Tiffany & Co. trở thành công ty bền vững đứng thứ 4 tại Mỹ
Barron vừa hợp tác với Calvert Research & Management để đưa ra danh sách 100 công ty bền vững nhất năm tại Mỹ. Năm 2019, Tiffany & Co. đã bất ngờ tăng 12 bậc, từ vị trí thứ 16 lên vị trí thứ 4.
Khái niệm sản xuất trang sức bền vững và có trách nhiệm với xã hội đã có từ lâu, nhưng đến gần đây, khi việc khai thác đang trở nên quá mức khiến tự nhiên suy tàn và sức khỏe con người kiệt quệ, chúng mới trở thành những điều khoản bắt buộc trong các hợp đồng khai thác. Phần lớn vàng trên thế giới đang được khai thác từ các mỏ lộ thiên, nơi bề mặt Trái Đất bị bào mòn khủng khiếp để tìm kiếm chút ít vi khoáng sản. Theo Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), các mỏ lộ thiên là một trong những hình thức khai thác phổ biến hiện nay. Tuy nhiên khối lượng các chất mong muốn thường chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với khối lượng đất đá còn lại, khiến diện tích quặng cần khai thác bị mở rộng, gây thiệt hại không nhỏ đến môi trường.
Các mối nguy tiềm tàng có mặt ở khắp nơi trong quá trình khai thác như vậy, bao gồm việc giải phóng nguyên tố phóng xạ, thải ra khoáng chất asbestos và bụi kim loại. Những hỗn hợp đá nghiền và chất lỏng và đá bùn sót lại làm ngộ độc lớp đá nền.
Trang sức bền vững – Khái niệm mâu thuẫn hay viễn cảnh khả thi?
Việc thiếu biện pháp phòng ngừa kèm chất thải sau khai khoáng đã làm tăng nồng độ các chất độc hại như asen, axit sunfuric và thủy ngân. Nguồn nước bề mặt lẫn mạch nước ngầm đều bị ô nhiễm và tàn phá thảm thực vật xung quanh. Hàng trăm tấn thủy ngân bay vào không khí mỗi năm cũng làm suy giảm trầm trọng chất lượng không khí.
Trong một tuyên bố gửi Tạp chí Smithsonian năm 2014, Alan Septoff, Giám đốc truyền thông của No Dirty Gold cho biết vàng bẩn sẽ chỉ càng bẩn hơn, vì “Những gì chúng ta để lại chỉ còn là quặng chất lượng rất thấp, với tỷ lệ đá lớn hơn nhiều so với vàng. Không có cái gọi là vàng sạch, trừ khi chúng được tái chế hoặc thuộc về thời cổ.” Điều này có nghĩa là, chúng ta đang sử dụng ngày càng nhiều hơn các nguồn năng lượng và chất gây ô nhiễm để khai thác vàng, tạo nên vòng xoáy ảnh hưởng ngày càng tồi tệ.
Những thách thức để sản xuất trang sức bền vững còn tăng theo cấp số nhân khi ngày nay, hầu hết các phụ kiện cao cấp đều được chế tác với đá quý hoặc kim cương, những khoáng sản nằm sâu trong lòng đất và đòi hỏi quá trình khai thác khó khăn hơn rất nhiều, gây tác hại đến môi trường theo nhiều mức độ.
Và tất nhiên, yếu tố xã hội cũng là một đóng góp không nhỏ vào bộ sưu tập thử thách này. Hẳn chúng ta còn nhớ những viên “kim cương máu” trong bộ phim Blood Diamond do nam tài tử Leonardo Di Caprio đóng vai chính. Việc khai thác và sản xuất kim cương đã gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến nhân quyền, tiếp tay cho viện trợ quân đội và nạn diệt chủng. Mặc dù Kimberley Process năm 2003 đã giúp đưa tỷ lệ xung đột xung quanh khai thác đá quý giảm từ 15% những năm 90 xuống còn 1% hiện tại, nhưng nhiều công ty vẫn tiếp tục bán kim cương máu, đặc biệt ở vùng chiến tranh liên miên như Angola, Sierra Leone và Congo.
Tệ nhất là những vi phạm hình sự về vấn đề trốn tránh nguồn gốc bằng cách kê hóa đơn dưới mức hay điều chỉnh bất hợp pháp các khoản thu nhập nhằm tránh thuế. Những điều này không nằm trong điều khoản “xung đột kim cương” của bất kì đạo luật nào. 99% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp “kim cương sạch” có thể tồn tại là nhờ giấu đi những câu chuyện bạo lực đằng sau các viên “kim cương sạch” của họ. Kimberley Process mất đi phần lớn uy tín kể từ khi thành viên chủ chốt, Global Witness, rời đi vào tháng 12 năm 2011. Từ đó, đa số kim cương đã không còn là “kim cương sạch”. Chỉ có một số rất ít chứng minh được xuất xứ rõ ràng mà thôi.
Vậy thứ hạng cao cho kim cương bền vững có khi nào là điều bất khả với một thợ kim hoàn hay không?
Theo ông Bogliolo, các giá trị của sự bền vững là điều cốt lõi đối với thương hiệu kim hoàn 182 tuổi này, bởi với vai trò của “người tạo nên sắc đẹp và bảo vệ tự nhiên”, họ đang nỗ lực cao nhất để mang lại niềm vui cho khách hàng.
“Sự bền vững là trái tim của thương hiệu Tiffany & Co. Nó vừa là di sản, vừa là tương lai của chúng tôi. Tiffany mang lời hứa sẽ bảo vệ vẻ đẹp của địa phương, nuôi dưỡng con người và nâng niu sự phát triển”, Alessandro Bogliolo, CEO của Tiffany & Co.
Được LVMH mua lại gần đây, Tiffany & Co nghiễm nhiên trở thành cái tên đứng đầu trong giới xa xỉ toàn cầu và bắt đầu trách nhiệm dẫn dắt. Năm 2019, Tiffany đưa ra chương trình Diamond Source Initiative, sáng kiến nhằm giúp khách hàng xác định nguồn gốc (vùng hoặc quốc gia xuất xứ) của tất cả các viên kim cương riêng lẻ mới được đăng ký và cùng với các đối tác, thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu mới để khai thác có trách nhiệm. Các sản phẩm của Tiffany không còn là món quà của sắc đẹp đơn thuần mà còn khẳng định niềm tin về tuân thủ các tiêu chuẩn hàng đầu nhằm bảo vệ môi trường, nhân quyền và tính minh bạch trong ngành.
Tiffany & Co đã phối hợp với PricewaterhouseCoopers LLP (PwC) để đánh giá độc lập các sản phẩm dựa trên bốn chỉ số bền vững chủ chốt: truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu, đảm bảo việc làm và đa dạng hóa lao động, hỗ trợ tài chính cho hoạt động môi trường và giảm hiệu ứng nhà kính, tăng năng lượng tái tạo.
Mặc dù các số liệu của năm 2019 chưa được tổng hợp, chúng tôi có thể theo dõi các chỉ số trong năm tài chính 2018 để hiểu sự tăng vọt của Tiffany & Co trong bảng xếp hạng bền vững của Barron là do đâu.
Số liệu cho thấy kể từ năm 1998, Tiffany & Co đã luôn nỗ lực cung cấp kim loại quý như vàng, bạch kim và bạc một cách có trách nhiệm. Trong năm tài chính 2018, 99% kim loại quý thô được nhà kim hoàn Mỹ mua trực tiếp đều được truy xuất nguồn gốc từ các mỏ khai thác ở Mỹ hoặc từ các mỏ tái chế. Tiffany & Co đã áp dụng các biện pháp hàng đầu trong ngành như luật vàng “No Dirty Gold” của Earthwork nhằm giữ trách nhiệm xã hội và môi trường từ năm 2005. Hãng còn có những thỏa thuận rõ ràng để giảm thiểu việc gián tiếp đầu tư cho xung đột vũ trang hay vi phạm nhân quyền. Trong năm ngoái, Tiffany & Co đã bắt đầu sử dụng nguồn cung kim loại nhỏ và thủ công tại Mỹ thông qua một dự án thí điểm sử dụng các kỹ thuật khai thác có trách nhiệm nhằm bảo vệ môi trường.
Helen Mbugua, chuyên gia phân tích bán lẻ của Calvert Research and Management cho biết: “Kể từ năm 2008, Tiffany đã là hãng tiên phong trong hoạt động vì môi trường.” Công ty tư vấn của cô đã làm việc với tổ chức Barron để cho ra danh sách 100 công ty bền vững nhất ở Mỹ và Tiffany là cái tên có những nỗ lực vượt trội.
Còn chất lượng những viên đá quý thì thế nào? Theo ước tính, khoảng 80% đá quý màu trên thế giới có nguồn gốc từ các mỏ thủ công quy mô nhỏ trải rộng trên 40 quốc gia. Do đó, việc truy xuất rõ ràng nguồn gốc của chúng trở nên vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Với các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc của khoảng 70 loại đá khác nhau đang được sử dụng tại Tiffany, nhà kim hoàn này đang dần thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp thực tế cho chuỗi cung ứng, đồng thời tìm cách tăng tính minh bạch và rõ ràng về nguồn gốc cho các loại đá.
Trong khi tính minh bạch và nạn vi phạm nhân quyền trở nên không thể kiểm soát tại Afghanistan hay Myanmar thì quyết định đúng đắn nhất là tránh xa các nguồn gốc này. Những tiêu chuẩn và biện pháp thực tế đã được chia sẻ nhằm thúc đẩy cung ứng đá quý có trách nhiệm. Các hoạt động hậu cần được hỗ trợ nhờ quan hệ đối tác hoặc tương trợ lẫn nhau, nơi Tiffany & Co. Foundation đưa ra sự hỗ trợ cho rất nhiều đối tượng, từ thợ mỏ và thương nhân đến thợ cắt và đánh bóng, để đem lại sinh kế bền vững và mở rộng cộng đồng.
Mặc dù không sở hữu hay vận hành bất kỳ mỏ kim loại nào, Tiffany & Co. vẫn duy trì các tiêu chuẩn cao nhất cho chuỗi cung ứng, đảm bảo các nhà cung cấp phải tuân thủ theo giá trị và chính sách họ đưa ra. Hãng còn nỗ lực thúc đẩy những sự thay đổi vượt ra khỏi phạm vi hoạt động của mình, bao gồm việc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và phối hợp với tất cả các bên liên quan nhằm khuyến khích khai thác có trách nhiệm. Năm 2006, Tiffany & Co đã ra mắt sáng kiến Chứng nhận Khai thác có trách nhiệm (Initiative for Responsible Mining Assurance) và trở thành thành viên sáng lập của Hội đồng trang sức bền vững (Responsible Jewellery Council).
Barron và Calvert còn nhận thấy các công ty tập trung vào hoạt động bền vững, chăm sóc tốt cho nhân viên, tạo ra lực lượng lao động đa dạng và hỗ trợ cộng đồng có xu hướng hoạt động tốt hơn. 100 công ty bền vững trong danh sách đã có lợi nhuận trung bình 34,3% trong năm 2019, đánh bại chỉ số lợi nhuận S&P 500 với mức 31,5% vào năm ngoái.
Mbugua chia sẻ thêm rằng các khách hàng đang đòi hỏi nhiều hơn và có xu hướng ủng hộ những công ty có giá trị phù hợp với giá trị của họ. Rủi ro danh tiếng cũng là một yếu tố thúc đẩy các công ty xem xét kỹ những hoạt động liên quan đến xã hội và môi trường. Chẳng hạn, nếu một công ty như Tiffany sử dụng kim loại quý có nguồn gốc phi đạo đức thì doanh thu của công ty sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện nay Tiffany & Co. đang sử dụng 82% năng lượng tái tạo, 50% giám đốc nữ trong hội đồng quản trị và có chính sách phúc lợi tốt cho cả nhân viên bán thời gian.