STYLE

Talking Taste: Chuyên gia mùi hương Huỳnh Hải Yến

Dec 01, 2023 | By Bảo Châu

Mỗi ngày thức dậy, niềm vui lớn nhất của chuyên gia mùi hương Huỳnh Hải Yến là tiếp tục hành trình nâng niu cái đẹp, bắt đầu từ hơn mười ba năm trước với Thé Spa, đến thương hiệu mỹ phẩm làm đẹp từ thiên nhiên NauNau, sau đó là thương hiệu nước hoa Y25 – Artisan de Parfum, và hiện nay là công việc điều chế mùi hương cho Metascent tại Melbourne, Australia. Đây là thực hành đòi hỏi sự sáng tạo và nhạy bén không kém các bộ môn nghệ thuật khác vì nó gắn liền với cảm xúc và những gì gần gũi nhất của con người. Vậy hãy cùng LUXUO tìm hiểu thêm về những nguồn cảm hứng sáng tạo trong đời sống của chị Hải Yến – một hình mẫu tiêu biểu về người phụ nữ Việt Nam hiện đại, cầu tiến và luôn yêu tô điểm cho cuộc sống.

1. Đâu là phong cách cá nhân của chị?

Phong cách cá nhân của tôi là đơn giản, từ thời trang đến lối sống. Tôi luôn cố gắng đơn giản hoá mọi việc, mọi vấn đề, kể cả trong câu chữ, bài giảng mà tôi đem đến cho các học viên của mình.

2. Một món đồ làm đẹp chị luôn giữ bên mình là gì?

Tôi luôn giữ trong túi một thỏi son NauNau. Tôi có nhiều loại son và mỹ phẩm nhưng son NauNau với màu sắc do chính tôi chọn và tạo ra cùng team R&D của mình luôn làm mặt tôi sáng hơn mỗi khi dùng. Tôi thấy phụ nữ chỉ cần một chút son thôi cũng sẽ thay đổi sắc diện.

3. Đâu là món đồ gần đây chị yêu thích và đã mua?

Mấy năm gần đây, tôi đã giảm hẳn việc mua sắm hay sưu tầm những thứ mà trước kia mình thích. Chỉ khi nào thật sự rất yêu thích tôi mới mua. Món đồ tôi yêu thích gần đây là chiếc bình gốm của nghệ sĩ Bùi Công Khánh. Nó có màu xanh của gốm men lam truyền thống với nét vẽ rất sáng tạo và hiện đại của hoạ sĩ. Tôi thích nó ngay từ cái nhìn đầu tiên, và lập tức liên hệ với anh Khánh để nhờ anh sắp xếp chuyển từ Hội An vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn sang Úc. Sau vài tháng chờ đợi thì em trai tôi đem sang cho tôi. Đó là một món quà tôi tự tặng cho mình.

4. Chị hẳn có sưu tầm chứ? Sưu tầm có ý nghĩa gì với chị?

Tôi thích sưu tầm đồ trà hoặc đồ cắm hoa có chất liệu đặc biệt. Trước kia tôi từng có đến mấy trăm bộ tách trà vintage nhưng về sau nhận ra mình nên tận hưởng việc ngắm nhìn những thứ đẹp đẽ hơn là sở hữu chúng. Vậy nên, tôi đã ngừng mua và tặng hết bạn bè, người quen những món đồ mà tôi từng cất công sưu tầm và gìn giữ trong nhiều năm. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi cũng mua trong các chuyến đi, chỉ để có kỷ niệm và sau này nó nhắc nhớ rằng mình đã từng đến đó, từng yêu thích những thứ đó… Ví dụ như chiếc chuông xoay từ Nepal, hay chuỗi hạt từ Tây Tạng, một chiếc bình trà bạc từ Maroc, hoặc những tác phẩm thủ công của các nghệ sĩ.

5. Tranh hoặc tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ nào chị sẽ sưu tầm nếu có cơ hội?

Việc đi nhiều nơi cho tôi nhiều cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật của các hoạ sĩ. Nhưng nhiều khi đưa một tác phẩm nào đó về nhà mình chưa chắc phù hợp với không gian sống của cả gia đình. Tôi hy vọng sau này sẽ có một phòng thư viện nhỏ của riêng mình để có thể treo những bức tranh mình yêu thích.

Tôi rất thích tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ và Trần Phúc Duyên dù khó có cơ hội sở hữu. Chúng đáng giá cả một gia tài.

Mai Trung Thứ, “Mona Lisa” (1958), bột màu trên lụa, 34,5 x 27,6 cm. Tác phẩm bao gồm khung do họa sĩ tự làm.

Trần Phúc Duyên, “Phong cảnh mạn ngược”, sơn mài.

6. Chị có thể gợi ý cho độc giả một số phòng triển lãm tại Việt Nam?

Dành cho các bạn cũng yêu thích nghệ thuật, đây là một số phòng triển lãm tại Việt Nam bạn có thể ghé qua: Lotus Gallery (quận 7), Quang San Gallery (quận 2) hay Gallery Medium (quận 3) tại thành phố Hồ Chí Minh, hoặc Gate Gate Gallery tại Hà Nội. Đây đều là những phòng trưng bày nhỏ với nhiều tác phẩm đa chất liệu, mới lạ, và rất phù hợp các bạn trẻ. Nếu có dịp du lịch các nước, bạn có thể ghé thăm bảo tàng Guggenheim Bilbao ở Tây Ban Nha, hay bảo tàng NGV ở Melbourne, Úc, hoặc bảo tàng Mỹ Thuật Tokyo. Tôi thích thăm thú các địa điểm nghệ thuật như bảo tàng và phòng triển lãm. Tại đây, tôi có dịp quan sát các tác phẩm bằng con mắt khách quan và có được nhiều phát hiện thú vị.

7. Đâu là địa điểm kiến trúc/văn hóa/thể thao có ý nghĩa mà gần đây chị khám phá ra?   

Tôi đến thăm bảo tàng Nezu tại Nhật Bản vào đầu năm 2023 và ngay lập tức bị thu hút bởi khu vườn nơi đây. Trong một phút giây, tôi cảm thấy biết ơn ông Nezu Kaichiro, người sáng lập bảo tàng vì “sự giàu có” của ông. Là một thương nhân ngành công nghiệp chứ không phải nghệ sĩ nhưng ông yêu cái đẹp và sưu tầm các cổ vật từ Trung Quốc, Hàn Quốc cũng như thời xưa của Nhật Bản rồi sáng lập một bảo tàng mang tên ông để hậu thế được thưởng lãm tất cả những thứ đó cùng ông. Và kiến trúc của khu vườn cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Tôi mua được hai cuốn sách rất hay ở đây và mãn nguyện vì đã có một ngày được chiêm ngưỡng và chìm đắm trong không gian đẹp đẽ như vậy.

8. Chị có thể chia sẻ về không gian sống của mình?

Là một người thích vườn tược, cây cỏ và ánh sáng nên không gian sống của tôi cũng đơn giản và gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, vẽ tranh là sở thích nên nhà tôi cũng sẽ treo tranh theo mùa, theo cảm xúc, và luôn có hoa tươi trên bàn. Đồ đạc trong nhà cũng là vật liệu mộc mạc như gỗ, mây tre với màu sắc thô mộc, trung tính, không quá nổi bật, rực rỡ. Chủ yếu là mang lại sự thoải mái cho người sử dụng. Ở Úc có rất nhiều thương hiệu nội thất theo đuổi triết lý sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường, đó là điều tôi rất thích.

9. Đâu là biểu tượng phong thái sống mà chị yêu thích?

Tôi không yêu thích những thứ có tính biểu tượng và cũng không thần tượng ai một cách quá mức. Tôi thích những người sống ung dung, tự tại, khiêm nhường và không phô trương. Tôi biết nhiều người như thế xung quanh mình, họ làm cho những người bên cạnh họ thấy dễ chịu.

10. Đâu là hoạt động định kỳ 2 lần, 6 tháng/năm chị thường lên kế hoạch?

Một năm tôi sẽ đi du lịch ít nhất một thành phố mới. Hiện tôi đang sinh sống tại Úc – một đất nước rộng lớn, nên để khám phá hết các thành phố nơi đây cũng sẽ mất nhiều năm. Điểm đến tiếp theo trong năm tới của tôi là Porto ở Bồ Đào Nha, một thành phố cổ xưa với nhiều lịch sử và cảnh đẹp đúng phong cách mà tôi ưa thích. Và thường mỗi năm tôi sẽ học một thứ gì đó mới, có khi đơn giản là những môn thủ công như nặn gốm, cắm hoa, thổi thuỷ tinh, chỉ là tạo niềm vui cho chính mình.

11. Đâu là cuốn sách chị yêu thích nhất trong năm qua?

“Tôi tự học” của Nguyễn Duy Cần là cuốn sách yêu thích của tôi, với những diễn giải về kỹ năng giúp bạn có thể trở nên hiểu biết trong lĩnh vực bất kỳ. Ông là một cây bút có lối viết giản dị nhưng rất nhiều kiến thức. Còn cuốn sách tôi đọc mỗi ngày trong những tháng gần đây là “Garden through the year in Australia” về dạy làm vườn, giúp tôi thêm yêu cỏ cây quanh mình.

12. Podcast gần đây nhất mà chị nghe là gì?

Tôi thường nghe podcast Chemistry về kiến thức ngành Hoá Học để bổ trợ cho công việc. Gần đây, tôi có nghe một podcast về những nghiên cứu tâm lý trên kênh ABC podcast ở Úc, khá thú vị. Thỉnh thoảng tôi có nghe Have a sip của Vietcetera – podcast đem đến đa góc nhìn từ nhiều nhân vật đối với một sự việc, giúp tôi mở mang trí óc để mình luôn tươi trẻ, yêu đời.

Ảnh: NVCC


 
Back to top