CITY GUIDE

Les Cabinotiers Tribute to Johannes Vermeer: Sự giao hòa giữa Haute Horlogerie và nghệ thuật thủ công

Oct 26, 2021 | By Ton Binh

Trong một dự án được khởi động vào năm 2013, Les Cabinotiers Westminster Sonnerie – Tribute to Johannes Vermeer là một phiên bản bespoke độc nhất, kết hợp đầy đủ mọi kỹ năng chế tác được chinh phục bởi Vacheron Constantin, từ Haute Horlogerie đến nghệ thuật trang trí.

Chiếc đồng hồ này được trang bị bộ máy in-house Calibre 3761 với tính năng điểm chuông Grande Sonnerie và tourbillon, được phát triển đặc biệt bởi đội ngũ chế tác đồng hồ đã tạo nên chiếc Ref. 57260. Nghệ thuật chế tác thủ công thể hiện trên chiếc đồng hồ này cũng không kém phần nổi trội.

Toàn bộ chiếc vỏ được chạm khắc thủ công tỉ mỉ, mặt trên được đính một quai tô điểm bởi hai hoạ tiết đầu sư tử. Ngoài ra, nắp lưng của bộ vỏ kiểu sĩ quan được tôn lên một cách tuyệt vời nhờ phương pháp tráng men bức tiểu họa nổi tiếng Girl with a Pearl Earring của danh hoạ Vermeer, được chế tác bởi nghệ nhân tráng men Anita Porchet.

Từ hoàn thiện ngoại hạng đến lắp ráp tinh tế

Là đại diện cho kết quả của tập hợp những tài năng hiếm có, chiếc đồng hồ Les Cabinotiers này thể hiện tiêu chuẩn cao và sự chăm chút đến từng chi tiết trong quá trình hoàn thiện bộ chuyển động. Do đó, tất cả các thành phần đều được hoàn thiện thủ công từ cầu nối cân bằng chạm khắc hoàn toàn đến các cầu nối được đánh bóng bằng bột kim cương để đạt được bề mặt bóng như gương, cũng như quá trình xử lý mạ các tấm khung được trang trí bằng kỹ thuật Côtes de Genève, mang một màu sâm panh nhẹ nhàng – tạo nên một hiệu ứng tổng thể gợi nhớ về những truyền thống chế tác đồng hồ cao quý nhất.

Hiệu chỉnh những chiếc cồng cũng đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối. Lần đầu tiên được kiểm tra được khi treo lên, chúng được tạo hình theo cách để có thể đạt được chính xác từng âm đơn lẻ. Tuy nhiên, có thể sẽ có những sự bất ngờ xảy ra khi cơ chế gõ chuông được đặt vào vị trí – trong trường hợp của chiếc đồng hồ này, hai trong năm chiếc cồng đã phải thay đổi để đạt được hòa âm mong muốn. Bằng cách thay thế hợp kim thép, âm thanh của hai chiếc cồng mới trở nên trong trẻo hơn, để có thể đồng điệu với ba chiếc còn lại.

Kỹ thuật tráng men thu nhỏ “Geneva”

Ngay từ khi bắt đầu dự án, vị khách này đã bày tỏ mong muốn rằng mặt phủ của nắp lưng dạng quân đội phải có một bức tranh men thu nhỏ thực hiện bởi nghệ nhân Anita Porchet. Tác phẩm được chọn là bức hoạ Girl with a Pearl Earring, được vẽ vào khoảng năm 1665 bởi hoạ sĩ người Hà Lan Johannes Vermeer. Vượt lên cả thách thức trong việc tái tạo kiệt tác của một danh hoạ, kích thước không thường thấy của bề mặt đường kính 98mm cũng để ngỏ nhiều khó khăn. Kích thước này, thường thì tương đồng với kích thước của những chiếc đồng hồ trên xe ngựa hơn là đồng hồ bỏ túi, đòi hỏi sự khéo léo, chính xác, loại bỏ những điều bất thường kể cả nhỏ nhất.

Thành quả này là sự phục hưng truyền thống vĩ đại của nghệ thuật vẽ men thu nhỏ mà Geneva đã chuyên môn hóa.

“Men Geneva”, một thuật ngữ thường được sử dụng từ thời đó, dùng để chỉ các loại men được sơn phủ bằng chất trợ dung được gọi là “Fondant de Genève”. Kỹ thuật này bao gồm việc thêm một lớp phủ bảo vệ cuối cùng, trong suốt và không màu, vào các lớp men thuỷ tinh hoá, do đó mang lại độ sáng và chiều sâu cho tác phẩm của nghệ sĩ. Chỉ có một số bậc thầy tráng men hiếm hoi mới chinh phục được kỹ thuật ấy. Mặt số chính của chiếc đồng hồ được tráng men màu vỏ trứng bằng kỹ thuật Grand Feu với các chữ số La Mã tráng men màu xanh lam.

Chạm trổ và điêu khắc

Phong cách chạm khắc trên vỏ đồng hồ chính là đối tượng của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng do xưởng Métiers d’Art của Vacheron Constantin tiến hành để đảm bảo hoà quyện hài hòa với bức tranh của Vermeer. Sau nhiều đề xuất và thảo luận, bà đã chọn chủ đề trang trí chính là những chiếc lá acanthus chạy dọc theo các cuộn giấy và những bông hoa với tâm ngọc trai. Mô-típ này là sự lặp lại chủ đề của bức The Girl with the Pearl Earring, vốn sở hữu kiểu trang trí cổ điển và nữ tính.

Công việc này đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn – quá trình đánh bóng thực sự là một hoạt động đòi hỏi sự tinh tế để tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa ánh sáng lung linh của kim loại và thể tích của của phần điêu khắc – vốn dễ dàng mất đi vẻ hấp dẫn năng động nếu các đường nét quá tròn. Để làm nổi bật bóng đổ và thêm chi tiết cho lá và hoa, các đường nét rỗng thanh mảnh được tạo trên mỗi chi tiết bằng cách sử dụng kỹ thuật khắc nét thông qua khoét hoặc làm rỗng vật liệu.

Thao tác cuối cùng, xử lý nền  từng điểm một bằng phương pháp thủ công, làm nổi bật sự tương phản giữa bề mặt champlevé mờ và các họa tiết được đánh bóng. Thao tác này giúp cải thiện khả năng đọc thông số, làm nổi bật trang trí bởi vẻ ngoài lung linh, thông qua việc tạo ra trang trí hoặc kết cấu bằng cách nhấn mạnh vật liệu, khác với chạm khắc và điêu khắc – vốn là việc loại bỏ bớt vật liệu.

Phần trang trí ở giữa vỏ được tôn lên bởi một cặp đường viền “ngọc trai”, gợi sự liên tưởng đến bức tranh của Johannes Vermeer. Kiểu trang trí bằng hình cầu hoặc “ngọc trai” này đặc biệt thịnh hành vào đầu thế kỷ 20, đòi hỏi sự tỉ mỉ và thành thạo vô song.

Nối dài kỹ thuật tinh xảo được thực hiện ở phần giữa vỏ, phần quai cũng là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa với hai con sư tử gầm vang. Theo yêu cầu của khách hàng, những tác phẩm điêu khắc nổi ba chiều này được lấy cảm hứng từ những bức tượng cổ điển. Chân thực đến khó tin, được điêu khắc từ vàng khối, chúng là hiện thân của một trình độ bậc thầy hiếm có.

Chiều dài lạ thường của các kim – như kim phút dài 35mm – cũng là một thử thách, đặc biệt trong khi hoàn thiện các bề mặt đánh bóng và đảm bảo bề mặt đồng đều. Để tăng độ nhẹ, chúng được làm bằng chất liệu pfinodal, một hợp kim của đồng, niken và thiếc, sau đó được mạ vàng.

Les Cabinotiers Westminster Sonnerie – Tribute to Johannes Vermeer được trang bị bộ máy lên dây cót thủ công thế hệ mới cấu thành từ 806 chi tiết, được điều chỉnh bởi một tourbillon, kết hợp bộ điểm chuông Grande, Petite Sonnerie Westminster và một bộ điểm chuông theo phút. Trong số những tính năng của đồng hồ, những mẫu Grande Sonnerie luôn sở hữu một vầng hào quang đặc biệt, không chỉ do độ phức tạp vốn có của những cỗ máy điểm chuông nhiều cồng này, mà còn bởi chất lượng âm thanh độc đáo.


 
Back to top