Một đổi khác của Bùi Thanh Tâm trong triển lãm cá nhân lần thứ 6: Không có gì ở đằng sau
Vẫn tôn vinh những chất liệu dân gian mang tính dân tộc biểu trưng đan xen hoài niệm về nghệ thuật truyền thống, tuy nhiên lần này, “Không có gì ở đằng sau” (Nothing Behind) của Bùi Thanh Tâm, từ đề tài, nội dung tác phẩm, đến đặc điểm tạo hình đều đã hoàn toàn đổi khác.
*Lưu ý: Vì có sự thiếu sót từ Thông cáo báo chí gửi đến, chúng tôi xin được ghi rõ: TCBC được soạn bởi Đoàn Loan, từ bài của Nguyễn Như Huy.
Triễn lãm “Không có gì ở đằng sau” (Nothing Behind) diễn ra từ ngày 21/10 – 26/10/2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam số 66 Nguyễn Thái Học, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 6 của họa sĩ Bùi Thanh Tâm, và là lần thứ 3 ở trong nước.
Tất cả các vật thể tranh, thay vì được nghệ sĩ đặt trong một cấu hình đơn giản như trước đây, mà ở đó, con người luôn chiếm lấy không gian trung tâm, thì giờ đây, chúng hoặc đã bị biến mất hoàn toàn vào bề mặt của bức tranh, hoặc bị ẩn giấu, bị trộn lẫn vào vô số các vật thể, nhân vật khác. Con người đã hết còn là trung tâm quan sát của nghệ sĩ mà chỉ là một yếu tố nhỏ bé nằm trong cấu hình vô cùng phức tạp tập trung vô số yếu tố khác nữa.
Không có gì ở đằng sau: Một đổi khác của Bùi Thanh Tâm
Trong “Không có gì ở đằng sau” (Nothing Behind), các nhân vật tràn ngập trong các tác phẩm làm nên tên tuổi của Bùi Thanh Tâm trước đây – búp bê u buồn ba chiều đen tối đã biết mất, thay vào đó là vô số hình ảnh lấy ra từ kho dữ liệu dân gian. Những tâm trạng u buồn, cô độc và giễu nhại được thay thế bằng các hình ảnh ngồn ngộn ngợp mắt, đầy khoa trương. Không gian kiểu sân khấu tự sự và độc thoại được thay thế bằng không gian đại hí viện của các màn trình diễn tập thể. Và, thao tác vẽ, tô màu, được thay thế bằng thao tác cắt dán collage, tạo nên những tác phẩm siêu bề mặt tập hợp đa dạng các chất liệu, kỹ thuật dân gian.
Lựa chọn của Bùi Thanh Tâm đối với các chất liệu dân gian giờ đây không còn đơn giản chỉ là sự hoài niệm về nghệ thuật truyền thống hay niềm khích lệ cho sự giữ gìn, phát triển nghệ thuật dân gian nữa.
“Những làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh thờ Kim Hoàng (còn gọi là tranh đồ họa in khắc) hay các làng nghề thủ công truyền thống làm vàng, bạc… đã có từ lâu đời trong dòng chảy văn hóa Việt, trở thành những biểu tượng văn hoá dân gian của người Việt. Tôi, một họa sĩ Việt, thực hành việc chắp ghép tất cả những tinh tuý, đặc sắc mà các nghệ nhân dân gian nhiều đời gìn giữ, phát triển, đưa chúng vào “một định dạng mới” trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại Việt”.
Cảm hứng chất liệu dân gian trong “Không có gì ở đằng sau” (Nothing Behind) không khỏi gợi nhớ đến câu chuyện của những đối tượng đại chúng quen thuộc trong đời sống người Mỹ được họa sĩ Andy Warhol – cha đẻ của trường phái Pop Art kể lại bằng thủ pháp in ấn (đồ họa), những tác phẩm mang dấu ấn đặc biệt, ám ảnh toàn thế giới trong những năm 60 của thế kỷ trước. Hay Takashi Murakami đem những hình tượng nghệ thuật văn hóa cổ, tranh khắc gỗ Nhật Bản – một sự tiêu biểu của tranh đồ họa (in khắc) nổi tiếng thế giới – thực hành trên máy tính bằng công nghệ đồ hoạ số, và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc hàng đầu thế giới, chuyển biến song song cùng nghệ thuật Á và Âu từ thế kỷ 20 đến nay.
Bùi Thanh Tâm phát triển việc thực hành cảm hứng từ các dòng tranh dân gian truyền thống Việt Nam bằng cách cũng làm tranh bằng các phương pháp thủ công. Sử dụng, phát huy tính thủ công của nghệ nhân vàng bạc, nghệ nhân dân gian in khắc vẽ tay… kết hợp tất cả lại với nhau, biến những kỹ thuật vốn chỉ là dân gian cổ xưa trở thành nghệ thuật đương đại. Nghệ sĩ xem các buớc thực hành nghệ thuật là mấu chốt của cái gọi là nghệ thuật. Ý niệm trong nghệ thuật vượt ra khỏi những suy nghĩ đơn thuần của nghệ thuật hàn lâm với các chất liệu hội hoạ đã được định dạng.
Cách tiếp cận không gian siêu bề mặt, phi ẩn dụ, phi ý nghĩa….
Loạt tác phẩm mới nhất này của Bùi Thanh Tâm thoả mãn hoàn toàn quan niệm về diễn đạt không gian vô tận. Thế giới hoá ra không phải được đặt trong một cơ chế logic hay ngược lại. Cái thế giới mà Bùi Thanh Tâm đem lại trong triển lãm “Không có gì ở đằng sau” (Nothing Behind) có vẻ là một thế giới mà chiều sâu và bề mặt không còn ranh giới. Về bản chất, cấu trúc là một cấu trúc siêu bề mặt. Nó không phải là bề mặt chỉ có một chiều sâu bên dưới. Thực tế, dưới các bề mặt không phải là chiều sâu, mà chỉ là một hay nhiều bề mặt khác. Các bề mặt chồng lên nhau. Giữa bề mặt này và bề mặt kia không có bất kỳ quan hệ gì về mặt nghĩa. Mỗi bề mặt là một thế giới/ cõi sống/ trò chơi riêng biệt. Chúng tồn tại độc lập trong không gian vô tận.
Nếu như coi giai đoạn nghệ thuật trước đây của Bùi Thanh Tâm là chịu sự chi phối của cấu trúc logic, thì ở “Không có gì ở đằng sau” (Nothing Behind) tư tưởng nghệ thuật về thế giới của Bùi Thanh Tâm đã có sự chuyển đổi: không gian không có chiều sâu. Không gian giờ đây chỉ có các bề mặt: phi lịch sử, phi ký ức, đặc biệt là có thể dung chứa tất cả mọi nghịch lý và mâu thuẫn. Có thể coi đây là một cách tiếp cận hư vô hoá của nghệ sĩ.
Sự ra đời và phổ biến của các công cụ truyền thông đại chúng như facebook, tiktok, Instagram v.v… đã minh chứng “phương tiện (chuyên chở thông điệp) chính là thông điệp”. Bề mặt chính là đằng sau bề mặt. Không chỉ tư tưởng. Dịch covid-19 là cơ hội để ta thấy thật rõ: sự sống và sự chết, hư vô và tồn tại luôn song song kề sát nhau. Vậy… cách tiếp cận không gian siêu bề mặt, phi ẩn dụ, phi ý nghĩa… của Bùi Thanh Tâm là hoàn toàn có lý.