Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ. Điều gì sẽ xảy ra cho ngành xa xỉ?
Joe Biden vừa đắc cử Tổng thống thứ 46 của Mỹ, Kamala Harris vào vị trí Phó Tổng thống – trở thành phụ nữ da màu đầu tiên làm Phó Tổng thống.
Những điểm chính yếu
- Một cuộc khảo sát của Glossy/Modern Retail cho thấy 46,8% những người được hỏi đồng ý rằng nền kinh tế Mỹ sẽ cải thiện với chiến thắng của Biden. Chỉ 12,9% số người bày tỏ sự tin tưởng tương tự đối với Trump.
- Mặc dù Biden không đem đến bất kỳ sự cải thiện mạnh mẽ nào trong mối quan hệ Mỹ – Trung, người ta vẫn cho rằng giọng điệu và cách tiếp cận của ông sẽ giúp ổn định quỹ đạo tiêu cực trong mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua.
- Kế hoạch thuế của Biden có thể gây ra một vài biến động trên thị trường chứng khoán và tác động đến xu hướng, khả năng chi tiêu các mặt hàng tùy ý – bao gồm hàng xa xỉ.
2020 có vẻ là một năm quá dài với nhiều sự kiện xảy ra liên tục. Tuy nhiên, trước khi nó kết thúc, chúng ta vẫn còn một mùa đông để chống chọi với dịch Covid-19 và đón đợi kết quả từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Hiện tại, ứng cử viên Đảng Dân chủ, Joe Biden, đã thắng áp đảo với số phiếu 290, trong khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đến từ Đảng Cộng hòa đang dừng ở con số 214. Tuy nhiên, nước Mỹ vốn có lịch sử lâu đời về những cuộc bầu cử gây tranh cãi và chúng ta cùng chờ xem đâu mới là điều chắc chắn.
Nhiều cử tri (và cả thế giới) có vẻ đang hy vọng nhìn thấy một ứng cử viên Đảng Dân chủ mang đến điều khác biệt cho Nhà Trắng. Và với sự tín nhiệm của mình, Biden đã lựa chọn ứng cử viên Phó Tổng thống một cách thông minh – Kamala Harris là người phụ nữ da màu đầu tiên có vé tham dự vào cuộc chơi lớn. Với những cử tri đã mệt mỏi với cuộc đấu đá chính trị, Biden là một sự lựa chọn an toàn, một chính trị gia giàu kinh nghiệm với 36 năm làm việc tại Thượng viện và 8 năm làm Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Đây không phải là lần đầu tiên Biden chạy đua cho vị trí Tổng thống. Ông đã từng tranh cử vào năm 1988, 2008 và 2016. Giờ đây, ông trở lại và câu hỏi đặt ra là: các chính sách ông đưa ra liệu có thực sự tốt hơn Trump?
Trên thực tế, các chính sách xanh mà Biden đưa ra trong suốt chiến dịch tranh cử không chỉ mang lại hy vọng cho nền kinh tế và môi trường, mà còn là tia sáng cho ngành công nghiệp thời trang nói riêng và ngành công nghiệp xa xỉ nói chung. Nhiều nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp thời trang đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Hilary Clinton vào cuộc tranh cử năm 2016, trong đó có Ralph Lauren và Calvin Klein. Thời trang đã tham gia vào cuộc bầu cử chính trị; ngày càng nhiều công ty và người có ảnh hưởng trên khắp nước Mỹ kêu gọi những người theo dõi bỏ phiếu qua trang Instagram của họ.
Julie Gilhart, Chủ tịch Tomorrow Projects và Giám đốc Phát triển của Tomorrow Ltd., cho rằng rằng Biden đang có những “tương tác tốt với các thương hiệu hàng đầu trên nhiều phương diện. Điều này bao gồm ủng hộ bộ sưu tập quần áo và phụ kiện mang tên ‘Believe in Better’ của Quỹ Biden Victory Fund, thu hút sự quan tâm từ một số nhà thiết kế nổi tiếng như Thom Browne, Tory Burch,…”
Gần 20 nhà thiết kế nổi tiếng, từ Jason Wu đến Vera Wang đã ủng hộ chiến dịch của Biden. Donna Karan, Michael Kors và Anna Wintour cũng đã gia nhập đội ngũ. Siêu mẫu Karlie Kloss, em dâu của cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner cũng gia nhập từ tháng 9. Bản thân Biden không hề xa lạ với ngành công nghiệp thời trang – con gái ông, Ashley, sở hữu một thương hiệu áo hoodie có ý thức mang tên Livelike.
Một cuộc khảo sát của Glossy/Modern Retail cho thấy 46,8% những người được hỏi đồng ý rằng nền kinh tế Mỹ sẽ cải thiện với chiến thắng của Biden. Chỉ 12,9% số người bày tỏ sự tin tưởng tương tự đối với Trump.
Biden có thể làm giảm căng thẳng Mỹ – Trung hay không?
Nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc. Phần lớn trọng tâm trước mắt của Biden sẽ là các vấn đề nội bộ trong nước và cả ông lẫn Trump đều thể hiện sự thiếu quan tâm đến thương mại quốc tế như nhau. Frank Lavin, Người sáng lập và Chủ tịch của Export Now (Công ty Thương mại điện tử Trung Quốc và Gia nhập thị trường) cho rằng sẽ có “ít thay đổi” diễn ra trong lĩnh vực này nếu như Biden nhậm chức.
Ông giải thích thêm về nhận định này: “Chiến thắng của Biden sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề địa chính trị trong mối quan hệ phức tạp này. Nhưng giọng điệu và diễn ngôn công khai giữa hai nước (có lẽ) sẽ được cải thiện . Rất khó để cải thiện rõ rệt mối quan hệ, nhưng ít nhất chúng ta sẽ có thể đưa quỹ đạo tiêu cực của những nằm gần đây về hướng ổn định.”
Trong khi đó, những luận điệu chống Trung Quốc của Tổng thống Trump có thể được nhìn nhận qua lăng kính của chính quyền Obama và Clinton. Obama mở rộng thương mại toàn cầu, bao gồm với cả Trung Quốc. Đặc biệt, dưới nhiệm kỳ của các tổng thống này, Trung Quốc nổi lên như một ngôi sao kinh tế. Trump đã coi sự phát triển của Trung Quốc dưới thời các nhà lãnh đạo này là một mối đe dọa đối với thế giới.
Gilhart cho rằng Biden sẽ “có một cách tiếp cận cân đối hơn giữa thương mại trong nước và quốc tế.” Bà trích lời của một trong những Cố vấn Kinh tế Cấp cao của Biden, Ben Harris. Harris từng nói rằng: “Biden không làm thương mại một cách mù quáng, nhưng ông ấy cũng không muốn thu mình với thế giới như cách Tổng thống Trump đã làm.”
Ngoài ra, mặc dù gọi cuộc chiến thương mại của Trump là “tự hủy hoại”, Biden vẫn chưa hề cam kết loại bỏ thuế quan. Trung Quốc đặt ra “mối đe dọa hiện hữu”. Nhưng Lavin vẫn bày tỏ niềm lạc quan, cho rằng bất kể thuế quan có được cắt giảm hay không, và virus có ảnh hưởng như thế nào, thì khách du lịch Trung Quốc có khả năng cao sẽ quay trở lại thị trường Mỹ nhiều hơn dưới thời của Biden.
“Bất kỳ bước đi nào giúp hạ nhiệt mối quan hệ này sẽ tạo ra sự thúc đẩy cho du lịch. Biden sẽ giúp nước Mỹ bớt đối đầu với các nước hác nhờ vào tính cách và lối cư xử ôn hòa hơn”, Lavin tiếp lời.
Ý nghĩa chiến dịch “Build Back Better” cho ngành thời trang của Mỹ
Chiến dịch “Build Back Better” và các chính sách của Biden được cho là ủng hộ hàng hóa sản xuất và mua bán ở Mỹ theo cách ít căng thẳng hơn chính sách MAGA của Tổng thống Trump. Gilhart cho rằng các đề xuất của Biden thể hiện mục tiêu “khuyến khích các công ty Mỹ phát triển công việc và xây dựng ngành công nghiệp tại Mỹ”.
Bà tiếp tục: “Gần đây, Gabriela Hearst đã nói về thực tế là hơn 400.000 doanh nghiệp nhỏ trên khắp đất nước đã sụp đổ dưới sự quản lý của Trump trước cuộc khủng hoảng hiện tại. Nhiều doanh nghiệp trong số này là một phần của ngành công nghiệp thời trang. Sản xuất trong nước sẽ làm giảm đáng kể khó khăn do Covid-19 gây ra.”
Các kế hoạch trả công của Biden sẽ có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế nội địa của Mỹ, buộc các cá nhân và tập đoàn giàu có ở Mỹ đóng một khoản thuế phù hợp. Theo Tommy Wu, Chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics, điều này nhìn chung sẽ giúp các hộ gia đình Mỹ trở nên khá giả hơn, “bao gồm cả người tiêu dùng xa xỉ”.
Wu dự đoán dưới thời của Biden “Mỹ có thể sẽ hình thành một ‘mặt trận chung’ với sự hỗ trợ từ các đồng minh truyền thống trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc”, mặc dù ông không mong đợi “sự tách rời đáng kể” nào sẽ xảy ra. Nếu có, nó sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn cho ngành công nghiệp thời trang xa xỉ.
“Sự tách rời sẽ thúc đẩy các thương hiệu nội địa của Trung Quốc phát triển, vì họ sẽ chuyển dần sang các công ty đó để có thể gia tăng nhanh chóng ở một mức độ nào đó. Điều này sẽ dẫn đến cạnh tranh ngày càng tăng cho các thương hiệu xa xỉ phương Tây.”
Sau bầu cử, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn là chủ chốt
Các chuyên gia xa xỉ vẫn cho rằng Trung Quốc đóng vai trò lớn trong thị trường xa xỉ. Năm 2019, người tiêu dùng Trung Quốc tạo ra 35% chi tiêu cho xa xỉ toàn cầu – trong khi người tiêu dùng Mỹ chỉ tạo ra 22%. Đây là điều đã diễn ra trước Covid-19, và với sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc trước cơn “bạo bệnh” của phương Tây, các thương hiệu Tây phương đang dần chấp nhận thực tế rằng Trung Quốc góp phần quan trọng cho doanh thu của họ, và họ cũng đang có tiềm lực cho những thương hiệu nội địa riêng.
Chuyên gia phân tích xa xỉ, Flavio Cereda-Parini, Giám đốc điều hành của Jefferies International Limited, nói rằng: “Các thương hiệu xa xỉ (trừ thương hiệu niche) cần phải tạo được mối quan hệ tốt ở Trung Quốc nếu muốn duy trì hoạt động. Chúng ta đã thấy điều này diễn ra như thế nào trong năm 2020. Nếu bạn bị tụt tụt so với thời trước Covid-19, đó sẽ là một thảm họa. Khoảng cách đang ngày càng trở nên quá lớn.”
Hơn nữa, nếu một thương hiệu muốn tập trung cho người tiêu dùng tại một thị trường nhưng chính phủ của họ lại chống đối lại đất nước đó thì sẽ gây cản trở cho các doanh nghiệp. Cereda-Parini giải thích: “Lĩnh vực hàng xa xỉ cá nhân hoàn toàn thuộc về châu Á. Nước Mỹ đang chống chọi và châu Âu sẽ dần phục hồi, nhưng các thị trường này đã ngừng phát triển trong vòng nhiều năm. Du khách Trung Quốc là những tia hy vọng lớn.”
Những tiềm năng cho người bán đang dần được mở ra, và phần lớn thị phần thu được của các thương hiệu đều đến từ châu Á – cụ thể hơn là Trung Quốc. Cereda-Parini chỉ rõ: “Trong các trung tâm thương mại hạng sang (tại Trung Quốc), 10 thương hiệu hàng đầu kiếm được 45% doanh thu của họ, nhưng giờ đây con số này là 65 hoặc 70%.”
Vấn đề cuối cùng là biến động của thị trường chứng khoán. “Ở Mỹ, của cải gắn liền với thị trường chứng khoán nhiều hơn so với châu Âu, nơi đánh thuế tài sản rất cao. Những thay đổi trong thị trường chứng khoán sẽ có tác động lớn đến xu hướng và khả năng chi tiêu tùy ý, bao gồm chi tiêu xa xỉ”, Cereda-Parini tóm tắt.
Trong và ngoài các hồ sơ báo cáo đều tồn tại một nhận định về bức tranh xấu xí trong trường hợp Tổng thống Trump tái đắc cử – nhiều bất ổn xã hội sẽ xảy ra; các nhà bán lẻ bị ngưng đọng và các thương hiệu phải chuẩn bị kế hoạch đối đầu khủng hoảng.