Điêu khắc gia Trần Văn An: Series “Mục ruỗng” thể hiện cho một xã hội đang bị đục khoét
Nhắc đến Trần Văn An, người ta nhắc đến những tác phẩm điêu khắc sắt thép vừa vạm vỡ trầm tĩnh, vừa mềm mại tình cảm… Trong thời gian gần đây, phương thức biểu đạt mới của anh tập trung vào những khối tròn to nhỏ đầy ám ảnh, gợi những suy tư sâu sắc về xã hội, môi trường, nhân sinh,…
Trong những năm gần đây, nhà điêu khắc Trần Văn An tập trung sáng tác series nào và ý niệm đằng sau đó là gì thưa anh?
Trước khi đi vào trọng tâm câu hỏi này, có lẽ, tôi muốn làm rõ một chút về các giai đoạn sáng tác của mình kể từ khi tham gia hoạt động nghệ thuật từ năm 2010 tới bây giờ.
Từ năm 2010 đến năm 2015 là giai đoạn sáng tác đầu tiên của tôi với những hình khối hình học tối giản, trừu tượng mang tính lý trí, thể hiện muôn vàn xúc cảm nội tâm hay suy tư về những vấn đề của đời sống xã hội. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Lớp bụi thời gian (2012, chất liệu sắt hàn và gương kính) đang trưng bày tại không gian ngoài trời của Bảo tàng không gian Văn hoá Mường, Lớp vỏ (2013, chất liệu sắt hàn), tác phẩm đạt giả nhì Triển lãm 10 năm điêu khắc 2003 – 3013, đang trưng bày tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Giãn nở (2015, chất liệu sắt hàn) thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Từ năm 2015 – 2018 là giai đoạn sáng tác thứ hai của tôi với việc tập trung khai thác những hình thể thực vật trong thiên nhiên để đưa vào tác phẩm bằng ngôn ngữ điêu khắc cô đọng mang tính khái quát cao. Tất cả thể hiện qua series “Mùa hoa”, lấy cảm hứng từ những thân cây, búp lá, nụ hoa bởi tôi quan niệm chúng luôn ấp ủ nguồn năng lượng mạnh mẽ đợi ngày bung nở và hướng tới tương lai mới tốt đẹp hơn. Tác phẩm tiêu biểu và cũng là tác phẩm đầu tiên trong series này là Mùa hoa (2015, chất liệu nhôm đúc) đang trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Flamingo.
Từ năm 2018 đến nay, tôi đi tìm dạng thức biểu đạt mới trên con đường sáng tạo của mình. Từ những vết hàn kim loại trên các tác phẩm của hai giai đoạn trước, tôi nghĩ rằng vết hàn không chỉ đơn giản là để kết nối các mảnh kim loại vào nhau mà còn chứa đựng tiếng nói riêng. Vì vậy, tôi biến chúng thành những khối chấm tròn nổi trên toàn bộ bề mặt tác phẩm với các kích thước to nhỏ khác nhau. Người xem có cảm nhận tác phẩm ấy được tạo thành từ hàng nghìn khối chấm nhỏ. Tôi đã công bố dạng thức biểu đạt này trong triển lãm cá nhân “Tiếng vọng” vào năm 2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tôi quan niệm rằng mọi vật đều tạo thành từ những hạt rất nhỏ gắn kết với nhau, vì vậy tôi đã tỉ mỉ tạo ra những chấm hàn trên toàn bộ bề mặt tác phẩm.
Anh có thể chia sẻ chi tiết hơn về quá trình tạo tác và ẩn ý đằng sau những tác phẩm Mục ruỗng gần đây?
Vẫn thuộc hành trình đi tìm dạng thức biểu đạt, tôi đã công bố những tác phẩm “Mục ruỗng” từ 1 – 5 trong triển lãm Nghệ sĩ trẻ Việt Nam và triển lãm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn vừa qua. Chúng thuộc series “Mục ruỗng” mà tôi đã làm và đang tiếp tục triển khai. Trong series này, tôi sử dụng kỹ thuật khoan trên chất liệu gỗ để tạo hình tác phẩm. Mỗi tác phẩm được tạo hình với nhiều lỗ khoan to, nhỏ khác nhau, tượng trưng cho dạng thức biểu đạt mới và khái quát những quan sát của tôi từ ký ức đến hiện tại.
Trong ký ức của tôi hiện lên những năm mất mùa đói kém do loài chuột bọ, sâu bệnh phá hoại mùa màng. Chúng chích hút và truyền bệnh virut làm cho thân cây lúa và loại hoa màu khác mục ruỗng và chết đi. Chúng như một thứ dịch bệnh không thể chặn đứng.
Trong hiện tại, tôi thấy con người ngày nay đang đứng trước nhiều cám dỗ về tiền bạc, địa vị, vật chất cũng như tinh thần: nạn tham nhũng đục khoét ngân khố quốc gia của một số bộ phận quan chức nhà nước; sự suy đồi xuống cấp đạo đức và nhận thức sai lệch của con người bởi sự xâm lấn của những nguồn văn hoá độc hại khiến con người ngày càng trở nên vô cảm; ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng bởi nạn phá hoại môi trường; tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt bởi sự khai thác vô độ của con người; nguồn lương thực, thực phẩm ôi thiu tẩm ướp hoá chất ngày càng nguy hại ngay trên bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình bởi sự chạy theo lợi nhuận kinh tế của người sản xuất, bất chấp sức khoẻ của người tiêu dùng… Tất cả đang diễn ra trong xã hội hôm nay. Vì vậy, tôi đã chọn từ “mục ruỗng” để đưa vào tác phẩm của mình bằng những lỗ khoan chi chít nhằm khái quát những vấn đề trên.
Tác phẩm “Mục ruỗng” cũng giống như một xã hội đang bị đục khoét, mục ruỗng và phân huỷ nếu như con người không biết làm chủ nhận thức, điều chỉnh thái độ và hành vi của mình.
Một chất liệu đi cùng anh theo năm tháng? Và cuộc chơi với chúng thú vị như thế nào?
Tôi luôn hứng thú với chất liệu kim loại, đặc biệt là sắt. Chất liệu này đã đồng hành cùng tôi kể từ khi còn là một sinh viên điêu khắc. Sắt thép mang tính công nghiệp bền vững, nặng nề, lì lợm, lạnh lùng, cứng rắn và sắc lạnh. Tôi thích những đặc tính đó. Với chất liệu này, mỗi nghệ sĩ đều có những cách xử lý riêng; người giữ nguyên vẻ nặng nề, lì lợm và lạnh lùng; người xử lý chúng trở nên nhẹ nhàng bay bổng; có người thì coi sắt thép như một kết cấu bền vững… Còn tôi thì làm cho sắt thép trở nên mềm mại và tình cảm hơn trên tác phẩm. Nhiều người nói rằng thể trạng của tôi phù hợp với chất liệu sắt. Có lẽ là vậy bởi tôi thích các đặc tính của nó.
Với sắt, tôi có thể thoả sức biến tấu. Nếu lỡ tay đục vỡ đá, bạn khó có thể lấy lại nhưng sắt cho phép tôi hàn ghép thoải mái mà không ảnh hưởng đến kết cấu và thẩm mỹ. Nếu gốm bị hạn chế về hình dáng và kích thước tác phẩm bởi nhiệt độ và lò nung thì sắt cho phép tôi làm tác phẩm ở bất kỳ hình dáng và bất chấp mọi kích thước. Nếu gỗ có thể bị cong vênh, nứt nẻ, mối mọt ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và độ bền của tác phẩm thì sắt đem đến sự cứng rắn, liền lạc và bền vững…
Khi làm việc với sắt xoắn, tôi tìm thấy sự khoẻ mạnh, vạm vỡ và cơ bắp bởi chính bản thân nó toát ra; khi làm việc với sắt tấm, tôi thấy mình như mảnh ghép trong xã hội bởi chính những lúc cắt và ghép chúng lại, tôi thấy mình ở trong đó; khi làm việc với khối sắt đặc, tôi tìm thấy sự trầm tĩnh của nhân sinh bởi sức nặng và sự lầm lì của nó…
Cảm giác như kiến trúc hiện đại phảng phất phần nào đó trong linh hồn điêu khắc của anh.
Ngột ngạt, bức bối, thiếu sinh khí là cảm nhận trong tôi khi nghĩ về những toà kiến trúc hiện đại trong các thành phố lớn hiện nay. Tôi thường mượn hình ảnh của chúng để đưa vào tác phẩm của mình nhằm gửi gắm suy tư về sự phát triển đô thị ngày nay.
Ở tác phẩm Lớp vỏ (2013), tôi tạo hình một khối kiến trúc hình vuông với lớp vỏ bên ngoài là những kết cấu xây dựng xếp chồng lớp lên nhau, tượng trưng cho các giàn giáo bao quanh toà nhà trong quá trình xây dựng và khi lớp vỏ bong ra cũng là lúc công trình hoàn thành. Tổng thể tác phẩm là khối vuông nặng nề, bức bối, gợi cho người xem về cuộc sống ngột ngạt của con người nơi các thành phố lớn hiện nay.
Trong khi đó, Dự án mới (2014) nổi bật với hai toà tháp đứng cạnh nhau, bên dưới hai toà tháp là những kết cấu xây dựng nhấp nhô. Tác phẩm như một dự án xây dựng dở dang, ngổn ngang và bộn bề, gợi người xem về bao vấn đề bất cập trong quá trình đô thị hoá với những dự án bỏ hoang, trái phép, thiếu quy hoạch và thiếu đồng bộ.
Ngoài ra, tôi cũng đã thực hiện một tác phẩm mới có tên Bụi trong thành phố (2020), chuẩn bị trưng bày trong triển lãm Mỹ thuật Việt Nam sắp tới.
Anh đã lựa chọn xử lý màu sắc trên điêu khắc như thế nào để ý niệm tác phẩm trở nên rõ ràng?
Khi màu sắc tự thân của chất liệu đã đủ mạnh, tôi để nó tự cất tiếng nói trên tác phẩm đó. Khi tác phẩm cần thêm sức hút thị giác hay sự tương phản nào đó, tôi sử dụng thêm màu sắc để cộng hưởng với màu tự thân của chất liệu.
Tôi cũng thường sử dụng màu đơn sắc để phủ lên tác phẩm điêu khắc của mình nhưng tôi dùng kỹ thuật lấy đi, tức mài bớt màu sắc bám trên bề mặt tác phẩm để lộ ra màu sắc của chất liệu, lúc này những màu còn lại hoà sắc với màu tự thân của chất liệu, tạo nên sự đa sắc và hiệu quả thị giác mới.
Tôi thích kết hợp thêm màu sắc trên tác phẩm nhưng chỉ điểm xuyết bởi bản thân thích màu sắc tự thân của chất liệu hơn và muốn giữ lại giá trị nguyên bản ấy.
Một sự kiện bước ngoặt trên con đường sáng tạo của anh?
Tôi đã tham nhiều workshop nghệ thuật và symposium điêu khắc nội địa và quốc tế. Mỗi sự kiện đều mang lại những trải nghiệm và thay đổi thú vị trong cách nhìn nhận cũng như tư duy nghệ thuật.
Nhưng có lẽ, sự kiện đặc biệt nhất là Diễn đàn Thanh niên Thế giới tại Ai Cập vào năm 2019. Ban tổ chức mời 195 nghệ sĩ điêu khắc đại diện cho 195 quốc gia, trong đó, tôi đại diện cho Việt Nam đến sáng tác về chủ đề trái tim con người để trưng bày trong Đài tưởng niệm hồi sinh nhân loại tại Sharm El Shikh – Ai Cập. Tại đây, mỗi nghệ sĩ thực hiện một tác phẩm trái tim theo ý tưởng và phong cách tạo hình của mình với kích thước quy định 40cm x 20cm x 20cm trên chất liệu tuỳ chọn.
Trong 20 ngày làm việc và tham gia diễn đàn, tôi được giao lưu, chia sẻ nghề nghiệp với các nghệ sĩ điêu khắc đến từ các quốc gia khác nhau. Tôi rất ấn tượng với tác phong làm việc chuyên nghiệp của họ, mỗi người đều sở hữu phong cách sáng tác riêng biệt cùng sự nghiệp nghệ thuật đáng nể. Bên lề sự kiện, tôi cũng dành thời gian thăm quan Bảo tàng King Tut Museum, Nhà thờ Thiên đường The Heavenly Cathedral, Nhà thờ hồi giáo và các địa điểm văn hoá khác tại Sharm El Shikh – Ai Cập. Một mình đặt chân đến đất nước Ai Cập – vùng đất đầy kỳ bí này để tham gia sự kiện nghệ thuật với các nghệ sĩ đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia, tôi có cơ hội va chạm nhiều hơn và cảm thấy trở nên mạnh mẽ, tự tin và trưởng thành hơn trong tư duy sáng tạo.
Anh có thể chia sẻ dự án/ý tưởng sắp tới được chứ?
Tôi đang chuẩn bị cho triển lãm cá nhân lần thứ hai dự định diễn ra trong năm sau. Nếu đại dịch qua đi, tôi sẽ tham gia syposium điêu khắc tại Đan Mạch và tại Ý vào năm 2021. Ngoài ra, tôi đang đợi kết quả lựa chọn từ ban tổ chức của một vài symposium khác tại những quốc gia khác mà tôi đã gửi hồ sơ tham gia.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị nhé!