ART & LIFE

Họa sĩ Anh Hoa & Nét đẹp phụ nữ trong vườn hoa nghệ thuật

Dec 18, 2019 | By admin

Phụ nữ trong tranh của Anh Hoa được chị nâng niu trìu mến qua từng đường cọ chấm phá, hòa sắc tinh khôi cùng khung cảnh trữ tình bao quanh.   

họa sĩ Anh Hoa luxuo art một sớm mai xuân

Tác phẩm “Hương Sen” của họa sĩ Anh Hoa

Hoàn thành chương trình Thạc sĩ Mỹ thuật vào năm 2012 từ Đại học Mỹ thuật TP. HCM, ngôi trường nơi chị tốt nghiệp cử nhân khóa 1986, họa sĩ Anh Hoa tạo ấn tượng với cộng đồng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước qua những tác phẩm hội họa ý nhị về đề tài, lãng đãng trong tâm tư, và bồng bềnh với cảm xúc. Ngắm nhìn người phụ nữ trong tranh của Anh Hoa, người xem dễ dàng mến cảm nét đẹp thanh tú, trong trẻo, nền nã đậm tinh thần cổ điển, để rồi xao xuyến bởi thế giới êm đềm lặng yên trong từng khoảnh khắc mà tâm hồn người con gái hòa mình với khóm hoa, ngọn cỏ, tiếng chim hót… 

Trước thềm triển lãm “Một Sớm Mai Xuân” do Luxuo Art tổ chức vào ngày 27 và 28/12, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng nữ họa sĩ về hành trình nghệ thuật của chị. 

Tác phẩm “Xuân Ý”

Cơ duyên nào đã đưa chị đến với con đường sáng tác nghệ thuật?

Con đường sáng tác nghệ thuật của tôi có lẽ bắt đầu từ khi chọn bước chân vào trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM. Còn vì sao tôi lại chọn thi vào trường Mỹ thuật thì lại là một câu chuyện khác (cười). Nhưng đó không phải là một hành trình suôn sẻ. Một thời gian dài, tôi phải tạm gác chuyện vẽ sang một bên vì những mưu sinh hàng ngày, cũng như để chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. 

Chỉ đến khi tôi quay lại trường Mỹ thuật học Cao học thì hứng khởi mới nhen nhóm trở lại. Tuy vậy, những trải nghiệm trong cuộc sống đã giúp tôi học tốt hơn rất nhiều so với thời học Đại học, dù ở thời điểm ấy tôi đã bỏ vẽ đằng đẵng hơn 10 năm trời. Điều đó cũng khiến tôi ngạc nhiên về bản thân mình, và xem đó là cột mốc đánh dấu sự chạm ngõ thật sự với đam mê. 

Những chủ đề nhẹ nhàng, dung dị, gần gũi sẽ khiến đem lại luồng cảm xúc tươi tắn, tích cực, giúp tưới mát tâm hồn.

Cảm hứng vẽ tranh của chị thường đến từ đâu? Tại sao chị lại chọn hình ảnh những cô gái bên hoa và thiên nhiên, cỏ cây trong các sáng tác của mình? 

Câu trả lời đã nằm trong câu hỏi của bạn. Đúng là cảm hứng sáng tác của tôi phần nhiều đến từ những cô gái bên hoa cỏ thiên nhiên. Tuy chủ đề này ắt hẳn không có gì lạ, đã từng được nhiều họa sĩ trên thế giới lẫn Việt Nam khắc họa, nhưng mỗi người sẽ có một góc nhìn và cảm nhận riêng, từ đó đem lại cách truyền tải riêng giúp vườn hoa nghệ thuật luôn phong phú. 

Theo góc nhìn chủ quan lẫn khách quan, tôi nghĩ phụ nữ hiện đại ngày nay phải rất mạnh mẽ để đương đầu với cuộc sống hiện đại gồm công việc, đồng nghiệp, gia đình, và xã hội nói chung. Chừng ấy áp lực, chắc chắn là rất mệt mỏi. Chính vì vậy nên tôi không chọn những đề tài gai góc, phản ánh đời sống xã hội, biết bao hình ảnh tiêu cực từ tin tức và báo đài hàng ngày cũng quá đủ rồi.  

Những chủ đề nhẹ nhàng, dung dị, gần gũi sẽ khiến đem lại luồng cảm xúc tươi tắn, tích cực, giúp tưới mát tâm hồn. Tại sao tôi phải chọn những chủ đề luân lý hay đấu tranh xã hội khi tư duy vẽ của tôi không phải là cách duy nhất để thể hiện quan điểm của mình về những vấn đề đó. 

họa sĩ Anh Hoa luxuo art một sớm mai xuân

Tác phẩm “Mùa Sen”

Dường như hoa sen xuất hiện nhiều nhất trong tranh của chị. Vì sao chị lại có niềm yêu mến đặc biệt với loài hoa này? 

Hoa sen vốn là chủ đề yêu thích của nghệ thuật nói chung chứ không riêng gì mỹ thuật. Tại Việt Nam, hoa sen được các họa sĩ mang niềm yêu mến đặc biệt vì loài hoa này là biểu tượng quốc hoa, mang bản sắc dân tộc rất mạnh. Các cô gái bên hoa sen, trong mắt tôi rất Việt, và không dễ gì nhầm lẫn giữa những trào lưu văn hóa đa chiều trong thế giới phẳng ngày nay. Nhìn từ góc độ văn hóa Việt thì hoa sen biểu hiện cho sự cao quý. Tôi muốn sử dụng mô-típ này nhằm nói lên cái đẹp thanh cao ở người phụ nữ mà tôi vốn rất quý trọng. 

Chị có thể giới thiệu sơ qua về các tác phẩm sẽ góp mặt trong triển lãm Luxuo Art “Một Sớm Mai Xuân” lần này? 

Các tác phẩm trong triển lãm được tôi chọn lọc khá kỹ lưỡng nhằm đem đến cho người thưởng lãm góc nhìn phong phú về tư duy tác phẩm cùng hình thức như chất liệu, kích thước… Với chủ đề về mùa xuân trong triển lãm lần này, tôi muốn truyền tải góc nhìn đa chiều, có ẩn ý về chiều sâu nội dung hơn chứ không đơn thuần thỏa mãn về mặt hình thức như mai, đào, gái xuân… 

Có chút gì đó trong mùa đông ấm áp bởi vẻ thẹn thùng, nửa kín nửa hở, đó là xuân trong tác phẩm Mùa Đông. Hai cô gái nhỏ hái đài sen với sự chuyển động kỳ ảo của những cành sen tạo ra một sắc xuân đặc biệt là điều bạn sẽ tìm thấy trong Mùa Sen. Ở Xuân Ý có một cô gái ngồi như thiền, tĩnh tâm với tổ chim trên đầu như thể hiện một vẻ đẹp xuân tinh tế. Ai nói xuân là vui thôi chứ không buồn, thì vẫn có một nét đẹp buồn rất xuân mà bạn có thể thấy ở Sầu Hoa. Và với Hương Sen, đó là cả một mùa sen rực rỡ bên những cô gái đương xuân đầy cảm xúc.

Tác phẩm “Mùa Đông”

Chị thường sử dụng chất liệu gì để vẽ? Lý do gì khiến chị bị thu hút bởi chúng? 

Vốn học khoa Sơn dầu, nhưng tôi cũng thử sức với nhiều chất liệu khác như acrylic, sáp dầu, và cả lụa nữa. Mỗi chất liệu đều có tính chất riêng, quan trọng là lựa chọn chất liệu phù hợp với chủ đề mà mình hướng tới. Gần đây tôi vẽ nhiều nhất với acrylic. Tôi thích nó bởi sự dễ chịu của chất liệu:  Dung môi của acrylic là nước, nên có thể gần như vẽ được trên mọi chất liệu nền như toan vẽ, vải, gỗ, đá, da, giấy… trừ những chất liệu quá đặc biệt như kiếng và gốm sứ. Acrylic có thể vẽ dày như sơn dầu hoặc mỏng như màu nước, có thể được sử dụng cùng các loại cọ, bay vẽ, và các họa cụ mà người nghệ sĩ có thể nghĩ ra để diễn tả chất tùy khả năng kỹ thuật xử lý của mỗi người. 

Thường phải mất bao lâu để chị hoàn thiện một tác phẩm? Chị thường ở trong trạng thái, tâm trạng gì khi vẽ?  

Thời gian tôi hoàn thành một bức vẽ cũng khá là vô chừng, cũng khó nói trừ khi mình bàn về từng bức tranh cụ thể. Kích thước tác phẩm mà tôi mong muốn và sự ảnh hưởng từ những công việc khác, vì tôi vẫn phải đi làm bình thường như bao người, đều tác động không nhỏ đến thời gian sáng tác.

Cảm hứng cũng quyết định phần lớn. Tôi tập trung sáng tác nhiều nhất có lẽ là tháng hè và tháng Tết, vì khi ấy tôi được nghỉ nhiều hơn. Thời gian tôi ấp ủ một bức tranh cũng khá lâu, ngang bằng hoặc có khi hơn cả thời gian thực hiện. Trạng thái, tâm trạng không gì nhiều ngoài cảm xúc muốn vẽ và vẽ. Và khi hoàn thiện xong một tác phẩm mà mình vừa ý, nó đem lại cho tôi cảm giác như mình vừa tốt nghiệp xong một lần nữa. Vì vậy nên vẽ đối với như là học. Cả đời mình mắc nợ chuyện học hành và thi cử (cười).    

Chị có hâm mộ hay chịu ảnh hưởng của nghệ sĩ đi trước nào không?

Có quá nhiều họa sĩ kỳ tài trong và ngoài nước để những người đi sau ngưỡng mộ, và việc thay đổi hay yêu thích thêm thần tượng theo thời gian là điều không thể tránh khỏi. Dù có thích ai đến đâu, chắc chắn là tôi không muốn có sự sao chép hay bị ảnh hưởng quá nặng đến nỗi mất đi cái riêng của mình. Trước đây không lâu tôi rất thích tranh của họa sĩ Gustav Klimt, nhưng ở thời điểm hiện tại tôi lại thích tranh của họa sĩ Pháp Pierre Boncompain với chủ đề phụ nữ bằng lối vẽ rất thoáng và duyên dáng. 

Phụ nữ giờ đây đã vượt khỏi những định kiến xã hội, để tìm thấy cho mình niềm đam mê, theo đuổi và đóng góp tích cực cho xã hội và nhân loại trong những vai trò không hề nhỏ.   

Là một họa sĩ nữ, chị nghĩ sao về vai trò của phụ nữ trong bản đồ nghệ thuật trong nước và thế giới? 

Nghệ sĩ nói chung, và họa sĩ nói riêng, luôn có mối lưu tâm trong việc điều hướng trí tưởng tượng và nhiều khía cạnh khác trong đời sống xã hội nhằm phục vụ cho sáng tạo nghệ thuật. Nói thì có vẻ to tát quá, nhưng chắc hẳn ai cũng mong muốn biết được vị trí của mình trong mối tương quan với thế giới xung quanh trong việc sáng tạo nghệ thuật từ nhà ra ngõ, từ Việt Nam ra đến thế giới. 

Trên hành trình khắc tên mình trên bản đồ nghệ thuật thì phụ nữ Việt Nam ngày nay đã có điều kiện hơn trong việc hòa nhập với đời sống nghệ thuật trong nước và thế giới. Điều kiện kinh tế và xã hội thay đổi, phương tiện truyền thông hỗ trợ, nên ta dễ dàng nhận thấy những nhóm nhỏ hoặc những tổ chức liên quan đến nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng có đội ngũ phụ nữ tham gia hùng hậu và ở vị trí lãnh đạo cũng khá nhiều. Phụ nữ giờ đây đã vượt khỏi những định kiến xã hội, để tìm thấy cho mình niềm đam mê, theo đuổi và đóng góp tích cực cho xã hội và nhân loại trong những vai trò không hề nhỏ.   

Nghệ thuật đóng vai trò và mang ý nghĩa ra sao với chị? 

Chân, thiện, mỹ là điều con người luôn hướng đến. Ngạn ngữ Ả Rập có câu: Nếu tôi có hai chiếc bánh mì, thì tôi sẽ bán đi một cái để mua hoa hồng, bởi vì tâm hồn tôi cũng cần được ăn uống. Nói một cách bình dân thì nghệ thuật giúp “xả stress”. 

Một mặt nào đó, nghệ thuật giúp tôi phần nào giải phóng năng lượng tiêu cực, đào bới góc khuất sâu kín nhất và hòa giải chúng. Nghệ thuật giúp tôi cân bằng được đời sống cá nhân với đời sống xã hội. Nghệ thuật kích thích sáng tạo, tạo ra nhu cầu thôi thúc con người hành động tích cực, kích hoạt sức mạnh tiềm ẩn ở góc độ chân, thiện, mỹ. Và tôi thấy mình may mắn được nằm trong số những người hoạt động nghệ thuật, dù rất nhỏ nhoi. 

Tác phẩm “Sầu Hoa”

Chị có ký ức đặc biệt nào về triển lãm trước đây, hay về một nhà sưu tầm mua tranh của chị không? 

Tôi rất vui thích và yêu mến những nhà sưu tập tranh của tôi, vì gần như chúng tôi đều trở thành bạn bè sau đó. Nhà sưu tầm đầu tiên của tôi là anh Trịnh Y Thư, một nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ guitar kiêm dịch giả chuyên nghiệp với những tác phẩm nổi tiếng thế giới như Đời Nhẹ Khôn Kham, Jane Eyre, Căn Phòng Riêng… Anh Y Thư có nhiều bạn bè là họa sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ trước như Đinh Cường, Trịnh Cung, Nguyễn Đình Thuần, Nguyên Khai… 

Vì cũng là người đam mê, sinh hoạt nghệ thuật nên anh Y Thư thường có những phê bình khá sắc bén cho những tác phẩm hội họa. Nghe anh phân tích một tác phẩm khiến tôi luôn có những điều mới mẻ được vỡ ra trong nhận thức. Và điều đáng nói, anh rất thích thể loại tranh trừu tượng, nhưng lại dành tình cảm đặc biệt cho tranh của tôi. 

Chị có thể chia sẻ đôi chút về dự định sáng tác trong tương lai gần? Hiện chị đang ấp ủ cho mình những dự án gì?

Họa sĩ nào cũng muốn luôn muốn tìm hướng đi mới cho mình, và sợ nhất là việc lặp đi lặp lại chính mình mà bản thân không hay biết, hoặc biết nhưng chưa thể khác đi được.  Thú thật với bạn là trên con đường nghệ thuật, việc hướng niềm tin, đi tìm bản sắc cho riêng mình không phải là điều một sớm một chiều có thể vạch được để đi từ kế hoạch này đến kế hoạch khác, và thực hiện ngay được như những nhà kinh doanh đại tài. 

Đó là cả một nỗi trăn trở để thay đổi trong quá trình tích góp và học hỏi. Nghệ sĩ là “chúa” tùy hứng mà, thường để cảm xúc dẫn dắt hơn là để trí lực điều khiển. Tôi cũng vậy, nên mọi người hãy đón xem những tác phẩm mới của tôi hơn là để tôi lên tiếng hứa hẹn điều  gì. Làm thì cứ làm thôi. (cười)

Cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện. 


Luxuo Art Một Sớm Mai Xuân

Tiếp nối triển lãm đầu tiên “nguyên”, Luxuo Art trở lại với “Một Sớm Mai Xuân”, diễn ra từ ngày 27 đến 28/12 tại Mai House Saigon. Triển lãm sẽ đem đến khoảng lặng trữ tình cùng 18 tác phẩm của bốn nghệ sĩ Bùi Tiến Tuấn, Lê Minh Phong, Anh Hoa, và Trần Vĩnh Thịnh. Dưới sự giám tuyển của nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi, các tác phẩm hội họa trong triển lãm ánh lên vẻ nhẹ nhàng, thi vị, với sự rung cảm sâu đậm về cảnh sắc thiên nhiên và con người là sợi dây xuyên suốt tạo nên câu chuyện phản chiếu những khoảnh khắc lay động tâm hồn. Hân hạnh mời bạn đăng ký tham dự triển lãm tại đây


 
Back to top