Vacheron Constantin American 1921 Pièce Unique: Tái tạo bản sắc thời đại
Vacheron Constantin dấn thân vào một thử thách hiếm có: tái tạo lại mẫu đồng hồ ghi dấu thập niên “Roaring Twenties” huyền thoại, với chính những công cụ và kỹ thuật tuổi đời trăm năm.
Có những chiếc đồng hồ chứa đựng nhiều câu chuyện, mời gọi ta du hành ngược thời gian, để tìm lại nguồn gốc và đắm mình vào những thời đại đã qua. Được hồi sinh một cách trung thực nhất từ nguyên mẫu năm 1921, chiếc đồng hồ độc bản (pièce unique) American 1921 là một ví dụ điển hình, mở ra chuyến hành trình khám phá những sáng tạo của thập niên “Roaring Twenties”, đồng thời làm sống lại vẻ đẹp của kỹ nghệ thủ công cách đây một thế kỷ.
Không chỉ là một chiếc đồng hồ đeo tay, đây là thành quả của chuyến phiêu lưu kỳ thú vào tâm điểm những bí kíp thủ công được Vacheron Constantin trau dồi trong hơn 265 năm qua. Ra mắt lần đầu năm 1921 với 24 chiếc được sản xuất, mẫu đồng hồ này phản ánh một cách tinh tế bối cảnh xã hội và văn hóa của những năm 1920, đó là sự bùng nổ và làn gió tự do thổi qua Hoa Kỳ và Châu Âu vào buổi bình minh của “Roaring Twenties”.
Thiết kế đặc biệt với bộ vỏ mang hình dáng đặc biệt còn thể hiện sự sáng tạo đầy phong cách của Vacheron Constantin, khi thể hiện tinh thần “cổ điển pha trộn phá cách” thông qua nhiều thiết kế hình dáng bộ vỏ đa dạng.
Việc nhà chế tác Thuỵ Sỹ lựa chọn cách phục nguyên thiết kế trăm tuổi này thực sự là một thử thách hiếm thấy trong thế giới đồng hồ, bởi lẽ đây không chỉ là việc tái sử dụng lại hình dáng hay các chi tiết đặc trưng – (việc thực tế họ đã làm trong 3 mẫu Historiques American 1921 ra mắt trước đó) – mà là hồi sinh chiếc đồng hồ dựa theo phiên bản duy nhất còn được lưu trữ trong bảo tàng của thương hiệu, theo đúng mọi yếu tố về kỹ – mỹ thuật, màu sắc và kể cả phương thức và công cụ chế tác.
Do đó, đây không chỉ đơn thuần là một công trình phục chế, mà còn là việc lật giở lại một trang sử đã qua, làm sống lại cả một thời đại trong quá khứ, một việc mà không phải nhà chế tác đồng hồ nào cũng có khả năng thực hiện. Dự án đầy công phu và tâm huyết này được hiện thực hoá nhờ tay nghề của đội ngũ nghệ nhân và kỹ sư tài ba, hơn một năm trời làm việc tận tụy với hàng chục nhân sự và trên hết là lượng tư liệu đồ sộ và đầy đủ đến từ Bộ phận Di sản – nơi lưu giữ toàn bộ lịch sử của Vacheron Constantin kể từ năm 1755.
Bộ phận này bảo quản hơn 800 chi tiết máy, bàn làm việc và bộ công cụ sản xuất đồng hồ, cùng với một lượng đáng kể các lưu trữ tài liệu và hình ảnh, bao gồm vô số các sổ đăng ký sản xuất và kế toán, bao gồm các giao dịch bán hàng nước ngoài, thư từ giữa các đối tác, nhà cung cấp và khách hàng, các tài liệu và hình ảnh khác nhau về từng chiếc đồng hồ, mỗi bộ chuyển động xuất xưởng trong suốt chiều dài hoạt động của thương hiệu.
Để đảm bảo tính trung thực và chính xác của dự án, các nghệ nhân đã phải làm việc với những công cụ ra đời cách đây hơn 100 năm, được bảo tồn nguyên chiếc hoặc chế tác mới theo thiết kế trong tài liệu lưu trữ. Có những công cụ có tuổi đời hơn 200 năm, như chiếc máy khoan tấm nền của bộ chuyển động ra đời từ cuối thế kỷ 18 cũng được sử dụng đến, bởi có rất nhiều kỹ thuật hiện đã không còn được sử dụng nên đòi hỏi những công cụ cổ xưa để thực hiện.
Bộ máy cơ Calibre Nouveau 11 ligne cũng được tháo rời từng mảnh, xác định từng thông số của mỗi bộ phận trong số 115 chi tiết, sau đó dựng mô phỏng bởi những tính toán kích thước cực kỳ phức tạp để đảm bảo sự hoàn hảo đầy khắt khe: không chỉ kích thước, mà đến cả độ chính xác trong vận hành, hay khoảng cách giữa từng chi tiết cũng phải giống hệt như người tiền bối ra đời trước đó trăm năm. Một bộ phận nhỏ như chân kính cũng cần cả một chuyến phiêu lưu kỳ thú, bởi lẽ kể từ năm 1940, cách lắp đặt chân kính đã hoàn toàn thay đổi, đòi hỏi hàng trăm lần thử nghiệm của nghệ nhân để tái tạo lại phương thức chế tác đến giờ chỉ còn tồn tại trên giấy.
Việc nhân bản vẻ bên ngoài của chiếc American 1921 cũng là một kỳ công của tay nghề thủ công lão luyện. Một số bộ phận như các phôi thô của núm vặn và kim chỉ báo vẫn được bảo tồn trong kho, tuy nhiên, đa số đều cần chế tác mới hoàn toàn. Bộ vỏ hình gối đặc trưng có kích cỡ 31.5mm được các thợ kim hoàn ở xưởng Phục chế trau chuốt từ hợp kim vàng 18k 3N – đúng loại đã được sử dụng trong quá khứ – với sự trợ giúp của máy đo quang phổ để tái hiện màu sắc chính xác.
Mặt số với các chữ số và logo cổ điển trên nền men Grand Feu, đi cùng kim chỉ giờ rãnh hở thanh lịch nung xanh đều được thực hiện hoàn toàn thủ công, với kỹ thuật tuân thủ nghiêm ngặt các khuôn mẫu có từ đầu thế kỷ 20. Để đảm bảo không chi tiết nào bị bỏ qua, phần dây đeo cũng được làm lại theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, từ hình dáng chốt khóa, chất liệu vàng và da, toàn bộ được các nghệ nhân lành nghề nhất thực hiện in-house.
Kết quả của toàn bộ quá trình phức tạp chưa từng có này đã ra mắt sau hơn một năm với hàng ngàn lần thử nghiệm: chiếc America 1921 Pièce Unique chế tác độc bản tái tạo các đặc tính giống hệt nguyên mẫu được tạo ra cách đây một thế kỷ, chỉ có thể phân biệt qua một dấu hiệu đặc biệt ở mặt sau.
Đây không chỉ là một tuyệt tác về việc phục dựng, mà còn là một minh chứng rõ nét và đầy chắc chắn của Vacheron Constantin cho sự gắn bó của thương hiệu với di sản lâu đời của mình, sự chuyển giao không gián đoạn giữa các thế hệ, và cho sự bồi đắp không ngừng của bí quyết truyền thống đầy tinh xảo. Sau đúng một trăm năm kể từ ngày ra mắt, chiếc America 1921 lại hồi sinh, lần này không để chào đón thập niên nhiều đổi thay, mà để nhắc lại cả một thời đại vàng son vẫn chưa từng phai dấu.