BUSINESS OF LUXURY

Chuyên gia xe Hải Kar: Người giàu Việt chưa xem sưu tầm xe là đầu tư

Dec 02, 2023 | By Ton Binh

Hải Kar (Nguyễn Thanh Hải) là tên tuổi không xa lạ với giới mộ xe ở Việt Nam. Anh là một chuyên gia hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô, là một trong những người lập sân chơi “Vô lăng vàng”, tiền thân của giải đua xe địa hình Việt Nam VOC hiện nay. Anh cũng chính là người đầu tiên cầm lái hai chiếc xe của VinFast chạy dọc đất nước.

Dưới góc độ là một người yêu xe, tay đua và một chuyên gia kiêm doanh nhân có tiếng trong ngành xe cộ, anh có nhận định gì về những chiếc xe cổ ở thị trường Việt giai đoạn gần đây?

Nếu mà chiếc xe cổ chỉ giữ lại cái tên không, thì bản chất nó cũng không còn cái giá trị gì nữa. Từ năm 1975 đến năm 1986 là một giai đoạn khó khăn về kinh tế, cho nên xe cộ đa phần là cũng hỏng hóc nhưng không có điều kiện phục hồi. Phần lớn những chiếc xe cổ bây giờ nó không còn là chính nó nữa, ví như xe Volkswagen Beetle nhưng lại gác máy 3A của Toyota. Điều đó tạo thành rào cản lớn giữa người mua và người bán ở Việt Nam. Những chiếc xe như vậy không còn còn giá trị sưu tập. Bởi vì những xe cổ có giá trị về mặt sưu tập, nó phải mang được sự hoàn thiện từ quá khứ và tính nguyên bản của nó.

Việc thể hiện đẳng cấp của người chơi xe Việt đang thiên về trưng ra số tiền đã chi để mua xe, thay vì thể hiện giá trị về mặt tinh thần hay các giá trị đích thực, công năng mà xe mang lại. Anh nghĩ sao về điều này?

Anh thấy nhận định của em như vậy khá chính xác. Nó phản ánh thực tại rằng chúng ta chưa có những trải nghiệm thực tế. Câu chuyện về xe hơi ở Việt Nam thuần là câu chuyện tiền bạc. Phần trăm những người thực sự đam mê xe cộ ở mình chưa nhiều. Người đam mê thực thụ, họ cũng không có nhu cầu phô trương, họ cũng không có nhiều thời gian để thưởng thức những chiếc xe của mình. Phải nói thật là người Việt giàu lên cũng chưa được lâu, bề dày lịch sử, gốc gác văn hóa thời gian tiếp cận với xe hơi còn ngắn, gu thưởng thức xe cũngchưa được rõ ràng. 

Câu chuyện thú chơi không nên chỉ dừng lại ở phân định đẳng cấp, mọi thứ cần phải được sử dụng đúng công năng của nó.

Một chiếc xe hơi phải đáp ứng 2 cái nhu cầu 1 là về công năng, công năng của chiếc xe không phải là để đi từ A đến B, nó là đi từ A đến B như thế nào, và một giá trị nữa mang tính biểu tượng, nó thể hiện vị thế xã hội. Khi chủ sở hữu đi xe của mình, họ muốn thể hiện đẳng cấp của mình, bản chất là như vậy

Chúng ta đang đứng trước nhiều thay đổi rất lớn, với ảnh hưởng của mạng xã hội. Anh có nghĩ những kênh chia sẻ thông tin ấy có giúp thị trường chuyển hóa sang hướng có lợi hơn cho các nhà sưu tập xe cổ không?

Những nhà sưu tập của Việt Nam, họ lớn lên với những chiếc Dream II, những chiếc Wave Thái, thật dễ hiểu khi ước mơ của họ không gắn liền với những chiếc xe hơi. Người chơi bao giờ cũng sẽ muốn mua một cái gì đó gắn liền với đam mê của họ. Sở dĩ thị trường sưu tập xe tồn tại là bởi vì khi người ta có đủ điều kiện, họ sẽ muốn thực hiện ước mơ của mình thời trẻ. 

Anh nghĩ nền kinh tế đang thay đổi rất nhiều, chúng ta đang có thêm những người giàu từ mạng xã hội, hoặc họ là những mắt xích trên mạng nhờ vậy mà họ có tiền. Người trẻ họ biết hưởng thụ hơn, nhất là người trẻ ở châu Á. Những bạn trẻ này, sau này khi lớn lên họ sẽ nhớ về ngày còn đứng ở cửa Khách sạn Metropole nhìn những chiếc Lamborghini, những chiếc Ferrari, khi ấy họ có thể sẽ sở hữu nó.

Văn hóa xe sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế, số lượng người giàu nhiều lên, thì tự khắc thị trường xe sưu tập sẽ phát triển. 

Tuy nhiên thì ở Việt Nam những người giàu có và đam mê xe cộ họ chưa sử dụng xe sưu tập như một cách để mở rộng portfolio đầu tư của mình. Một phần vì thị trường vẫn chưa hình thành, thị trường chưa có những nhà sưu tập. Người Việt muốn đầu tư vào xe như một dạng đầu tư đích thực trong tương lai gần cần chơi ở biển lớn, thị trường xe cổ quốc tế thì vẫn sôi động.

Dịch Covid gây đứt chuỗi cung ứng của nhiều ngành công nghiệp trong đó có ngành sản xuất ô tô, đồng thời thay đổi hành vi người dùng, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào thị trường xe cũ ở Việt Nam?

Những báo cáo của Bắc Mỹ, Châu Âu sẽ không thực sự phản ánh chính xác thị trường của khu vực Đông Nam Á. Covid có những tác động kinh khủng đối với những ngành sản xuất, nhưng nó tác động tích cực đến hành vi, nhu cầu mua sắm xa xỉ và hưởng thụ không hề giảm mà còn có xu hướng tăng. Người tiêu dùng sẽ có tâm lý chung, họ hướng đến thực tại nhiều hơn, đổ tiền vào chi tiêu nhiều hơn. 

Nói về xe cũ thì quá rộng, nhưng riêng về xe cổ, xe sưu tập thì chắc chắn thị trường này được hưởng lợi nhiều.

Tiêu chí nào để anh lựa chọn 1 chiếc xe phù hợp với bản thân mình?

Anh cần nhiều chiếc xe, không thể nào chỉ chọn 1 chiếc xe. Sẽ không có một chiếc xe hoàn hảo. Xe cộ được chia làm vô số dòng cũng là vì vậy. Ví dụ như xe Mỹ, rất mạnh trên đường thẳng nhưng handling thì lại không tốt. Dòng chạy tốc độ, dòng chạy địa hình, mỗi loại anh sẽ muốn có một chiếc. Bản thân anh đã may mắn được trải nghiệm nhiều siêu xe. Mỗi hãng xe mỗi dòng xe hay thậm chí là đời xe đều có chất riêng của nó. 

Lấy Lamborghini với Ferrari ra làm ví dụ. Ferrari sử dụng dẫn động cầu sau, khi em tăng tốc em sẽ cảm nhận thấy sự hoang dã của nó, cảm xúc. Nhưng nếu em không kiểm soát tốt, thì đúng như logo của mình, nó những chú ngựa hoang và đó chính là điểm hấp dẫn của Ferrari. Nhưng khi em nài chiếc Lamborghini dẫn động 2 cầu, em đề pa, cảm giác như có ai đó đang túm cổ mình và kéo đi, thì nó lại là một trải nghiệm hoàn toàn khác, em sẽ trầm trồ con xe này nó bám kinh khủng, quá an toàn và công nghệ.

Mỗi hãng xe sẽ có một chất riêng. Như những em xe Mỹ máy lớn thì lại đem cảm xúc đến cho em thông qua giai điệu của ống xả, một tiếng nổ xao xuyến lòng dân chơi. Nó như một giai điệu trầm hùng, như giọng của một người đàn ông trưởng thành nói giọng trong lồng ngực vậy. Mỗi một xe có một signature riêng, xe nào anh cũng thích. Anh không phải dân yêu thích công nghệ, nhưng đừng hiểu sai ý anh, anh rất hâm mộ những dòng xe công nghệ như AMG của Mercedes, hay là M của BMW. Chỉ là anh thích old-school hơn, thích số sàn, hoặc số tuần tự. Anh không thích một thứ công nghệ lửng lơ giữa thị trường và chuyên nghiệp. Sự nhập nhằng ở giữa nó khiến cho anh cảm thấy không được thỏa mãn. 

Em thấy anh là một người có gu xe rất “nặng”, anh đã từng tự thiết kế và chế tạo ra cho mình những chiếc xe từ gốc gác của một chiếc xế cổ 

Chiếc xe đầu tiên anh tự làm là để chạy drift (trượt bánh) được dựng lên từ chiếc Toyota Cressida, anh gọi nó là CressiONE. Anh thích cổ điển, anh chuyển số sàn tương đối nhanh, tuy không thể nhanh như máy tính, nhưng mỗi cú sang số đều mang lại cho anh nhiều cảm xúc. Anh đã tự làm tất cả mọi thứ từ việc phục chế nội thất và thậm chí là tự làm bác sĩ phẫu thuật xe, cả phẫu thuật thẩm mỹ lẫn phẫu thuật linh hồn.

Phục chế xe là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và quyết đoán.

Vậy theo anh đâu là điều khó nhất trong công cuộc phục chế xe cổ cho người Việt chơi?

Một trong những điều khó nhất, anh thấy, là khả năng tiếp cận đồ thay thế. Nếu như em làm để xe chạy được, thì đơn giản, nhưng thế thì nói làm gì. Điều khó nhất là nguồn phụ tùng nguyên bản không còn nhiều. Ở Việt Nam không giống như Âu Mỹ – nơi việc mua đồ phụ tùng này như đồ hàng xén, em chạy ra đầu ngõ, em muốn mua là có. Ở mình thì sẽ phải lên danh sách, rồi đặt hàng. Và thường thì danh sách dài lắm. Em sẽ phải chờ 3-6 tháng, và  em phải đợi chừng ấy thời gian để phát hiện ra là phụ tùng đó không vừa. Vì như anh đã nói, vào cái thời kỳ tăm tối của xe cộ, các chú các bác nhà ta đã chế nháo, lệch lạc hết cả  rồi. 

Mặt khác, nói về chất lượng thủ công gia công thì thợ thủ công ở phương Tây hướng đến sự hoàn mỹ, còn ở mình thì người thợ hướng tới lợi nhuận. Ví như một cái thân xe bả ma-tít, thợ Việt có thể gia công khéo léo đến mức không thể phân biệt, nhưng chỉ sau một năm sẽ bị ô-xy hóa. Nếu chỉ giải quyết các vấn đề một cách ngắn hạn, sau một vài năm chiếc xe lại nhìn sập sệ ngay. 

Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị với độc giả của Luxuo. 

Bài: Linh Bùi 
Ảnh: NVCC


 
Back to top