong những cây thuốc phổ biến nhất.
Tinh dầu của nó được sản xuất ở nhiều nơi, chủ yếu là ở Hungary, Bulgaria, Đức, Ai Cập, Slovakia, Anh, Bỉ và Tây Ban Nha. Có ít nhất hai giống cúc dại và chúng khác nhau cơ bản ở thành phần α-bisabolol, nguyên liệu quan trọng trong nhiều loại nước hoa và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.
Tinh dầu cúc dại có màu xanh đậm nhờ vào hàm lượng cao của hợp chất thơm chamazulene. Đây là một đặc tính thú vị, do nhìn từ bên ngoài, những bông hoa này chẳng có gì liên quan đến màu xanh. Chamazulene có được sau quá trình thủy phân sesquiterpene lactones thành matricin và matricarin, những chất không màu có trong hoa cúc.
Nói về dược tính, chamazulene là hợp chất có giá trị nhất trong tinh dầu hoa cúc. Giá của tinh dầu phụ thuộc vào hàm lượng chamazulene – 250 USD/kg nếu hàm lượng chamazulene từ 3-5%, và 2000 USD hoặc hơn nếu hàm lượng chamazulene đạt gần 35% – vì loại tinh dầu hoa cúc này thơm lâu và đậm đặc. Ngoài ra, chamazulene cũng được sử dụng trong nhiều loại thuốc khác nhau nhờ nhiều tính năng chữa bệnh hữu ích.
Hoa cúc dại chứa một lượng chamazulene khá lớn, dẫn đến hiệu ứng “cao su” cho mùi hương. Những chất lưu siêu tới hạn chiết xuất từ hoa cúc có màu nhạt hơn (chất lưu siêu tới hạn là những chất có trạng thái đặc biệt, vừa lỏng vừa khí, có thể vừa khuếch tán trong không trung như chất khí, vừa thẩm thấu qua vật chất như chất lỏng, ví dụ như CO2).
Tinh dầu hoa cúc Đức mới chiết xuất có hương thơm ấm áp, hương thảo mộc, coumarin, hương trái cây (chủ yếu là táo), hương thuốc lá và hương cuốn hút động vật. Tên của Chamomile trong tiếng Hy Lạp cổ cũng bắt nguồn từ sự quan sát tinh tế về mùi hương của chúng: χαμαί (“trên mặt đất”) và μήλ νν (“quả táo”).
Tinh dầu hoa cúc Đức không phổ biến trong chế tạo nước hoa, nhưng lại được các chuyên gia mùi hương ưa chuộng để dùng làm chất tạo hương cho rượu hay làm tăng tính đậm đà của nước trái cây.
Cúc La Mã – Chamaemelum nobile
Hoa cúc La Mã có tên Latin là Chamaemelum nobile, cúc Anh hoặc cúc vườn. Đây là một loại cây thân thảo thuộc chi Chamaemelum, họ Asteraceae. Trước đây, loài hoa này được xếp vào chi Anthemis, do vậy vẫn có thể tìm thấy nó với cái tên cũ Anthemis nobilis L do nhà thực vật học Carl Linnaeus đặt vào thế kỷ 18.
Nghịch lý là cúc La Mã thường được xem là hoa cúc nguyên thủy, mặc dù nó không chính xác là hoa cúc. Cúc La Mã trông hơi giống hoa cúc dại (Chi cúc Chrysanthemum Ấn Độ, tên Latin là Chrysanthemum notifyum, hoặc tổ tiên của chi cúc vườn). Chúng tất nhiên cũng thuộc họ Asteraceae, nhưng lại có liên quan chặt chẽ hơn đến chi yarrow và tansy hơn là chi Chamomile hoặc Chamaemelum.
Tinh dầu hoa cúc La Mã có cấu trúc hoàn toàn khác so với cúc Đức. Thành phần chính đóng góp đến 85% hàm lượng của nó là các este angelic và axit tiglic. Chính các hợp chất angelate và tiglate này giúp tạo nên hương thơm ấm áp, ngọt ngào và hương trái cây cho trà hoa cúc.
Hàm lượng este cao khiến tinh dầu hoa cúc La Mã có khả năng khuếch tán tốt nhưng không ổn định. Nó được sản xuất chủ yếu ở Anh, Bỉ, Pháp và Hungary.
Tinh dầu cúc La Mã có lượng chamazulene và các azulen khác ít hơn đáng kể, mặc dù vẫn đủ để làm cho hỗn hợp có màu hơi xanh. Các nhà sản xuất nước hoa thường không thích các vật liệu có màu đậm. Theo thời gian, tinh dầu có thể mất màu sáng. Ngay cả tinh dầu cúc màu xanh đậm của Đức, khi để lâu cũng sẽ mất đi một phần chamazulene và trở nên sáng màu hơn.
Tinh dầu cúc La Mã thường không được sử dụng làm hương liệu, ngoại trừ trà hoa cúc phổ biến, vì nó có vị đắng. Tuy nhiên, nó lại được dùng để sản xuất nước hoa, đặc biệt là các loại nước hoa cổ điển.
Cúc Morocco – Ormenis multicaulis
Có một loại cúc làm nước hoa khác là cúc Morocco, tên Latin là Cladanthus mixtus. Đây là một loại cây hàng năm thuộc chi Cladanthus, và những người làm vườn hay gọi nó là hoa đỗ quyên. Trong nước hoa, nó được biết đến với tên gọi Ormenis multicaulis.
Hoa cúc Morocco có nguồn gốc từ khu vực Địa Trung Hải, phổ biến ở Bắc Phi (Morocco, Algeria, Libya, Tunisia) và Châu Âu (Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Pháp) và được tự nhiên hóa ở Bắc Mỹ.
Tinh dầu cúc Morocco là chất lỏng màu vàng với hương thảo mộc tươi, hương camphoric và hương balsamic ngọt ngào, gợi nhớ đến hổ phách hay cây costus, cũng hấp dẫn với động vật.
Tinh dầu cúc Morocco có chứa một lượng lớn α-pinene (khoảng 15%), trans-pinocarveol (giống tinh dầu hoa cúc La Mã), các tecpen và terpenoid khác như limonene, sabinen, borneol, bornyl acetate, cadinene, D-germacrene, β-bisabolene, β-caryophyllene, các oxit, camphene và các hợp chất khác.
Kết hợp các tinh dầu hoa cúc trong nước hoa
Về mặt thực vật học và hóa học, cúc Morocco có rất ít điểm chung với cả cúc Đức lẫn cúc La Mã. Do đó, rất khó để thay thế loại cúc này bằng loại cúc khác trong chế tạo nước hoa. Trà hoa cúc truyền thống ở châu Âu được làm từ cúc La Mã. Hương hoa nhẹ nhàng của nó kết hợp tuyệt hảo và làm tôn lên hương trái cây của táo. Đó là lý do tại sao nốt hương táo luôn luôn được kết hợp cùng loại hương hoa cúc trong các chai nước hoa của Pháp.
Trong nước hoa, tông hương hoa cúc thường là một nhóm hương thơm kết hợp từ nhiều thành phần, bao gồm tất cả các loại tinh dầu hoa cúc kể trên. Thông thường, hương hoa cúc thường xuất hiện trong các chai nước hoa cK Escape, Cerutti 1881, Clinique Aromatics, Bond №9 Park Avenue,… Người ta cũng có thể tìm thấy chúng ở những họ hương fougère như ở trong chai Jean Paul Gaultier Fleur du Mâle, Armani White For Him hay Dior Fahrenheit. Đặc biệt, khi nói về tông hương cúc trong nước hoa, không thể không nhắc đến chai nước hoa đình đám nhất năm 2019, Gucci Mémoire d’une Odeur, do nhà tạo hương Alberto Morillas sáng chế.