STYLE

Omega ra mắt Speedmaster Chronoscope phiên bản kỷ niệm Thế vận hội Mùa hè Olympic Paris 2024

Jun 25, 2024 | By Ton Binh

Vừa qua, Omega đã ra mắt phiên bản Speedmaster Chronoscope đặc biệt nhằm đánh dấu cột mốc đếm ngược 100 ngày (tính từ ngày phát hành 16 tháng 4 năm 2024) đến Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Với tư cách là thương hiệu Đồng hồ bấm giờ chính thức của Thế vận hội Olympic Paris 2024, nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ Omega đã tiếp tục trình làng phiên bản đặc biệt Speedmaster Chronoscope Paris 2024, đánh dấu cột mốc 100 ngày đến Thế vận hội Mùa hè Olympic Paris 2024.

Omega Speedmaster Chronoscope Paris 2024 ra mắt dưới 2 phiên bản khác nhau với bộ vỏ 43mm chế tác từ thép không gỉ và chất liệu Moonshine™ Gold 18k. Cụ thể, bản vỏ thép sẽ đi kèm vòng bezel bằng nhôm anodized tích hợp thang đo tachymeter mang hơi hướng của những năm 1940, riêng bản lắp vỏ Moonshine™ Gold sẽ được trang bị vành bezel từ high-tech ceramic. Nhìn chung, thiết kế mới vẫn mang đến cho chúng ta cảm giác thân thuộc như khi chiêm ngưỡng chiếc Speedmaster Chronoscope tiêu chuẩn ra mắt năm 2021, từ dáng vỏ, dây đeo, núm vặn đến nút bấm chức năng. Đặc biệt là phần mặt số nổi bật bởi thang đo khoảng cách và thang đo xung nhịp hình xoắn ốc (spiral) hiện hữu tại trung tâm.

Bên cạnh thang đo tachymeter tiêu chuẩn, dòng Speedmaster Chronoscope sở hữu thêm một thang đo thứ cấp cận kề tâm mặt số, kế đó là thang đo telemeter (thang đo khoảng cách) cho phép chủ nhân đo khoảng cách giữa một sự việc, hiện tượng cụ thể và người quan sát, dựa trên tốc độ âm thanh. Thang đo telemeter hoạt động bằng cách đo khoảng thời gian giữa các lần quan sát bằng mắt, hoặc nhận biết qua thính giác của sự việc, hiện tượng. Bằng cách sử dụng chức năng bấm giờ kết hợp với thang đo telemeter trên mặt số, Omega Speedmaster Chronoscope có thể cho bạn biết chính xác bạn đang cách bao xa sự kiện mà bạn đang quan sát.

Không dừng lại ở đó, Speedmaster Chronoscope còn được trang bị thang đo pulsometer (thang đo xung nhịp) – một chức năng chuyên dụng để đo nhịp tim. Rất lâu trước khi đồng hồ thông minh và các thiết bị kỹ thuật số ra đời, các bác sĩ đã sử dụng đồng hồ có thang đo xung nhịp để để tính toán nhịp tim của bệnh nhân. Thang đo pulsometer trên Omega Chronoscope tuân theo tiêu chuẩn “Cơ sở 30”. Cụ thể, để đo nhịp tim, chúng ta chỉ cần khởi động chức năng bấm giờ, sau đó đếm 30 nhịp tim rồi tiến hành điều chỉnh thang đo xung nhịp trên mặt số đồng hồ. Đó là sự tôn vinh hoàn hảo cho vai trò của Omega tại Thế vận hội Olympic – một vai trò mà hãng đã nắm giữ kể từ năm 1932.

Speedmaster Chronoscope Paris 2024 sẽ không phải là chiếc đồng hồ đặc biệt tôn vinh Thế vận hội Olympic nếu không đạt mức độ chính xác đến từng giây. Vì lý do đó, Omega đã trang bị cho sáng tạo này bộ máy lên dây cót thủ công Co-Axial Calibre 9908/9909 có mức năng lượng dự trữ 60 giờ cùng khả năng kháng từ lên đến 15.000 GAUSS đã đạt chứng nhận Master Chronometer được cấp bởi Viện Đo lường Liên bang Thụy Sĩ (METAS). Nổi bật ở nắp lưng đồng hồ là logo Thế vận hội Olympic cùng dòng chữ Paris 2024 – một sự khẳng định cho mối liên hệ của thương hiệu đối với sự kiện thể thao đặc biệt này.

Hiện diện cùng phong cách mặt số có bố cục tương đối phức tạp, bộ sưu tập Chronoscope có tên gọi bắt nguồn từ hoạt động cung cấp những chiếc đồng hồ bấm giờ đầu tiên của Louis Brandt (tiền thân của Omega) vào năm 1885. Kể từ đó, Chronoscope đã chính thức trở thành tên gọi chính thống của một loạt tạo phẩm từ thương hiệu.

Có một sự thật là khi nhắc đến Speedmaster, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến mẫu Moonwatch huyền thoại, hay còn có tên gọi chính thức là Speedmaster Professional. Nhưng sẽ rất ít ai nhớ rằng trước khi Speedmaster ra đời vào năm 1957, một mẫu đồng hồ khác của Omega – chính là Chronoscope đã làm mưa làm gió trong phân khúc đồng hồ bấm giờ suốt hàng thập kỷ.


 
Back to top