Thiết kế vòm & Những công trình biểu tượng
Khi nói đến các chi tiết kiến trúc, chúng ta sẽ không quên nhắc đến thiết kế vòm (arch), vốn xuất hiện từ rất lâu, khoảng đầu thiên niên kỷ thứ 2 trước công nguyên, từ kiểu kiến trúc sắp xếp những viên gạch ở Lưỡng Hà và việc sử dụng có hệ thống bắt đầu từ cư dân La Mã cổ đại.
Kinh nghiệm của người xưa đã chỉ ra rằng cấu trúc vòm chưa bao giờ lỗi thời, thậm chí còn được nâng tầm thẩm mỹ qua từng giai đoạn. Trong thời hiện đại như thế kỷ 21, kết cấu vòm được ứng dụng phổ biến trong thiết kế nhà ở nói riêng và ở các công trình dân dụng nói chung. Nhờ đặc trưng đường cong, thiết kế này góp phần tăng thêm nét quyến rũ và uyển chuyển nhịp nhàng cho không gian đơn giản.
Như gần đây, Peter Morris Architects đã tiết lộ công trình với mặt tiền tạo thành từ những mái vòm màu hồng. Mục đích của đội ngũ là tạo ra một tòa nhà mang lại niềm vui và sự thích thú cho khu dân cư. Chính những mái vòm tại Nhà thờ St Martin (đối diện với địa điểm) đã trở thành nguồn cảm hứng mái vòm cho nhiều ngôi nhà quanh đó. Văn phòng kiến trúc này đã lên ý tưởng khám phá hình dạng vòm ở cả nội và ngoại thất của Nhà thờ ST Martin đối diện nhưng hiện đại hóa và đơn giản hóa hơn.
Glebe House cũng là một nhà ở biểu tượng khác nổi bật với sân hiên kiểu Victoria và cửa sổ vòm bắt mắt. Ở các mặt đứng, những hình khối vòm này lật ngược để tạo ra các cửa sổ lớn trên cao với tầm nhìn ra đường chân trời Sydney. Các lỗ mở hình vòm cũng tạo ra khoảng trống giữa hai tầng của tòa nhà, được nhấn nhá bởi cầu thang xoắn ốc. Các cửa sổ hình vòm trên cao sắp xếp với các đường cắt hình vòm trong tấm sàn để tạo ra khoảng trống bên trong không gian ba chiều. Bên trong tòa nhà, bố cục được giữ đơn giản, cho phép thể hiện đầy đủ hình dạng mái vòm.
Khi nhắc đến kết cấu vòm ở không gian bên trong, chúng ta không thể bỏ qua nhà hàng Maison Francois ở London, nổi bật với những mái vòm cao vút gợi nhớ đến công trình biểu La Fabrica của kiến trúc sư lừng danh Ricardo Bofill. Những cửa sổ hình vòm cao mảnh khảnh của La Fabrica đã được tái hiện bên trong Maison Francois, nơi có những bức tường trát vữa màu đất nung với các hốc lõm hình vòm nông.
Tại Indonesia, chúng ta có dịp gặp gỡ kiến trúc sư yêu thích mái vòm – Realrich Sjarief. Sở thích này của ông được biểu hiện qua một công trình nhà ở kết hợp studio biểu tượng tại Jakarta, nổi bật với các cửa sổ hình tròn và hình vòm như cây cầu kết nối giữa bên trong và bên ngoài. Phòng khách và phòng ăn ở tầng trệt tòa nhà dẫn vào cánh cửa hình dạng vòm dây xích và cửa sổ tròn bao bọc bởi cặp cửa hình vòm nhìn ra hồ bên ngoài. Nhờ các hình dạng uốn lượn này, chất liệu bê tông không còn khô khan nữa mà trở nên tự nhiên hơn.
Những thiết kế “cổng vòm” bên trong nhà như một lối dẫn vào những không gian riêng tư, công trình Toronto của StudioAC này là một ví dụ điển hình. Thiết kế vòm này còn khiến tính tối giản bớt đi sự đơn điệu.