Sau Tiffany & Co., Cartier tiếp tục đóng boutique tại 1881 Heritage – Tương lai bán lẻ xa xỉ tại Hong Kong sẽ về đâu?
Cartier vừa thông báo sẽ đóng boutique tại trung tâm thương mại nổi tiếng 1881 Heritage trong quá trình hợp nhất mạng lưới bán lẻ ở khu mua sắm sầm uất Tiêm Sa Chủy, Hong Kong.
Theo SCMP, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19 và bối cảnh kinh doanh xa xỉ tại Hong Kong bị sụt giảm doanh số, Cartier đã quyết định đóng boutique tại 1881 Heritage của CK Asset trên đường Canton, đồng thời mở cửa hàng outlet mới tại K11 Musea, New World Development và cải tạo cửa hàng hiện có trên Đường Bắc Kinh.
Được biết, đây chính là một trong bảy cửa hàng của nhà sản xuất kim hoàn và đồng hồ cao cấp ở Hong Kong để củng cố mạng lưới bán hàng. Hành động này cho thấy tình trạng khó khăn của ngành bán lẻ xa xỉ tại thành phố này trước bối cảnh suy thoái kinh tế và lượng khách du lịch giảm.
Việc thay đổi và cải tạo ba cửa hàng ở khu mua sắm Tiêm Sa Chủy cho thấy những thay đổi chiến lược mà các nhà kinh doanh xa xỉ đang thực hiện để tồn tại. Tiêm Sa Chủy, điểm đến nổi tiếng của những người khách hàng xa xỉ đến từ Trung Quốc đại lục, đã phải chịu gánh nặng khổng lồ với doanh số bán lẻ liên tục giảm trong 19 tháng liên tiếp.
Nhà phân tích lĩnh vực bất động sản, Jeff Yau của Ngân hàng DBS (Hong Kong) cho biết: “Các trung tâm thương mại ở các khu mua sắm cần phải thay đổi cơ cấu. Khi chi tiêu của khách du lịch giảm, [các nhà bán lẻ] xa xỉ sẽ không cần nhiều cửa hàng vật lý. Quy trình tái cấu trúc đang diễn ra trong ngành xa xỉ.”
Dưới đây là biểu đồ giá cho thuê và số lượng thuê mặt bằng tại một trong những thành phố lớn nhất của Hong Kong – Cửu Long (Kowloon):
Khách du lịch giảm, kéo theo việc giảm chi tiêu của người dân địa phương vì sự bất ổn trong công việc. Theo dữ liệu của Knight Frank, điều này có thể khiến tổng doanh thu bán lẻ chạm đáy ở mức khoảng 41,2 tỷ USD trong năm 2020, đưa quy mô của ngành trở lại như cách đây một thập kỷ, tạo nên giới hạn mới cho doanh số bán lẻ hàng năm của Hong Kong.
Martin Wong, Phó giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn thị trường Trung Quốc đại lục tại Knight Frank cho biết: “Do ngành bán lẻ hiện nay chỉ có thể dựa vào tiêu dùng địa phương nên doanh số bán hàng xa xỉ chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị bán lẻ, so với mức 19% của một thập kỷ trước. Tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho thị trường bán lẻ xa xỉ của Hong Kong, vốn là yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của việc cho thuê mặt bằng các đại lộ chính cho đến năm vừa rồi.”
Trung tâm mua sắm 1881 Heritage được tái phát triển từ trụ sở cũ của cơ quan cảnh sát hải quân, là một trong bốn tòa nhà chính phủ lâu đời nhất còn lại từ những ngày Hong Kong còn là thuộc địa của Anh. Tòa nhà mở cửa trở lại vào năm 2009 với vai trò là khu di sản và trung tâm mua sắm do CK Asset phát triển. Các cửa hàng của những thương hiệu xa xỉ khác vẫn còn hoạt động ở đây bao gồm Mikimoto, nhà cung cấp ngọc trai xa xỉ của Nhật Bản và nhà kim hoàn Van Cleef & Arpels.
“Cùng với sự thay đổi thói quen mua sắm, chúng tôi (Cartier) đang xem xét cẩn thận sứ mệnh tạo ra môi trường thuận lợi cho người tiêu dùng quốc tế”, nhà kim hoàn Pháp cho biết trong một tuyên bố. Việc cải tạo cửa hàng tại Đường Bắc Kinh và cửa hàng K11 mới sẽ ‘cộng hưởng với động lực bán lẻ xa xỉ mới trong thành phố’.”
Cartier không phải là thương hiệu duy nhất đóng cửa cửa hàng tại 1881 Heritage do ảnh hưởng từ lượng khách du lịch giảm. Vào cuối năm 2019, Tiffany & Co. cũng đã đóng cửa cửa hàng rộng 371 m2 sau khi hợp đồng thuê hết hạn.
Chuyên gia bất động sản Jeff Yau cho biết: “Vị thế của Hong Kong với các thương hiệu xa xỉ có lẽ sẽ dần biến mất trong dài hạn. Chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều nhà bán lẻ xa xỉ phải đóng cửa, mặt bằng trống tăng dần và quãng thời gian thay thế kéo dài. Có thể các chủ đầu tư sẽ phải giảm giá cho người thuê trong tương lai.”
Mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. Trước năm 2008, thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến chỉ chiếm chưa đến 5% doanh số bán lẻ của Hong Kong, nhưng con số này sẽ nhanh chóng tăng lên thành hai chữ số. Nhiều người tiêu dùng đang bắt đầu mua mỹ phẩm và các mặt hàng thời trang thông qua trực tuyến và bỏ dần nhu cầu ghé các cửa hàng truyền thống.
Ông Yau cũng cho biết thêm: “Những trung tâm mua sắm có nhiều khách hàng muốn thuê cửa hàng thời trang sẽ cần có thêm mặt bằng dành cho ẩm thực và giải trí. Vì về lâu về dài, đây là các lĩnh vực sẽ phục hồi nhanh hơn. Và có thể sẽ xuất hiện các khách thuê để kinh doanh về phong cách sống hoặc thể thao.”
Ông cũng cho biết nhà hàng và rạp chiếu phim có thể không trả nổi giá thuê mặt bằng quá cao tại các trung tâm thương mại, nhưng đây là những điểm đến thu hút khách hàng, và giữ được lượng khách ghé thăm cho các trung tâm mua sắm.
Doanh số bán lẻ sụt giảm cũng đã đẩy Phố Russell ở Vịnh Causeway, một trung tâm bán lẻ sôi động khác của Hong Kong, khỏi vị thế khu mua sắm đắt đỏ nhất thế giới. Điều này gây thêm không ít áp lực cho các chủ đầu tư giảm giá cho thuê.
Ông Wong kết luận: “Triển vọng ảm đạm cùng sự cạnh tranh từ thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ mặt bằng trống ở các con phố đắc địa vẫn sẽ tiếp tục tăng, trong khi giá thuê cửa hàng trên các đường phố chính sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm 2020.”