Phong cách / Đồng hồ

Masterclass: Ý nghĩa và sự ra đời của chiếc kim giây trên đồng hồ

Dec 31, 2020 | By Ton Binh

Một chiếc đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn hay đồng hồ đeo tay đều có 3 kim cơ bản là kim giờ, kim phút và kim giây. Nhưng khi xem giờ, chúng ta chỉ cần tới kim giờ và kim phút. Vậy kim giây có vai trò như thế nào trong sự phát triển của những cỗ máy thời gian tinh vi này?

Trên thực tế, kim giây có vai trò không quá quan trọng trong thời điểm hiện tại, ít nhất là đối với dòng dresswatch thông thường, không khó để bạn bắt gặp đâu đó những chiếc đồng hồ chỉ có mỗi kim giờ và kim phút nhưng vẫn có thể hiển thị chính xác thời gian.

Nhưng ở khía cạnh đồng hồ chuyên dụng, chiếc kim này lại có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo sự an toàn cho chủ nhân, cũng như đảm nhận một số tác vụ đặc biệt tùy theo chức năng của đồng hồ. Mặt khác, kim giây cũng có cho mình một quá trình lịch sử khá hào hùng, mà có thể nhiều người trong chúng ta không hề hay biết.

Sự ra đời của kim giây bắt nguồn từ nhu cầu khắt khe trong việc tính toán và đo đạc thời gian với độ chính xác cao trong các bộ môn thể thao. Đó là lý do vì sao hầu hết những mẫu đồng hồ bấm giờ (chronograph) đều được trang bị kim giây cùng một mặt số phụ chỉ giây dành riêng cho chức năng này.

Mặc dù là một cuộc cách mạng trong ngành chế tác đồng hồ hiện đại, nhưng kim giây đã xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 15 trên những chiếc đồng hồ bỏ túi sản xuất tại Đức. Lúc bấy giờ, kim giây vẫn chưa thực sự phổ biến, nguyên nhân một phần vì nhu cầu của thị trường và một phần là do giới hạn trong kỹ thuật chế tác, nhưng dần dần, chúng lại trở thành một chi tiết không thể thiếu trên những mẫu đồng hồ chuyên dụng.

Vào thế kỷ 17, một phát kiến mới đã làm thay đổi bộ mặt của ngành đồng hồ khi các nhà chế tác bổ sung thêm bánh răng thứ 4 tức cơ cấu chỉ báo giây với chu kì quay 1 phút vào bộ 3 bánh xe tiêu chuẩn. Bánh răng này kết hợp cùng một bánh đà phụ bên ngoài nhằm đảm nhiệm tính năng dừng thời gian. Từ đó, việc chế tác thêm một mặt số phụ chỉ giây trên đồng hồ trở nên đơn giản và phổ biến hơn rất nhiều.

Kim giây và mặt số phụ đếm giây bắt đầu xuất hiện phổ biến hơn vào thế kỷ 19, nhưng phải đến tận thế kỷ 20, chiếc kim này mới được đưa vào trung tâm của mặt số, trên cùng một trục với kim phút cùng kim giờ. Tuy nhiên, vẫn chỉ được xem là một chi tiết phụ của bộ máy cơ bên trong đồng hồ.

Mãi cho đến năm 1948, sự xuất hiện của mẫu Zenith Cal. 133 đã đánh dấu sự cải tiến trong cách lắp đặt các bánh răng, để kim giây trở thành trung tâm của chuyển động, chính động thái này đã mang lại ý nghĩa rất lớn và quyết định đến cách xem giờ của chúng ta hiện tại. Cụ thể, cơ cấu kim giây “gián tiếp” trước đây khiến cho chuyển động của chúng không ổn định và ảnh hưởng đến độ chính xác của đồng hồ. Vì vậy, khi được hoán đổi vị trí, bánh xe kim phút giờ đây lại đóng vai trò gián tiếp trong bộ máy cơ, giúp triệt tiêu mọi dao động dư thừa, góp phần tối ưu cả về độ tính xác lẫn mặt thẩm chỉ cho chiếc đồng hồ.

Và khi nói đến chiếc kim giây nhiệm màu, chúng ta không thể không nhắc đến cơ chế dừng kim giây – Hacking stop, hay còn gọi là Hacking seconds hoặc Stop Seconds. Ra đời vào đầu thế kỷ 20 và trở thành một tính năng phổ biến sau khi chiếc đồng hồ A-11 được sản xuất dành riêng cho quân đội Mỹ ra đời vào Thế chiến thứ 2, đây là một tính năng rất được ưa chuộng bởi lực lượng quân đội vì có thể giúp các binh sĩ đồng bộ thời gian với nhau khi thực hiện kế hoạch tác chiến.

Đồng hồ A11 với tính năng dừng kim giây Hacking stop của quân đội Mỹ.

Mặc dù có vẻ đơn giản, nhưng chức năng dừng kim giây yêu cầu các thành phần kỹ thuật tương đối tinh vi mà một chiếc đồng hồ thông thường không có. Để làm được điều này, nhà chế tác phải thêm vào một đòn bẩy hoặc phanh để cản chuyển động của bánh xe chính khi kéo núm vặn ra, khi đó toàn bộ chuyển động của đồng hồ sẽ dừng lại. Tuy nhiên cho đến nay thì tính năng này đã trở nên rất phổ biến và có trên hầu như tất cả các loại đồng hồ đeo tay.

Đồng hồ Jaeger-LeCoultre World Chronograph sử dụng chỉ báo hoạt động thay vì kim dây.

Cuối cùng, tính năng quan trọng nhất của kim giây, đặc biệt là đối với đồng hồ cơ chính là khả năng chỉ báo hoạt động của đồng hồ, đây cũng là một yếu tố tối quan trọng trên những dòng đồng hồ lặn chuyên dụng để đảm bảo an toàn cho thợ lặn. Vì rất khó để quan sát kim phút để biết được rằng đồng hồ vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, một số thiết kế đồng hồ đặc biệt không có kim giây, mà sử dụng “cơ cấu chỉ báo hoạt động” với chức năng tương tự.


 
Back to top