STYLE

Patek Philippe Ref. 5270P: Câu chuyện thế kỷ

May 02, 2021 | By Ton Binh

Từ chiếc Ref. 1518 nguyên thủy cho đến mẫu Ref. 5270P ra mắt trong năm 2019, câu chuyện về huyền thoại đồng hồ lịch vạn niên của Patek Philippe dường như chưa hề có hồi kết.

Một huyền thoại đồng hồ luôn có sẵn danh sách dài người hâm mộ, trong đó có cả ca sĩ Eric Clapton, John Lennon, Nhà vua Ai Cập Farouk và Nhà vua Romania Micheal. Một hiện tượng thương mại đã phá vỡ kỷ lục về đấu giá khi được mua lại với giá đến 3.44 triệu CHF (tương đương 4.69 triệu USD) năm 2012. Vâng, chúng ta đang nói về những chiếc đồng hồ lịch vạn niên của Patek Philippe, dòng đồng hồ cho thấy không phải tất cả các bộ máy đều được tạo ra giống nhau.

Trong thế giới đồng hồ cao cấp, đồng hồ lịch vạn niên với khả năng tự điều chỉnh độ dài của tháng và năm nhuần là một trong những cỗ máy đáng được khao khát nhất.

Và trong danh sách dài những thương hiệu có thể sản xuất được đồng hồ lịch vạn niên, Patek Philippe là cái tên được giới sưu tầm ưa chuộng hơn cả: nhà sản xuất đến từ Geneva đã thống trị phân khúc này sau khi giới thiệu mẫu đồng hồ đầu tiên có mã số Ref. 1518 từ năm 1914.

Ngay sau khi ra mắt, chiếc đồng hồ đã tạo ấn tượng mạnh. Ông Jeremy Lim, Giám đốc điều hành của Cortina Watch – một trong những nhà bán lẻ hợp tác lâu năm với Patek Philippe – hồi tưởng lại những năm 80 khi ông mới 18 tuổi và phụ việc kinh doanh trong gia đình: “Trước khi nhập ngũ, tôi làm việc ở cửa hàng ngay Raffle City và lần đầu trông thấy đồng hồ lịch vạn niên Ref. 3970. Chiếc đồng hồ thu hút tôi ngay lập tức với rất nhiều chi tiết chuyển động bên trong. Phải có đến cả trăm bộ phận, mà tất cả chỉ nằm trong một chiếc vỏ nhỏ nhắn 36mm. Tuyệt đẹp và vô cùng cổ điển.”

Tiếp nối huyền thoại

Năm 2018, Patek Philippe tiếp tục phát triển dòng đồng hồ vạn niên với mẫu Ref. 5270P-001, phiên bản mới nhất của mẫu Ref. 5270. Ra mắt từ năm 2011, Ref. 5270 – mẫu thứ 5 trong dòng đồng hồ lịch vạn niên của Patek Philippe – được chú ý hơn cả vì là chiếc đồng hồ đầu tiên sử dụng bộ máy tự sản xuất, calibre CH 29-535 PS Q. Trước đó, Patek Philippe đều sử dụng bộ máy của Valjoux hay Lemania được cải tiến và trang trí lại theo phong cách thương hiệu.

Với tổng cộng 456 bộ phận, CH 29-535 PS Q là bộ máy đồng hồ lịch vạn niên đầu tiên do Patek Philippe phát triển và sản xuất toàn bộ.

Cơ cấu lên dây cót tay với bánh xe kiểu trục cổ điển và bộ ly hợp nằm ngang này mang đến cho thương hiệu đến 6 bằng sáng chế, mà một trong số đó là dành cho sáng tạo hình dáng của bánh răng giúp hỗ trợ chuyển động.

Toàn bộ bộ máy đẹp đẽ này có thể được chiêm ngưỡng qua nắp lưng sapphire. Tại đó, những người yêu đồng hồ có thể thấy những cầu nối có sọc Geneva, những cạnh vát thủ công trong thanh đỡ, và sọc nhám song song cho đòn bẩy. Bên cạnh đó, Ref. 5270P còn có thêm phiên bản vỏ platinum, có thể được tuỳ biến theo yêu cầu khách hàng bằng những hình chạm khắc.

Trong lần xuất xưởng năm 2011, Ref. 5270 được làm với cả vàng trắng và vàng hồng, sau đó có thêm những tinh chỉnh nhỏ về ngoại hình. Nhưng Ref. 5270P – với ký tự P hàm ý về Platinum – đánh dấu lần đầu tiên Patek Philippe sử dụng vật liệu này để chế tạo phần vỏ có đường kính 41mm. Theo ông Lim, “việc gia công platinum khó hơn rất nhiều so với vàng, vì vậy tôi nghĩ số lượng làm ra sẽ không nhiều như những phiên bản trước. Ngay cả khi giá cả có cao hơn, những chiếc đồng hồ bằng platinum vẫn rất được săn đón.”

Ngoài việc được hoàn thiện bằng cách đánh bóng và có đủ độ nặng để mang đến cảm giác đằm khi đeo trên tay, Ref. 5270P còn ẩn chứa bí mật thú vị với một viên kim cương ở vị trí 6 giờ giữa các móc đeo dây. Cộng hưởng với vẻ đẹp mê hoặc của chiếc đồng hồ này là mặt số màu cam hồng salmon, điều thường thấy ở những mẫu đồng hồ biểu tượng hay được thiết kế riêng từ Patek Philippe – giống như một vài mẫu đồng hồ của ca sĩ Clapton. Loạt số kiểu Ả Rập được làm từ vàng đen thay cho vạch chia giờ thông thường ở các mẫu tiền nhiệm cũng là cải tiến mới giúp cho việc đọc giờ ở Ref. 5270P trở nên dễ dàng hơn.

Tuy vậy, thiết kế mặt số phiên bản năm 2018 vẫn giữ lại những nét tương đồng với các mẫu được ra đời trước đó. Phía trên cùng là cửa sổ ngày tháng, ở vị trí 6 giờ là mặt số phụ hiển thị lịch tuần trăng. Mặt số phụ chỉ giây ở vị trí 9 giờ, trong khi mặt số phụ đồng hồ bấm giờ được đặt ở vị trí 3 giờ. Hai cửa sổ nhỏ hiển thị ngày đêm và năm nhuần được sắp xếp đăng đối bên cạnh lịch tuần trăng, được bao quanh bởi thanh chia tốc độ cho phép người dùng đọc tốc độ khi sử dụng chức năng bấm giờ.

Khi được hỏi vì sao lại nghĩ rằng đồng hồ lịch vạn niên của Patek Philippe đã có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ, Lim chia sẻ: “Rất nhiều nhà sưu tầm đồng hồ của chúng tôi mua những gì họ cho là tốt nhất, dù cho đó là lịch vạn niên hay chỉ là đồng hồ. Nhưng mẫu 5270 đi xa hơn một bước khi kết hợp cả hai chức năng lại với nhau – và người ta cho rằng Patek làm điều này tốt hơn cả, vì họ đã làm từ rất lâu rồi.”

Tại sao lại là lịch vạn niên?

Lịch vạn niên là chức năng cộng thêm của bộ máy đồng hồ. Thông thường, loại đồng hồ đơn giản chỉ hiển thị giờ và phút, hoặc có thể thêm giây. Nhưng để kết hợp thêm những chức năng khác, nhà chế tác đồng hồ phải dựa vào nhiều yếu tố thiên văn.

Đầu tiên là chu kỳ mặt trăng quay quanh trái đất, khoảng 29 ngày rưỡi. Thứ hai là chu kỳ trái đất xoay quanh mặt trời, khoảng 365 ngày. Qua đó, một chiếc đồng hồ lịch vạn niên chính là sự kết hợp giữa bộ máy cơ khí và kiến thức thiên văn (chuyển động của mặt trời, mặt trăng và trái đất).

Nếu mỗi ngày, tháng hay năm đều có cùng độ dài thì chẳng có gì cần lo lắng. Tuy nhiên bản chất lệch pha của hệ thống dương lịch Gregorian khiến một chiếc đồng hồ phải được điều chỉnh mỗi năm năm một lần.

Theo một cách trực quan, độ lệch này có thể được thấy qua việc ngày thứ Hai, 31 tháng 1 được tiếp nối bằng ngày thứ Ba, 1 tháng 2; ngày thứ Hai, 28 tháng 2 được tiếp nối bằng ngày thứ Ba, 1 tháng 3 (trừ khi là năm nhuần). Độ lệch tự nhiên này có thể được xử lý trong bộ máy đồng hồ lịch vạn niên nhờ vào các công thức toán học phức tạp thể hiện qua hệ thống bánh răng và lò xo, như tái hiện mối quan hệ giữa mặt trời, mặt trăng và trái đất.

Mặc dù chiếc đồng hồ lịch vạn niên bỏ túi đầu tiên do một nhàsáng chế người Anh tên là Thomas Mudge tạo ra vào năm 1762, và ngày nay được trưng bày tại viện bảo tàng Anh Quốc, nhưng Patek Philippe lại nắm quyền sở hữu trí tuệ cho chiếc đồng hồ đeo tay vạn niên đầu tiên trên thế giới.

Ngày nay, chiếc đồng hồ ấy vẫn được lưu giữ trang trọng tại viện bảo tàng Patek Philippe ở Geneva. Bộ máy của đồng hồ được phát triển vào cuối thế kỷ 19, nhưng mãi tới năm 1925 mới được lắp vỏ và bán cho một nhà sưu tầm người Mỹ năm 1927.

Mẫu đồng hồ thương mại đầu tiên mang mã 1526 được sản xuất vào năm 1941, với bộ máy lên cót tay và đường kính vỏ ngoài 34mm. Tuy nhiên, để người dùng dễ đọc các chỉ số ngày tháng, Patek Philippe đã thiết kế mặt số với những nét đặc trưng riêng – điều trở thành biểu tượng trong lòng các người chơi và sưu tầm đồng hồ: một cửa sổ chỉ thứ trong tuần và tháng, cùng một mặt số phụ chỉ ngày và chu kỳ trăng.

Mẫu đồng hồ vạn niên kế tiếp là 3448 được ra đời năm 1962. Trong khoảng thời gian đó, Patek Philippe cũng phát triển cơ chế lên dây cót tự động cho đồng hồ. Vì vậy, mẫu 3448 cũng là chiếc đồng hồ lịch vạn niên tự động đầu tiên của hãng. Mặt số của mẫu 1526 cũng được sử dụng lại với cách tân trong các biến thể mới.

Phiên bản lên dây cót tay có mã 3449 gồm 3 chiếc, tất cả đều được ra đời năm 1961. Trong khi lịch vạn niên của Patek Philippe là những bộ máy độc lập, nhưng cơ chế tương tự cũng được ứng dụng trong các bộ máy đồng hồ phức tạp hơn như mẫu 1518 và 2499 – những chiếc đồng hồ chronograph lịch vạn niên.

Thật khó mô tả hết những điều đặc biệt của các mẫu đồng hồ lịch vạn niên từ Patek Philippe. Từ phát kiến sơ khai cho đến các biến thể đột phá của hiện tại, có thể nói, câu chuyện về đồng hồ lịch vạn niên của Patek Philippe là câu chuyện chưa từng có hồi kết.

Ông John Reardon, người đứng đầu công ty đấu giá hàng xa xỉ Christie’s đúc kết: “Di sản lâu đời của Patek Philippe không thể được miêu tả bằng từ ngữ. Cách sắp xếp mặt số của mẫu 1526 từ năm 1941 là nền tảng cho những mẫu đồng hồ khác cho đến tận bây giờ. Vỏ máy và thiết kế có thể thay đổi, nhưng nét đặc trưng về cách bố trí luôn được gìn giữ suốt 70 năm qua.”

Và vì thế, 5270P-001 – phiên bản đồng hồ lịch vạn niên năm 2018 – chính là trang kế tiếp trong câu chuyện thế kỷ ấy, để kế tục lịch sử lừng lẫy của Patek Philippe, kế tục danh tiếng vĩnh hằng được thiết lập từ trước khi chiếc đồng hồ ra mắt.


 
Back to top