Phong cách / Đồng hồ

Gặp gỡ anh Trường Omega: “Người giữ nhịp đập” cho trái tim đồng hồ

Aug 27, 2020 | By Ton Binh

Nổi danh trong giới chơi đồng hồ Việt Nam với biệt hiệu “Trường Omega”, anh Đặng Văn Trường chính là một trong những cái tên đầu tiên người ta nghĩ đến mỗi khi đồng hồ gặp sự cố. Câu chuyện phiếm cùng anh cũng đã mở ra câu chuyện hết sức đặc biệt về chuyện đời, chuyện nghề, và cái duyên hiếm có với đồng hồ của anh.  

Chúng tôi bước đến trung tâm bảo dưỡng đồng hồ của anh Đặng Văn Trường tại phố Lê Thánh Tông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào một ngày tháng 5. Giữa cái nắng oi bức lên đến đỉnh điểm tại thủ đô, con đường dẫn vào Bệnh viện Đồng hồ (anh Trường đặt tên cho trung tâm như thế) lại hoàn toàn khác hẳn: yên bình và rợp bóng cây xanh. Nó khiến tôi cảm thấy khoan khoái và có cảm tình ngay lập tức, cũng giống như giây phút lần đầu gặp anh Trường: người đàn ông nhỏ nhắn đã nhiệt tình đưa đón chúng tôi đến tận nơi để chụp hình, phỏng vấn.

“Tôi may mắn chết đuối vớ được cọc. Ngày xưa, có nằm mơ tôi cũng không bao giờ ngờ được mình lại gắn với nghề sửa đồng hồ và có được một nơi như thế này”. Vừa nói, anh vừa tự hào nhìn quanh không gian trung tâm bảo dưỡng. Phía ngoài cùng là khu vực được dùng để trưng bày một số mẫu đồng hồ và phụ kiện dành cho những ai có nhu cầu. Tiếp đến chính là bàn tiếp tân và khu vực tiếp khách, nơi anh trưng bày những tấm ảnh bộ máy đồng hồ được phóng to và một vài cuốn tạp chí đồng hồ (thật vui khi thấy WOW Vietnam cũng nằm trong số ấy).

Bên ngoài là thế, nhưng khu vực phía trong mới là “trái tim” của nơi này, với hai gian phòng kín dành riêng cho việc sửa chữa đồng hồ với đầy đủ dụng cụ như kính lúp, máy sấy, máy kiểm tra khả năng trữ cót, máy đóng, mở nắp… Tầm chục người thợ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, tay đeo găng tay chuyên dụng đang chuyên chú tập trung vào những chiếc đồng hồ nhỏ nhắn cầm trên tay với lích kích dụng cụ khó gọi tên. Bao trùm lên không gian yên ắng chỉ là tiếng tích tắc của đồng hồ lẫn trong âm vang đẹp đẽ của bản nhạc giao hưởng. Và đến lúc ấy, tôi mới chợt nhận ra vì sao anh lại gọi đây là “Bệnh viện đồng hồ”: những người thợ ở đây giống như một bác sĩ chuyên nghiệp và tận tụy, săn sóc từng milimet chi tiết trên mỗi chiếc đồng hồ không khác gì “bệnh nhân”, trong không gian nghiêm cẩn, tĩnh lặng đến như sờ chạm được.

Giữa không gian yên ắng ấy, anh Trường bắt đầu kể lại câu chuyện cuộc đời mình. Anh nói, vào những năm 2000, anh bắt đầu bước chân lên Hà Nội và tìm đủ mọi cách để mưu sinh, từ đánh giày, cửu vạn, đến tạp vụ khách sạn ở phố Trần Hưng Đạo. Trời run rủi làm sao, người sếp tại khách sạn cũng có một cửa hiệu đồng hồ tại phố Hàng Khay – cửa hàng đồng hồ lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Chính tại đây, anh đã đến dọn dẹp và bước những bước chân đầu tiên vào thế giới đồng hồ khi học nghề từ anh Thanh, một người thầy trong trường đào tạo nghề ở 55 Hàng Bông. Thời điểm đó, trường này rất “cao giá”, chỉ có con ông cháu cha mới được học. Đó cũng là trường đầu tiên ở Đông Dương có điều hòa cho học sinh học, do Thụy Sĩ đầu tư toàn bộ. Điều đáng tiếc là sau này, khi tình hình thay đổi, ngôi trường cũng không còn, và toàn bộ học sinh sau này cũng lưu lạc tứ xứ.   

Tại đó, ngoài những kiến thức căn bản sửa chữa đồng hồ, anh Trường còn học được thái độ tập trung tuyệt đối khi làm việc, rèn giũa đôi mắt, đôi tay cho tỉ mẩn, khéo léo, đồng thời phải tự học tiếng Anh, vì mọi tài liệu liên quan đến đồng hồ đều được thể hiện bằng loại ngôn ngữ này. Vì không có nhiều lựa chọn, nên ngay khi có cơ hội, anh Trường đã quyết tâm theo đuổi. Cơ may thật sự đến với anh sau khi Longines đến Việt Nam để kiểm tra tay nghề, và quyết định đưa anh sang Thụy Sĩ để tham quan nhà máy và học tập. “Lần đầu tiên bước chân ra nước ngoài của tôi là đi đến Thụy Sĩ. Một sự may mắn đến mức tôi không thể tin được. Tôi xuất thân từ một người làm công ăn lương, chưa bao giờ mơ mình có dịp được ra nước ngoài, mà cuối cùng cũng thành hiện thực,” anh nói.

Làm việc ở Thụy Sĩ tầm 10 năm, anh Trường tiếp tục nhận được lời đề nghị làm việc từ hãng Omega. Chỉ sau đó 2 tháng, anh lại vượt qua đợt kiểm tra tay nghề tại khu vực Đông Dương, là người đạt điểm cao nhất trong 6 người, và được Omega tiếp tục đào tạo. Tư duy về đồng hồ của anh cũng được nâng lên từ đó.  

“Tôi đã làm qua biết bao nhiêu nghề, nhưng chỉ có nghề đồng hồ này là tôi cảm thấy yêu nhất, tôi có thể ngồi đến 10 giờ đêm để sửa một chiếc đồng hồ mà không cảm thấy mệt. Có nhiều chiếc đồng hồ làm tôi cảm thấy thích thú đến mức tôi làm việc từ sáng đến 4, 5 giờ chiều mà không cần ăn trưa,” anh cho biết.

Gắn bó với nghề lâu như thế, nên đến nay, anh Trường khẳng định gần như mọi chiếc đồng hồ mà anh từng ước mong chinh phục, đến nay anh đều đã làm được, từ tourbillon cho đến lịch vạn niên. “Không có một trường lớp hay thầy nào dạy cả, tôi chỉ cố gắng đọc hết mọi cuốn sách mình có thể kiếm được, sau đó về nhà lại ngẫm nghĩ, lần từng bánh xe nọ đến bánh xe kia. Và cơ hội đến khi một vài người khách mang tới cho tôi những chiếc đồng hồ bị tai nạn nhưng không nơi nào sửa được, tôi chạm tay đến chúng và vỡ ra nhiều thứ.”

Trong lúc sửa đồng hồ, anh Trường còn tranh thủ tìm hiểu những tiêu chuẩn chất lượng đồng hồ khắp thế giới như Thụy Sĩ, Đức và Nhật. Vừa tìm hiểu, anh vừa áp dụng những tiêu chuẩn ấy cho chính bản thân mình. Từ những loại dầu thích hợp, quy trình tiêu chuẩn, công đoạn sửa chữa, thay thế phụ liệu… anh tổng hợp tất cả, để tạo thành một giáo án riêng để dành dạy học viên. “Tôi chưa từng học gì về nghề sư phạm, cũng không nghĩ là mình biết nhiều về đào tạo, nhưng không ngờ đến giờ lại tạo nên được một lứa học viên khá tốt.”

Theo anh Trường, yếu tố quan trọng nhất để thành người thợ đồng hồ giỏi là sự tử tế. “Nếu mình tử tế với nghề, nghề sẽ tử tế với mình thôi. Chính vì vậy, nên tôi mới có được thứ mà không phải người thợ đồng hồ nào cũng được: nghề tử tế với tôi.” Bên cạnh đó còn cần có đam mê. Phải có đam mê mới có thể yêu và gắn bó, cảm nhận được vẻ đẹp của từng linh kiện, từ bộ kim, mặt số, bánh răng…, yêu từng khoảnh khắc khi cuốn theo từng nhịp đập của thời gian. “Với người thợ sửa đồng hồ, ngoài việc am hiểu nguyên vật liệu, cơ khí, điện tử, còn phải thật sự là một họa sĩ, nhà điêu khắc, thậm chí là nhà thiên văn để hiểu được các nguyên lý của tuần trăng, trung tuần, hạ tuần…”, anh Trường chia sẻ.

Và thế là, từ chàng trai lam lũ bước chân lên Hà Nội học việc năm nào, đến nay, anh Trường đã có được cuộc sống ổn định, có thời gian dành cho gia đình, và từ đó, ý niệm về cống hiến trỗi dậy. Anh cho biết, anh đang viết một cuốn sách về kỹ thuật đồng hồ. “Tôi sẽ là người Việt Nam đầu tiên viết cuốn sách này để người trẻ học, vì hiện nay Việt Nam gần như chưa có một trường lớp nào đào tạo về đồng hồ một cách chính chuyên (chính quy – chuyên nghiệp).”

Nghề sửa đồng hồ đã gian nan, việc học nghề cũng khó khăn không kém. Từ những việc đơn giản như tháo, mở đồng hồ, tra ốc vít, cho đến phức tạp hơn như sửa chữa các tính năng, mỗi người thợ phải kiên trì luyện tập hàng tháng, hoặc nhiều năm mới có thể thuần thục. Và khi bước vào nghề, việc sơ ý làm hỏng một vài bộ phận hay chức năng vẫn thường xuyên xảy đến. Cứ mỗi lúc như thế, cái giá phải trả là vô cùng đắt đỏ. Anh Trường kể, trong lần bắt tay vào sửa chữa chiếc đồng hồ đầu tiên cho người bạn của thầy Thanh, anh đã làm vỡ mặt một chiếc đồng hồ có giá trị, khiến anh Thanh phải dành cả tháng lương để mua lại chiếc mặt khác thay thế. Chỉ cần một tích tắc không cẩn thận, người thợ đồng hồ mới vào nghề có thể phải đánh đổi bằng rất nhiều tháng lương.

Cũng chính vì theo nghề khó, giỏi nghề cần quá nhiều thời gian, nên thợ đồng hồ đang ngày càng hiếm có. Lớp người xưa cũ đã có tuổi, mắt kém, tay run, hoặc không theo kịp sự phát triển của công nghệ sản xuất, trong khi lớp trẻ ít người có đủ kiên nhẫn để thành nghề. Bên cạnh đó, anh Trường còn trăn trở rằng các bạn trẻ Việt Nam đang có nhiều thiệt thòi so với những nước khác vì thiếu thốn nhiều thiết bị, máy móc hay nhà xưởng sản xuất. Chính vì thế, số thợ dám nhận sửa những chiếc đồng hồ đắt tiền, có giá trị lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại, khách hàng thường phải gửi đến hãng sản xuất hoặc gửi ra nước ngoài để sửa chữa, với thời gian chờ đợi lâu và chi phí đắt đỏ.

Dẫu vậy, với sự tâm huyết, muốn phát triển nghề sửa đồng hồ ở Việt Nam, anh Trường đã mở ra nhiều lớp đào tạo nghề sửa chữa đồng hồ, và thậm chí miễn phí cho các học viên khó khăn khắp mọi nơi. “Vẫn biết theo nghề là không dễ, nhưng tôi vẫn muốn nhiều bạn trẻ có đam mê xem việc trở thành một “bác sĩ thời gian” như là một lựa chọn tốt để lập nghiệp. Có như thế, nghề sửa đồng hồ của Việt Nam mới có thể phát triển. Bên cạnh đó, hy vọng nước ta sớm có những cơ sở đào tạo nghề bài bản, để tạo ra những thợ giỏi, sớm đưa nghề sửa đồng hồ trở thành một nghề chuyên nghiệp”, anh Trường chia sẻ.

Công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao cùng sự tinh tế, cẩn thận trong từng chi tiết nhỏ này không phải ai cũng có thể làm được. Thế nhưng, một khi đã quen với nhịp đập của trái tim trong từng chiếc đồng hồ, rất khó để ai đó dứt bỏ. Và anh Trường chính là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Hải Yến


 
Back to top