Covid-19: Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ tăng mạnh trong khi nhiều đại gia Việt lao đao
Tuần qua, tài sản nhiều đại gia giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhưng tài sản của đại gia số một Việt Nam – Phạm Nhật Vượng – lại bất ngờ tăng mạnh sau thông tin tích cực trong công tác chống dịch.
Trong phiên giao dịch ngày 25/3, VIC tăng trần 5.000 đồng lên 76.500 đồng; VHM tăng trần 3.800 đồng lên 59.100 đồng và VRE cũng tăng trần 1.200 đồng lên 18.900 đồng/cổ phiếu.
Trên các diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư lan tỏa thông tin tập đoàn Vingroup đề xuất tài trợ gói trang thiết bị y tế, máy móc, hóa chất xét nghiệm virus Sars-CoV-2 trị giá 100 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 15/3, tập đoàn này đã hỗ trợ 5 tỷ đồng cho công tác chống dịch, 20 tỷ đồng cho các nghiên cứu chống Covid-19; Vincom Retail dành 300 tỷ đồng hỗ trợ các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống…
Nhờ diễn biến tích cực này mà vốn hoá thị trường của VIC đã tăng lên mức 258.756 tỷ đồng, vốn hoá VHM tăng lên 194.410 tỷ đồng, khiến tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng vọt.
Tài sản nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo “bốc hơi” 15.800 tỷ đồng
Tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (mã HDB), Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Hàng không VietJet (mã VJC), cũng giảm mạnh.
Tài sản của bà trong tuần vừa qua đã giảm hơn 1.300 tỷ đồng chủ yếu do sự sụt giảm của cổ phiếu VJC. Tính chung trong tháng 3, giá trị tài sản của bà Thảo đã sụt giảm gần 5.400 tỷ đồng, hiện ở mức 20.250 tỷ đồng.
Tài sản chủ tịch Techcombank giảm 171 tỷ đồng
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank và là cổ đông Masan Group, dù cổ phiếu MSN tăng nhẹ 100 đồng sau 1 tuần giao dịch nhưng việc TCB giảm giá khiến cho giá trị tài sản của ông giảm nhẹ 28 tỷ đồng trong tuần qua và giảm 171 tỷ đồng trong tháng 3. Hiện tổng tài sản của ông Hùng Anh là 12.800 tỷ đồng.
Cổ phiếu SBT “bốc hơi” 45,5%
Cổ phiếu SBT của Mía đường Thành Thành Công – Biên Hoà sau 3 phiên liên tục giảm sàn thì sáng 26/3 đã hồi phục 2,1% lên 12.150 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, SBT “bốc hơi” 45,5% giá trị chỉ trong 1 tháng.
Cú “đảo chiều” của SBT diễn ra ngay sau khi ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn TTC – thông báo sẽ mua vào 10 triệu cổ phiếu SBT tương ứng với 1,6% vốn điều lệ. Dự tính, ông Thành sẽ phải chi trên 120 tỷ đồng để hoàn thành giao dịch trên.
Nếu ông Thành mua vào thành công khối lượng cổ phiếu trên thì gia đình ông sẽ nắm giữ khoảng 29% vốn điều lệ SBT.
Đại gia Nam Định đóng hàng loạt cửa hàng vì Covid-19
Kể từ ngày 26/3, thực hiện theo yêu cầu của UBND một số phường trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thế Giới Di Động đã tạm thời đóng cửa các siêu thị Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tại các phường này cho đến khi có thông báo tiếp theo của UBND thành phố.
“Trong 2 tuần cao điểm của công tác phòng chống dịch, chúng tôi sẽ nghiêm túc chấp hành theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Do đó, tùy tình hình dịch bệnh ở từng địa phương, một số cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh khác có thể sẽ tạm thời đóng cửa trong thời gian tới” – thông báo của Thế Giới Di Động nêu.
Công ty của đại gia Nguyễn Đức Tài này cũng cho biết, trong thời gian tạm ngưng phục vụ khách tại siêu thị, khách hàng có nhu cầu vẫn có thể đặt hàng trực tuyến (online).
Cổ phiếu liên quan ông Trịnh Văn Quyết diễn biến tiêu cực
Nhóm cổ phiếu họ FLC của ông Trịnh Văn Quyết diễn biến tiêu cực. FLC phiên 28/3 giảm sàn xuống còn 2.850 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh mạnh đạt gần 13,5 triệu đơn vị. Đây cũng là vùng giá thấp nhất lịch sử của FLC kể từ khi mã này niêm yết tới nay. Tính trong 1 tháng qua, FLC đánh mất gần 26% giá trị.
Tương tự, AMD cũng giảm sàn còn 3.160 đồng, thanh khoản yếu, khớp lệnh chỉ đạt 277 nghìn đơn vị trong khi không có dư mua, dư bán sàn gần 1 triệu cổ phiếu. HAI cũng giảm sàn còn 2.970 đồng, dư bán sàn hơn 5,6 triệu đơn vị và cũng trắng bên mua.
ROS giảm 5,76% còn 3.760 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh “khủng” gần 23,6 triệu đơn vị. Phiên này, ROS thiết lập mức đáy của mã này trong lịch sử niêm yết của FLC Faros.
Theo thống kê, ROS đã đánh mất gần 52% giá trị chỉ trong vòng 1 tháng giao dịch vừa qua và giảm giá tới hơn 81% so với 3 tháng trước.
Tài sản bầu Đức giảm mạnh
Ngày 23/3, HAG của Hoàng Anh Gia Lai cũng giảm sàn xuống còn 2.740 đồng. Khớp lệnh tại mã này đạt hơn 3 triệu đơn vị, không có dư mua và vẫn còn dư bán sàn. Đây là mức giá thấp nhất lịch sử của mã cổ phiếu này, đống nghĩa với giá trị tài sản trên sàn của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cũng thấp nhất từ trước đến nay.
Hiện tại, bầu Đức đang sở hữu 329,73 triệu cổ phiếu HAG và giá trị của khối cổ phiếu này chỉ còn đạt 901 tỷ đồng. Con số này đã giảm rất mạnh, đưa ông Đức từng là người giàu nhất Việt Nam cách đây hơn 10 năm trước xuống vị trí thứ 60 trong bảng danh sách người giàu.