LIFE

Mission Blue – Đối tác chiến dịch Perpetual Planet của Rolex

Jan 31, 2023 | By Ton Binh

Thông qua Chiến Dịch Hành Tinh Vĩnh Cửu (Perpetual Planet) của mình, Rolex hỗ trợ tổ chức bảo tồn đại dương phi lợi nhuận Mission Blue với mục tiêu tạo ra mạng lưới Hope Spots trên toàn cầu, những khu vực mà việc bảo vệ hệ sinh thái biển có tầm quan trọng lớn tới sự bền vững và tương lai của các đại dương.

Argo, một tàu nghiên cứu hiện đại, đang neo đậu ngoài khơi Đảo Wolf trong chuyến thám hiểm Mission Blue Galápagos năm 2022

Các hệ sinh thái phong phú và độc đáo của Quần đảo Galápagos là nơi sinh sống của các loài thực vật và động vật không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất. Khi nhà hải dương học huyền thoại, Sylvia Earle, lần đầu tiên đến thăm quần đảo này vào năm 1966, bà đã nhận xét rằng đó là “nơi nhiều cá mập nhất, nhiều loài cá nhất” mà bà từng đến. Tuy nhiên, điều khiến quần đảo này đặc biệt cũng khiến nó đối mặt với nhiều nguy cơ. Khi ngày càng nhiều người khám phá ra các hòn đảo, các loài xâm lấn đã dần xuất hiện và nguồn tài nguyên địa phương phải chịu áp lực ngày một gia tăng.

Cuộc thám hiểm đột phá

Sylvia Earle và Salome Buglass trên con tàu lặn DeepSee, tìm kiếm giống tảo biển sâu được cho là loài mới đối với khoa học

Quần đảo Galápagos đã được chọn là một trong những Mission Blue Hope Spots đầu tiên của Earle vào năm 2010; nơi mà sự đa dạng sinh học phong phú cho thấy những tổn hại mà con người gây ra cho đại dương có thể được đảo ngược như thế nào. Giờ đây, một cuộc thám hiểm mang tính đột phá do Earle dẫn đầu, càng củng cố thêm bằng chứng ngày một gia tăng về nhu cầu trong việc tăng cường bảo tồn đại dương.

“Nếu không thể bảo vệ quần đảo Galápagos, bạn còn có thể bảo vệ nơi nào trên hành tinh này?” Sylvia Earle, Nhà sáng lập Tổ chức Mission Blue.

Những nỗ lực của bà đã đến vào một thời điểm không thể quan trọng hơn. Mặc dù Ecuador đã thành lập Khu Bảo tồn Biển Galápagos vào năm 1998 – một khu vực bao phủ vùng biển rộng 133.000 km2 của quần đảo – vẫn có nhiều viêc cần làm để đảm bảo quần đảo Galápagos sẽ được người dân, khách du lịch và ngư dân sử dụng một cách bền vững trong nhiều năm tới.

Trong năm 2022, sau gần 25 năm kể từ khi thành lập Khu Bảo tồn Biển Galápagos, cũng đã đến lúc đánh giá tầm ảnh hưởng của những biện pháp bảo vệ này. Sylvia Earle, một Rolex Testimonee từ năm 1982, đã tham gia cùng một nhóm các nhà khoa học đến từ nhiều tổ chức trong chuyến thám hiểm kéo dài hai tuần qua Hope Spot. Mục tiêu nghiên cứu trên phạm vi rộng của họ đã dẫn đến đánh giá toàn diện về hệ sinh thái biển trong khu vực, xác định cả những thách thức và cơ hội cho các nỗ lực bảo tồn trong tương lai.

Kế hoạch chi tiết để thành công

Sylvia Earle, một Rolex Testimonee và là Nhà sáng lập Tổ chức Mission Blue, đứng trước con tàu lặn DeepSee

Một phần lớn của chuyến thám hiểm được dành để khám phá sự đa dạng bị lãng quên hay ân dấu bên dưới những con sóng, nhằm cung cấp những giá trị cơ bản về sức khỏe của hệ sinh thái mà các cuộc khảo sát trong tương lai có thể theo dõi.

Bằng việc sử dụng những công nghệ tiên tiến như DNA môi trường (eDNA) và hệ thống video dưới nước, nhóm đã phát hiện ra dữ liệu quan trọng về quần thể của các loài động vật ít được nghiên cứu như cá ngựa và tôm hùm bông đặc hữu. Phân tích eDNA giúp phân lập các dấu vết của DNA động vật còn sót lại trong cột nước, thứ có thể đã bị bỏ qua nếu không có công nghệ này.

“Hầu hết các giải trình tự gen được tìm thấy đều không trùng khớp với bất kỳ dữ liệu nào hiện có, nghĩa là không có nhiều loài sinh vật tại Galápagos từng được giải trình tự, hoặc có những giống loài mới đối với giới khoa học mà chúng ta chưa xác định được”. Diana Pazmiño, Trung tâm Khoa học Galápagos.

Đây thực chất không phải là khám phá đầu tiên của nhóm. Trong năm trước đó, Sylvia Earle và Salome Buglass của Quỹ Charles Darwin đã phát hiện ra loài tảo bẹ mới nằm sâu dưới bề mặt. Trong chuyến thám hiểm năm 2022, cặp đôi đã lên tàu lặn “DeepSee” để mở rộng hành trình khám phá độ sâu, rồi nổi lên một cách đầy hào hứng với những thước phim ghi lại hình ảnh của những khu rừng tươi tốt. Có giả thuyết cho rằng những khu rừng tảo bẹ phong phú này đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đa dạng sinh học của khu vực.

“Rừng tảo bẹ ở các nơi khác trên thế giới có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đa dạng sinh học, và có thể chúng tôi đã tìm thấy mảnh ghép lý giải tại sao đa dạng sinh học và khối lượng sinh khối ở Galápagos lại giàu có đến vậy”. Salome Buglass, Quỹ Charles Darwin.

Suy nghĩ như một đại dương

Nhóm thám hiểm tiếp tục nghiên cứu dài hạn về các chuyển động xuyên đại dương của động vật biển, gắn thẻ định vị nhằm ghi lại sự di cư của cá mập từ những nơi xa xôi như Vịnh Mexico và bờ biển Costa Rica. Những phát hiện này là một lập luận mạnh mẽ cho sự hợp tác quốc tế trong việc mở rộng bảo vệ biển.

Nhóm thám hiểm cũng đã khảo sát môi trường sống của rùa, lập bản đồ khu vực kiếm ăn của các đàn chim cánh cụt và đo đạc mức độ vi nhựa. Một loạt các công việc thực địa như vậy sẽ giúp các nhà bảo tồn, như Earle nói, “suy nghĩ như một đại dương” – nhận ra sự kết nối của các hệ sinh thái và rằng, đối với các loài sinh vật biển, không hề có ranh giới.

Để đạt được mục tiêu này, vào năm 2021, Ecuador, Panama, Colombia và Costa Rica đã công bố triển khai chiến dịch Hành lang Đại dương Nhiệt đới phía Đông Thái Bình Dương, tham gia và tăng cường bảo vệ các vùng biển – để tạo ra một “đường bơi” không có đánh bắt cá trong tuyến di cư quan trọng của cá mập, rùa, cá đuối và cá voi. Mặc dù đây là một bước tiến quan trọng, công việc của Earle và nhóm thám hiểm của bà cho thấy cần phải mở rộng hơn nữa và tăng số lượng đường bơi.

Manuel Yepez và Alex Hearn là những người bảo vệ Hope Spot tại Quần đảo Galápagos của tổ chức Mission Blue, những nhân vật truyền cảm hứng trong việc bảo vệ một phần quan trọng của đại dương. Hearn, từ Trung tâm Khoa học Galápagos, là nhà điều tra chính trong chuyến thám hiểm dưới sự lãnh đạo của Earle và là người triệu tập nhóm các nhà khoa học quốc tế tham gia. Anh ấy tin rằng “nếu chúng ta có thể thực hiện ngay tại đây [ở Galápagos], thì đó chính là cơ sở để mang đến khắp hành tinh”.

Về Chiến Dịch Hành Tinh Vĩnh Cửu (Perpetual Planet)

Trong gần một thế kỷ, Rolex đã hỗ trợ những nhà thám hiểm tiên phong vượt qua những giới hạn của con người. Công ty đã thay đổi từ các hoạt động khám phá thuần túy thành những hoạt động khám phá để bảo tồn thế giới tự nhiên, cam kết hỗ trợ dài hạn cho các cá nhân và tổ chức ứng dụng khoa học để hiểu hơn và đưa ra các giải pháp cho những thách thức đối với môi trường hiện nay.

Sự cam kết này được củng cố bằng việc ra mắt Chiến dịch Hành tinh Vĩnh cửu (Perpetual Planet) vào năm 2019, tập trung vào những cá nhân đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn thông qua Giải thưởng Rolex Awards for Enterprise; trong việc bảo vệ các đại dương như một phần của mối quan hệ hợp tác với tổ chức Mission Blue; và trong sự hiểu biết về biến đổi khí hậu thông qua quan hệ đối tác lâu dài với Hiệp hội Địa lý Quốc gia.

Một danh sách mở rộng các quan hệ đối tác tham gia Chiến dịch Hành tinh Vĩnh cửu (Perpetual Planet) hiện bao gồm: Cristina Mittermeier và Paul Nicklen với công việc là nhiếp ảnh gia bảo tồn; Rewilding Argentina và Rewilding Chile, các tổ chức con của Tompkins Conservation, đang bảo vệ các cảnh quan ở Nam Mỹ; Coral Gardeners, cấy san hô phục hồi vào rạn san hô; Steve Boyes và loạt chuyến thám hiểm Great Spine of Africa, khám phá các lưu vực sông lớn của lục địa; các cuộc thám hiểm Under The Pole, mở rộng ranh giới của cuộc thám hiểm dưới nước; chuyến thám hiểm B.I.G tới Bắc Cực vào năm 2023, thu thập dữ liệu về các mối đe dọa đối với Bắc Cực; và Monaco Blue Initiative, tập hợp các chuyên gia bảo tồn đại dương.

Rolex cũng hỗ trợ các tổ chức và sáng kiến thúc đẩy các thế hệ nhà thám hiểm, nhà khoa học và nhà bảo tồn tiếp theo thông qua các học bổng và trợ cấp, như Hiệp hội Học bổng Our World-Underwater và Quỹ Tài trợ Câu lạc bộ The Rolex Explorers.


 
Back to top