ART & LIFE

Sàn Art: “Chúng tôi là một thực thể đa diện”

Jan 31, 2023 | By Art Republik

2023 đánh dấu 15 năm Sàn Art đi vào hoạt động. Cùng giám tuyển Mary Lou David hồi tưởng lại hành trình nuôi dưỡng cộng đồng nghệ thuật tại Sàn Art trong hơn một thập kỷ qua.

indoors floor person painting art

Chúng ta biết đến Sàn Art không chỉ qua những buổi triển lãm mang tính thể nghiệm, mà còn qua những buổi đọc sách, hội thảo nghệ thuật, trình chiếu và thảo luận phim đa thể loại… Trong không gian ấm cúng tại Sàn, nhiều nghệ sĩ đã tìm thấy chỗ đứng đầu tiên của mình trong sự nghiệp.

2023 là năm kỷ niệm 15 năm Sàn đi vào hoạt động, và L’OFFICIEL Vietnam đã có dịp cùng giám tuyển Mary Lou David hồi tưởng lại hành trình nuôi dưỡng cộng đồng nghệ thuật tại Sàn Art trong hơn một thập kỷ qua.

Không có mô tả ảnh.

Xin chào Mary Lou. Động lực nào đã hình thành Sàn Art? Nhiệm vụ của Sàn từ đó đến nay đã thay đổi như thế nào?

Sàn Art phát triển trong 15 năm một cách phi tuyến tính. Ban đầu, nhóm được đồng sáng lập vào năm 2007 bởi nghệ sĩ Đỉnh Q. Lê, Tuấn Andrew Nguyễn, Hà Thúc Phù Nam và Tiffany Chung – tất cả đều là nghệ sĩ “Việt kiều hồi hương” từ những năm 1990-2000, và bị vỡ mộng bởi sự thiếu thốn trong cơ sở hạ tầng nghệ thuật và sự ủng hộ cho nghệ sĩ địa phương. Sàn Art là một không gian dành cho nghệ sĩ, được tạo ra cho nghệ sĩ, ban đầu được đặt tại quận 1, nơi những nhà sáng lập phải tìm đến những mối quan hệ từ Mỹ để thu hút giám tuyển, giáo sư để “khuấy động” ngành nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh.

Thay đổi tiếp theo đến từ giám tuyển Zoe Butt, giám đốc nghệ thuật của Sàn Art đến năm 2016. Lúc bấy giờ, Sàn Art chuyển địa điểm đến quận Bình Thạnh, xây dựng Sàn Art Lab – một trong những dự án lưu trú quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Sàn Art đã trở thành một nền tảng mà nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ngày nay đã tham gia lúc khởi nghiệp.

Zoe Butt: “Việt Nam còn thiếu nền giáo dục về nghệ thuật đương đại”

Từ năm 2016-2018, Sàn Art trở thành một thư viện nghệ thuật, tập trung vào những dự án pop-up và triển lãm hợp tác để tồn tại. Rồi đến năm 2018, Sàn đi vào giai đoạn phục hưng: Một nhóm mới được thành lập, chúng tôi đồng sáng lập dự án lưu trú quốc tế A. Farm (2018-2020) với MoT+++ và Nguyen Art Foundation, chúng tôi bắt đầu chương trình Uncommon Pursuits dành cho những giám tuyển tiềm năng (2018-2019) và mở một không gian mới ở quận 4, ngôi nhà của Sàn từ đó đến nay.

Sàn Art hiện nay hoạt động như một cấu trúc tập thể, theo chiều ngang, với nhiều dự án từ triển lãm truyền thống, tư vấn sưu tập và lưu trú, đến workshop thử nghiệm, xuất bản…

Sàn có thể tìm ra một điểm chung trong những khán giả trung thành của mình không?

Nhìn chung, khán giả của chúng tôi chủ yếu có hứng thú với những chương trình mang tính giáo dục và cộng đồng như nhóm đọc sách, workshop, buổi chiếu phim… Mọi người có nhiều thắc mắc về những lĩnh vực này, và sẵn sàng dành thời gian trong không gian của Sàn để đọc sách, trao đổi và đối thoại cùng nghệ sĩ và giám tuyển.

Có thể là hình ảnh về 14 người và trong nhà

Sau 15 năm, chân dung của một khán giả đến với Sàn có những thay đổi nào đáng nói?

Chúng tôi không nghĩ điều này có nhiều thay đổi, bởi dù sao Sàn Art vẫn luôn thu hút được nhiều tầng lớp khán giả: Sinh viên, nhà sưu tầm nghiêm túc, học giả, giám tuyển lưu động, nghệ sĩ trẻ tiềm năng, khách du lịch… Những chương trình và dự án được chúng tôi xây dựng để đảm bảo mọi thành viên trong cộng đồng nghệ thuật đều tìm thấy sự hứng thú của riêng họ. Sàn Art là một thực thể đa diện và điều này được thể hiện trong chân dung của khán giả tại Sàn.

Làm thế nào để khán giả phân biệt Sàn với những phòng triển lãm khác đang hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh?

Như đã chia sẻ, Sàn Art “vạn hoa” do có thể tạo ra nhiều loại chương trình cho nhiều đối tượng khán giả. Là một địa điểm tổ chức triển lãm, chúng tôi dành không gian của mình cho cả nghệ sĩ trẻ và nghệ sĩ có tên tuổi, cả những triển lãm “white cube” và triển lãm mang tính thể nghiệm hay lịch sử. Chúng tôi cũng nuôi dưỡng cộng đồng nghệ thuật bằng cách tổ chức nhiều dự án – thường là miễn phí – từ các buổi phê bình, khu lưu trú có hỗ trợ tài chính đến workshop và bài giảng. Chúng tôi cũng tận dụng mạng lưới quốc tế rộng lớn để quảng bá cho nghệ sĩ và người làm nghệ thuật ở nước ngoài. Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ, cải thiện, khuấy động.

Đối với Sàn, điều gì tạo nên một người nghệ sĩ? Có phải là trình độ học vấn hay kinh nghiệm làm việc? Hay còn có những đặc điểm nào khác hình thành “tính nghệ sĩ”

Không thể khái quát hóa hoạt động sáng tạo bằng một câu trả lời đơn giản được. Thay vào đó, hãy nghĩ từ góc độ rằng Sàn Art được hình thành với mục đích nuôi dưỡng nghệ thuật (dù đó là nghệ sĩ, nhà tư tưởng hay thậm chí là khán giả). Với suy nghĩ này, ai sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất từ Sàn Art? Có rất nhiều phòng trưng bày thương mại – quảng bá nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại – với mạng lưới nghệ sĩ, khán giả và khách hàng của riêng họ. Mục tiêu của Sàn Art là tìm ra những “khoảng trống” trong diễn ngôn, kiến thức hoặc thực hành nghệ thuật, và tạo cơ hội để lấp đầy khoảng trống này, bất kể sở thích, trình độ đào tạo hay xuất thân của nghệ sĩ.

Tiêu chí lựa chọn nghệ sĩ hợp tác cùng Sàn là gì?

Không có tiêu chí nào cả. Thay vào đó, chúng tôi xem xét loại dự án, tại sao chúng tôi muốn làm dự án ngay từ đầu, và nó sẽ mang lợi ích cho ai. Ví dụ, nếu đó là một khu lưu trú và workshop, vậy các nghệ sĩ trẻ là mục tiêu vì họ cần hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ về giám tuyển (curatorial support). Nếu là triển lãm, không có hướng dẫn nào đánh giá tiềm năng nghệ thuật. Nếu có, tiêu chí duy nhất của chúng tôi chỉ là đảm bảo lịch triển lãm hàng năm tại Sàn Art vẫn đa dạng, luân phiên liên tục giữa lịch sử, thể nghiệm, mới nổi và đã thành danh.

Sàn khám phá những nghệ sĩ mới bằng cách nào?

Cập nhật thông tin, từ mạng lưới cá nhân, theo đề xuất, từ mạng xã hội, ghé thăm studio và những cuộc gặp gỡ tình cờ.

Sàn Art có quan tâm đến thị trường? Sàn sẽ đánh giá thị trường nghệ thuật Việt Nam hiện tại như thế nào?

Tất nhiên, dù Sàn Art là một tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận, một phần sứ mệnh của chúng tôi là nuôi dưỡng các chương trình cộng đồng, chương trình phát triển nghệ sĩ hoặc hỗ trợ những người làm công tác văn hóa, nên cần được tài trợ bằng cách này hay cách khác. Chỉ dựa vào các khoản tài trợ thật không bền vững, và cũng không thực tế với mô hình tổ chức này. Mua bán nghệ thuật, ngay cả khi không phải là một ưu tiên hàng đầu, vẫn phải được đưa vào cách thức hoạt động để chúng tôi có thể tồn tại.

Tác phẩm “From center to home” (2016), Le Hoang Bich Phuong. Một tác phẩm tham gia chương trình gây quỹ nhân dịp kỷ niệm 15 năm hoạt động của Sàn Art.

Kỷ niệm 15 năm hoạt động, Sàn đang có những hoạt động hay chuỗi sự kiện nào?

Cuối tháng 11.2022, chúng tôi đã ra mắt triển lãm nhóm “Don’t Call it Art!”, giới thiệu những tác phẩm của Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy và Trương Tân, tất cả đều được lưu trữ bởi nghệ sĩ người Đức Veronika Radulovic trong thời gian cô ở Hà Nội trong những năm 90. Triển lãm đi kèm nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, biểu diễn nghệ thuật và chiếu phim, kéo dài đến ngày 11.02.2023.

Ngoài triển lãm hiện tại, tháng 10 sẽ đánh dấu kỷ niệm 15 năm thành lập và là cơ hội để chúng tôi tổ chức một chiến dịch gây quỹ. Từ mối quan hệ hợp tác lâu dài trong mọi lĩnh vực và nền tảng, nhiều nghệ sĩ đã đóng góp một số tác phẩm, có thể xem trên website của chiến dịch.

Điều đặc biệt về nền tảng này – và vẫn đúng với tinh thần của Sàn Art – là mỗi nghệ sĩ có thể quyết định số tiền họ muốn quyên góp khi tác phẩm của họ được bán thành công. Điều này có nghĩa là các nghệ sĩ cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ việc bán tác phẩm trong khi Sàn Art có thể đầu tư tiền bán hàng vào các triển lãm và chương trình sắp tới. Hy vọng các bạn có thể xem qua vì tất cả số tiền gây quỹ sẽ hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng nghệ thuật của chúng tôi, và giúp Sàn Art đảm bảo sứ mệnh của mình!

Cảm ơn Sàn vì những đóng góp rất lớn trong cộng đồng nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh. Mong Sàn sẽ tiếp tục có những triển lãm và chương trình ý nghĩa trong nhiều năm tới!


 
Back to top