BUSINESS OF LUXURY

Đánh thuế CO2 tại Pháp, các hãng siêu xe đối mặt mức chi phí khổng lồ

Oct 14, 2020 | By Stephanie Nguyen

Pháp, thị trường siêu xe lớn thứ hai tại Châu Âu đang kế hoạch áp thuế khá lớn lên lượng khí thải CO2 từ các phương tiện đi lại, đặc biệt là siêu xe.

Tác phẩm điêu khắc chiếc Porsche 911 bên ngoài trụ sở chính của hãng ở Stuttgart, Đức. Ảnh: Andreas Gebert/Bloomberg

Quốc hội Pháp đang dự thảo một đạo luật mới có thể buộc người mua xe phải xem xét lại việc mua các mẫu Porsche, Ferrari hoặc Lamborghini sử dụng xăng làm chất đốt. Cụ thể, “malus”, hay mức phạt mà người tiêu dùng phải chi trả dựa trên lượng khí thải CO2 của xe họ có thể lên đến 50.000 EUR (59.000 USD) vào năm 2022. Trong khi các quốc gia khác tại Châu Âu cũng đã áp dụng thuế đặc biệt đối với lượng khí thải CO2 từ xe hơi cá nhân, thì mức thuế này có thể nói là vô cùng đắt đỏ tại Pháp. Hiện tại, mức thuế tối đa của Pháp cho vấn đề này là 20.000 EURO (23.628 USD) trong khi tối đa ở Bỉ và Ý là 2.500 EURO (2.953 USD).

Chi phí đắt đỏ cho khí thải xe hơi

Trong những năm tới, Pháp có kế hoạch tăng thuế cao hơn đối với các phương tiện gây ô nhiễm.

Felipe Munoz, chuyên gia phân tích tại Jato Dynamics, cho biết: “Đây sẽ là tin tức khá tệ đối với các hãng siêu xe và xe sang, đồng thời có thể là sự kết thúc cho việc trưng bày các siêu xe nhập khẩu từ nước ngoài.”

Các chính phủ trên thế giới đang tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau để đẩy nhanh sự thay thế động cơ đốt trong, loại động cơ phát ra nhiều khí CO2 gây ô nhiễm nặng nề cho không khí. Bang California đã ban lệnh cấm hoàn toàn loại động cơ này đến năm 2035, trong khi Trung Quốc đã đầu tư đến 30 tỷ USD cho ngành công nghiệp xe điện. Tại Châu Âu, các khoản trợ cấp cho xe hybrid và xe chạy hoàn toàn bằng pin phát triển mạnh từ mùa hè năm nay.

Nếu đạo luật mới tại Pháp được thông qua, áp lực lên ngành công nghiệp siêu xe từ Kế hoạch Mục tiêu Khí hậu 2030 của Liên minh Châu Âu sẽ ngày càng lớn. Kế hoạch này kêu gọi khối Liên minh giảm lượng khí thải CO2 xuống còn 55%, thay vì 40% như trước kia. Để đạt được điều này, các nhà sản xuất siêu xe cần loại bỏ dần động cơ đốt trong để tiến đến mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải CO2 vào năm 2021.

Porsche Taycan là chiếc xe chạy điện hoàn toàn đầu tiên của hãng.

Đọc thêm bài “Porsche Taycan được phân phối tại Việt Nam: Cơ hội sở hữu siêu xe điện với giá từ 5,72 tỷ VND trở lên”

Cũng theo tài liệu từ Bộ tài chính Pháp, trong vòng hai năm tới, ngưỡng tối thiểu để một chiếc xe hơi đủ điều kiện áp dụng thuế khí thải sẽ hạ xuống, trong khi mức phạt sẽ được tăng lên. Những chiếc siêu xe thải ra hơn 225 gam CO2/km sẽ bị đánh thuế tối đa 40.000 EURO (47.256 USD) vào năm tới và 50.000 EURO (59.070 USD) vào năm 2022. Mức thuế tối đa không vượt quá một nửa giá trị của chiếc xe.

Theo Bloomberg Intelligence, các dòng xe thể thao của Lamborghini, Ferrari và Porsche, cùng với các dòng xe siêu sang của Bentley, Rolls-Royce và Mercedes-Benz có khả năng nằm trong số những xe bị áp mức thuế trên.

Một số mẫu xe có thể phải chịu thuế toàn phần bao gồm Urus và Aventador của Lamborghini; Portofino và 812 của Ferrari; Porsche 718 Spyder và Porsche 911; Rolls-Royce Ghost và Rolls-Royce Cullinan; Bentley Flying Spur, AMG và dòng xe G-Class của Mercedes.

Made-in-China cars for Chinese market will be majority of GM EVs by mid-2020s - Electrek

Wuling EV là xe hơi điện bán chạy nhất ở Trung Quốc, kết quả từ sự hợp tác giữa General Motors và SAIC Motor.

Thuế suất này cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các dòng xe thể thao đa dụng phân khối lớn, mẫu xe đem lại doanh thu hàng đầu cho các thương hiệu siêu xe. Chuyên gia phân tích Munoz cho hay xe hybrid và xe điện có thể là là cứu cánh tương lai cho các thương hiệu siêu xe. Porsche đã lên mục tiêu xe điện toàn phần sẽ đóng góp một nửa doanh số năm 2025 của hãng. Daimler AG thì công bố kế hoạch ra mắt mẫu xe AMG chạy điện đầu tiên vào năm sau.


 
Back to top