Tìm hiểu về cơ chế lên dây cót tự động trên đồng hồ đeo tay
Đồng hồ lên dây cót tự động là gì? Bạn có thể đã bắt gặp thuật ngữ này khi tìm mua cho bản thân một chiếc đồng hồ mới. Vậy đồng hồ tự động là gì, nguyên lý hoạt động ra sao và ai đã phát minh ra bộ máy cơ tự động đầu tiên? Hãy cùng Luxuo tìm hiểu thông qua bài viết sau.
Đồng hồ lên dây cót tự động là gì?
Khi nhắc đến thuật ngữ “tự lên dây cót” hẳn không ít người cho rằng họ sẽ phải lên dây cót cho đồng hồ, giống như những mẫu đồng hồ lên dây thủ công. Nhưng điều đó không đúng. Trên thực tế, đồng hồ lên dây cót tự động có khả năng tự lên dây cót cho chính nó thông qua một roto quay theo chuyển động tay của người đeo.
Khi chuyển động cổ tay, lực sẽ tác động vào roto được trang bị trên bộ máy để lên dây cót tạo năng lượng cho đồng hồ hoạt động. Nói cách dễ hiểu hơn, bạn chỉ cần đeo đồng hồ và hoàn toàn không cần dùng tay vặn dây cót để cung cấp năng lượng cho đồng hồ hoạt động.
Sự ra đời của bộ máy cơ tự động đầu tiên
Vào năm 1922, John Harwood – một thanh niên người Anh đã tạo ra và cấp bằng sáng chế thành công hệ thống dây tự động cho đồng hồ đeo tay mang tên Harwood. Nhờ sự giúp đỡ của nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ – Fortis, một loạt đồng hồ trang bị tính năng Harwood đã được ra mắt vào năm 1928. Nhưng thật không may, công ty của John Harwood đã phá sản trong cuộc Đại khủng hoảng kinh tế năm 1931.
Sau đó, Rolex đã tiến hành thu thập và cải tiến hệ thống lên dây tự động Harwood để mang đến phiên bản tinh vi hơn, và lúc bấy giờ khái niệm roto vĩnh cửu ra đời và hoạt động dựa trên nguyên lý xoay 360° dưới tác dụng của trọng lực, cho phép đồng hồ hoạt động trong suốt 35 giờ.
Vào những năm sau đó, nhiều tranh cãi nổ ra về việc ai đã phát minh ra bộ máy cơ tự động đầu tiên, và Rolex đã xác nhận sự góp mặt của hệ thống Harwood trong thông cáo báo chí của hãng. Bên cạnh đó, ta cũng không thể không nhắc đến Abraham-Louis Perrelet – người đặt nền móng cho khái niệm roto xoay tự động đầu tiên trên thế giới đồng hồ.
Ra đời năm 1729, Perrelet là một nhà chiêm tinh học cùng nhiều phát minh vĩ đại gắn liền với tên tuổi của ông. Vào năm 1777, ông cho ra mắt chiếc đồng hồ lên dây cót tự động bằng chuyển động của một quả lắc khi người dùng cầm chiếc đồng hồ này đi bộ, và chỉ với 15 phút đi bộ, đồng hồ có thể hoạt động được 8 ngày.
Nhưng đó là một chiếc đồng hồ để bàn, nên tính ứng dụng của phát minh này vẫn chưa được chú ý vì quá phức tạp và tốn kém để sản xuất. Tuy phát minh này đã được Ambraham Louis Bregues mua lại, nhưng những chiếc đồng hồ tự động do ông tạo ra cũng không thể hoạt động được như kỳ vọng và chính thức ngừng sản xuất vào năm 1810.
Sự ra đời của roto vĩnh cửu đã cách mạng hóa ngành công nghiệp đồng hồ và chính thức mở đường cho việc sản xuất đồng hồ tự động phát triển mạnh mẽ. Ngày nay, những chiếc đồng hồ được trang bị bộ máy cơ tự động là sản phẩm chủ lực trên thị trường, và tiêu biểu là những phiên bản mà chúng tôi sẽ đề cập bên dưới.
Rolex Datejust 36
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến Rolex với những đóng góp vĩ đại cho nền công nghiệp chế tác đồng hồ cao cấp. Trong nhiều khía cạnh khác nhau, mẫu Datejust 36 có thể được xem là tạo tác sáng giá nhất của thương hiệu, một biểu tượng của chất lượng và độ tin cậy mà giới mộ điệu và thậm chí các nhà sản xuất đồng hồ đều hướng đến.
Khung viền cùng dây đeo sở hữu thiết kế hào nhoáng kết hợp cùng thấu kính cyclops tại cửa sổ ngày và mặt kính sapphire chính là những chi tiết mang tính biểu tượng của thương hiệu này.
Longines Master Collection Chronograph
Bộ sưu tập Longines Master Chronograph là sự kết hợp tài tình giữa các tính năng độc đáo mà mọi người đều mơ ước như cơ chế bấm giờ, hiển thị ngày và chỉ báo tuần trăng. Không chỉ vậy, bộ sưu tập này còn nổi danh nhờ được trang bị một trong những bộ máy cơ chính xác nhất của Longines là Calibre L687, và dĩ nhiên đây cũng là một bộ máy cơ tự động.
Hermès Arceau Cheval Cosmique
Cổ điển, sang trọng, cá tính… tất cả những tính từ này đều có thể được dùng để miêu tả vẻ đẹp của Hermès Arceau Cheval Cosmique. Được biết đến là một trong những tuyệt phẩm mà phái đẹp hằng khao khát, các nghệ nhân Hermès đã khéo léo thể hiện hình ảnh một chú ngựa đang chạy nước rút trên mặt số aventurine lấp lánh.
Hoạt động với trái tim là bộ máy cơ tự động Calibre H1837 do chính Hermès chế tạo, Arceau Cheval Cosmique nhẹ nhàng tô điểm cho cổ tay các quý cô bằng dây da cá sấu màu xanh thẳm gắn vào các vấu không đối xứng.
Rado True Square Automatic Open Heart
Rado lần nữa ứng dụng chất liệu gốm công nghệ cao vào tạo tác mới nhất có tên gọi True Square Automatic Open Heart, đây là mẫu đồng hồ với bộ vỏ được chế tác bằng gốm nên có trọng lượng nhẹ cùng khả năng chống trầy xước cao. Thông qua mặt số được cắt khoét tỉ mỉ, người đeo có thể chiêm ngưỡng vũ điệu xoay tròn quyến rũ của bộ máy cơ tự động Calibre C07 với khả năng dự trữ năng lượng kéo dài đến 70 giờ.