CAR & YATCH

Chính thức ra mắt Yacht Style Vietnam #1: Những người dẫn đầu

Sep 15, 2020 | By Hai Yen

Với đường bờ biển dài đến 3.500km, Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn cho ngành du thuyền, trở thành điểm đến tiếp theo của trung tâm du thuyền ở Châu Á – Thái Bình Dương, sau các quốc gia chủ chốt khác như Hongkong, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines, đại diện cho một nhóm dân cư địa phương giàu có mong muốn trải nghiệm phong cách sống biển sang trọng.

2020 có thể được xem như một năm đầy sóng gió đối với ngành du thuyền thế giới. Nước Ý, vốn được xem như một trong những thủ phủ du thuyền toàn cầu, lao đao vì đại dịch. Hàng loạt xưởng sản xuất đóng cửa, các giao dịch tạm ngưng, hoạt động du lịch bị hạn chế, những con tàu im lìm nằm dưới tấm bạt phủ hay cập trên bến tàu chưa bao giờ trông buồn bã đến thế. Nhưng thời khắc biến động ấy cũng đánh dấu một cột mốc mới cho Luxuo Media, khi chúng tôi quyết định ra mắt ấn phẩm du thuyền đầu tiên: Yacht Style Vietnam #1: Những người Dẫn đầu.

Chúng tôi có liều lĩnh không? Hẳn nhiên là có. Nhưng sự liều lĩnh này đã được củng cố thêm rất nhiều bởi niềm tin rằng ngành du thuyền đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, nơi có một thế hệ nhà khởi nghiệp nổi lên với việc kinh doanh du thuyền và phát triển bến du thuyền, nơi có những người chủ du thuyền đang ngày càng tận hưởng thú vui lướt trên con sóng lớn.

Đó chính là ông Đặng Bảo Hiếu, người đã đặt những tảng đá đầu tiên xuống Vịnh Nha Trang để tạo nên Ana Marina – bến du thuyền đạt chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam – cách đây gần 10 năm (trang 48). Đó là ông Đoàn Viết Đại Từ, nhà sáng lập Tam Son Yachting, đơn vị sở hữu và phân phối du thuyền từ các hãng lớn nhất trên thế giới như BENETEAU, Lagoon, Monte Carlo Yachts và Zodiac tại Việt Nam (trang 42), với tầm nhìn và chiến lược bài bản khi tiến hành song song việc kinh doanh với xây dựng hạ tầng cho bến và dịch vụ du thuyền. Hay đó cũng có chính là ông Nguyễn Đức Thuận, người đã đưa 12 hãng du thuyền đa phân khúc về Việt Nam chỉ với một trăn trở là với 3.200km đường bờ biển, vì sao Việt Nam lại chưa có một ngành du thuyền phát triển (trang 54).

Chúng tôi tin rằng, chúng tôi không đơn độc trong niềm lạc quan về tương lai của thị trường du thuyền Việt Nam này. Để chuẩn bị cho ấn phẩm Yacht Style đầu tiên, chúng tôi đã trò chuyện cùng rất nhiều người trong ngành. Giữa lúc mọi người còn đang nhập nhằng về khái niệm du thuyền (yacht) và tàu du lịch (cruise); giữa lúc hầu hết tàu cho hoạt động du lịch tại Việt Nam vẫn là tàu hoán cải; và hầu hết các quy định về tàu thuyền tại Việt Nam đều là cho ngư dân hoặc tàu chở hàng, hơn bao giờ hết; việc mở ra một ấn phẩm du thuyền để làm rõ khái niệm, đào sâu vào thú chơi du thuyền, là điều rất cần thiết.

Trong ấn phẩm lần này, bạn đọc sẽ có dịp tìm hiểu rõ nét hơn về câu chuyện thương hiệu và triết lý vận hành đằng sau những tòa biệt thự nguy nga trên biển như Lagoon SIXTY 7 (trang 66), Predator 60 Evo (trang 70), Prestige 420 (trang 74), Azimut 78 (trang 78). Chúng ta sẽ cùng nhau theo dõi cuộc “so găng” đầy cân sức của Merry Fisher 1095 và N33 của Jeanneau (trang 82), hay bước chân vào thế giới của những chiếc du thuyền hai thân – tương lai của du thuyền đô thị (trang 90), hoặc chìm đắm trong thế giới hào hoa nhưng khiêm cung, kín đáo của Prestige (trang 34).

Khi công chúng bắt đầu hiểu du thuyền là gì và bằng cách nào chúng lại có thể bổ trợ nền kinh tế – du lịch, ngày càng nhiều người Việt sẽ bắt đầu đón nhận nét văn hóa mới này. Và khi một vài người dũng cảm bắt đầu mạo hiểm ra biển, nỗi sợ về những điều chưa biết sẽ sớm nhường chỗ cho cơn khát phiêu lưu. Mọi thứ đã sẵn sàng. Làn nước êm ấm áp, những vịnh biển đẹp đẽ như thiên đường, và những người dẫn đầu nhiệt huyết đã sẵn sàng để lướt sóng phục hồi trong nhiều năm tới.

Cho đến lúc đó, chúng ta có thể mong đợi những khởi đầu chậm rãi, đôi chút miễn cưỡng, đây đó sẽ có những sai lầm trong công tác điều hành, nhưng nhìn chung sẽ có sự gia tăng ổn định trong nhận thức và tiếp thu trong ngành du thuyền trên khắp Việt Nam.


 
Back to top