Phong cách / Làm đẹp

Nhìn lại cách Paul Smith định nghĩa thời trang sang trọng trong 50 năm qua

Mar 09, 2022 | By Ton Binh

Từ việc đưa vào thiết kế những chi tiết nổi bật và phá vỡ chuẩn mực vest thông thường, Paul Smith đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng cho thời trang sang trọng của nam giới. Sau 50 năm, thương hiệu cá nhân cùng những bộ sưu tập của ông vẫn phát triển mạnh mẽ.

Chân dung nhà thiết kế Paul Smith

Vốn không sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, Paul Smith mong muốn trở thành một tay đua xe đạp chuyên nghiệp. Sau một tai nạn nghiêm trọng khiến ông nhập viện một tháng, những người bạn đã truyền cảm hứng cho ông bước chân vào ngành thời trang. Ông bắt đầu tham gia các lớp học về cắt may và mở cửa hàng của riêng mình mang tên Paul Smith Vêtements Pour Homme ở Nottingham năm 1970. Đa số là các sản phẩm quần áo có tên tuổi và những thiết kế của Smith.

Từ một cửa hàng chỉ rộng 3m2, 50 năm sau, người đàn ông ấy đã tạo dựng một thương hiệu thời trang cao cấp toàn cầu. Sản phẩm được bày bán tại 3.000 cửa hàng của hơn 70 quốc gia. Theo Guardian, doanh thu của Paul Smith năm 2019 đạt 215 triệu bảng Anh, tăng 9% so với năm 2018.

Nhà thiết kế độc lập 

Smith đi ngược lại với số đông, khi mà hầu hết các thương hiệu thời trang cao cấp đều thuộc sở hữu của 4 công ty – LVMH, Richemont, Luxottica và Kering. Ông xây dựng đế chế thời trang cao cấp cho riêng mình và mở rộng sang thị trường Nhật Bản.

Paul Smith tới Nhật Bản lần đầu vào năm 1982 và tạo dựng được tên tuổi tại đây sau 3 thập kỷ. Đến nay, thương hiệu của ông phủ sóng “xứ sở phù tang” với 200 điểm cửa hàng. Ông cũng nắm giữ 70% cổ phần thương hiệu, 30% còn lại do công ty thương mại Nhật Bản Itochu, đối tác lâu năm của Smith nắm giữ.

Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Một chương trình thời trang năm 80 giới thiệu thiết kế mang tính biểu tượng của Paul Smith

Smith mở cửa hàng đầu tiên tại London vào năm 1979 tại Convent Garden. Cũng từ đây, ông quyết tâm theo đuổi công việc thiết kế thời trang chuyên nghiệp. Ông nổi tiếng với tinh thần sáng tạo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong các bộ trang phục may đo của nam, nữ giới.

Tên thương hiệu Paul Smith khi viết tắt đại diện cho sự kết hợp giữa thủ công truyền thống và thiết kế tiên tiến trong sản phẩm hiện đại.

Trong các thiết kế của mình, Paul Smith luôn thể hiện cá tính mạnh mẽ, đi trước thời đại như lớp lót hoa văn, những chi tiết nổi bật… được coi là chuẩn mực hiện nay. Vào những năm 1980, ông đã đưa nét vẽ sọc nguệch ngoạc vào chiếc quần đùi. Năm 1990, ông lại tiên phong đưa công nghệ in ảnh lên vải trong các thiết kế. Kỹ thuật này thể hiện sự quan tâm của ông với nhiếp ảnh.

Bản in ban đầu là những bức hình do ông chụp một cách ngẫu hứng như táo, hoa, quả sồi, đám mây và bức tường màu thường xuân. Trong đó, đĩa mỳ spaghetti (Ý) đã trở nên nổi tiếng sau khi ông quyết định mua lại mô hình đó từ một cửa hàng ở Nhật.

Kỹ thuật in ảnh lên áo được Paul Smith áp dụng và trở nên nổi tiếng với hình ảnh đĩa mỳ Ý.

Không chỉ vậy, những đường nét vốn là quy chuẩn trong bộ vest đã được “biến hoá” dưới bàn tay Smith. Ông là người tiên phong trong kiểu cắt và đường may phóng khoáng, tạo cảm giác thoải mái cho người mặc. Vào năm 2015, Smith đã tung ra bộ sưu tập ” A Suit to Travel” – lấy cảm hứng từ sự di chuyển thoải mái, tự do. Trang phục được làm từ 100% len, tăng tính đàn hồi và thoáng khí tự nhiên, giảm tình trạng nhăn khi di chuyển.

Bộ sưu tập cũng gây ấn tượng khi người mẫu quảng cáo là vận động viên thể dục dụng cụ người Anh Max Whitlock. Nhờ sự dẻo dai, linh hoạt khi thực hiện các động tác thể thao, Smith đã rất tinh tế khi truyền tải thông điệp trong bộ trang phục của mình.

Mỗi cửa hàng là một màu sắc khác nhau

Sự kỳ quặc trong các thiết kế của Paul Smith đã làm nên thành công cho thương hiệu, điều này cũng được thể hiện qua các cửa hàng bán lẻ. Trong khi ở London, cửa hàng Mayfair được trang trí với 26.000 quân cờ domino trên tường; thì ở Paris, cửa hàng được bao phủ bởi hàng trăm chiếc điện thoại di động cũ,…

Tại Delhi, thương hiệu Paul Smith được bày bán trong trung tâm mua sắm DLF Emporio với bức tường trang trí những hình ảnh trừu tượng. Cửa hàng ở LosAngeles là một chiếc hộp màu hồng theo chủ nghĩa hiện đại, đồng thời đây cũng là địa điểm khó tìm thấy khi nằm trong ngôi nhà có từ thế kỷ 18.

Thu Thảo – Tổng hợp


 
Back to top